Ngoại ô mùa đông năm 1946

Thứ Tư, 02/01/2013, 14:00
Bài thơ Ngoại ô mùa đông 1946 đã được Văn Cao sáng tác ngay trên chiến lũy Ô Chợ Dừa, mang âm hưởng của một bản trường ca giàu hình ảnh và đậm chất bi tráng. Bài thơ là một bức tranh hoành tráng mô tả một cách trung thực nhất về cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân thủ đô trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến vĩ đại tại một cửa ô phía tây thành phố.

Trích hồi ức Văn Cao - Đời và Nghiệp

Buổi chiều ngày 19/12/1946, Văn Cao gói ghém đồ đạc để rời khỏi Hà Nội. Vài bộ quần cũ, một cái chăn dạ mỏng, một chiếc màn  cùng với cây đàn ghi ta, đó là tất cả những gì ông có thể mang theo. Văn Cao nhìn chiếc bồ đựng giấy, trong đó chứa đầy những cuộn giấy đủ mọi kích cỡ. Đó là những phác thảo tranh, những bức ký họa mà ông chưa có điều kiện để hoàn thiện. Không thể mang chúng đi được, ông quyết định đốt hết. Nhìn ngọn lửa cháy rần rật thiêu trụi những bức phác thảo mà bao lâu nay đã lưu giữ, lòng ông trào lên bao nỗi luyến tiếc.

Văn Cao có nhiệm vụ đưa một số văn nghệ sỹ rời Hà nội tản cư đi kháng chiến. Ngày hôm nay là hạn cuối cùng mọi người phải có mặt tại địa điểm tập kết để rời Hà Nội. Thấy còn sớm, Văn Cao quyết định đảo qua một vài địa điểm mà các văn nghệ sỹ thường tụ  tập để kiểm tra xem có còn sót lại người nào không. Đến một quán cà phê ở phố Huế gần chợ Hôm, ông thấy Phạm Duy vẫn dang ôm cây đàn ghi ta hát nghêu ngao, Văn Cao hỏi:

- Sao giờ này mà cậu vẫn còn ở đây? Sắp đánh nhau to rồi, cậu phải ra khỏi thành phố ngay để đến địa điểm tập kết. Đêm nay mình sẽ đưa mọi người rời Hà Nội.

Phạm Duy cười, giọng tỉnh queo;

- Đã đánh nhau thế quái nào được, đợi lúc nào nổ súng moa đi cũng chưa muộn.    

Biết tính Phạm Duy, Văn Cao không nói gì thêm, ông móc túi lấy tờ giấy có chữ ký của ông Võ Nguyên Giáp do ông Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, giao nhiệm vụ cho ông từ mấy hôm trước, đưa cho Phạm Duy:

- Cậu cầm tờ giấy giới thiệu này về công tác tại Đài Phát thanh hiện đang đóng ở chùa Trầm. Công việc ở Đài thích hợp với cậu hơn.

Văn Cao trở về căn gác nhỏ ở 45 Nguyễn Thượng Hiền vào lúc trời đã xế chiều. Và sau đó ông ra khỏi nhà. Sẩm tối, ông đến địa điểm tập kết tại làng Khương Hạ (quê của họa sỹ Sỹ Ngọc). Mọi người tíu tít hỏi thăm khiến Văn Cao trả lời không kịp. Ông nhận ra những khuôn mặt quen thuộc: vợ chồng nhạc sỹ Văn Chung; các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Công Mỹ cùng các họa sỹ Phan Kế An, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến… Tất cả đều đã sẵn sàng cho một cuộc ra đi với trang bị cá nhân gọn nhẹ. Chỉ riêng nhạc sỹ Văn Chung với thân hình nhỏ nhắn, cùng vợ khiêng theo cây đàn công tơ bát đã từng gắn bó với ông như một người bạn tri kỷ không thể tách rời.

Bữa cơm tối dọn ra. Mọi người ngồi ăn một cách uể oải trong một tâm trạng nặng nề. Những nét đăm chiêu ẩn hiện trên từng khuôn mặt. Họ chờ đợi, chờ đợi giờ phút mà tất cả mọi người đều không hề mong muốn. Họ đợi tiếng súng mở màn cho một cuộc chiến. Một cuộc chiến không thể tránh được để bảo vệ nền độc lập cho một đất nước, một dân tộc quyết không chịu làm nô lệ.

20 giờ 5 phút, tiếng đạn pháo từ pháo đài Láng gầm lên rung chuyển cả thành phố, mở màn cho cuộc Kháng chiến toàn quốc. Mọi người bật dậy, lao ra sân, nhốn nháo:

- Nổ súng  rồi! Đánh nhau rồi!

- Pháo của ta hay pháo của địch?

- Pháo của ta! Quân ta chủ động tấn công trước.

Văn Cao cùng Mai Văn Hiến vội vã trèo lên nóc nhà. Hai người nhìn về thành phố. Bầu trời Hà Nội rực lửa rung lên dưới những loạt đạn pháo của quân ta.

Hai giờ sáng ngày 20/12/1946, Văn Cao dẫn mọi người rời khỏi Hà Nội. Ra đến bến xe điện Cầu Mới, chứng kiến cảnh những người dân gồng gánh, tay xách nách mang dắt díu nhau đi tản cư theo kháng chiến, trái tim nhạy cảm của Văn Cao run lên vì xúc động. Không vội vã như những người tản cư, các văn nghệ sỹ ra đi một cách lặng lẽ, đăm chiêu trong gió rét dưới bầu trời đêm ảm đạm, le lói mảnh trăng non mỏng mảnh như chiếc lá. Họ để lại sau lưng những kỷ niệm, những con đường, góc phố, những mái nhà liêu xiêu. Họ để lại sau lưng một Hà Nội thân thương đang kiên cường chiến đấu với một ý chí: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ. Họ ra đi với một niềm tin vào cuộc kháng chiến nhất định sẽ thành công và một ngày nào đó họ sẽ trở về giải phóng thủ đô. Văn Cao đã nhìn thấy và dự đoán trước được niềm vui sướng tự hào của cả dân tộc chào đón đoàn quân chiến thắng trở về trong ngày thủ đô giải phóng.

Tờ mờ sáng, Văn Cao dẫn mọi người về đến thị trấn Kim Bài thuộc huyện Thanh Oai, Hà Đông, nơi đóng quân tạm thời của giới văn nghệ sỹ. Mọi người mệt nhoài sau một đêm đi bộ vất vả. Họ được đưa vào ở tại một số nhà dân trong xóm. Mấy ngày sau, Văn Cao nhận được lệnh của ông Hoàng Hữu Nam cùng Mai Văn Hiến trở về Hà Nội tìm máy in để chyển lên chiến khu. Hai người trở về Hà Nội, đến ấp Thái Hà, một địa bàn quen thuộc nơi Văn Cao đã từng sống trong những năm tháng khó khăn với nhiều kỷ niệm đau buồn…

Văn Cao đưa Mai Văn Hiến vào ấp Thái Hà, tìm đến một vài xưởng in nhỏ mà ông từng biết. Họ may mắn tìm được hai chiếc máy in mà chủ nhà đi tản cư bỏ lại. Sau khi đã kiểm tra và ghi rõ địa chỉ vào sơ đồ cẩn thận, hai người rời ấp Thái Hà, đi vào thành phố. Trời đã xế chiều, đường phố vắng lạnh, người qua lại thưa thớt, chủ yếu là các chiến sỹ tự vệ đang làm nhiệm vụ.

Ô Chợ Dừa, cửa ngõ phía tây của Hà Nội, nơi sinh sống của những người cùng khổ, của những thân phận bèo bọt bất hạnh, một thời bị cái xã hội thực dân cai trị khinh rẻ. Cái: Cửa ô đau khổ/ Bốn ngả âm u… đó đã bật dậy đứng lên lập chiến lũy. Văn Cao đã chứng kiến những ánh mắt rạng ngời của những anh xích lô, ba gác, của những chị đồng nát, tiểu thương, của những em bé đánh giày… kề vai sát cánh cùng những chiến sỹ Vệ quốc đoàn, những chiến sỹ tự vệ sao vuông hối hả khuân vác đủ mọi thứ để củng cố chiến lũy sau những trận đánh ác liệt trong những ngày vừa qua. Một chiến lũy được dựng lên bằng gạch đá, đất cát, giường tủ, bàn ghế, sập gụ, tủ chè và tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn, chỉ thấy những mảng vỡ lỗ chỗ vết đạn, những mái nhà gục đổ xung quanh chiến lũy. Mùi khét lẹt của thuốc súng vẫn bao trùm khắp nơi. Văn Cao gặp lại những kỹ nữ, những ca nương của những tiệm hát cô đầu ở phố Khâm Thiên đang thổi cơm, đun nước phục vụ bộ đội, họ vẫn thướt tha trong những tà áo dài duyên dáng với khuôn mặt vẫn được trang điểm cẩn thận. Văn Cao thực sự xúc động, cảm xúc trào dâng và những vần thơ hiện lên trong đầu ông:

Reo lên! A reo lên
Xóm cùng khổ
Reo lên! Reo lên!
Băng mình vào đạn lửa   
Cuộn cuộn chảy xô lòng Hà Nội vống lũ  Hồng Hà

Nhật lệnh đêm nao
Lời gọi của Cha già
Ôi đoàn thể
Bấy nhiêu người đói khổ đã vươn cao
Cửa ô cần lao
Cửa ô trụy lạc
Cửa ô trầm mặc
Ơi cửa ô, cửa ô dài dằng dặc
Bấy nhiêu người đói khổ đã vươn cao.

Văn Cao lấy cuốn sổ tay trong túi, ghi lại mấy câu thơ vừa bật ra đó. Đây cũng là một thói quen của ông.

Trong khi đó, tại một góc phố của cửa ô, Mai Văn Hiến cũng đang say sưa ký họa toàn cảnh chiến lũy Ô Chợ Dừa để làm tư liệu với hy vọng sau này ông sẽ hoàn thiện thành một tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu.

Trời đã ngả về chiều, Mai Văn Hiến vẽ xong bức ký họa, thì cũng là lúc cảm thấy cồn cào trong bụng, ông rủ Văn Cao đi kiếm cái gì đó để ăn. Hai người tìm được một hàng phở trong ngõ phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng). Khách vẫn tấp nập với đủ các loại người: ngoài bộ đội, tự vệ, còn có những người dân lao động và cả những cô kỹ nữ trong trang phục hành nghề vẫn điềm nhiên ăn uống như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Sau khi đã đánh chén một bữa phở no, hai người chia tay nhau. Mai Văn Hiến chịu trách nhiệm tìm máy in ở quanh phố Hàng Bột, Văn Cao trở lại tìm ở khu vực Khâm Thiên. Để đảm bảo an toàn cho việc di chuyển vừa có thể phòng thủ, vừa có thể bất ngờ tấn công quân Pháp từ mọi phía, các dãy nhà hai bên đường phố đều được đục tường thông với nhau. Đây là một sáng tạo độc đáo chưa từng có trên thế giới của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Từ Ô Chợ Dừa, Văn Cao đi vào phố Khâm Thiên một cách an toàn qua mọi nhà và ông đã chứng kiến được nhiều điều bất ngờ không thể nào quên. Trong nhiều ngôi nhà vẫn còn nguyên những đồ vật quý, những tủ quần áo đầy ắp, những mâm cơm dọn ra chưa kịp ăn vẫn đạy lồng bàn. Những người chủ của nó đã ra đi vội vã trong cái đêm khai hỏa mở màn cho cuộc Kháng chiến toàn quốc. Họ đã bỏ lại tất cả để đi tản cư theo kháng chiến. Văn Cao đã đi qua những tiệm hát cô đầu, ở đó vẫn vang lên tiếng đàn, tiếng hát, những ca nương mới vừa đây còn phục vụ khách làng chơi của Hà thành, giờ đây họ lại đem lời ca tiếng hát của mình phục cho những chiến sỹ Vệ quốc đoàn, những chiến sỹ tự vệ sao vuông sau những trận đánh. Họ hăng hái thổi cơm, đun nước tiếp tế cho bộ đội , băng bó cứu thương cho những chiến sỹ bị thương dưới làn đạn của quân thù. Những kiếp người bất hạnh của một thời.

Vài ngày sau, Văn Cao trở về cơ quan sau khi đã tìm thêm được một máy in nữa tại khu phố Khâm Thiên. Chuyến đi đã để lại những ấn tượng đầy cảm xúc trong ông. Văn Cao đã được tiếp xúc với những người lính vệ quốc cảm tử, những chiến sỹ tự vệ sao vuông, những thợ thuyền, những người dân cùng khổ và cả những gái làng chơi. Tất cả, tất cả đều sát cánh bên nhau đứng lên chiến đấu chống lại kẻ thù để bảo vệ thủ đô thân yêu, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc theo lời hiệu triệu của Bác Hồ: “Ai có súng, dùng súng, ai có gươm, dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc”... 

Sự thay đổi đến bất ngờ của cả một khu phố cửa ô trụy lạc, của Một dãy phố nghiêng cả thành Hà Nội sau ngày Toàn quốc kháng chiến, đã khiến Văn Cao ngỡ ngàng. Hào khí Đông A đã trở về trong những ngày mùa đông gió rét đó, trong  hình ảnh:

Em gái Ngã Tư Sở
Anh người thợ Nam Đồng
(Đêm sênh ca khốn khổ
Đập tan đàn khi nhạc mới mênh mông)
Xác anh vùi lửa đạn
Xác em vùi bên anh
Khói súng mờ bay nhạt cả xóm xanh
Lửa bừng lên cháy rực phía đô thành.  

Bài thơ Ngoại ô mùa đông 1946 đã được Văn Cao sáng tác ngay trên chiến lũy Ô Chợ Dừa, mang âm hưởng của một bản trường ca giàu hình ảnh và đậm chất bi tráng. Bài thơ là một bức tranh hoành tráng mô tả một cách trung thực nhất về cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân thủ đô trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến vĩ đại tại một cửa ô phía tây thành phố, giữa một không gian: Khói súng mờ bay nhạt cả xóm xanh/ lửa bừng lên cháy rực phía đô thành, trong cái mùa đông lạnh giá ấy

Văn Thao
.
.