Nhà báo Giản Thanh Sơn: Một người tử tế

Thứ Năm, 18/10/2012, 15:45
Gọi Giản Thanh Sơn là nhà báo, nhiếp ảnh gia hay nghệ sĩ gì cũng đều được. Danh xưng không làm nên hào quang như nhiều người lầm tưởng. Sơn hơn tôi gần hai mươi tuổi, gọi Sơn là anh cũng được, chú cũng được mà có khi gọi là bác cũng được nốt. Lề lối xưng hô không đảm bảo thiện cảm dành cho nhau. Tôi gọi Sơn là anh, Sơn gọi lại tôi gần như cả tên lẫn họ.

Sài Gòn sau mưa, tôi ngồi với Sơn ở Rex. Khách sạn sang trọng, quán cà phê sang trọng. Sơn đang có nhiều bạn, chưa bao giờ tôi thấy Sơn ngồi một mình. Ít ra là hơn năm năm biết nhau, chưa bao giờ tôi thấy Sơn ngồi một mình.

1. Vài tuần trước, có việc ở Hà Nội, ngồi vui vui nghe nhắc đến Giản Thanh Sơn. Đang say say, tỉnh hẳn. Mới nhớ là có cái hẹn với anh từ thời lâu lắc, mà quên hoài.

Tính tôi lơ ngơ, có những quan điểm đôi lúc là cực đoan nên bạn bè người quý, người không. Bản thân cũng vậy, có người tôi thích, có người không thích. Đã thích là thích đến đắm đuối như tình nhân vừa mới yêu, còn đã không thích thì thôi không nhắc nữa.

Sơn là một trong những người tôi thích. Sài Gòn, dăm ba người gọi điện thoại mà nếu không ra chơi được, tôi sẽ ân hận nhiều ngày liền. Trong dăm ba người ấy, có Giản Thanh Sơn.

Nhớ hồi anh đi Nga về, anh gọi ra Võ Văn Tần, uống vodka với đồ lạnh để tưởng nhớ đến nhà sưu tập tranh Lê Thái Sơn. Thời điểm đó, tôi đang cắm mặt với bài vở, mà từ chối thì sợ anh buồn, đâm ngại. Cứ “dạ dạ, lát em ra”, Sơn đợi hoài không thấy, gọi liên tục. Cùng đường, phải nhắn tin thú thật cho một anh đang ngồi cùng bàn, nhờ xin lỗi Sơn giúp vì “em đang stress quá”.

Sợ Sơn giận, nhưng may là vài hôm sau gặp nhau, lại cười nói hồn nhiên. Tôi chưa thấy Sơn giận ai bao giờ, mà tình thật, tôi cũng chưa bao giờ nghe Sơn nói này kia kia nọ về bất cứ một ai khác.

Có ông chủ doanh nghiệp, hễ có chuyện gì cần giải quyết là í ới gọi cho Sơn nhờ cái này, cái kia. Nhờ xong, lập tức lặn mất tăm và im thin thít. Vậy mà, lần nào gọi Sơn cũng sốt sắng, y như thể, mình không giúp thì doanh nghiệp ấy lăn đùng ra đất chết ngay. Cái tính vậy rồi, biết là làm sao.

Nhà báo Giản Thanh Sơn với Tổng thống G. Bush tại Hà Nội (2006).

Lại lâu trước, có nhắc đến Sơn vài ý nhỏ trong một bài viết. Đang ở Vũng Tàu, Sơn gọi về. Có vẻ cảm động. Riêng ai thì tôi không biết, nhưng khi Sơn cảm động, tôi đoan chắc Sơn cảm động.

Người như Sơn, không thể nào lấy cảm xúc ra đong đưa để đánh lừa nhau. Bởi với những mối quan hệ mà Sơn đang sở hữu, nếu Sơn muốn trục lợi, hẳn Sơn đã có nhiều thứ, vô cùng nhiều thứ.

Nhưng, Sơn không có gì cả. Ngoại trừ uy tín về nghề nghiệp và bạn hữu.

Sơn khi nào cũng phong độ, tóc bồng bềnh, tay đeo nhẫn phong thủy, ăn mặc có goưt. Ngày trước, Sơn còn sắm đâu ra cái mũ be-rê, đi đâu cũng đội trên đầu, nhìn ra dáng đại gia cực.

Vậy mà, có mỗi căn nhà ở cư xá cũ sát kênh Nhiêu Lộc, chắt chiu hoài vẫn chưa sửa được. Khi định sửa thì phải để dành cho ông con trai duy nhất đi học ở Úc.

Tại sao là Úc? Đơn giản thôi, bên đó chính phủ đồng ý cho du học sinh đi làm thêm. Ông con tốt nghiệp Cao đẳng Raffles, muốn học lên đại học phải đi du học, chọn Singapore hoặc Úc. Mà ở Singapore, chính phủ không cho du học sinh làm thêm.

Ông con đi học rồi, nhà chỉ còn mỗi Sơn và vợ. Hai ông bà hết đi ra rồi đi vào, nhìn mặt nhau không buồn cất tiếng. Suýt khóc mấy lần hay sao ấy(?).

Mà vợ Sơn hay lắm, chị đang là giáo viên ở Long An. Sơn đòi lên Sài Gòn làm báo, vậy là vợ Sơn bỏ dạy, theo chồng lên trên này bao nhiêu năm. Sơn đi đông đi tây gì không biết, chứ về đến nhà là được cảnh nước rót cơm bưng. Sướng nhất đời.

Vợ tốt quá, làm gì cũng ngại. Nên bao nhiêu năm rồi, ngồi với nhau bao nhiêu lần rồi, tuyệt nhiên chưa nghe anh nhắc đến ai khác ngoài vợ mình. Có lúc say say, mấy anh em cũng có ý gài, nhưng rồi thất vọng.

“Tao đã nói, tao không có ai khác ngoài vợ tao mà tụi mày cứ làm khó tao hoài vậy”, đến khi anh gắt thì thôi, không ai đùa nữa.

2. Quê gốc Sơn ở Cần Giuộc, Long An. Đầu những năm 1990, Sơn mang vợ con lên Sài Gòn, lóc cóc đi ở thuê, làm báo.

Viết viết chụp chụp, cộng tác tứ tung mà khi nào cũng ngại mời bạn bè vào ngồi cà phê, tiền ít quá. Vài năm sau, Tổng biên tập Báo Công an TP HCM thời điểm đó là nhà báo Hà Phi Long, gọi Sơn sang cơ quan, nói: “Mày về làm với anh”. Có vậy, là Sơn ở Báo Công an TP HCM cho đến gần hai mươi năm sau mới chuyển qua chỗ làm mới khác.

Ở chỗ làm mới, Sơn làm gì?

Vẫn làm phóng viên nhưng là phóng viên trực thuộc Văn phòng Chủ tịch nước. Tiếp tục đi đây đi đó, hý hoáy ghi chép, viết lách, chụp ảnh lưu trữ rồi in sách.

Tôi chưa thấy ai có ý thức về lưu trữ hình ảnh như Sơn.

Năm 1993, Tổng thống Pháp François Mitterrand sang Việt Nam. Sơn được cơ quan cử đi đưa tin. Ngay thời khắc ấy, Sơn đã có ý niệm về việc lưu trữ những chân dung của các chính khách.

Sơn cặm cụi có mặt từ rất sớm và luôn là người về sau cùng trong các buổi làm việc, dự tiệc chiêu đãi của các chính khách. Đồng nghiệp nhiều người, cứ thấy Sơn lui cui hết chọn góc này chụp ảnh, lại chọn góc kia ghi hình thì khó chịu lắm. Họ không hiểu, Sơn chụp làm cái quái gì mà chụp nhiều vậy. Cũng có lời ra tiếng vào, Sơn biết hết chứ, nhưng thôi, miệng liền tai.

Đúng 10 năm sau, năm 2003, Sơn cho triển lãm 100 chân dung chính khách, thì đồng nghiệp choáng. Choáng hẳn, chứ không chỉ là choáng ngất ngây. Mà toàn chụp ở Việt Nam mới kinh, chỗ nào có chính khách, chỗ đó có Sơn tác nghiệp, bất kể nắng gió mưa dầm, khoảng cách địa lý…

Sơn nói là, triển lãm xong, nhận được vài bức thư của đồng nghiệp. Đồng nghiệp bảo, cho đồng nghiệp xin lỗi vì những câu nói trước đây. Sơn cười, vậy là hạnh phúc.

Sơn có trí nhớ siêu tốt. Cầm một bức ảnh chân dung chính khách do mình chụp, Sơn có thể đọc không sai, bức ảnh đó chụp ở đâu, chính khách kia sang Việt Nam để làm gì, thời điểm chụp ảnh chính khách đang nói gì…

Như bộ Việt Nam - nhìn từ không trung của Sơn cũng vậy. Năm 1995, lần đầu tiên Sơn được ngồi trực thăng từ Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo để ra Côn Đảo công tác. Thấy cảnh nước mình thanh bình và hùng vĩ quá, Sơn đốt phim như điên.

Rồi cắc ca cắc củm, đi đâu bằng máy bay cũng xin ngồi gần cửa sổ để chụp. Chụp từ máy bay dân dụng, xong ào qua xin mấy anh bên quân đội xem có đi cứu hộ, cứu nạn gì đó cho Sơn đi ké. Ban đầu, mấy anh chỉ huy hơi ngại. Song cũng xiêu lòng. Với lại, thấy Sơn cũng… vô hại.

Chụp mãi từ năm 1995 đến 2007 mới có được bộ ảnh Việt Nam - nhìn từ không trung.

Về nghề nghiệp, bấy nhiêu đó đã có thể gọi là kinh rồi. Nhất là khi, lưu trữ ngày xưa chỉ toàn bằng hình ảnh chụp phim, lấy đâu ra lưu trữ trong laptop hay ổ cứng, USB như bây giờ.

Có lần, ngồi với Sơn ở cà phê ngay góc Nguyễn Du - Huyền Trân Công Chúa, Sơn có điện thoại. Đại khái liên quan gì đến lịch công tác. Tò mò hỏi, Sơn đáp, mấy anh kiểm tra lại thông tin để đặt vé máy bay.

Sơn là nhà báo hiếm hoi được chuẩn đi nước ngoài bằng tiền ngân sách, không phải tiền của cá nhân hay tiền của cơ quan.

Ất ơ như tôi, nhìn Sơn thập phần ngưỡng mộ.

3. Mấy hôm trước, tôi ngồi ở Rita. Đang trò chuyện phiếm thì Sơn xuất hiện, mặt mày rất nghiêm trọng. Tưởng có chuyện gì, hóa ra Sơn vừa gọi cho một đại gia xong.

Mắc mớ gì gọi?

Nghe đồn đại gia đang bị bắt hay câu lưu gì đó. Sơn táy máy, gọi điện thoại thử. Vừa nghe reng chuông, hết hồn cúp ngay. Đại gia gọi lại, hỏi gọi có chuyện gì? Sơn thật thà: “Đâu có chuyện gì, nghe đồn… gọi xem thử có đúng vậy không thôi. Vô cùng xin lỗi”. Hài không tả được. Sơn hồn nhiên vô cùng tận.

Năm 2007, Sơn được tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi Mỹ. Đó là lần được đi nước ngoài đầu tiên của Sơn.

Đi một phát là được ngồi trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Trước đó ở Việt Nam, Sơn đã được bá vai bá cổ với Tổng thống G.Bush chụp ảnh như chiến hữu lâu ngày gặp mặt. Vậy mới hãi.

Đi Mỹ về, là đi y như đến vận phải đi. Nhoáng cái đi 75 nước, từ Âu sang Á, từ Mỹ sang Phi… Có những nước, đi đi lại lại nhiều lần.

Đến lúc, tôi nói lý do vì sao tôi gọi Sơn là người tử tế.

Sơn có mối quan hệ thân tình với nhiều lãnh đạo. Sơn có mối quan hệ bằng hữu với nhiều đại gia.

Chỉ cần Sơn muốn, muốn một chút thôi… Sơn sẽ không phải chịu cái cảnh nhà dột không có tiền để sửa. Bởi tiền phải dành cho ông con đi học.

Chỉ cần Sơn muốn, muốn một chút thôi… Không thành đại gia, thì anh vẫn có thể trở thành trung gia, tiểu gia ngay.

Với tôi, một người không trục lợi từ các mối quan hệ, không chơi với người này người kia để khi có chuyện sẽ gọi điện thoại nhờ vả, làm phiền người khác chỉ mong sao được việc cho mình. Bất chấp, người mình được nhờ vả có cảm giác ra sao… đã là rất tử tế.

Mà sáng nay, khi ngồi với tôi, Sơn hút thuốc lá. Chơi với nhau lâu lâu, tự dưng phát hiện ra Sơn cũng hút thuốc lá, quái không tả được.

Hay tự nhiên, nhận được điện thoại “Anh thu xếp, ngồi với nhau một lát. Em làm cái chân dung anh với” bỗng đâm ra khớp, Giản Thanh Sơn nhỉ?

Chớm qua cái ngưỡng trung niên, lại bị ngồi hỏi dồn đáp thẳng, ai mà không khớp…

Ngô Kinh Luân
.
.