Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương: Mang hơi ấm từ ngọn lửa nhỏ

Chủ Nhật, 17/05/2015, 07:40
Cuộc sống sẽ rất buồn tẻ nếu không còn những giấc mơ. Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương, bằng cuốn tạp bút nhỏ xinh “Trái tim đàn bà” đã vẽ nên những giấc mơ trong tâm hồn những người đàn bà, những giấc mơ quá đỗi dịu dàng, nhưng vô tình chúng ta đang đánh mất trong cuộc đời bận rộn ngoài kia.

1. Tôi đọc chị bắt đầu từ những bài báo trên trang web cá nhân, nơi chị cất giữ những bài viết trong quãng đời làm báo của mình. Đọc và mến mộ một cây viết sắc sảo, thấu thị những vấn đề của đời sống văn hóa, nghệ thuật. Sau này, cơ duyên cho tôi gặp chị, càng trân quý và nể trọng một người viết sắc sảo, có tâm. Chị hút người đọc bởi lối viết ngọt, câu chữ đạt đến độ “tối giản”. Nhưng cũng bởi, tầm vóc của những bài báo, dù Quỳnh Hương viết về những điều rất giản dị. Tôi mê những chân dung Hương vẽ, bởi ở đó, Hương chạm tới nhân vật của mình bằng những nét tinh và sắc. Và hồn hậu. Vượt qua mối quan hệ cộng sinh giữa nhà báo và nhân vật, Hương trở thành bạn tâm giao của nhiều nhân vật kỹ tính, gai góc trong giới văn nghệ. Những Hà Trần, nhạc sĩ Đỗ Bảo, họa sĩ Đinh Công Đạt…

Ca sĩ Trần Thu Hà, người bạn tri kỷ của Hương hơn 20 năm nay, kể: “Năm 1998, chúng tôi hẹn gặp phỏng vấn lần đầu trong căng tin của Nhạc viện Hà Nội. Quỳnh Tun (tên gọi thân mật bạn bè dành cho Hương) nói chuyện từ tốn, chậm rãi, có vẻ già qua điện thoại. Nhưng tôi ngã ngửa khi bắt gặp một con bé lơ láo, đeo túi thổ cẩm chéo vai đang ngồi đợi, đôi mắt sáng rực tò mò dường như được phóng đại sau cặp kính cận to quá khổ và cái miệng cười toe toét, khoe nguyên cả hàm răng và lợi. Ấn tượng hồn hậu đầy tin cẩn đầu tiên đã xoá đi tâm lí phòng thủ của tôi, vốn đinh ninh không dại dột mở lòng với công an hoặc nhà báo.

Cuộc phỏng vấn định mệnh đem lại cho tôi một người bạn tri kỷ gần 20 năm qua. Tun thì sau đó thường xuyên phỏng vấn Hà Trần, trở thành “nhà Trần Thu Hà học”, như cách gọi chọc ghẹo của đồng nghiệp”.

Và rất nhiều nghệ sĩ trở thành bạn tâm giao của Hương. Họ chọn chị, với tư cách là một tri kỷ, sẻ chia về những khát vọng, những giấc mơ, đôi khi là điên rồ nhất trong thế giới nghệ thuật họ đang sống. Những cuộc hội ngộ của tri âm.

Nguyễn Quỳnh Hương sống trong thế giới ồn ào của showbiz Việt, trong cả guồng quay khốc liệt của báo chí theo xu hướng “cải” hóa. Thế nhưng, chị vẫn ung dung trong tâm thế của một người luôn tin rằng, làm báo tử tế sẽ tìm được những người đọc tử tế.

Chị hiện là Trưởng Văn phòng đại diện của Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Tôi biết trong chị luôn có khí chất khẳng khái của một người làm báo trung thực, đầy tự trọng, không bao giờ chịu thỏa hiệp trước những “cạm bẫy” mà tờ báo gai góc của chị chạm tới. Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh gần như đứng ngoài những cuộc chạy đua giật gân, câu khách của báo chí bây giờ. Và tôi nghĩ, Nguyễn Quỳnh Hương đã góp một phần của mình trong đó.

2. Chị, với tâm thế của một người làm báo trong thời buổi nhiễu loạn thông tin này, muốn một thứ gì đó thật giản dị, nhưng đủ ấm áp, đủ níu giữ để mọi người có thể dừng lạị. “Ngọn lửa nhỏ”, chuyên mục mới của báo Phụ nữ TP Hồ chí Minh ra đời từ đó. Nguyễn Quỳnh Hương chính là người đã nhen ngọn lửa nhỏ ấy vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần. Dịu dàng, ấm áp và đầy nữ tính. Người đọc chờ những câu chuyện thủ thỉ của chị vào mỗi sáng thứ hai như một cách để nạp lại năng lượng và bắt đầu một tuần mới. Để đủ kiên nhẫn, để yêu thương, đủ bao dung và tha thứ cho cuộc sống này.

“Ngọn lửa nhỏ” - với tinh thần yêu thương, sống chậm, tôn trọng những giá trị khác biệt của bản thân. Đó là sở trường cho con người văn chương luôn ẩn trong Nguyễn Quỳnh Hương. Ở đó, chị đã chạm tới những điều thật giản dị, mà đôi khi trong cuộc sống vội vã, quay cuồng hôm nay, mọi người lãng quên. Ở đó, là những cảm giác của yêu thương, bao dung, của thứ tha, kiên nhẫn. Ở đó, hơn hết là một trái tim rất mực đàn bà. Yêu thương cuộc đời, và yêu thương chính bản thân mình.

Nhà báo Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng Biên tập của Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã viết về tạp bút của Hương: “Chúng tôi, những người viết báo về phụ nữ, làm báo cho phụ nữ và vì phụ nữ; lại mong mỏi đi tìm và nuôi dưỡng cho mình, cho bạn đọc một góc nhỏ thì thầm, một khoảng trời be bé, một chút chiêm nghiệm ngược dòng. Để giữa mớ ngổn ngang, bất an kia là dòng cảm xúc mát lành, những suy nghĩ tích cực làm dịu đi những bức bối nghi ngại, dẹp bỏ những quay cuồng sợ hãi. Ngọn lửa nhỏ - chất chứa một trái tim đàn bà nên không thiếu những lo âu, khắc khoải, đổ vỡ. Lạ là ngay cả khi bị hờ hững, bị phản bội, cái còn lại chỉ là sự mất mát thì trái tim ấy vẫn đập nhè nhẹ, vẳng lên thanh âm dịu dàng, khẽ khàng, lay động. Nó kiêu hãnh ngay cả trong sự chịu đựng và tha thứ”.

Quỳnh Hương chia sẻ: “Nhiều bạn đọc chờ ngọn lửa nhỏ của chị như một cách để xốc lại chính mình, nạp thêm năng lượng sống. Từ ý tưởng của một người bạn họa sĩ. Cuốn tạp bút Trái tim đàn bà ra đời. Những tạp bút tụng ca sống chậm, tin yêu bản thân, nâng niu những điều quý giá mình đang có - tôi nghĩ nó hẳn sẽ có ích cho một vài ai đó”. 

Trái tim đàn bà là những cảm giác rất đàn bà, yêu thương, nương tựa, bao dung, thứ tha... Tôi nghĩ, trái tim đàn bà, một cách tự nhiên và đầy ích kỷ, viết cho chính chị và cô con gái bé nhỏ, lém lỉnh của chị. Ngay từ những cái tên Đi đường thật chậm, Tận hưởng bình tĩnh, Bếp-trái tim đàn bà, Tươm tất cho mình… đã cảm nhận được tinh thần trong trang viết của chị.

Và chị, như một lời nhắc khẽ những người đàn bà, hãy sống đúng là mình, hãy biết yêu thương tôn trọng chính mình: “Là đàn bà, đừng có làm siêu nhân, cứ ích kỷ một chút, phù phiếm một chút, biết thương mình thật nhiều thì mới an yên sung sướng. Bởi mọi nỗ lực chu toàn đảm việc nước, giỏi việc nhà hình như đem lại nhiều buồn khổ cho đàn bà hơn. Và em nhớ nhé, bình đẳng giới về chức phận không bao giờ diễn ra trong gia đình". (Đàn bà... siêu nhân). Và đừng ngần ngại bày tỏ niềm yêu thương với những người thân yêu của mình. “Để đừng trì hoãn điều gì mình muốn làm. Để trao tặng người thân yêu của mình tối đa những cơ hội họ được sống theo cách mà họ thấy hạnh phúc. Và để cẩn thận tận tụy hết lòng với điều mình đang có”. (Tận hưởng bình tĩnh).

Trái tim đàn bà, mới thực là đàn bà trong góc bếp của chính mình. Đọc Bếp - Trái tim đàn bà, nhiều người phụ nữ giật mình. Thì ra, hạnh phúc đến từ một nơi rất giản dị. Và hạnh phúc đến từ những bữa ăn ấm áp gia đình mà người phụ nữ đã nấu bằng những gia vị của yêu thương, của bao dung và tha thứ. “Thật sự nếu không có bếp - góc ấm nhất trong một căn nhà - trái  tim của người đàn bà- thì rất có thể chúng ta sẽ không yêu thương được ai, không đủ rộng lượng để chịu đựng ai đó, cho đến hết cuộc đời này” (Bếp - trái tim đàn bà).

Gai góc và sắc sảo trên từng trang viết, cá tính với bề ngoài bụi bặm, nhưng tất cả những điều đó không đủ che giấu một tâm hồn quá dỗi dịu dàng trong chị. Bạn bè ở bên chị, luôn thấy ấm áp, an lòng. Phải thật dịu dàng, thật đàn bà, Hương mới có thể gọi tên những cảm giác đích thực như thế về một nửa của thế giới.

Và tôi hiểu, Hương viết, trước hết cho chính mình, cho gia đình bé mọn của chị. Nơi chị đang từng ngày vun vén, yêu thương. Nơi chị tìm được một bờ vai đủ vững chãi, đủ bao dung để tựa đỡ - nơi chị sinh bé Thóc lém lỉnh, thông minh, được nuôi dưỡng trong những giấc mơ lung linh về cuộc sống. Và Hương, cất giấu những ước vọng của mình để sống cuộc đời giản dị của một người đàn bà “quẩn quanh trong tổ”.

Cuộc sống sẽ thật buồn tẻ, nếu không còn những giấc mơ. Nguyễn Quỳnh Hương, bằng Trái tim đàn bà, đã vẽ lại trong chúng ta, những trái tim đàn bà giấc mơ lung linh về đời sống. Những giấc mơ có thật nếu chúng ta đừng vô tình, đừng vội vã trượt qua.

Việt Hà Nguyễn
.
.