Người vợ cũ của Anh hùng Núp và tình yêu cảm động bên dòng sông Ba

Thứ Sáu, 23/07/2010, 15:55
Dưới chân núi Kông Chro hùng vĩ, ngả mình bên dòng sông Ba thơ mộng, hiền hòa đi qua Tây Nguyên đại ngàn, có đôi vợ chồng nghệ sĩ sống hết lòng yêu dân ca Tây Nguyên. Gần suốt cuộc đời họ đã lặng lẽ đi "nhặt" dân ca để đem về dâng tặng cho đời mà không cần danh vọng, tiền bạc hay chức tước gì cả.

Đó là vợ chồng nghệ sĩ H'Ben, một người con Bah Nar của đại ngàn Tây Nguyên, có giọng hát trong veo như tiếng suối reo, kết duyên cùng một chàng trai Hà Nội có tấm lòng bao la như dòng sông Ba hiền hòa chảy mãi, chảy mãi với thời gian. Tình yêu dân ca Tây Nguyên của đôi vợ chồng ấy cũng thật lãng mạn như chính tình yêu của người con gái Bah Nar với chàng trai Hà Nội đã đi vào thơ ca như một câu chuyện cổ tích…

Một đời yêu dân ca

Mỗi lần về công tác ở huyện xa nhất tỉnh Gia Lai - huyện Kông Chro, cách trung tâm TP Pleiku gần 200 cây số, tôi đều ghé thăm gia đình chị H'Ben. Không nhân danh hội này, hội nọ, cũng chẳng lợi dụng chút nghĩa tình để trục lợi mà đến thăm gia đình anh chị vì quý mến một tấm lòng cao cả.

Hồi tôi mới lên Tây Nguyên, chị H'Ben còn được mời dạy ở Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai. Lúc ấy tôi ở nhờ căn nhà tập thể của trường nên thỉnh thoảng chị ghé sang khu nhà tập thể thăm và hát vài bài dân ca Tây Nguyên cho nghe.

Cùng với chị Khai (vợ sau của nhạc sĩ Nhật Lai) cũng làm giáo viên thanh nhạc ở đây luôn say mê giọng thanh thoát của chị H'Ben. Nghe giọng hát của chị mà lòng thấy càng yêu dân ca Tây Nguyên hơn. Hình như cuộc đời tôi được tiếp thụ dân ca Tây Nguyên cũng bắt đầu từ dạo ấy.

Nhưng cuộc sống luôn đổi thay, sau vài năm gặp chị rồi chia xa, chị không dạy học nữa mà về hẳn Kông Chro để thả hồn dân ca bên dòng sông Ba như một nỗi niềm riêng tư. Nhưng dù có đi đâu, ở đâu, tiếng hát của chị cũng vẫn còn in mãi trong trái tim nhiều người, tình yêu dân ca của chị vẫn làm thổn thức những người có trái tim với văn hóa dân gian Tây Nguyên.

Thật không ngoa chút nào, từ lúc sinh ra ở núi rừng Tây Nguyên, hình như trời đã phú cho tiếng hát H'Ben ngọt lịm như quả ngọt chín rừng. Rồi lớn dần ra miền Bắc, câu dân ca Tây Nguyên qua giọng hát vàng của H'Ben càng được nâng tầm trên diễn đàn trong nước và quốc tế.

H'Ben cũng là người nhan sắc một thời của Đoàn Văn công Tây Nguyên, đã từng là sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Sự nổi tiếng khi ấy không chỉ nhan sắc mà còn cả về tài năng thanh nhạc hiếm có của người con gái Bah Nar Tây Nguyên. H'Ben đi lưu diễn hầu khắp các nước trên thế giới từ Âu sang Á, đâu đâu cũng làm say đắm lòng người.

Vợ chồng H'Ben và người con trai tật nguyền.

Sau ngày giải phóng, ước nguyện được trở về miền Nam để phục vụ cho đồng bào Tây Nguyên của H'Ben đã trở thành hiện thực. Một năm sau, người chồng yêu quý của H'Ben bây giờ cũng cắp cặp theo vợ về ở với núi rừng Tây Nguyên, đó là anh Lê Đức Thịnh, một chàng Hà Nội gốc, đắm đuối người con gái Bah Nar ở Tây Nguyên.

Cuộc sống tình yêu của hai người như thả hồn mình cho dân ca, ngày ngày H'Ben đi dạy ở Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Gia Lai, tối về chép nhặt dân ca. Bất cứ đi đâu, làm gì, lúc nào H'Ben cũng nghĩ đến dân ca Tây Nguyên. Mùa nghỉ hè chị cùng chồng lẽo đẽo với chiếc xe cà tàng lặn lội khắp núi rừng Tây Nguyên để sưu tầm những bản dân ca Bah Nar, Jơ Rai, XêĐăng… còn sót lại trong dân gian.

"Nhặt" về, chị vừa hát, vừa tu sửa cho hoàn chỉnh. Đêm ngày cùng chồng đàn, vợ hát cho tiếng dân ca vút cao, bay xa tỏa khắp buôn làng Tây Nguyên. Khi hoàn thành, H'Ben mang những bản dân ca ấy dạy cho học sinh của mình hát theo. "Mình sướng cái bụng lắm khi chính mắt thấy, tai nghe những đứa học trò hát dân ca của đồng bào Tây Nguyên" - H'Ben bảo thế.

Nghe học trò hát rồi chị hát theo học trò của mình, sửa cho các em hát thật đúng nhịp, đúng giọng và có hồn dân ca Tây Nguyên. Rồi những ngày cuối cuộc đời trở về dưới chân núi Kông Chro, sống bên căn nhà sàn nhỏ bé nơi dòng sông Ba đầy thơ mộng và lãng mạn, những câu dân ca Tây Nguyên lại tiếp tục được cất cao, vút xa trong veo như tiếng suối reo qua chất giọng H'Ben. Ngày đi làm rẫy, đêm về H'Ben lại chép, sửa những bài dân ca vừa sưu tầm mới cho hoàn thiện để rồi đem… dâng tặng cho đời.

Như tình yêu Tây Nguyên

Một ngày cuối năm tôi về thăm gia đình H'Ben, ngồi bên căn nhà sàn nhỏ bé, cũ kỹ dần theo thời gian, năm tháng ở huyện nghèo Kông Chro và được nghe chị hát dân ca, nghe chị kể về cuộc đời mình thật lãng mạn. Hình như cái nghèo đã quen với đời chị nên không mấy băn khoăn khi quyết định về sống với buôn làng.

Bởi hơn ai hết, tôi hiểu cuộc đời chị khi sinh ra và lớn lên đã thấm đẫm nỗi khổ ở vùng quê xa xôi hẻo lánh thuộc làng Đe Dơng, xã Ya Ma (nay là Yang Trung), huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Chị H'Ben kể: "Cái nghèo đã thấm đượm ở buôn làng Tây Nguyên bởi chiến tranh xâm chiếm của thực dân, đế quốc".

Khi ấy, chị không cầm được nước mắt mỗi khi hay tin thêm một người dân của làng mình bị giặc Pháp bắt đi làm phu và đã bỏ xác ở bãi tha ma. Nên năm lên 12 tuổi, H'Ben nghe có cán bộ ở đồng bằng lên bảo rằng: "Muốn cứu dân làng thoát cảnh làm tay sai cho giặc Pháp thì phải theo cách mạng đánh Pháp". H'Ben so thân vào cột nhà thấy mình đã cao dong dỏng và xin phép cha mẹ lên đường.

Rồi một đêm vắng, H'Ben gùi hai bao thóc theo bước anh em lên rừng tiếp sức cho bộ đội đánh Pháp. Hết làm nhiệm vụ chuyển tải lương thực, H'Ben lại tham gia vót chông và biểu diễn văn nghệ… Mỗi cây chông gắn liền với một bài hát, thúc giục anh em bộ đội lên đường đánh giặc cứu nước.

Giọng hát của H'Ben làm câu dân ca vút cao, thanh trong như tiếng suối reo ngân vang bất tận, đi vào lòng người và vang vọng khắp núi rừng Tây Nguyên theo từng bước chân bộ đội. Năm 1955, H'Ben tập kết ra miền Bắc, vừa làm công tác văn công vừa học văn hóa. Năm 1957, H'Ben là một trong những học sinh tiêu biểu của Việt Nam vinh dự được đi dự Đại hội thanh niên thế giới tại Moskva.

Khi về nước, Bác Hồ đến thăm và căn dặn: "Cháu phải cố gắng học tập thật tốt để sau này giúp ích cho đời". Ghi sâu lời dặn của Bác, H'Ben đã mài công học tập và cống hiến trọn đời mình cho cách mạng. H'Ben càng học giỏi, càng hát hay. Tiếng hát ngọt ngào của H'Ben không chỉ vang vọng khắp núi cao, rừng sâu ở Việt Nam mà còn vượt cả đại dương bao la đến tận các nước bạn Đông Âu, Đông Á…

Rồi tiếng hát vang xa bất tận ấy lại mang cả hơi ấm quê hương của Tây Nguyên đại ngàn đi sâu vào lòng người Anh hùng Núp. Vào khoảng thời gian 1958, vợ đầu của anh Núp là H'Liêu mất. Theo tục của người Bah Nar, người em gái của H'Liêu là Chrơ sẽ kế tục lấy anh Núp làm chồng. Nhưng lúc này ở Tây Nguyên, Chrơ đã bặt tin nên Anh hùng Núp cưới H'Ben làm vợ.

Mối tình trai tài gái sắc, chồng anh hùng, vợ nghệ sĩ, cùng nổi tiếng, đã "hút" nhau hơn 6 năm chung sống hạnh phúc giữa Anh hùng Núp với H'Ben ở miền Bắc. Hai người đã có với nhau được một cậu con trai là Đinh Trung Kiên nhưng không may đã bị cảnh tật nguyền suốt đời.

Sau khi về miền Nam, hay tin Chrơ còn sống nên H'Ben đã nhường hạnh phúc của mình lại cho Chrơ theo tục của người Bah Nar. Năm 1964, mối tình thầm lặng giữa H'Ben, cô học trò cá tính có giọng hát trong như tiếng suối reo với chàng trai Hà Nội mang tên Lê Đức Thịnh, người thầy dạy văn hóa và chơi viôlông tài hoa lại bắt nhịp cầu uyên ương hạnh phúc mới.

Có thể nói tình yêu như một duyên nợ không cắt nghĩa được, không lý giải được một cách rành mạch tại sao. Cũng vì tình yêu mà chàng trai Lê Đức Thịnh này đã lặng lẽ khăn gói lên tận Hà Bắc tìm H'Ben ngay trong ngày mùng một Tết, bất chấp sự ngăn cấm của gia đình, rồi họ quấn quít bên nhau như cây không thể lìa cành, chim không thể lìa cánh cho đến ngày đầu bạc răng long tận mãi bây giờ trên đất Tây Nguyên yêu thương.

Hôm về làng Dơng, tôi đến thăm vợ chồng anh chị mừng lắm. Anh Thịnh thì bệnh tình vẫn chưa giảm, chị H'Ben còn phải lo thêm cho đứa con trai đã ngoài tuổi 40 nhưng đi lại khó khăn, giọng ấp úng không thành lời như đứa trẻ lên ba. Đó là Đinh Trung Kiên, con trai của H'Ben với Anh hùng Núp, đã bị tật nguyền từ thuở còn thơ.

Vẫn bên vách nhà sàn ọp ẹp, trống hơ trống hoác, nơi ông Thịnh trải chiếu nằm được treo một mảnh giấy nhỏ với mấy dòng chữ do một người bạn chép tặng: "Trăm năm trước thì ta chưa có; Trăm năm sau biết có hay không?; Cuộc đời sắc sắc không không; Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau".

Thời gian trôi nhanh, dù đã bước sang cái tuổi xế chiều của cuộc đời, nhưng vợ chồng H'Ben cùng người con trai tật nguyền vẫn lặng lẽ sống, ngày đêm thui thủi trong túp lều nhỏ bé nơi thật xa xôi, hẻo lánh ở cái huyện nghèo nhất Gia Lai. Dù nghèo về vật chất nhưng gia đình người nghệ sĩ ấy vẫn âm thầm làm những việc vô cùng có ích cho đời mà ít ai biết đến.

Dẫu thế nhưng vợ chồng H'Ben vẫn cảm thấy vui vì được thả hồn mình bên dòng sông Ba thơ mộng, lặng lẽ tắm mình trong câu dân ca Tây Nguyên cho đến bất tận cuộc đời mà không cần tiền bạc, danh lợi, quyền uy... "Ngày nào Yàng chưa bắt đi, mình còn sống thì mình còn sưu tầm dân ca để dâng tặng cho đời", chị H'Ben nói

Ngọc Anh
.
.