Ngô Đình Diệm trong mắt những người cùng thời: Quan lại cực đoan

Thứ Sáu, 25/07/2008, 11:00
Ông Quách Tòng Đức dù rất muốn tô vẽ hay ho cho chủ cũ cũng phải công nhận rằng, Tổng thống Diệm là "một hỏa diệm sơn", khi cần thiết cũng dễ dàng nổi cơn thịnh nộ, quát tháo, đập bàn… Nhiều người từng tiếp xúc với Tổng thống Diệm ở Sài Gòn đều có cảm nhận rằng, mặc dù mang danh là đứng đầu một chính thể "cộng hòa" nhưng thực chất Ngô Đình Diệm vẫn cư xử như một viên quan cỡ bự của chế độ phong kiến.

Ông Quách Tòng Đức vốn là một viên chức cao cấp của chế độ thực dân từ trước năm 1945 và sau này đã cúc cung tận tụy với các chế độ làm tay sai cho ngoại bang ở Sài Gòn. Khi Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống của cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa, ông Quách Tòng Đức đã được gọi về làm Đổng lý Văn phòng.

Nhiều năm làm việc sát gần Ngô Đình Diệm đã giúp cho ông Quách Tòng Đức có được những chi tiết đời sống bất ngờ về một trong những nhân vật phức tạp và cũng không ít bi khuất của chế độ Sài Gòn trước đây. Năm 2006, ở tuổi 89, ông Quách Tòng Đức đã kể lại cho tác giả Lâm Lễ Trinh ghi lại những hồi ức của mình về giai đoạn 9 năm giúp việc Tổng thống Ngô Đình Diệm, cho tới khi anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu bị ám sát trong cuộc đảo chính ngày 1/11/1963.

Trong những đoạn hồi ức đó, có không ít chỗ ông Quách Tòng Đức vì các lý do cá nhân đã tỏ ra thiên vị người chủ cũ nhưng cũng có không ít điều ông kể có thể giúp thấy rõ hơn gương mặt của Tổng thống Diệm, một nhân vật không thiếu năng lực nhưng đã lầm lẫn chọn đường đi nên rốt cuộc đã gặp phải kết cục cay đắng.

Theo nhận xét của ông Quách Tòng Đức mà ông Lâm Lễ Trinh đã ghi lại và công bố, Ngô Đình Diệm bản tính là một con người kiên định trong các quan niệm đến mức bướng bỉnh, cố chấp.

Xuất thân trong một gia đình đại thần của triều đình Huế, bản thân lại sớm được làm quen với thế giới quan trường (năm 29 tuổi đã được thăng làm Tuần vũ, năm 31 tuổi lên ngồi chễm chệ trên ghế Thượng thư Bộ Lại dưới triều Bảo Đại), nên Ngô Đình Diệm có lẽ đã rèn được cho mình một phong độ quan cách khá ấn tượng, dù vóc dáng không cao: "Mái tóc đen nhánh, dáng người thấp, chân đi hai hàng lạch bạch nhưng mau lẹ…".

Ông Quách Tòng Đức cũng cho rằng trước mặt thuộc hạ, Tổng thống Diệm toát ra được cái uy nghiêm riêng nhờ "một gương mặt phúc hậu, một tác phong cương nghị, một giọng Huế ấm áp, một lối nhìn thẳng vào người đối thoại". Bản chất quyết liệt đến tàn bạo, Ngô Đình Diệm rất kiên trì trong những kế hoạch thâu tóm quyền lực và không ngần ngại sử dụng những mưu thâm kế độc nhất để đạt các mục đích đã đặt ra. Ngô Đình Diệm không hay to tiếng nhưng không phải vì thế mà ông ta không đó những lúc lớn giọng làm đám thuộc hạ đã không làm được đúng ý ông ta phải hồn xiêu phách lạc.

Sau này, khi một nhóm tướng lĩnh phản trắc của cái gọi là nền đệ nhất Sài Gòn âm mưu bắt tay riêng với CIA để lật đổ anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu, mặc dù đã ở thế thượng phong nhưng không ít người trong số họ cũng ngại dàn mặt với Tổng thống Diệm mà thường cứ phải hành xử theo kiểu quay quắt, lén lút…  Họ sợ cái uy của người từng nắm trong tay vận mệnh tay sai của họ!

Ông Quách Tòng Đức dù rất muốn tô vẽ hay ho cho chủ cũ cũng phải công nhận rằng, Tổng thống Diệm là "một hỏa diệm sơn", khi cần thiết cũng dễ dàng nổi cơn thịnh nộ, quát tháo, đập bàn… Nhiều người từng tiếp xúc với Tổng thống Diệm ở Sài Gòn đều có cảm nhận rằng, mặc dù mang danh là đứng đầu một chính thể "cộng hòa" nhưng thực chất Ngô Đình Diệm vẫn cư xử như một viên quan cỡ bự của chế độ phong kiến.

Nhà báo Mỹ Denis Warner mặc dù không hiểu rõ lắm tình hình Việt Nam thời đấy nên đã viết cuốn sách rất kém giá trị về Tổng thống Diệm nhưng đã đúng khi chọn tựa đề cho sách là "The Last Confucian", ý muốn nói Ngô Đình Diệm là hủ nho cuối cùng trong Dinh Độc lập, Sài Gòn.

Cũng dưới góc nhìn như thế nên tác giả Stanley Karnow trong cuốn "Vietnam A History" đã dành hẳn một chương (chương 8)  nói về Ngô Đình Diệm với tựa đề "America's Mandarin" (Quan lại của Mỹ). Làm việc theo kiểu quan lại phong kiến nên Tổng thống Diệm, cũng như em trai ông là cố vấn Ngô Đình Nhu, thường xuyên ôm việc, không thấy ai ngoài gia tộc mình đủ độ tin cậy để trao đầy đủ trọng trách.

Theo tác giả Frances Fitzgerald trong cuốn "Fire in the Lake", Tổng thống Diệm thường xuyên "làm việc mỗi ngày từ 16 đến 18 giờ và khi đi nghỉ đã để lại một đống hồ sơ to lớn mà ngày mai ông ta phải thức dậy sớm để xem từng chi tiết. Hình như ông ta không thể tách chuyện quan trọng ra khỏi chuyện tầm thường". Còn Nguyễn Văn Châu, một viên trung tá của quân đội Sài Gòn khi đó, hay có dịp phải hầu hạ Tổng thống Diệm trong các sự vụ thì nhận xét: Tổng thống Diệm "thường nói dài dòng, bắt người đối diện phải nghe và không để cho ai ngắt lời ông. Muốn trình bày một vấn đề gì, phải đợi lúc ông ngưng nghỉ, trình bày một lèo như ông đã làm mới thành công".

Đến ngay như ông Quách Tòng Đức cũng không thể không công nhận rằng, Tổng thống Diệm "làm việc bất chấp giờ giấc, với nhịp độ làm các người thân cận mệt nhoài. Khi có vấn đề khẩn, ông cho mời nhân viên hữu trách vào dinh để đàm đạo thâu đêm. Bằng không, ông đọc phúc trình, hồ sơ đến khuya, uống trà, hút thuốc nhưng không bao giờ hút hết phân nửa điếu thuốc…".

Tổng thống Diệm, cũng theo nhận xét của ông Quách Tòng Đức, "có thể độc thoại hàng giờ khi nói đến những đề tài mà ông nghiền ngẫm như chủ thuyết cộng sản, ấp chiến lược, khu trù mật, dinh điền, cải tổ hành chánh, hay văn hoá Khổng Mạnh…".

Đỗ Mậu, nguyên là một viên đội khố xanh dưới thời Pháp thuộc, từng nhiều năm hầu hạ Ngô Đình Diệm cả khi ông ta còn thất thế lẫn khi ông ta đã trở thành Tổng thống ở Sài Gòn nên hiểu rất rõ tâm tính của Ngô Đình Diệm. Trong cuốn hồi ký khét tiếng của mình, Đỗ Mậu đã nhận xét về phong cách làm việc của Tổng thống Diệm khi ông ta cai quản cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa  rằng, ông ta đã tập trung về Dinh Độc lập "tất cả mọi quyết định, vi phạm mọi nguyên tắc hành chính cơ bản, để can thiệp trực tiếp và mạnh mẽ những sinh hoạt nào mà ông ta muốn, cấp độ nào mà ông ta thích… Chủ trương trung ương tập quyền tuyệt đối đó, một lần nữa phản ánh cái tâm lý độc quyền và độc tôn là một trong những nét đặc thù của con người ông Diệm từ những ngày đầu mới làm quan Nam triều…".

Tinh thần quan lại thấm sâu vào cốt tuỷ nên Tổng thống Diệm dứt khoát không bao giờ chịu để vào tai những lời khuyên của người ngoài để thay đổi cách làm việc.

Năm 1955, khi viên tướng Mỹ J. Lawton Collins  được Tổng thống Dwiglit Eisenhower cử làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở Sài Gòn, vì chưa hiểu rõ tính nết của đội ngũ lãnh đạo tay sai, đã thẳng thừng đưa ra lời khuyến cáo rằng, chính quyền Sài Gòn phải  làm việc theo kiểu "teamwork", tức là mọi người cùng làm việc với nhau như một toán hay tổ, mọi công việc quan trọng đều phải được đưa cho một nhóm nghiên cứu và lập đề nghị, sau đó được đưa ra hội đồng nội các hay hội đồng an ninh quốc gia để thảo luận và quyết định theo đa số. Chỉ một số trường hợp đặc biệt, Tổng thống mới giành quyền quyết định tối hậu…

Thế nhưng, những lời nói mang tính mệnh lệnh "ta trả tiền nên ta được quyền đặt nhạc" của tướng Lawton Collins đã không mảy may có tác dụng với Tổng thống Diệm. Nếu những năm 20 - 30, Ngô Đình Diệm làm việc ở Nam triều theo kiểu nào thì ở Sài Gòn những năm 50 - 60, ông ta vẫn duy trì các thói quen quan lại cũ…

Làm kẻ hầu người hạ cho một người chỉ huy chế độ như Ngô Đình Diệm không phải là việc dễ dàng. Thậm chí cả các cố vấn Mỹ hay Ngô Đình Nhu cũng đã phải gặp rất nhiều phiền hà khi cần làm việc với Tổng thống Diệm.

Ông Quách Tòng Đức kể: "Khi nhóm họp hội đồng nội các, Tổng thống Diệm thường ra ngoài chương trình ấn định, nếu tình cờ gặp một đề tài gây chú ý. Ông nói say mê, không đầu không đuôi, lắm khi không kết luận…". Thành thử sau nhiều cuộc họp nội các, các bộ trưởng của chính quyền Sài Gòn, dù cũng khá sáng láng thông minh nhưng vẫn không hiểu rõ ý của Tổng thống muốn chốt vào vấn đề gì và đi theo hướng nào. Thành thử Đổng lý Văn phòng Đức đã có nhiều cơ hội để tỏ rõ sự hữu dụng của mình vì vốn biết rõ Ngô Đình Diệm, ông Đức có thể ít nhiều tóm tắt lại chủ ý của thượng cấp trong mỗi cuộc họp, dù như chính ông sau này tự nhận, "đôi lúc cũng đoán lầm…".

Với những hạn chế của bản thân cộng với sự tuyệt vọng lý tưởng của chế độ mà Tổng thống Diệm vun vén, càng trụ lại ở Dinh Độc lập, bản thân Tổng thống Diệm cũng như cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa do ông ta lãnh đạo càng trở nên suy vi hơn. Chính ông Quách Tòng Đức cũng phải công nhận, Tổng thống Diệm "là một người cởi mở, bình dân trong những năm đầu chấp chính. Nhưng về sau, trở nên khó tính và khép kín hơn…". Những hư vinh khiến Tổng thống Diệm sa đà vào các trò hề sùng bái cá nhân. Tính cực đoan độc đoán của ông ta cũng vì thế mà càng trở nên trầm trọng.

Và rốt cuộc điều cần xảy ra đã xảy ra khi quan thầy Mỹ quá ngán thái độ bướng bỉnh và cố chấp của kẻ vừa nhận tiền vừa không chịu tuân thủ các chỉ thị của người chi tiền. Đám thuộc cấp tay sai, vốn không có lý tưởng hay tình nghĩa gì sâu nặng ngoài triết lý kim tiền phù thịnh chứ không phù suy đã tỉnh táo trở cờ hướng theo chiều gió mới.

Trước khi xảy ra cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, tướng Trần Văn Đôn, một thành viên của nhóm đầu sỏ phản loạn nhưng cũng là người có nhiều năm tháng cận kề với Tổng thống Diệm trong một phút có vẻ thực lòng đã than thở: "Tội nghiệp, mọi người đều bỏ Tổng thống Diệm…"(!). Cũng phải thấy rằng tướng Đôn thực vô liêm sỉ và bất nghĩa khi giỏ nước mắt cá sấu như thế với Tổng thống Diệm vì chính ông ta cũng là kẻ phản bội chủ cũ.

Nhớ về người chủ cũ, ông Quách Tòng Đức ở Pháp sau mấy chục năm vẫn không thể quên được chi tiết trên gương mặt Ngô Đình Diệm: "Một nốt ruồi đen thấy rõ trên gò má dưới mắt trái của Tổng thống được các nhà tử vi xem như báo hiệu một số mạng nhiều buồn phiền và tang tóc…". Nói thế cũng không sai, nhưng sự kết thúc số phận của mỗi con người thường là phụ thuộc vào chính các hành vi cụ thể của họ chứ đâu cứ mù quáng  tuân thủ theo tiếng gọi hoang dã của định mệnh!

Văn Thư
.
.