Nguyên soái Yosip Tito: Không lo nổi tương lai

Thứ Ba, 22/05/2012, 09:50
Có những nhà lãnh đạo kiệt xuất cai quản đất nước mình rất chắc tay. Thế nhưng, do nhiều lý do mà trong đó có cả tính vị kỷ, họ đã không quan tâm đúng mức tới tương lai của những người đi theo mình một khi họ không còn nữa. Nguyên soái Yosip Tito của Liên bang Nam Tư là một người như vậy. Ngày 7/5 vừa qua đã là kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông.

Dưới sự lãnh đạo của Nguyên soái Yosip Broz Tito, Liên bang Nam Tư đã đi theo con đường rất không giống ai của mình và đạt được một vị thế đáng vì nể trên trường quốc tế. Chỉ tiếc rằng, Y.B. Tito đã xây dựng cơ chế lãnh đạo quốc gia độc đáo đến mức nó chỉ hoạt động được bình thường khi có ông ngồi ở vị trí trung tâm và cao nhất. Thiếu ông, Liên bang Nam Tư đã bị rơi vào tình trạng hỗn loạn ngay và cuối cùng là tan vỡ.

Nước lã mà vã nên hồ

Nguyên soái Tito sinh ngày 7/5/1892 (theo một nguồn tư liệu khác, ông sinh ngày 25/5/1892) trong một gia đình nông dân có cha là người dân tộc Croatia, còn mẹ thuộc dân tộc Slovenia. Toàn bộ cuộc đời ông đã diễn ra giữa những đụng độ lúc thăng lúc trầm của các tộc người khác nhau cư trú trên lãnh thổ Nam Tư. Nói một cách công bằng, tất cả các cư dân Nam Tư, dù là Slovenia, Serbia, Croatia, Makedonia, Montenegro hay Hồi giáo Bosnia... thì đều là người gốc Slavơ. Đại đa số họ, trừ người Slovenia và Makedonia, đều nói bằng các thổ ngữ phát sinh từ một thứ tiếng là tiếng Serbia-Croatia. Cái khác nhau duy nhất giữa họ là tôn giáo mà tổ tiên họ đã chấp nhận: Người Croatia và phần lớn người Slovenia theo đạo Kitô; người Montenegro, Serbia, và đại bộ phận người Makedonia theo đạo Chính thống, còn người Hồi giáo Bosnia là nhóm người Slavơ đã cải sang đạo Hồi dưới thời đế chế Osman Posta. \

Sống trong môi trường đa sắc tộc và tôn giáo như vậy, vị nguyên soái tương lai đã dày công tìm kiếm phương thức điều hòa những sự khác nhau để tìm các điểm chung quyền lợi hữu lý nhất. Ông hiểu một cách sâu sắc rằng, sự tồn tại của tổ quốc ông phụ thuộc chủ yếu vào sự đoàn kết giữa các tộc người khác nhau trên chính mảnh đất ông cha, chứ không phải bất cứ một thế lực ngoại bang nào.

Ngay từ thời thơ ấu, Titô đã phải biết thế nào là lao động và lam lũ. Mẹ cậu sinh nở tới 15 lần nhưng chỉ có 7 người con sống sót, gia cảnh khó khăn buộc tất cả đều phải đầu tắt mặt tối từ rất sớm. Học hết phổ thông cơ sở, Tito đã phải tha phương cầu thực, trải qua đủ loại công việc, thậm chí có lúc còn đi lính đánh thuê ở nước ngoài. Vốn sống phong phú ở nhiều quốc gia đã giúp cho Tito không chỉ biết nhiều ngoại ngữ (ông thông thạo tiếng Nga, Đức, Cezch... hiểu tiếng Anh, thậm chí có thể diễn giải cả bằng tiếng... Kirgidia!) mà còn giúp ông càng thấm thía chân lý giản đơn mà vĩ đại: muốn nên nghiệp lớn thì trước hết hãy chỉ trông cậy vào chính bản thân mình. \

Chính vì thế nên khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Tư và sang Moskva làm việc ở Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản, Tito vẫn khéo léo giữ cho các đồng chí của mình sự độc lập tỉnh táo, phù hợp với lợi ích dân tộc và kiên quyết không chịu làm “thiên lôi chỉ đâu đánh đấy”.

Khi châu Âu đỏ lửa Thế chiến thứ hai, Nam Tư lâm vào nội chiến phe phái do những mâu thuẫn sắc tộc bị bên ngoài kích động. Lực lượng ngoại bang chiếm đóng là quân phát xít Đức và Italia cũng tìm mọi cách chia rẽ các tộc người ở Nam Tư để dễ bề “đục nước béo cò”. Tito, lúc này đã là một nhân vật cánh tả tương đối nổi trên chính trường liên bang, đã lựa chọn phương án hành động thoạt nhìn tưởng nông nổi nhưng thực ra lại là duy nhất đúng: không dựa vào ngoại viện (vì suy cho cùng, chẳng có sự ủng hộ nào của nước ngoài lại không đi kèm theo những điều kiện bó buộc nào đấy) mà tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng trên cơ sở lòng căm thù chung đối với quân xâm lược ngoại bang để tạo dựng chỗ đứng riêng giữa cảnh năm bè bảy bối của các lực lượng sắc tộc khác nhau. Ông chủ trương không phân biệt sắc tộc mà gắn kết đội ngũ của mình trên cơ sở tinh thần chống chủ nghĩa phát xít và lòng ái quốc.

Với bản tính quyết đoán và bộ óc gần như là bằng thép, Tito chỉ trong một thời gian ngắn, tới cuối năm 1942, đã biến nhóm du kích nhỏ bé của mình lớn mạnh thành cả một Mặt trận chống phát xít giải phóng Nam Tư, mầm mống của một chính phủ tương lai. Lực lượng phát xít chiếm đóng đã bị các nhóm quân của Tito giáng cho những đòn nặng nề. Tuy nhiên, cho tới lúc này, Tito vẫn không nhận được sự ủng hộ từ phía Moskva, điều khiến ông cảm thấy rất áy náy. Nhưng kẻ thù và những đồng chí đang sát cánh chiến đấu bên ông thì luôn đánh giá  cao ông.

Quân phát xít Đức vừa coi ông như một mối đe dọa lớn vừa kinh hãi ông, đến mức Himler phải thốt lên: “Ông ta là kẻ thù nhưng tôi ước giá như nước Đức có được vài ba vị chỉ huy như Tito”. Còn đồng đội của ông thì tới năm 1943 đã họp lại và phong cho ông danh hiệu nguyên soái. Tito rất vui mừng vì vinh dự này. Cuối cùng thì các nước Đồng minh cũng nhận ra được lực lượng nào đang đóng vai trò chủ đạo trong cuộc chiến đấu chống phát xít ở Nam Tư.

Có thể đánh giá khác nhau về vai trò của Tito trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng không thể phủ nhận lòng dũng cảm và khả năng tổ chức “biến không thành có” của ông. Tito là vị tổng tư lệnh duy nhất thời đó bắt đầu cuộc chiến đấu mà chưa có quân đội thường trực. Ông cũng là vị tư lệnh duy nhất bị thương trong chiến sự.

Tự tin quá hóa dở

Tito đã tự lực cánh sinh giành được chiến thắng trong Thế chiến thứ hai không chỉ nhờ vào tinh thần chiến đấu của lực lượng du kích do ông lãnh đạo mà còn do mục tiêu chống phát xít của Nam Tư trùng hợp với lợi ích của Đồng minh mặc dù ông không phải là nhân vật được cả phương Tây lẫn phương Đông ưa chuộng. Bước vào thời bình, khi cần xây dựng lại đất nước, Tito vẫn quen phong thái ứng xử cũ và vẫn tin rằng ông sẽ lại làm nên những kỳ tích mới bất chấp thái độ của các quốc gia bên ngoài đối với ông như thế nào. Quan hệ của Nam Tư với phương Tây nhanh chóng trở nên căng thẳng, phần thì do những tư tưởng tả khuynh mà chính phủ Tito tuyên xưng, phần do các yêu sách về lãnh thổ đối với Italia.

Chính sách độc lập của Tito (chỉ làm những gì mà ông thấy là phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế ở Nam Tư chứ không theo những toa thuốc chung do bất cứ một cường quốc nào lập ra) cũng khiến ông không được lòng một số nhà lãnh đạo ở Moskva. Mặc dù rất biết ơn Hồng quân Xô viết đã góp phần to lớn vào việc giải phóng Nam Tư ra khỏi ách phát xít, Tito vẫn không chấp nhận cách hành xử Moskva gió chiều nào thì mình che chiều ấy như đại đa số các nhà lãnh đạo Đông Âu lúc đó.

Ông cũng tuyên bố rằng không có gì quý hơn độc lập tự do. Tito kiên quyết chống lại chủ trương của Stalin muốn Nam Tư hợp nhất với Bulgaria thành một liên bang. Cách xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nam Tư cũng có nhiều nét riêng để phù hợp với đặc thù xã hội của mình và có lẽ cũng chính vì thế nên thời đó, kinh tế Nam Tư tương đối khởi sắc hơn so với các quốc gia Đông Âu khác và so với chính Liên Xô...

Rất đáng tiếc là khi đã đưa đất nước mình tới những bờ bến mới một cách khả quan, Tito lại bị mắc “bệnh ngôi sao”. Ông trở thành viện sĩ của mọi viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật Nam Tư, tiến sĩ khoa học danh dự của đủ mọi trường đại học tổng hợp, nhận đủ mọi huân chương quốc gia cao quý nhất, ba lần nhận danh hiệu Anh hùng Liên bang Nam Tư... Ông không chú ý đào tạo các hạt nhân lãnh đạo mới và bộ máy lãnh đạo mang nặng tính nhân trị do ông lập ra chỉ có thể hoạt động tốt khi ông ngồi ở ghế chủ xị.

Quá tự tin vào tài năng lãnh đạo “siêu phàm” của mình, lại tập trung quanh mình những cận thần có những chiêu xu nịnh siêu hạng nhất, dần dà Tito đánh mất khả năng cảm nhận thực tế một cách khách quan. Chính sách dân tộc không được thực hiện một cách triệt để nên những mâu thuẫn sắc tộc cứ tồn tại âm ỉ và suốt một thời gian dài không bùng nổ dữ dội chỉ nhờ chính cái uy của nguyên soái Tito chứ không phải vì mọi sự đã hợp lý trong lòng xã hội Nam Tư.

Tháng 5/1974, Tito còn lấy chức Tổng thống với quyền năng không hạn chế rồi trở thành Chủ tịch Đảng Cộng sản Nam Tư vĩnh viễn... Xem ra, vinh hoa như thế cũng là tột đỉnh.

Những vòng nguyệt quế như thế thực ra lại càng làm che mắt nhà chính trị đang về già trước những hiểm họa đang đe dọa đất nước ông. Tito đã không chuẩn bị cho những người kế tục mình sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu vì như một số vị vua quá tự tin thời Trung cổ, tới cuối đời ông cứ tin rằng ông làm gì cũng tốt đẹp và lâu bền. Thậm chí, cho tới lúc hấp hối (tháng 5/1980), ông còn nói đi nói lại câu: “Các bạn ạ, ở Balkan chúng ta không hề có nguy cơ xung đột gần nào cả”. Là một người anh minh nhưng ông đã nhầm quá lớn, chẳng bao lâu sau ở Nam Tư đã bùng nổ những vụ đụng độ sắc tộc khủng khiếp dẫn tới tan vỡ cơ chế Liên bang và cho tới hôm nay, nguy cơ tái bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Balkan vẫn còn chưa bị loại bỏ.

Rõ ràng là không phải ai đã từng vượt qua thử thách của khó khăn, gian truân cũng có thể giữ được phong độ tốt của mình trong vinh quang và thành đạt. Tito là một nhà lãnh đạo biết cách xây dựng bộ máy quản lý và làm chủ được nó cho tới cuối đời chứ không bị trở thành nạn nhân của chính sản phẩm do mình tạo ra như một số chính khách nổi tiếng khác ở thế kỷ XX. Thế nhưng, ông lại không lập ra được những nguyên tắc quản lý để cơ đồ mà ông dựng nên tồn tại lâu hơn chính cuộc đời hữu hạn của ông. Một nhà lãnh đạo chân chính không thể chỉ lấy mình làm trọng mà cần phải coi cái chung của dân tộc cao hơn những vinh hoa của cá nhân mình

Hưng Thịnh
.
.