Nghệ sĩ violin Hoàng Rob: Bản thể tuổi 25
Có người nói Hoàng là một người trẻ "ngông cuồng" khi dám bỏ tiền chơi sang, làm concept CD album và live concert ở tuổi 25. Bởi trước đó, Hoàng là một vệt nhờ nhờ trong tâm thức nghe nhạc của công chúng Việt. Tài sản của Hoàng trước khi lộ diện Hừng đông chỉ có vài ba MV và một số bản cover đình đám trên mạng.
Thế rồi, Hoàng đánh đổi 2 năm trời vật lộn để có một CD album 10 bài ngắn ngủn và 2 tiếng đồng hồ cháy hết mình trên sân khấu. Để lộ diện mình. Để chấm dứt những tháng ngày nhiều hoang mang khi không hiểu mình muốn gì, cần gì. Để bước sang con đường của một nghệ sỹ chơi nhạc cụ độc lập.
Vào thời điểm ra mắt Say you do - MV đưa cái tên Hoàng Rob đến với số đông công chúng, nhiều người bảo Hoàng nên tranh thủ độ hot để tiếp tục đi theo con đường của những nghệ sỹ cover trên YouTube. Ngồi một chỗ xem thử có ca khúc nào đang hit, làm cái MV cover, lập tức có mấy triệu lượt view.
Cứ thế, cuối tháng nhận tiền từ YouTube mà sống. Nhanh, gọn, khỏe, dễ nổi tiếng. Hoàng thấy người ta nói cũng có lý và thử làm theo. Sơn Tùng M-TP ra cái gì, cậu cũng cover lại cái đó. Nhưng rồi, rất nhanh sau đấy, cậu nhận ra điều đó không hợp với bản thể đang riết róng và muốn đào sâu của mình.
Hoàng 25 tuổi, không bị sự dễ dãi dắt đi. Không mụ mị trong những lời khen có cánh. Hoàng 25 tuổi, dám từ bỏ con đường bằng phẳng để dấn thân, để đi một con đường nhọc nhằn, vất vả và mạo hiểm hơn. Chưa vội bàn thứ âm nhạc Hoàng theo đuổi sẽ đưa cậu đi đâu về đâu. Chưa vội nói con đường cậu đi có thành công hay không. Riêng việc dám từ bỏ, dám mạo hiểm, Hoàng đáng được cổ vũ.
Hoàng mạo hiểm "mix" violin với âm nhạc điện tử, với word music, với âm thanh chát chúa ầm ào của phố phường... Hoàng dám đối thoại với tiếng hát Hà Trần, với sự lảnh lót của Kiều Anh, nồng nàn của Hoàng Quyên, sự duyên dáng của NSƯT Linh Nga và "dòng sông lơ đãng" nhưng đầy trải nghiệm trong giọng hát của Thu Phương. Hoàng mạo hiểm để cho cây đàn violin song tấu cùng đàn nhị.
Đối thoại mà vẫn ra màu của mình, không e ngại những bậc đàn chị, đàn anh sẽ lấn lướt và chiếm lĩnh không gian âm nhạc của mình. Hoàng đối thoại với tất cả trong tư thế kiêu hãnh khi trong tay, cậu chưa có cái gì làm vật thế chấp, ngoại trừ đam mê. Nhất là Hoàng mới 25 tuổi, lại là một kẻ tay ngang bước chân vào con đường chơi nhạc cụ. Rõ ràng, Hoàng đi trên dây để định vị mình, kiếm tìm mình và cả chờ đợi mình.
Hoàng bảo cậu thấy mình liều hơn là ngông cuồng. Khi khởi động một dự án, theo lẽ thường tình, người ta quan tâm tới việc lỗ lãi, sẽ có ai nghe mình, mình sẽ có thêm bao nhiêu fan. Còn Hoàng, cậu chỉ chăm chăm xem tất cả các bản phối có hiệu quả không, tổng thể sản phẩm có gói trọn một nội dung xuyên suốt và kể câu chuyện mà cậu muốn kể hay không. Với cậu, một tác phẩm dù hay đến mấy nhưng không phải là điều muốn kể và gửi trao thì cũng không phải là điều cậu cần.
Mà câu chuyện cậu kể, chắc gì đã được lòng công chúng? Hoàng mặc kệ. Với cậu, âm nhạc là để giải phóng bản thể, để chia sẻ, để tựa nương. Âm nhạc sinh ra để thỏa mãn mình trước hết.
Hoàng không hiểu tại sao cuộc sống có nhiều điều hay ho để viết, sao người ta cứ phải yếu đuối, buồn bã trong tình yêu, sao toàn nói những điều chia xa, cách trở... Cuộc sống ngoài tình yêu, còn có xê dịch, có những điều bình dị, thơ mộng và đẹp đẽ khác nữa. Hoàng thích cây cỏ, thích thiên nhiên, thích sống chậm.
Trong phòng Hoàng có một ô cửa sổ, qua đó, cậu vẫn ngắm nhìn Hà Nội ngày này qua ngày khác. Hoàng tự hỏi tại sao người ta cứ hay lên mạng xã hội kêu gào về tắc đường, khói bụi, kẹt xe, kêu gào một Hà Nội chật chội, ồn ào? Hoàng nhìn thấy sự thú vị ngay trong những méo mó, xộc xệch ấy.
Và vì sao Hà Nội tắc đường mà cậu vẫn tung tăng được? Vì sao có những cơn mưa và khi mưa về, thành phố bỗng trong trẻo thế nào? Rồi khu vườn buổi sáng thức dậy có những con chim sâu nhảy nhót trong cành lá ra sao? Rồi nhịp sống trong đêm, những hàng quán mở muộn, những công trường đang xây dựng ầm ĩ. Rồi những chiều không hiểu mây bay về đâu khi ngày đang tắt dần... Cậu muốn kể lại tất cả những điều đó trong âm nhạc của mình. Một thứ âm nhạc gần gũi, mang hơi thở đời sống. Thứ âm nhạc sinh ra từ trái tim mình và dành cho mình.
Nhiều người bảo thế hệ trẻ bây giờ chết rỗng trong nỗi cô đơn thế hệ của mình. Hoàng Rob không hề trốn tránh điều đó. Cậu cũng có nhiều giây phút chết rỗng ấy. Cũng có những ngày dài cậu buồn và cô đơn khủng khiếp. Nhưng nhạc sỹ Trần Tiến có lần viết "con người, con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn". Hoàng thấy đúng. Cô đơn để mình lớn lên, để mình trải nghiệm. Một thứ cô đơn cần thiết. Để từ đó, mình có thể cân bằng lại những chông chênh, để nhận ra những khoảnh khắc đẹp đẽ của cuộc đời và quý trọng từng giây phút.
Hoàng có cách nhìn khá tích cực về đời sống. Vì đời Hoàng bằng phẳng nên Hoàng thấy mọi thứ đẹp đẽ? Hoàng nói rằng, có phải cứ đủ đầy, sung túc là không nặng nề, không bất hạnh đâu. Những điều người khác trải qua, Hoàng cũng trải qua hết rồi. Cũng như nhiều bạn trẻ khác, cậu đã từng chen chúc trong cái kí túc xá mười mấy người một phòng. Cũng sống bao nhiêu năm đại học ăn cơm bụi cho mòn vẹt khu vực Cầu Giấy.
Cũng như bao người ở "tuổi thanh xuân cũng như mưa rào" ấy, Hoàng cũng có nhiều mối tình tan vỡ. Và ít ai biết được rằng, Hoàng đã trải qua một thời sinh viên chơi nhạc ở các quán café khắp Hà Nội mỗi đêm 2 tiếng, được nhận 50.000 đồng cát-sê. Có hôm lạc đường, có hôm đợi cả mấy tiếng chỉ để đệm cho ca sỹ hát một bài. Khổ đau, lầm lũi có hết.
Đôi khi Hoàng nhận được câu hỏi, kiểu như bọn trẻ ngày nay có cái quái gì đâu mà ầm ĩ lên về tổn thương, khổ đau. Hoàng bảo, nhìn vào cũng có những điều cô đơn chứ. Bây giờ, người ta sống với nhau vội vã quá. Thế nên, cậu mới sa vào âm nhạc và bị âm nhạc "thuần hóa" cõi lòng mình. Âm nhạc với Hoàng là một dịu êm sau một ngày nắng tắt.
Mọi người hay bảo Hoàng già. Hoàng tự nhận mình có phần già so với tuổi. Nhưng cậu cũng chơi bời chẳng khác gì một đứa trẻ. Các bạn trẻ bây giờ đang làm gì thì Hoàng làm thế. Cậu vẫn là một người phù phiếm, thích ăn ngon, mặc đẹp, mua sắm áo quần, đi đến những chỗ vui. Hoàng thích nhạc xưa nhưng không bỉ bai nhạc hiện nay. Cậu thích nhạc Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9, Đỗ Bảo nhưng vẫn chơi thứ âm nhạc hiện đại như trong Hừng đông.
Sau Say you do, cát-sê của Hoàng tăng đột biến. Cậu nhận được nhiều lời mời biểu diễn và trở thành một trong những nghệ sỹ violin có giá cát-sê cao nhất hiện nay. Có thời điểm, cậu bay tới 32 chuyến trong một tháng. Sáng có thể diễn ở TP HCM, chiều đã diễn ở Nha Trang. Cát-sê cứ thế tăng dần.
Tiền kiếm được lúc đầu chẳng biết tiêu vào việc gì. Cậu cứ để đó. Rồi bỗng một ngày, Hoàng chán biệt danh "hot boy violin", hay "hot boy thiên nhiên Sơn Đoòng" mà dân mạng đặt cho. Cậu muốn làm một điều khác biệt nào đó. Thế là cậu đem hết tiền bạc gom góp trong vài năm qua làm dự án Hừng đông.
Hoàng viết: "Chỉ cách một tiếng trước giờ bước lên bục sân khấu, trong phòng chờ chỉ có một mình, tôi mặc vào chiếc áo đen bó sát người để tiện thay áo ngoài cho buổi diễn. Trong khoảnh khắc, tôi không còn nhận ra chính mình. Lần đầu tiên trong đời, thấy mình gầy rõ cả xương sườn. Quầng thâm dưới mắt giờ ngày càng rõ rệt hơn. Khuôn mặt cũng lộ ra hai phần xương hàm. Tôi nhớ những giấc ngủ vội vàng, những chuyến đi gấp gáp, những lúc cơ thể không còn nghe lời... Bao nhiêu vất vả đánh đổi trong suốt 2 năm qua, cũng chỉ vì 120 phút trên sân khấu đó".
Khi thánh đường sân khấu - cánh cửa Nhà hát lớn Hà Nội khép lại live concert "khủng" đầu đời của mình, khi âm thanh đã tắt, khán giả đã về, ánh đèn sân khấu trở về với vẻ cô tịch vốn có, Hoàng Rob trở lại với không gian yên tĩnh quen thuộc của mình. "...Khi những bản nhạc đã tắt/ Sự yên tĩnh mới thật dịu êm...".
Hoàng 25 tuổi. Trẻ, có khát vọng, không ngại dấn thân khi đi ngược dòng. Một Hừng đông khác sẽ còn mở ra. Và Hừng đông này giống như một bản dạo đầu, lộ diện cái tên Hoàng Rob trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam đương đại.