Nguyễn Thị Lộ: Từ “yêu nữ ” đến danh nhân

Chủ Nhật, 15/03/2020, 08:41
Nguyễn Thị Lộ là một trong những nhân vật lịch sử thuộc phái nữ được các sử gia xưa nay tốn rất nhiều giấy mực để bình phán. Suốt thời Trung đại, bà hiện lên như một “yêu nữ hại người” trong dòng sử bút Nho gia. Đến nửa sau thế kỷ XX, bà được bao thế hệ học giả gột rửa nỗi oan khuất và hình ảnh bà đã được tái hiện như một biểu tượng của người phụ nữ có học vấn, có tài năng. 


Đến nay, Nguyễn Thị Lộ đã trở thành một danh nhân được tạc tượng và xây dựng đền thờ để tưởng niệm và tri ân như là một biểu tượng cho trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử. Bài này sẽ giới thiệu về quá trình xây dựng biểu tượng Nguyễn Thị Lộ qua các dòng sử chí từ các nhà Nho cho đến các sử gia hiện đại.

Những gì còn sót lại sau thảm án

Nguyễn Thị Lộ là thiếp của Nguyễn Trãi. Bà nổi tiếng trong sử sách gắn liền với cái chết của vua Lê Thái Tông. Vụ án đi vào lịch sử với cái tên “Vụ án vườn vải” (vụ án Lệ Chi viên). Vụ án được ghi lại khá chi tiết trong nhiều nguồn sử liệu khác nhau như Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư), Lịch triều hiến chương loại chí,...

Trong số các tài liệu trên thì, Toàn thư là sử liệu quan trọng nhất do người gần thời viết vào năm 1479, đó là Ngô Sĩ Liên - sử quan của triều Lê sơ, người có lẽ cũng đã biết đến việc minh oan của vua Lê Thánh Tông dành cho Nguyễn Trãi. Ta hãy xem bộ sử này viết như thế nào.

Toàn thư ghi, năm 1339, Nguyễn Trãi sau gần hai năm ẩn ở Côn Sơn, đã được vua Thái Tông vời lại làm Nhập nội Hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu Gián nghị Đại phu kiêm Hàn lâm viện Học sĩ. Lần tái dự triều chính này còn có thêm Nguyễn Thị Lộ. Sử ghi: Nguyễn Thị Lộ “người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ”. Sau khi tham chính, Nguyễn Thị Lộ có những tác động nhất định đến việc triều chính.

Chân dung Nguyễn Trãi, ảnh thờ tại Nhị Khê. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Nguyễn Thị Lộ từng gièm khiến Lê Lễ (đệ nhất công thần của Lê Thái Tổ) phải giáng xuống làm Thái tử Thiếu bảo. Đến tháng 8 năm 1441, Lê Thái Tông theo kế của Nguyễn Thị Lộ cho bắt giam các hạng đàn bà ngỗ nghịch. Toàn thư ghi: “Vua [Thái Tông] thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ,..., ngày đêm hầu bên cạnh”. Ở đoạn sau cũng ghi: “Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị”.

Nguyễn Thị Lộ được sủng ái cần được đặt trong một bối cảnh phức tạp của chính trị cung đình. Trong đó, các phe phái gồm có: nhóm công thần võ giai vào sinh ra tử như Lê Sao, Lê Thụ, Trần Nguyên Hãn,... nhóm văn thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Nguyễn Liễu, Đào Công Soạn và các thế lực ngoại thích.

Nguyễn Trãi trước đó từng bị nghi ngờ trong vụ giết Trần Nguyên Hãn, sau lại thất sủng trong việc thiết định lễ nhạc với Lương Đăng. Đến đây, Nguyễn Trãi được trọng dụng, được giao cho việc coi giữ sổ sách, xét án kiện quân dân ở Tây đạo và Bắc đạo. Năm 1442, ông được làm làm Giám khảo và lấy đỗ Trạng nguyên Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Lương Như Hộc, Ngô Sĩ Liên. Việc Nguyễn Thị Lộ với Lê Thái Tông hẳn Nguyễn Trãi có biết. Sử ghi, hai hoạn quan là Đinh Phúc, Đinh Thắng có can ngăn Nguyễn Trãi nhưng không được.

Cho đến ngày mồng 4 tháng 8 năm Đại Bảo 3 (1442), “vua.... khi đi tuần miền Đông, xa giá về tới vườn vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng, các quan bí mật đưa về. Ngày mồng 6 về tới kinh, nửa đêm đem vào cung [56a] rồi mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua...

Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ... Tháng 9, ngày 9, giết bọn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng vì khi Nguyễn Trãi sắp bị hành hình có nói là hối không nghe lời của Thắng và Phúc”. Tháng 3 năm Quang Thuận 8 (1467), vua Lê Thánh Tông ra lệnh tìm kiếm những di cảo thơ văn của cố Hàn lâm thừa chỉ học sĩ Nguyễn Trãi.

Năm 1820, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí ghi: “Năm Đại Bảo, Nhâm Tuất [1442], ông 63 tuổi, vì có vợ là Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua, dùng chất độc giết vua, triều đình kết án phải giết ba họ. Bấy giờ có người thiếp của ông đang có mang, trốn được thoát rồi đẻ con là Anh Vũ. Đến triều Thánh Tông, vua thương là oan, cho Anh Vũ làm một chức quan huyện và truy tặng ông tước Tế Văn hầu”.

Các sử liệu trên tuy chưa phải là đủ, song có điều cần bàn thêm về chi tiết minh oan của vua Lê Thánh Tông đối với Nguyễn Trãi. Sự việc này có thể là có xảy ra. Ngô Sĩ Liên chỉ ghi Thánh Tông cho sai tìm di cảo và có lời thơ khen rằng: “Lòng Ức Trai sáng như sao Khuê”, còn Phan Huy Chú ghi “vua thương là oan”.

Nhưng, việc minh oan này chỉ là minh oan riêng cho Nguyễn Trãi, tức là mấy ông đàn ông nhà Nho minh oan cho một người đàn ông cùng hệ tư tưởng. Có lẽ, do tiếc thương ông là bậc danh thần khai quốc, “văn chương làm vẻ vang cho nước” nên đã dồn hết tội trạng về cho Thị Lộ: “Lỗi là ở tại đàn bà”.

Những sử liệu vừa nêu trên về tình tiết vụ án, đều là lời của Ngô Sĩ Liên. Và, trong mắt các nhà Nho, từ Ngô Sĩ Liên đến Phan Huy Chú, Nguyễn Thị Lộ là hung thủ duy nhất gây nên cái chết của cả Thái Tông lẫn Nguyễn Trãi. Điều này có thể thấy rõ qua những lời bình sử.

“Yêu nữ” hại người: Nguyễn Thị Lộ dưới dòng sử bút Nho giáo

Như trên đã nói, Ngô Sĩ Liên là người chép việc Lê Thánh Tông sai tìm di cảo Nguyễn Trãi, cũng chính Ngô Sĩ Liên là người chép lại các tình tiết của vụ án vườn vải. Việc minh oan cho Nguyễn Trãi, không đi liền với việc minh oan cho Nguyễn Thị Lộ mà ngược lại, mọi tội lỗi đều đổ hết lên đầu người phụ nữ này.

Hãy nghe Ngô Sĩ Liên bình luận như sau: “Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?”. Phan Huy Chú cũng bình: “[Nguyễn Trãi] về già muốn an nhàn, không có ý tham luyến [địa vị], chỉ vì nghiệp báo của yêu nữ, cuối cùng lụy đường công danh, bấy giờ ai cũng thương tiếc”.

Hà Nhậm Đại trong Thiên Nam thi tập (soạn năm 1574) ghi lại rằng: “Nguyễn Thị Lộ vụng biết văn học, tính khá dâm dật, vào hầu, Thái Tông bái làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên mình. Đến khi vua Đông tuần, về đến Lệ Chi viên huyện Gia Định, cùng Thị Lộ nằm nghỉ, rồi mất. Bọn đại thần Trịnh Khả, Nguyễn Xí đưa thái tử lên ngôi, cho rằng Thị Lộ giết vua, bèn giết chết. Liên lụy đến Nguyễn Trãi, tru di tam tộc, thu ruộng nhập vào quan điền.

Đến thời Hồng Đức, mới giao lại đất, tái dùng lại con cháu, phong Trãi làm Tế Văn Hầu. Đời truyền rằng, quê Trãi có gò lớn, trên gò có con rắn lớn, thường làm hại dân. Tổ của Trãi khi dạy học, bèn lập kế giết chết rắn. Đến khi Trãi lấy Thị Lộ, dưới bụng Lộ có ba vảy, gây họa cho Trãi. Người ta cho rằng đó là rắn báo oán... Lại có thơ rằng: “Lòng ngời khuê tảo miệng làm thơ, Chính đốn càn khôn một thưở xưa. Vợ hiền xưa nay chồng ít họa, Rắn độc kia sao dám cắn bừa?” (ký hiệu A.315, tr.18a-19b).

Đến đầu thế kỷ XIX, Phan Huy Chú có ghi lại truyền thuyết “rắn báo oán” với những bổ sung chi tiết hơn: “Đời truyền rằng trong gò lớn ở làng ông có con rắn lớn. Chỗ ấy cây cối um tùm, người làng không dám chặt. Người ông nội của ông thích về phong thủy, mới dựng nhà học trên đó, sai người nhà chặt cây dọn dẹp, nhỡ giết phải con rắn ấy. Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai vào Thị Lộ. Nàng sinh ra dưới sườn có vảy. Ông lúc nhỏ đi đường gặp nàng ở Vũ Lăng, yêu về tài sắc mới lấy làm vợ. Khi ông lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh nàng đều được dự nhuận sắc.

Thái Tông nghe tiếng, vời nàng vào hầu cho làm Lễ nghi học sĩ. Bấy giờ ông đã già, muốn về dưỡng nhàn ở Côn Sơn, mấy lần xin không được. Mới lưu nàng lại hầu vua, vua mới cho. Ngày vua đi Đông tuần, nàng hầu đêm, bỗng vua chết một cách bất ngờ. Kịp khi kết tội, lâm hình, Thị Lộ chạy gieo mình xuống nước, người ta cho là rắn báo oán”. (tr.935) Sách Nhị Khê thế gia phả (gia phả nhà Nguyễn Trãi, bản sưu tầm cá nhân) kể lại câu chuyện này với nhiều tình tiết dài đến vài trang.

Có thể tóm tắt như sau: Nguyễn Trãi sai học trò phát cỏ dựng trường, học trò cuốc đứt đuôi rắn, đập vỡ một trứng, đem hai trứng vào khoe ông. Trứng nở ra rắn con, lớn nhanh như thổi. Rắn quay lại quấy phá. Nguyễn Trãi bèn ném đá chết con rắn, lấy mỡ rắn làm dầu đèn. Đêm, khi đang đọc sách, Nguyễn Trãi thấy một giọt máu từ nóc nhà rơi xuống, thấm xuyên ba tờ giấy, ông giật mình kêu: “mày oán ta ba đời ư?”.

Về sau, Nguyễn Trãi lấy “yêu nữ Nguyễn Thị Lộ, không có con”. Khi gặp vụ án Lệ Chi viên, Nguyễn Thị Lộ bị hành hình, xin ra ngoài sông tắm rửa lần cuối, bỗng biến thành con rắn trắng bò xuống nước mà bơi đi mất. Từ đó thiên hạ đều hay chuyện rắn báo oán.

Các sử liệu nêu trên dù là chính sử, tư sử, dã sử hay truyền thuyết dân gian, đều có điểm tụ duy nhất: tập trung vào tội trạng và việc bình luận tội trạng của Nguyễn Thị Lộ. Ngô Sĩ Liên nhìn từ góc độ “nữ sắc làm hại người” như truyền thống chính trị Nho giáo: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân”. Hà Nhậm Đại quy kết tội của Thị Lộ là do “tính vốn dâm dật”. Ông là người đầu tiên ghi chép chuyện rắn báo oán lưu truyền trong dân gian vào năm 1574 - sau vụ án hơn 130 năm.

Phan Huy Chú và Nhị Khê thế gia phả đều ghi lại những truyền bản sống động hơn, được thêm nếm vào các đời sau. Tựu trung đều cho rằng, Nguyễn Thị Lộ là một “yêu nữ” - là một loại rắn biến hình thành người, là loại rắn có nọc độc làm hại người: “Thái Tông yêu nó mà chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà chết cả ba họ”.

Phải đến đời Nguyễn, các sử gia mới thoát ra khỏi nhãn quan cũ, lời bình như sau: “Đời Lê Thái Tông, vua thì buông tuồng, bầy tôi thì chuyên quyền. (Nguyễn) Trãi nếu là người hiền thì nên sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích để cho danh tiếng được toàn vẹn. Thế mà lại đi đón rước ngự giá, thả lỏng cho người vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ. Vậy thì cái vạ tru di cũng là tự (Nguyễn) Trãi chuốc lấy. Như thế sao được gọi là người hiền?” (Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, Q.17, tr.23).

(còn tiếp)

Trần Trọng Dương
.
.