Người sợ những cơn dông

Thứ Ba, 22/06/2021, 12:14
“29-4 là ngày cuối cùng cậu bé ấy được đạp xe đến Trường Tiểu học Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh…”. Chỉ nói được câu đó, nước mắt chị Nguyễn Thanh Bình đã trào ra, giọng nghẹn lại vì xúc động. Chị vẫn thường tự hình dung ra cảnh cậu bé lớp 4 ấy gắng gượng đạp xe trong mưa dông để về nhà và lần nào chị cũng khóc. Khi còn cách nhà 200m thì một luồng sét bổ trúng người cậu bé, cướp đi mạng sống non nớt.

Giá mà cậu bé biết được một quy tắc vô cùng đơn giản lúc ấy, là phải rời xa chiếc xe đạp càng nhanh càng tốt thì có lẽ cậu đã không phải chết một cách tức tưởi như thế. Là một người chuyên về dự báo thời tiết, chị Bình hiểu rằng bản tin thời tiết chất lượng chỉ có thể dự báo và cảnh báo mà thôi. Quan trọng hơn chính là kĩ năng ứng phó khi đối mặt với gió bão, mưa dông…

Lớp học về những đám mây

Thật sửng sốt khi một năm có đến 2 triệu cú sét đánh vào Việt Nam, trong đó có rất nhiều “cú sét giết người”. Theo thống kê chưa đầy đủ thì chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 21-3 đến 19-5-2021 đã có 17 trường hợp bị sét đánh chết trong những hoàn cảnh hết sức thương tâm. Một người đang cắt lúa ngoài đồng, một cậu bé đang chăn bò, một nhóm người đang đánh cá trên sông đều bất ngờ bị sét đánh chết khi cơn mưa dông kéo đến. Thay vì phải tránh xa nguồn nước, đàn gia súc và các vật bằng kim loại thì họ lại hồn nhiên ở bên những vật có khả năng dẫn điện cao.

Chị Bình bảo bị ám ảnh và sợ những cơn dông sét vì chị hiểu quá rõ về nó và những hậu quả tàn khốc mà nó gây ra. Người ta thường chú ý đến những đợt mưa lũ, sạt lở đất kéo dài vài ngày trên diện rộng với hàng chục, hàng trăm người thiệt mạng và được các phương tiện truyền thông đưa tin rầm rộ. Nhưng, người ta lại chủ quan và bỏ qua những cơn dông sét thoắt đến thoắt đi đã cướp đi sự sống, tài sản của không ít người. Nguyên nhân của những cái chết thương tâm là do hầu hết người dân đều vi phạm những nguyên tắc an toàn cơ bản khi cơn dông đến.

Chị Nguyễn Thanh Bình đam mê những trải nghiệm thiên nhiên.

Những ngày đầu tháng 6 nắng như đổ lửa, chị Bình cũng đang trong thời kỳ cao điểm dạy online miễn phí cho các em nhỏ khắp cả nước về cách quan sát đám mây để nhận biết cơn dông và kĩ năng phòng tránh dông sét. Có rất đông học sinh đăng kí học, chị phải lập danh sách và chia ra thành từng lớp để dạy. Quyết tâm trong tháng 6 này sẽ dạy online cho 1.000 em, chị coi đó là món quà dành cho bọn trẻ trong những ngày COVID-19 bủa vây.

Chị Bình đã duy trì những lớp học trực tiếp về thời tiết suốt 6 năm qua. Trong các buổi học, chị thường hỏi bạn nhỏ nào đã từng nhìn thấy ánh bình minh, ánh hoàng hôn, hay ông trăng tròn đêm Trung thu? Không nhiều cánh tay giơ lên. Các con quá thiệt thòi khi ít được trải nghiệm thiên nhiên, mà trải nghiệm ít thì sự nhạy cảm với thiên tai cũng ít, đặc biệt là dông sét. Có lúc công việc quá bận, chị phải tạm dừng việc dạy. Nhưng, cứ đến mùa bão lũ, thiên tai, khi có nhiều người chết do bị lũ cuốn, sạt lở đất, dông sét là chị lại sục sôi tinh thần dạy học để các con biết cách ứng phó, bớt đi những điều đáng tiếc.

Nhiều người gọi chị là Gia Cát Dự, vài người khác gọi thân mật là “mụ Dự”, nghe nhiều nên chị thấy vui vui. Thời tiết là lĩnh vực khó, mọi thứ diễn ra trong bầu khí quyển bao la kia nhiều khi không thể nắm bắt được hết. Việt Nam là vùng nhiệt đới nhưng lại là vùng giao tranh của nhiều hệ thống thời tiết khác nhau. Mạng lưới đo khí tượng của ta lại thưa hơn nhiều so với các nước phát triển, do đó việc dự báo có nhiều khó khăn, thách thức.

Bản chất dự báo thời tiết là xác suất, mà dự báo thì luôn ưu tiên cảnh báo xấu. Khả năng mưa lớn chỉ xảy ra 70% thôi nhưng vẫn phải cảnh báo xấu. Vì thế, rất có thể thời tiết sẽ xảy ra ở 30% còn lại. Cứ dự báo đúng mãi thì ai cũng thấy bình thường nhưng một hôm dự báo rơi vào phần xác suất còn lại thì mọi người lại rất nhớ. Dù thế nào, chị cũng luôn xác định rằng một bản tin thời tiết chất lượng sẽ có ý nghĩa quan trọng, hạn chế thiệt hại của cải và sinh mạng con người.

Áp lực của người biết trước

“Là một dự báo viên thời tiết, có lúc nào chị thấy mệt nhoài trước sự đỏng đảnh của ông trời không?”, tôi hỏi. Chị bảo hơn hai mươi năm gắn bó với nghề, chị đã quen rồi. Làm việc ở Phòng Dự báo số và viễn thám, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chuyên môn chính của chị Bình là phân tích ảnh mây vệ tinh để nhận biết các hệ thống thời tiết, theo dõi cảnh báo các cơn dông và xác định vị trí, cường độ của các cơn bão.

Ở cơ quan chị, không khí sôi động nhất là vào những đợt bão lũ, mưa lớn. Chị và đồng nghiệp trực ở cơ quan suốt đêm ngày, căng mắt theo dõi và cảnh báo dông sét. Hè đến, thu sang, khi nhà nhà đưa con lên rừng xuống biển thì cũng là lúc dự báo viên thời tiết như chị hụt hơi khi đuổi theo hết cơn bão này đến cơn bão khác. Lúc đầu, chồng chị chưa quen với nhịp công việc của vợ, thường thắc mắc rằng sao lạ vậy, khi anh hỏi Chủ nhật tới có đi làm không thì chị lại bảo không biết. Có gì lạ đâu, thay đổi như thời tiết mà.

Tất cả rồi cũng quen đi nhưng có một điều mà những người làm thời tiết không sao quen được, đó là sự căng thẳng, lo lắng từ giây phút đầu tiên trước nguy cơ thiên tai đang xuất hiện. Sự tranh chấp, lấn lướt giữa những khối khí luôn thu hút chị, giống như các fan thể thao xem một trận đấu gay cấn. Trước sự hình thành và mạnh lên của một cơn bão, sự di chuyển của đám mây gây ra mưa trên diện rộng, chị đã nín thở theo dõi mọi diễn biến trong bầu khí quyển để dự báo, cảnh báo kịp thời và chính xác. 

Suốt đêm 27-10 sang ngày 28-10-2020, khi nhìn thấy cơn bão số 9 đang mạnh dần lên và sẽ đổ bộ vào miền Trung, chị và đồng nghiệp rất sốt ruột. Trong đầu họ luôn thường trực suy nghĩ rằng cơn bão đang đi nhanh quá, không biết người dân có ứng phó kịp không, bao nhiêu tàu đang ở ngoài khơi liệu có kịp di chuyển để tránh bão... Lúc ấy, chị chỉ mong bản tin dự báo thời tiết sai, cơn bão đi thật chậm và tan đi.

Chị Bình luôn trăn trở khi trẻ em có quá ít trải nghiệm với thiên nhiên.

Những diễn biến bất ngờ của thời tiết đã nhiều lần khiến con người chẳng kịp trở tay. Chẳng hạn như cái chết đột ngột của 21 vận động viên Trung Quốc khi tham gia cuộc đua marathon tại công viên Thạch Lâm Hoàng Hà, thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc ngày 22-5 vừa qua khiến cả thế giới bàng hoàng. Nhiều người hồ nghi tại sao những vận động viên kì cựu, có thể lực tốt, có kinh nghiệm tham gia nhiều giải chạy, được trang bị đầy đủ vẫn gục ngã bởi một cơn mưa dông mạnh.

Ở thành phố Bạch Ngân, trước khi giải đấu diễn ra, ngày 21-5 trời nắng, nhiệt độ cao. Nhưng sáng 22-5, khi một dải mây khổng lồ di chuyển đến vùng địa hình diễn ra cuộc đua thì trời chuyển mát, sau đó mưa và mưa đá dữ dội, gió giật mạnh. Trên địa hình cao trơ trọi không có chỗ trú, nhiệt độ giảm rất nhanh thì cho dù các vận động viên có đủ trang thiết bị và dày dạn kinh nghiệm thi đấu cũng không thể chịu đựng được và thiệt mạng.

Thực tế, những cảnh báo sẽ có mưa đá, gió giật mạnh đã được đưa ra trước đó nhưng điều đáng tiếc là cuộc đua vẫn cứ diễn ra. Hay như năm ngoái, giải chạy Ultra Trail Dalat 2020 được tổ chức vào tháng 6 ở Đà Lạt, Lâm Đồng đúng mùa mưa. Một vận động viên bị lũ cuốn và tử vong khi cố gắng vượt khe suối đầu nguồn. Sắp tới đây, giải chạy siêu địa hình tại Sa Pa diễn ra vào tháng 8 - khoảng thời gian hay xảy ra mưa lớn, sạt lở đất ở vùng núi. Chị bảo, như một vòng an toàn, thông tin thời tiết ở những mức độ khác nhau phải được coi như một tiêu chí bắt buộc tuân theo để quyết định hoãn, hủy các cuộc thi, cho dù thiên tai có thể xảy ra với một xác suất nào đó. Nếu không có một quy trình ràng buộc cụ thể, bỏ qua những cảnh báo về khí tượng thì có ai dám chắc những thảm họa sẽ không lặp lại.

Hỏi chị rằng, nhiều người mặc định công việc khí tượng thủy văn luôn bình lặng và đơn độc, chị thì sao? Chị cười và bảo, thành công của nhà văn Nguyễn Thành Long khi viết truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là đã làm cho mọi người biết đến ngành khí tượng. Nhưng, công việc đo gió, đo mưa mới chỉ là một góc của ngành thôi, còn nhiều mảng khác cũng sôi động và nhộn nhịp không kém. Vấn đề là truyện ngắn này lại được giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông nhiều năm, thành ra các em học sinh không hứng thú với ngành này. Hệ quả là cho đến tận bây giờ, vẫn rất ít học sinh chọn học ngành khí tượng, đó là điều đáng buồn và đáng lo...

Rồi chị bảo chị muốn đánh bay sự hiểu nhầm dai dẳng về ngành khí tượng thủy văn lâu nay. Bởi như chị chẳng hạn, đâu chỉ đơn thuần là một dự báo viên thời tiết, chị còn có nhiều mảng hoạt động khác. Người làm thời tiết như chị vẫn có thể mở lớp dạy học về thời tiết, kĩ năng ứng phó với thiên tai, cách để sống xanh... Người làm về thời tiết như chị có thú vui là viết bài giới thiệu thuật ngữ, phổ biến kiến thức về thời tiết trên Facebook. Chị cũng vẫn tổ chức các lớp học dự án cho trẻ em để bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Chị bảo, chỉ khi đam mê và tận tâm, nghề nghiệp sẽ không bao giờ để ta buồn chán, mà sẽ dẫn lối cho ta đến những khung trời rộng mở và sôi động.

Thái Hưng
.
.