Người nhận Thiếu tá Marcel Bigeard đầu hàng trong chiến thắng Điện Biên Phủ
Nhưng dấu ấn sâu đậm của ông trong cuộc đời binh nghiệp có lẽ chính là trận Điện Biên Phủ và giây phút nhận thiếu tá Pháp, Marcel Bigeard đầu hàng vô điều kiện, giây phút quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.
Trong cuốn hồi ký Nguyễn Dũng Chi viết để nhớ lại cuộc đời binh nghiệp của mình, ông dành một mảng khá đậm cho trận chiến Điện Biên Phủ. Có lẽ không chỉ bởi, đó là một chiến thắng lừng lẫy của cả dân tộc mà trận chiến đó gắn liền với những dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời ông.
Bây giờ, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng khi ngồi nhớ lại những câu chuyện xưa, ông vẫn hình dung rõ mồn một, từng chi tiết, từng hình ảnh. Đối với những con người mà cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc như ông hiểu hơn ai hết giá trị của chiến thắng, bởi chiến thắng đó đã phải đánh đổi rất nhiều xương máu của đồng đội.
Cái nguyên cớ đầu tiên Nguyễn Dũng Chi đến với Cách mạng cũng rất ngẫu nhiên. Hồi đó, trong những ngày đầu kháng Pháp, thế hệ ông tham gia cách mạng hầu hết những người lính tự nguyện.
Ông biết về Bác Hồ qua những huyền thoại được truyền tụng trong nhân dân, rồi câu chuyện về nhà thơ Tố Hữu, hồi đó thường gọi là Nguyễn Kim Thành, bị giam cầm và những câu thơ về ý chí cách mạng của ông đã có sức lay động ghê gớm đến chàng trai trẻ Nguyễn Dũng Chi, lúc đó đang theo học ở Trường Quốc học Huế. Nên cả gia đình ông có đến 9 người con không ai trực tiếp cầm súng, nhưng Nguyễn Dũng Chi một mình một lý tưởng.
Đậu tú tài Pháp nhưng ông xếp bút nghiên tham gia cách mạng. 18 tuổi ông theo cách mạng đi miết đến tận ngày giải phóng Miền
Chỉ có người trong cuộc, những người đã từng vào sinh ra tử vì một ước muốn chung cho hòa bình của dân tộc mới có thể hiểu. Bởi những người như ông, họ không sống cho riêng mình, cái tôi của họ đã hòa vào cái ta của dân tộc, và hạnh phúc riêng tư cũng gắn liền với vận mệnh của đất nước.
Gia đình ông ở Huế là một gia đình công chức Pháp cũ, các anh chị em đều theo nghề bác sĩ hoặc giảng dạy, giờ đều là những người thành danh ở Pháp, Mỹ. Đôi khi ông có cảm giác mình lạc lõng trong gia đình của chính mình. Nhưng có một điều, đến bây giờ khi đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn chưa bao giờ ân hận với quyết định đi theo cách mạng của mình.
Vào Nam, ra Bắc, chàng trai trẻ Dũng Chi đã xông pha vào trận mạc với một ý nghĩ mang nhiều tự trọng của một gia đình có học thức ở Huế, phải đánh hơn người, đánh thật hay, thật giỏi vì danh dự cá nhân.
27 tuổi, Nguyễn Dũng Chi đã là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 chỉ huy một mũi quân đánh vào đồi A1. Đó là một trận chiến lịch sử mà những người trong cuộc như ông sẽ không bao giờ có thể quên, bởi với ông đó là một quá khứ đẹp và hào hùng của thời thanh niên chống Pháp.
Nhà văn Hữu Mai qua những câu chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi đã viết nên tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng, tiểu đoàn trưởng trong Cao điểm cuối cùng lấy nguyên mẫu từ Nguyễn Dũng Chi.
Trận đánh đồi A1 là một trận đánh dài ngày, ác liệt nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Sau chiến thắng ở Mường Pồn, ngày 13/12/1953, Chính ủy Đại đoàn khoái Dũng Chi bởi cách đánh nhanh, gọn, hiệu quả, nên đã tín nhiệm giao trọng trách cho ông đánh A1 sau nhiều cuộc bàn cãi.
Theo ý kiến của ông Chu Huy Mân, Chính ủy Đại đoàn lúc đó, sẽ tiêu diệt A1 bằng hai tiểu đoàn 9 và 1, nhưng thực bụng trong lòng chàng trai trẻ Dũng Chi lúc đó coi A1 "mùi mẽ gì". 16h ngày 31/4/1954, Tiểu đoàn của Nguyễn Dũng Chi bắt đầu xuất phát từ trong giao thông hào sâu trên ngực. Chàng thanh niên tiểu tư sản vẫn còn nhớ, trời trong vắt không một gợn mây. Và trận A1 đã bắt đầu vào lúc 19h30 ngày 31/3/1954.
Những gì ác liệt nhất đã diễn ra trong suốt hơn một tháng trời, thương vong rất nhiều, ông đã tận mắt chứng kiến đồng đội mình hy sinh, xác lẫn trong bom đạn của quân thù. Nhiều năm sau này mỗi lần trở lại chiến trường xưa, đứng trước hàng ngàn ngôi mộ vô danh giữa lòng chảo Điện Biên Phủ, ông vẫn không cầm được nước mắt.
Trận chiến A1 đang trải qua những ngày tháng cam go, sự sống và cái chết, chiến thắng và thất bại chỉ cách nhau trong gang tấc. Nguyễn Dũng Chi cùng đồng đội, với ý chí của những chàng trai trẻ và quyết tâm bằng mọi giá phải đánh thắng cho bằng được và phải thắng thật nhanh để đủ quân còn đánh tiếp. Trận đánh đến giai đoạn cuối, khi ta chiếm gần trọn đồi A1, nhưng ngay trong những giờ phút cận kề chiến thắng ấy, nhiều đồng đội ông đã hy sinh.
Đó là loạt đạn cuối cùng của Pháp vào đồi A1, một sự đáp trả trong quằn quại, và nhục nhã của những kẻ thua trận. Hơn 15h chiều ngày 7/5, ông và Đại đội trưởng Lâm Viết Hữu, Đại đội trưởng Hải Bằng nhìn xuống sông Nậm Rốn, thấp thoáng vài mảnh vải trắng, cờ trắng bay.
Trên bầu trời lúc đó cũng có một chiếc Đakota, nhìn xuống phía Nam, mấy cứ điểm 205, 311 gần trung tâm chỉ huy cũng vải trắng đủ kiểu, một số lính Pháp lố nhố phía Tây bờ sông. Ông báo cáo với trung đoàn và đại đoàn, có lẽ địch đầu hàng. Nhưng ông chỉ nhận được lệnh ngắn, "Phải cảnh giác".
Lúc đó ông cũng hiểu không phải đứng trong hào nữa nên vội nhảy ra khỏi hào nhìn xuống trung tâm. Cả một rừng cờ trắng ngợp trời, từng đoàn lính Pháp lốc nhốc tỏa ra các phía để đầu hàng. Đồng hồ lúc đó điểm 16 giờ. Vậy là xong trận A1, và đồng nghĩa với chiến thắng mang ý nghĩa quyết định đó là kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nguyễn Dũng Chi đứng giữa lưng chừng đồi A1 dốc về phía trung tâm Điện Biên Phủ, mang một cảm xúc khó tả, vì mới chỉ cách đây vài giờ, ông và đồng đội đã phải đối mặt với cái chết. Bỗng Đại đội trưởng Lâm Viết Hữu chạy ngược lên:
- Báo cáo ban chỉ huy, có quan tư Tây đầu hàng muốn gặp.
Ông không ngần ngại, dõng dạc bảo:
- Cho nó lên.
Và trước mặt chàng trai Nguyễn Dũng Chi lúc đó mới chỉ 27 tuổi, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251, là một tên quan Tây cao lớn, mang quân hàm thiếu tá, đầu đội mũ bêrê màu xanh lục, ngực đeo Bắc đẩu bội tinh đồng, đánh gót nghiêm chỉnh theo nghi lễ nhà binh, chào và nói:
- Tôi, Thiếu tá Bigeard, chỉ huy Tiểu đoàn 1, bán Lữ đoàn Lê dương số 13, xin thuộc quyền ngài. Quân số tôi chỉ còn 150 người. Xin đợi lệnh ngài.
Trong hồi ký của mình, Nguyễn Dũng Chi đã viết: "Hãnh diện biết chừng nào khi lần đầu tiên trong đời binh nghiệp, một tiểu đoàn trưởng Việt Nam tay chắp sau lưng ngắm nghía tên quan tư nổi tiếng của quân đội Pháp, viên chỉ huy cơ động của De Castries đang chào và đợi lệnh theo đúng lễ nghi lục quân Pháp.
Ông ta cùng đám tàn quân lầm lũi leo lên đồi A1 rồi tụt dần về phía sau. Thật thảm bại quân bại trận. Người tôi nhẹ bẫng, lảo đảo như đang đi trên thuyền. Thắng trận rồi, tôi sung sướng cực độ, mà điều kỳ lạ là mình vẫn còn sống. Tôi bất giác sờ xuống đầu gối, các vết thương dính lựu đạn trên đồi A1 lần đầu đã đóng vẩy tự bao giờ, bước thấp bước cao, tôi nhớ lại Chính ủy Chu Huy Mân đã sửa gáy tôi trước lúc vào trận: "Ra đi phải chiến thắng trở về".”
Viên quan tư Pháp đầu hàng Nguyễn Dũng Chi lúc đó cũng còn rất trẻ, khoảng 30 tuổi, sau này trở thành Đại tướng Marcel Bigeard, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp. Ông ta vừa mất ngày 18/6/2010. Còn Nguyễn Dũng Chi, sau chiến thắng lẫy lừng ở Điện Biên Phủ, ông lại cùng đồng đội bước tiếp vào những trận chiến khác.
Giờ ông bà sống bình yên trong căn nhà rộng rãi trên một ngõ nhỏ đường Trần Phú, thanh thản với tuổi già. Những hào quang chiến thắng, ông muốn được giữ lại cho gia đình, dòng họ, để con cháu ông bà mai này biết rằng, họ đã có một người ông, là một trí thức tham gia cách mạng, đã từng làm những việc thực sự có ích cho đất nước.
Lịch sử thế giới đã sang một trang mới, những vết thương cũ đang được hàn gắn, nhưng câu chuyện về trận đánh trên Điện Biên Phủ năm xưa và việc nhận hàng Marcel Bigeard nhắc lại cho chúng ta về một quá khứ đau thương nhưng oai hùng của dân tộc mà chúng ta không được phép lãng quên