Người mang dòng máu Kinh Bắc

Thứ Ba, 23/09/2014, 10:05

Ông ra đi đã hơn mười năm. Vậy mà những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực văn hóa, nhất là những người vùng quê Kinh Bắc, hễ nói về ông, thì ai cũng một tâm tình quý mến và kính trọng. Ai cũng cùng nhận định, ông là một người có năng lực và hết lòng vì sự nghiệp văn hóa vùng Kinh Bắc. Ông là Lê Hồng Dương. Sinh thời, mười tám năm liền ông làm Giám đốc Sở Văn hóa Hà Bắc.

Sinh ra và lớn lên ở làng Đọ Xá, làng ven thị, thành phố Bắc Ninh, ông Lê Hồng Dương tham gia cách mạng từ năm 1945. Ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách: Từ đoàn trưởng tự vệ thanh niên cứu quốc thị xã Bắc Ninh, đến huyện ủy viên phụ trách quân sự huyện Yên Phong. Ba mươi mốt tuổi, làm Bí thư Thị ủy Bắc Ninh. Ba mươi hai tuổi, Bí thư huyện ủy Gia Lâm, rồi Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tuyên huấn Bắc Ninh. Nhưng phải đến giai đoạn 1963-1981, ông về làm Phó ban khoa giáo, rồi Trưởng Ty (nay gọi là giám đốc sở) Văn hóa Hà Bắc, thì công việc mới thật sự phù hợp, năng lực của ông mới có cơ hội được phát huy.

Nói tới vùng Kinh Bắc, ai cũng hình dung đó là miền quê trù phú kinh tế và có bề dày trầm tích của văn hóa, lịch sử. Những kiến trúc cổ kính về đình chùa, miếu mạo, thành quách từ thuở văn hóa Luy Lâu, cho tới thời Lý -Trần - Lê, còn được lưu giữ rất nhiều, rải rác khắp các thôn xóm. Hễ tới thăm bất kỳ làng cổ nào của Kinh Bắc, đều nhận thấy dấu ấn một thời vàng son ở nơi đây. Có lẽ tuổi thơ của ông Lê Hồng Dương đã được thấm đẫm không khí hội hè ngày tết, ngày xuân của quê hương. Việc lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống quê hương đã gợi mở và sớm là niềm quan tâm với tư cách người phụ trách, quản lý ngành văn hóa như ông. Ngay từ những ngày đầu về nhận trọng trách này, ông đã dành thời gian dài để đi điền dã, khảo sát tất cả các công trình kiến trúc cổ, những vùng văn hóa phi vật thể, những làng nghề thủ công mỹ nghệ, những văn bản, văn bia, sắc phong, hương ước rải rác khắp các địa phương. Đó là một kho tàng văn hóa khổng lồ mang đậm nét văn hóa người Việt. Các công trình kiến trúc tuyệt mỹ, như đình Đình Bảng, đình Thổ Hà, đình Phù Lãng, đình Cao Thượng, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, chùa Bổ... Hàng vạn bản điêu khắc cổ trên gỗ, đá, đồng tinh xảo và sống động. Hàng ngàn bản khắc kinh Phật, hàng ngàn bản khắc gỗ in tranh điệp, hàng ngàn làn điệu hát ví đồng bằng, hàng ngàn hương ước tạo ra hồn cốt của các làng cổ mang phong vị xứ Bắc. Đặc biệt, những làn điệu quan họ đắm say và tình tứ lưu giữ từ đời này sang đời khác, tồn tại bền vững trong mấy chục làng quan họ cổ. Với cương vị người đứng đầu ngành văn hóa tỉnh, ông Lê Hồng Dương khi ấy đã sớm nhận ra sứ mệnh của mình. Một câu hỏi khi ấy đặt ra với ông, làm thế nào để lưu giữ và phát huy nền văn hóa truyền thống rực rỡ này, ngày một phát triển? Vậy, làm thế nào xây dựng nền tảng, chiến lược văn hóa truyền thống xứ Bắc lâu dài? Một loạt cộng sự được quy tập, với phương châm tuyển dụng cán bộ thời đó, cần người vừa hồng vừa chuyên. Nhưng với tầm nhìn sắc bén của ông, thì trong lĩnh vực văn hóa, phải cần người tài giỏi. Vì thế, thời ông quản lý, ngành văn hóa Hà Bắc quy tụ được rất nhiều gương mặt tiêu biểu. Về khảo cứu, khảo cổ, xuất bản có Hồng Thao, Trần Ninh Quý, Trần Đình Luyện, Khổng Đức Khiêm, Đông Phương, Vương Tùng Cương... Về văn học nghệ thuật, có Đỗ Cường, Nguyễn Phan Hách, Trần Ninh Hồ, Anh Vũ, Lê Liên... Các nghệ sỹ biểu diễn, có Thúy Cải,  Hai Tráng, Vũ Tự Lẫm, Thúy Hường, Thúy Tình... Các nghệ nhân dân gian, có Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Đăng Sần (tranh điệp), ông Kim, ông Ước (điêu khắc gỗ), ông Đĩnh (sơn mài)... Với phương châm của ông Lê Hồng Dương, là phát huy, khơi gợi khát vọng sáng tạo của người cộng sự. Vì thế, những người cộng sự tâm huyết được làm việc dưới sự quản lý của ông, ai cũng phấn khởi, hăng say phát huy hết năng lực của mình.

Những năm tháng ấy, Hà Bắc luôn là vùng đất chiêu hiền đãi sĩ với những ai có tâm huyết với nền văn hóa Kinh Bắc. Nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng, như Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Đỗ Văn Ninh, Chu Quang Chứ, Trịnh Cao Tưởng, Phan Cẩm Thượng... thường xuyên về khảo sát, khai quật, xây dựng những công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Cũng trong thời gian này, ông Lê Hồng Dương đã xin ý kiến lãnh đạo địa phương và cơ quan Bộ chủ quản, liên tiếp tổ chức những hội thảo khoa học về âm nhạc, mỹ thuật, văn học. Đặc biệt, 5 hội thảo về quan họ do ông chủ trì được các nhà khoa học đánh giá cao về tính học thuật. Về sau này, quan họ Bắc Ninh được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Công tác văn bản, biên tập xuất bản cũng được đặc biệt coi trọng. Bộ sách Địa chí Hà Bắc và Hà Bắc ngàn năm văn hiến do ông Lê Hồng Dương làm chủ biên, được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá cao. Cho đến nay, sau mấy thập kỷ, hai bộ sách này vẫn được đánh giá là những công trình khoa học chuẩn xác, đầy đủ nhất về văn hóa vùng Kinh Bắc. Nhiều tập sách nghiên cứu, khảo cứu giá trị, như Hát ví đồng bằng, Nghề đẹp tỉnh Bắc, Sái Thuận được ra mắt trong thời gian này.

Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh đã được thành lập, là nhờ công sức của ông Lê Hồng Dương. Là người quản lý, vậy mà ông mê nghe quan họ vô cùng. Ông là người lặn lội đi khắp bốn mươi chín làng quan họ gốc. Khi thì đi với cộng sự, khi lặng lẽ đạp xe đạp đi một mình. Hai nhà nghiên cứu hàng đầu về quan họ, là Hồng Thao và Trần Ninh Quý, thường được cùng ông đi xuống các làng quan họ. Họ đến với quan họ, không đơn thuần là người quản lý, mà như chính người của quan họ. Những diễn viên gạo cội của đoàn, ai cũng thấu hiểu, nếu không có ông Lê Hồng Dương, là không thể có đoàn quan họ được. Họ còn nhớ những ngày đầu, đoàn lập ra, cái gì cũng thiếu thốn. Nơi ăn chốn ở, rồi chỗ tập biểu diễn, rồi tiền lương hàng tháng chưa có. Đã nhiều lần ông lấy tiền lương của mình để san sẻ cho anh em trong đoàn chi tiêu cùng.

Từ phải sang trái: Nhà văn Nguyên Hồng, ông Lê Quang Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, ông Lê Hồng Dương - Giám đốc Sở Văn hóa Hà Bắc (Ảnh chụp năm 1966).

Việc phục hưng lại nghề in tranh điệp ở Đông Hồ, cũng chính là nhờ chủ trương của ông Lê Hồng Dương. Khi gửi đề cương phục hưng nghề in tranh điệp Đông Hồ đang có nguy cơ bị mai một, cấp lãnh đạo tỉnh ít nhiều có ý kiến chưa tán thành. Nhưng với tầm hiểu biết và nhạy cảm của người quản lý văn hóa, ông quyết tâm thuyết phục, đề ra phương án lưu giữ nghề in tranh điệp. Thế rồi, chính ông liên hệ, tìm cửa để tranh điệp Đông Hồ gửi đi xuất khẩu. Những năm đó, nghệ nhân dân gian làng Đông Hồ in tranh ngày đêm, xuất đi hàng chục vạn bức tranh điệp sang Nhật Bản, thu về nguồn ngoại tệ đáng kể. Dân làng tranh ai cũng hàm ơn công lao của ông.

Những năm đó, Hà Bắc là tâm điểm của việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của toàn quốc. Rất nhiều đoàn khách về tham quan, học hỏi. Công tác quảng bá văn hóa truyền thống xứ Kinh Bắc được lan tỏa nhiều nước. Nhiều nhà báo, nhiều đoàn làm phim các nước đến với Hà Bắc. Trong một cuốn phim tài liệu về miền đất cổ Kinh Bắc, có đạo diễn phương Tây đã nói về ông Lê Hồng Dương là người mang đậm dòng máu Kinh Bắc. Với kiến thức uyên bác về quan họ của ông, đoàn phim truyện Việt Nam khi về làm phim Đến hẹn lại lên, đã trân trọng mời ông làm cố vấn phim.

Con người ham hoạt động, say mê với việc nghiên cứu, phục hưng nền văn hóa truyền thống, vậy mà cũng không ít lần ông chịu sự phiền toái. Bên cạnh những người lãnh đạo địa phương đánh giá cao lòng say mê và nhiệt tình công tác của ông, đã hỗ trợ, tạo điều kiện để ông làm tốt sứ mệnh là người tổng chỉ huy văn hóa tỉnh văn hiến. Nhưng ông cũng phải đối mặt với sự ngáng trở, hãm hại. Thấy ông quá sốt sắng với công việc, có kẻ ích kỷ lại gièm pha, phá đám, rằng Hà Bắc chỉ có văn hóa là trọng tâm hay sao? Trong nhiều hội nghị cấp tỉnh, ông Lê Hồng Dương thẳng thắn nêu rõ quan điểm của mình, nếu không biết coi trọng văn hóa, thì sẽ xảy ra nhiều hiểm họa khó lường. Rồi sau những ngày tháng năng nổ, dốc hết sức cho công việc, ông đổ bệnh. Khi ấy, có người cạnh tranh vị trí của ông, họ toan ép ông về hưu trước tuổi. Câu chuyện đã lùi vào quá khứ, nhưng để lại cho ông đôi phút ngậm ngùi. Sinh thời, ông vẫn tâm sự với những người cộng sự của mình, rằng thuận nghịch là lẽ thường tình trong cuộc sống. Chỉ cốt giữ tâm sáng, trí vững, thì trước sau mọi việc sẽ hanh thông. Những người cộng sự với ông nhận ra, đó là cách ứng xử có văn hóa của người cán bộ lịch lãm, từng trải.

Với tinh thần làm việc hết mình, ông Lê Hồng Dương vinh dự nhận được nhiều huân chương kháng chiến, huân chương lao động, huân chương độc lập. Đặc biệt, ông được nhận bằng khen của Tổ chức UNESCO và huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, huy chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian. Ông Lê Hồng Dương mất năm 2003, hưởng thọ 82 tuổi.

Dù đã hơn chục năm, kể từ ngày ông ra đi, nhưng những người từng công tác, từng là cộng sự của ông, vẫn mãi nhắc về ông, một người say mê và có năng lực với công tác tổ chức, quản lý văn hóa. Hà Bắc đã tách làm hai tỉnh, là Bắc Ninh và Bắc Giang. Tuy nhiên, những người tâm huyết với công tác văn hóa ở hai tỉnh này công nhận, chưa có người lãnh đạo văn hóa nào vượt được tâm và tầm của ông Lê Hồng Dương.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Toàn, người từng được cộng tác với ông nhiều năm, kể rằng, cuối đời, ông Dương bị bệnh mất trí nhớ nặng. Những người thân đến thăm, ông không còn nhận ra ai. Ngay cả các con ông, ông cũng không nhận ra được. Cha con gặp nhau, vậy mà ông lại chào chị chào anh, hỏi anh chị ở đâu tới? Nhưng ông vẫn say quan họ lắm. Thi thoảng, ông vẫn lẩm nhẩm đôi lời quan họ. Chợt nghe làn điệu quan họ trên đài, trên vô tuyến, khuôn mặt ông bỗng sáng bừng lên. Ông ngây cười: “Quan họ, quan họ đấy!”. Niềm say mê văn hóa truyền thống vùng Kinh Bắc theo ông đến hơi thở cuối cùng.

Tháng 7/2014

Vũ Từ Trang
.
.