Nhà biên kịch Quý Dũng: Sau những khoảng lặng buồn tênh

Thứ Hai, 19/09/2011, 14:46
Quý Dũng không quá đặc biệt, nếu nói trên phương diện một người viết. Nhưng, thời gian qua, anh đã làm được một điều khiến khán giả phải thừa nhận, những phận đời bị bỏ rơi, những số phận không may và đặc biệt là đề tài hoàn lương của những kẻ tù tha trong những kịch bản anh viết rất đời, tạo được niềm tin nơi khán giả.

Hàng loạt những kịch bản của anh đang được dựng thành phim, đặc biệt là những bộ phim hành động - võ thuật.

Cuộc đời lênh đênh và những khoảng lặng buồn tênh

Quý Dũng chẳng bao giờ nghĩ mình lại trở thành nhà biên kịch vì anh không hề được đào tạo chuyên môn về nghề này. Nó đến với anh đơn giản như một cơ duyên.

"Tôi lớn lên chỉ biết mình quê quán ở Đồng Tháp, nhưng sinh ra và lớn lên tại Gia Lai, có thời gian sinh sống ở Đà Nẵng, Long An rồi cuối cùng dừng chân, lập nghiệp tại TP.HCM", anh "khai báo" về mình. Thấy cũng có chút năng khiếu vẽ nên anh nghe lời bạn thử thi Trường Kiến trúc, ai ngờ lại thi đậu, và chính vì thế sau này nó đã giúp anh mưu sinh được một thời gian bằng nghề chép tranh, vẽ phim hoạt hình…

Từ lúc lên Sài Gòn học (1985), rồi lập gia đình (năm 1996) cho đến mãi tận năm 2008 anh mới thoát khỏi kiếp ở nhà thuê. Anh bảo có lẽ gần như tất cả các quận huyện ở thành phố này đều có mặt anh, hết chuyển chỗ trọ này đến chỗ thuê khác. Một thời gian dài, Quý Dũng lăn lóc với cuộc đời qua những nghề như cò xe máy, chép tranh…

Có lúc cuộc sống của anh đã rơi vào cảnh khốn khó đến tận cùng. Có một lần vợ anh (khi ấy đang là giáo viên) bị bệnh trên gác mà dưới nhà thì anh trai đang ngồi tiếp bạn bè. Anh buộc phải lẳng lặng đưa vợ ra ngoài kêu xe đi cấp cứu. Tới đó, anh đành kêu mẹ vợ tới trông giúp để về nhà đi đón con nhỏ học mẫu giáo. "Nhưng thực ra lúc đó là mình kêu má vợ tới để trả tiền giúp, vì thực sự chỉ còn hai ngàn đồng trong túi. Trên đường về mình đắn đo, rồi quyết định mua ổ bánh mì cho nhóc con 3 tuổi ăn tối cho đỡ đói lòng. Khi đó, thực sự là buồn lắm và nghĩ không ngờ cuộc đời mình lại rơi vào nỗi khốn cùng như vậy. Bạn bè vẫn bảo, mình nhiều tài lẻ, vẽ tranh, làm thơ, viết báo... ai ngờ có ngày không đủ tiền mua nổi ổ bánh mì cho con.

Khi kể về chuyện mua được nhà, anh bật cười, hồi ấy vợ chồng anh ở căn nhà thuê tại quận Tân Bình (cũng chính là căn nhà của vợ chồng anh bây giờ), bà chủ nhà không chồng cũng trạc tuổi anh (sinh năm 1962), tính tình khá thoải mái, có lần tạt qua thu tiền nhà, bà vui miệng nói "anh mua nhà tôi bán cho, giá 22 cây vàng (hồi ấy tương đương 120 triệu).

Nghe thế, anh mới nói đùa: "Vậy chị cho tôi trả trước một nửa đi, còn lại thì tôi trả từ từ được không?". Bà chỉ cười cười rồi về. Bẵng đi hai tháng sau không thấy bà xuống lấy tiền nhà, anh mới gọi điện cho bà hỏi: "Bây giờ chị không xuống lấy tiền nhà, tôi biết chị đâu mà trả". Bà ấy ngạc nhiên nói: "Tôi hứa bán cho anh rồi mà, anh còn không biết lo chạy tiền trả cho tôi nữa".

Anh ngẩn người nghĩ đàn bà người ta còn nói như vậy được, mình là đàn ông mà hứa kiểu giỡn chơi thì sau này làm sao nhìn mặt nhau được. Thế là vợ chồng anh chạy đôn chạy đáo mượn chỗ này kia nhưng chẳng mượn được bao nhiêu. Biết chuyện của anh, người chị ở Mỹ đã gửi tiền về cho vợ chồng anh mua được căn nhà đó.

"Nhưng cuộc đời cũng có những lúc vui buồn lẫn lộn, bởi nhiều khi nửa đêm chị ấy từ nước ngoài gọi điện về bảo phải bán nhà để gửi tiền qua cho chị, rồi ba, bốn ngày sau lại không thấy chị nhắc nữa. Rồi cũng đến một ngày chị ấy quyết định chỉ cho vợ chồng tôi một nửa giá trị căn nhà, còn lại phải trả cho chị ấy, nhưng khổ nỗi lúc đó giá trị căn nhà đã lên tới hơn 1 tỷ đồng. Thực sự tôi cảm thấy tối mắt tối mũi, vì mọi sinh hoạt của gia đình đang ổn định, hộ khẩu đã chuyển về căn nhà này, con cái học hành cũng quen rồi... Tính tới tính lui, tôi quyết định cầm cố căn nhà. Đầu tiên tôi đi vay ngân hàng 40 triệu để hợp thức căn nhà, tiếp đó mới cầm cố được cho ngân hàng để lấy tiền trả cho chị gái. Từ đó, vợ chồng tôi bắt đầu lao vào hết công việc này đến công việc khác để có tiền trả nợ cho ngân hàng. Có thể nói việc viết nhiều kịch bản phim phần lớn cũng bắt nguồn từ sự thôi thúc phải trả nợ và hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ của tôi", anh tâm sự.

Cuộc sống vợ chồng anh hiện cũng tương đối ổn định với hai đứa con nhỏ, một cháu học lớp 9, bé em cách 6 tuổi. Vợ anh đã nghỉ công việc dạy học từ lâu, giờ chị đang quản lý cơ sở thuốc Nam của gia đình bên ngoại.

Anh cười rất tươi cho biết: "Bây giờ mới thấy câu "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn" rất hay, rất đúng. Sau 4 năm vợ chồng tôi đã trả hết nợ ngân hàng, và tôi thấy rằng khi cuộc đời mình hanh thông rồi thì tự nhiên mọi chuyện trong cuộc sống cũng sẽ thuận lợi với mình. Để có những thành quả như ngày hôm nay tôi phải cảm ơn cuộc đời vì đã dung dưỡng tôi và cho tôi tìm ra đúng công việc mà mình yêu thích".

"Chẳng ai buồn nhắc đến biên kịch làm gì"

Hiện nay hàng ngày "văn phòng" làm việc của Quý Dũng là các quán cà phê, có lẽ quán nhẵn mặt anh nhất là quán trên đường Nguyễn Thái Bình quận Tân Bình. Anh bảo cứ sáng 7 giờ khoác ba lô đến quán, vừa ngồi uống cà phê, vừa làm việc, trưa thì có thể ăn tại quán mà cũng có thể đi ăn đâu đó với bạn bè, rồi lại về quán ngồi tiếp đến đêm mới xách ba lô ra về.

Cũng có khi Quý Dũng vi vu đâu đó nhìn ngắm thiên hạ, có lúc lại tới tòa án dự những phiên tòa hay đến gặp một vài bác sĩ để quan sát, để hỏi chuyện họ… Tất cả chỉ nhằm tích cóp những chi tiết đáng giá hay học hỏi cách xử lý, giải quyết những tình huống trong cuộc sống để đưa vào những kịch bản phim của mình.

Đã có thời gian từng cộng tác viết bài, biên tập cho một số tờ báo, tạp chí, đặc biệt là anh có thời gian khá dài cộng tác viết một số phóng sự xã hội, điều tra cho báo Công an nhân dân, có lẽ cũng phần nào giúp anh có những kiến thức, chất liệu mang đầy sức sống và thực tiễn đưa vào những kịch bản của mình.

Trải qua bao thăng trầm, khó khăn, Quý Dũng đã và đang từng bước chinh phục khán giả bằng những kịch bản phim hành động - võ thuật được nhiều người trong giới đánh giá khá cao và hầu như kịch bản nào anh viết cũng ít nhiều thấy bóng dáng của những tay giang hồ, đại ca; những cuộc trả thù, đánh đấm…

Tuy vậy, nội dung phim vẫn thấm đẫm sự nhân văn sâu sắc và nhất là thực tế hơi thở cuộc sống. Trong đó có thể kể đến như các phim Hoa xương rồng, Giấc mơ biển, Vườn đời, Sáu mặt Rubic, Dương cầm…

Đặc biệt là phim Vật chứng mong manh của anh, được đánh giá là kịch bản hay, mang nhiều nét mới lạ ở thể loại phim hình sự, qua bàn tay của đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc, phim đã gây được sự chú ý lớn từ công chúng, từ đó Quý Dũng trở thành cái tên "hot" trong làng biên kịch. Trên đà đó, hiện anh đang viết khá nhiều phim hành động, hình sự như Nữ thẩm phán, Mật số CX 1300, Dòng sông chết, Gai hồng, Lật mặt…

Có cảm giác bây giờ anh luôn đầy ắp những ý tưởng kịch bản, chỉ cần anh ngồi xuống với chiếc máy tính là những trang bản thảo sẽ được hình thành nhanh chóng.

Tuy vậy, không phải anh không có những suy tư mà không nhiều người biết. Anh bảo phim Vật chứng mong manh được làm khá nghiêm túc, đạo diễn làm rất tốt, nhưng điều đáng buồn là ở tập phim cuối nội dung đại cảnh của phim đã bị thay đổi không giống như trong kịch bản của anh.

Theo đó, về cuối phim nhân vật Hai Đương đang tìm cách kéo dài thời gian, chỉ cần giao hàng xong là ông trùm này sẽ xa chạy cao bay nhưng cơ quan công an đã nhân đó tương kế tựu kế để bắt quả tang và thu một mẻ lưới lớn. Đại cảnh này sẽ diễn ra trong cảng Sài Gòn. Nhưng thực tế trên phim ở đoạn bắt Hai Đương lại xảy ra trong một vườn cây và người bắt được ông trùm này lại là… hai cô gái!

"Chẳng có ông tác giả nào lại đuối đến như thế, phim đó làm cho tôi vẫn còn buồn mãi tới bây giờ. Khi phim đã phát sóng hết thì có một cô gái ở Kiên Giang nhắn tin cho tôi rằng, chú ơi chú viết phim hay quá, lần sau chú nhớ viết nữa nha, nhưng lần này chú đừng để cho cảnh sát đi lãnh lương mà lại cho hai cô gái phải đi bắt tội phạm như vậy. Tôi đã nhắn cái tin đó cho những người làm phim này để họ biết", Quý Dũng có vẻ bức xúc.

Nói vậy nhưng anh bảo có người lại cho rằng phim hay dở người ta có "chửi" thì phần nhiều chỉ có đạo diễn phải giơ đầu ra chịu báng chứ chẳng ai buồn nhắc tới biên kịch làm gì. Chỉ thấy có đạo diễn Lê Cung Bắc là cho rằng phim hay dở hay không thì 70% là do biên kịch, bởi biên kịch là người chế tác đầu tiên, họ có đưa ra chất liệu hay, "bột tốt" thì đạo diễn mới nặn được "bánh ngon", phim mới hay được.

Theo Quý Dũng, điều cốt lõi khi viết kịch bản là phải nắm được nguyên tắc chung của nó. Khái niệm kịch bản có thể hiểu nôm na rằng, "bản" là tờ văn bản truyền ý tưởng từ biên kịch qua nhà sản xuất, qua đạo diễn, diễn viên để thực hiện; "kịch" theo chữ Hán bao hàm chữ Hổ và chữ Thỷ (con heo) - hai chữ này có sự xung đột rõ ràng - Dần Thân Tị Hợi tứ hành xung.

Do đó, trong một tập kịch bản hấp dẫn phải có xung đột, một tập kịch bản cứ 5 phút lại có một xung đột nhỏ, bình quân 45 phút sẽ có 8 đến 9 xung đột nhỏ dẫn đến xung đột chung của một tập phim. Như vậy trong 30 tập phim sẽ có khoảng 30 xung đột chung cho vấn đề chính của phim. Cuối cùng sẽ giải quyết vấn đề lớn nhất là nội dung chính của phim. Cho nên người viết kịch phải biết cài cắm những chi tiết xung đột vào lúc nào cho hợp lý, cho gay cấn thì phim mới lôi cuốn được.

Ngoài thế mạnh là phim hình sự - võ thuật thì hiện nay Quý Dũng đang lấn sân viết kịch bản sang nhiều lĩnh vực phim khác như dã sử võ thuật hành động hay kinh dị hình sự và cả phim giả tưởng, theo anh thì đều những phim có tình tiết, cốt truyện hấp dẫn cả nhưng vẫn chưa tìm được nhà sản xuất đồng ý bỏ tiền đầu tư.

Hy vọng thời gian tới những kịch bản của anh sẽ được các nhà sản xuất chú ý đầu tư và khán giả sẽ tiếp tục được thưởng thức những bộ phim lôi cuốn, hấp dẫn

Phạm Phú Lữ
.
.