Nghệ sĩ Piano Trang Trịnh: Hãy để cho âm nhạc được vang lên

Thứ Năm, 07/05/2020, 10:07
Âm nhạc với những giai điệu đẹp đẽ vẫn là sợi dây kết nối tâm hồn mỗi con người với nhau. Luôn tin vào những điều tử tế, vào những giá trị của âm nhạc, Trang Trịnh cho rằng, âm nhạc có thể xoa dịu những buồn đau.

Tôi đã dành một ngày ngồi im để lắng nghe âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới. Dự án “24-hour Music Marathon” do Trang Trịnh khởi xướng đã kết nối các nghệ sĩ trong và nước ngoài. 

Trang nói: “Chúng tôi muốn phủ kín 24 tiếng trên Trái đất bằng âm nhạc, để ôm trọn lấy hành tinh đang mệt mỏi, đau đớn và buồn bã này bởi âm nhạc vẫn luôn là liều thuốc tinh thần, xoa dịu nỗi đau và mang lại ánh sáng, hy vọng”.

1. Âm nhạc với những giai điệu đẹp đẽ ấy vẫn là sợi dây kết nối tâm hồn mỗi con người với nhau. Luôn tin vào những điều tử tế, vào những giá trị của âm nhạc, Trang Trịnh cho rằng, âm nhạc có thể xoa dịu những buồn đau. 

“Cả thế giới dường như đang bị chia cắt, nước nào lo việc của nước ấy, những sự kì thị đáng buồn đang xảy ra và thậm chí một số người thân của chúng tôi đang bị kẹt lại ở nhiều nơi trên thế giới. Hơn lúc nào hết, chúng tôi cảm nhận rõ ràng rằng chúng ta cần phải đoàn kết lại. Vấn đề chung toàn cầu chỉ có thể được giải quyết bằng sự hợp tác toàn cầu. Bây giờ chính là lúc chúng ta cần kết nối, cần thảo luận, cần có nhau, cần dựa vào nhau. Để biểu hiện ước vọng về sự hợp tác ấy bằng âm nhạc, chúng tôi muốn cùng các bạn chơi lại giai điệu bất hủ của Beethoven - Ode to Joy - bản khải hoàn ca tụng ca sự sống, niềm tin. Chúng tôi muốn phủ kín 24 tiếng trên Trái đất bằng âm nhạc, để ôm trọn lấy hành tinh đang mệt mỏi, đau đớn và buồn bã này”. 

Trang Trịnh chia sẻ về dự án của mình trong thời điểm cả thế giới đang gồng mình chống chọi với dịch COVID-19. Đó cũng là hành trình chị đang theo đuổi với tư cách là một nghệ sĩ để góp phần “xây dựng xã hội với những tâm hồn sung túc”.

Tôi từng hỏi Trang rằng, chị có mơ mộng quá chăng. Trang mỉm cười, cuộc sống sẽ ra sao nếu chúng ta thiếu đi những mộng tưởng, giống như hiện thực hôm nay, phải chăng, cũng là kết quả của một ai đó từng mộng tưởng. 

Chị cho rằng nghệ sĩ cũng có nghĩa vụ tiếp tục sống với cuộc sống mộng tưởng ấy. Nó mang đến cho mọi người niềm vui, giúp họ nhớ lại tuổi thơ và những điều mình vẫn làm hồi bé, đó là mơ mộng. Với một tâm hồn đầy mộng tưởng đó, Trang đã đi trên một con đường rộng mở, mà chị nói, đó là hành trình khám phá và hoàn thiện bản thân. 

“Hành trình quan trọng nhất của tôi là hành trình để được hoàn thiện hơn mỗi ngày. Con đường này chẳng có khán giả, không người theo dõi hay tán thưởng. Và sự trưởng thành thì không phải lúc nào cũng dễ dàng”. 

Bởi Trang không bao giờ muốn định vị mình ở một vai trò nào đó cố định, dù 20 tuổi, chị đã từng được coi là “hiện tượng piano của Việt Nam”. Về nhà, chị muốn là một người mẹ, người vợ. Đến lớp chị là một giáo viên. Trên sân khấu, Trang là một nghệ sĩ. 

Điều quan trọng hơn, chị quan niệm, mình là một công dân, với ước vọng khiến cho nơi mình sống trở thành nơi mình muốn thuộc về, một nơi sạch hơn, tử tế hơn, đẹp đẽ hơn. Vì thế, thay vì sống ở Anh hay Hà Lan, chị lựa chọn về Việt Nam, dù có thể, đó không phải là lựa chọn tốt cho công việc và cuộc sống của con gái chị. 

Nhưng, Trang quan niệm: “Nếu ở Hà Lan hay Anh sẽ tốt hơn cho con. Nhưng thực ra, sống không phải mình sống cho ai đấy, mình sống cho mình và con của mình cũng sẽ hạnh phúc khi mình hạnh phúc. Bản thân mình phải là người có lý tưởng thì sau này con mình lớn lên mới là người có lý tưởng”. Thay vì, chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn, Trang dấn thân với những dự án cộng đồng để lan tỏa tình yêu âm nhạc.

2. 9 năm trở về Việt Nam, Trang đã thực hiện rất nhiều dự án: Nhật ký dương cầm, Beethoven A Fantasy, The Preludes, Lễ hội muông thú, Dàn hợp xướng kỳ diệu, Concert giữa rừng...  

Năm 2015, Trang được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi đáng chú ý nhất tại Việt Nam. Đầu năm 2018 chị được trao tặng danh hiệu ARAM (Associate of the Royal Academy of Music - Anh) cho những cống hiến tiêu biểu về âm nhạc chuyên nghiệp thế giới. Trang Trịnh còn tham gia nhiều buổi giảng dạy, truyền cảm hứng về âm nhạc cổ điển qua các buổi trò chuyện trên truyền hình quốc gia. 

Năm 2013, cùng với chồng mình là nghệ sĩ opera Park Sung Min, chị đã thành lập Dàn hợp xướng và giao hưởng Kỳ Diệu (Miracle Choir & Orchestra), tổ chức các lớp học âm nhạc hằâng tuần cho gần 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội.

Những dự án của chị luôn hướng tới cộng đồng, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Nó lặng lẽ, không ồn ào, phô trương nhưng đó là những câu chuyện âm nhạc đẹp đang được Trang tự tay viết những nốt nhạc đầu tiên. Bởi Trang tin vào sức mạnh của âm nhạc. 

“Khi về Việt Nam, tôi muốn làm gì đó cho những trẻ yếu thế. Tại sao các em không thể chơi nhạc cổ điển. Người sáng lập ra chương trình dành cho trẻ em chơi nhạc cụ miễn phí trên thế giới có nói, văn hóa dành cho người nghèo phải là văn hóa tốt nhất, đó chính là điều giúp họ có sức mạnh tinh thần”. 

Nhiều người cho rằng, trong một xã hội, nhất với những người yếu thế, họ chỉ cần có đủ cuộc sống ăn no mặc ấm đã là tốt. Âm nhạc hay những món ăn tinh thần là thứ xa xỉ. Nhưng, Trang không nghĩ vậy. Âm nhạc, cũng là một thức ăn bổ dưỡng không kém những thức ăn vật chất khác. Thậm chí, đôi khi, nó còn mang đến sự cứu rỗi. 

Trang cũng đặc biệt quan tâm đến giáo dục âm nhạc cho tuổi mầm non. Chị vừa sáng lập doanh nghiệp xã hội Wonder, một tổ chức nghiên cứu, thực hành và giáo dục nghệ thuật, đặc biệt giáo dục mầm non. Từ những nghiên cứu khoa học, chị nhận ra, âm nhạc có một thế mạnh đặc biệt trong cuộc sống của những con-người-nhỏ-xíu ấy. Chị tin âm nhạc sẽ phát huy tác dụng tuyệt vời của nó trong việc giúp các con trưởng thành trong hạnh phúc và những giá trị tốt đẹp.

Trang Trịnh trong concert giữa rừng.

Trang kể cho tôi nghe câu chuyện, năm 2004, khi chị đang học ở Anh và biết tin một người bạn qua đời vì sóng thần ở Thái Lan. Trang tự hỏi, tại sao mình có thể ngồi đây chơi đàn? Trang khóc và nói với thầy giáo rằng chị muốn tham gia Hội Chữ thập đỏ vì chơi piano không cứu được thế giới. Và ông thầy đã nói, em ngồi yên ở cây đàn này, bởi người tạo ra cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới. Mãi đến sau này, Trang mới hiểu và thấm điều đó.

3. Tôi ngồi với Trang trong ngôi nhà của chị ở khu dành cho người Hàn Quốc. Giữa căn phòng rộng và trang trọng nhất của ngôi nhà là chiếc đàn piano, món quà cưới do chồng chị, nghệ sĩ Opera Park Sung Min tặng. Chiếc đàn được chuyển bằng đường tàu biển từ Hàn Quốc sang Việt Nam. Một không gian đơn giản và phủ kín bằng âm nhạc. Trang bé nhỏ, lành hiền. Gương mặt luôn nở nụ cười. 

Năm 2019, Trang đã dũng cảm dấn thân vào một địa hạt khó khăn, viết sách giáo khoa âm nhạc cho Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Có lần, chị đến các trường nội trú ở Hà Giang, Sín Mần... ngắm nhìn những gương mặt trong veo của bọn trẻ giữa núi rừng, Trang tự hỏi, làm thế nào để viết một bộ sách giáo khoa mà trẻ em miền núi hay thành thị đều có thể tiếp cận? Làm thế nào để xóa bỏ được khoảng cách vùng miền, giàu nghèo trong tiếp cận giáo dục. 

Chị suy nghĩ rất nhiều. Và câu trả lời, đó chính là cách chị tạo ra một không gian âm nhạc cho bọn trẻ, ở đó không có giàu nghèo, nông thôn hay thành thị. Mà ở đó, chỉ có từng nốt nhạc được vang lên. 

“Trong môn âm nhạc, chúng ta không chỉ cần dạy cho trẻ biết đây là nốt đen mà còn phải làm sao để trẻ yêu nốt nhạc ấy. Yêu vì cảm nhận được vẻ đẹp của nốt đen trong giai điệu, yêu vì biết thể hiện được nốt đen ấy trong câu hát ngân nga, yêu vì biết sáng tạo ra một đoạn nhạc của riêng mình và yêu vì qua âm nhạc mà rung động với vẻ đẹp của một buổi sớm nắng lên...”. 

Bộ sách bắt đầu bằng hình ảnh chuyến tàu. Chuyến tàu này sẽ đi qua rất nhiều chủ đề khác nhau, học sinh sẽ là nhân vật trải nghiệm chuyến hành trình. Những chủ đề này sẽ được tái hiện trong trang sách dưới dạng những bước hành trình. Chuyến đi mở ra bằng câu hỏi “Em có thể nghe được âm thanh phát ra từ đâu?” -  đó là bài học đầu tiên về cách lắng nghe âm thanh cuộc sống.

Trang sẽ viết tiếp hành trình của những chuyến tàu với rất nhiều tâm huyết và mộng tưởng ấy. Con đường chị đi thật cô đơn và nhọc nhằn. Trang nói, chị cần sự sẻ chia của cộng đồng và các nghệ sĩ. Bởi hơn ai hết, Trang hiểu và tin vào những giá trị của âm nhạc. Một bản nhạc đi qua nhiều cung bậc của cảm xúc, nỗi buồn, niềm vui và những mâu thuẫn và luôn kết thúc bằng hợp âm về nhà, hòa hợp, đẹp đẽ. Chị muốn sẻ chia những điều đẹp đẽ đó cho mọi người. Bởi khi được sẻ chia, cái đẹp sẽ có ý nghĩa hơn và đó cũng là cách người nghệ sĩ bớt cô đơn trong thế giới của mình.

Việt Linh
.
.