Nghệ sĩ Kiều Oanh: Thương nhau đôi mắt đỏ hoe

Chủ Nhật, 26/06/2016, 09:23
Lâu rồi, không gặp. Chỉ là vài tuần trước, vô tình thấy nghệ sĩ Kiều Oanh trong một chương trình hài. Không hiểu sao ngẫu nhiên lại nhớ đến một quãng nhân duyên mà chị đã kể. Lại càng không thể hiểu được rằng, tại sao ái tình lại mãnh liệt đến vậy.


1. Năm xa lắc xa lơ nào đó, Nguyễn Hiểu Vấn tâm trạng cảm khái mà viết Mô Ngư Nhi - Nhạn Khâu với hai câu đầu trở thành nghi vấn lớn nhất của đời người, không lời hồi đáp: "Vấn thế gian tình thị hà vật/ Trực giao sinh tử tương hứa?" (Hỏi thế gian tình là gì/ Mà lứa đôi nguyện thề sống chết). 

Kim Dung tiên sinh viết bộ Thần điêu hiệp lữ có nhân vật Lý Mạc Sầu. Khi còn trẻ, Lý Mạc Sầu xinh đẹp, tính khí lạnh lùng, đã từng yêu say đắm Lục Triển Nguyên, vứt bỏ cả trinh bạch, lễ giáo, chấp nhận mang tiếng phản đồ nhưng sau đó Lục Triển Nguyên bội ước, lấy Hà Nguyên Quân làm vợ. 

Cuộc tình tan vỡ trong quá khứ đã khiến Lý Mạc Sầu trở thành một con người tàn nhẫn và độc ác. Cú sốc ái tình ấy khiến Lý Mạc Sầu hoang mang câu hỏi: "Vấn thế gian tình thị hà vật?". Nhân vật này, cũng biến thành một biểu trưng của rối rắm ái tình.

Hôm tôi ngồi với anh Tiểu Bảo Quốc, nghe anh kể về nhân duyên mà anh đã trải qua. Anh một tay chăm con trai từ hồi cậu nhóc mới ba tuổi, làm gì cũng nghĩ cho con, làm gì cũng dành dụm cho con. Tuyệt nhiên, không thấy anh oán than gì người cũ. 

Bởi nhẽ là, một ngày một đêm ba sinh chồng vợ, tránh nhau sao đành. Xem như là duyên phận đi, biết làm sao được. Lúc ngồi nói chuyện với chị Mỹ Chi, nghe vài câu chuyện cũ, nghĩ vài điều đã cũ, loay hoay thế nào cũng trở về chuyện muôn thuở ái tình.

Thuở tôi còn xanh tóc, vẫn thích nhìn những đôi yêu nhau. Thế nên mê mệt cặp giai nhân tài tử Lê Uyên & Phương, tôi có thể xem hàng nghìn lần đoạn clip họ hát cùng nhau bài Dạ khúc cho tình nhân. Tình ấy mà, khi đắm say thật êm đềm làm sao và cả khi bẽ bàng cũng thật thú vị làm sao. Đáng sợ nhất tình mà dường như tình mà lại không phải là tình, vô cùng tẻ nhạt, vô cùng ảo giác, vô cùng mỏi mệt.

Hồi chị Kiều Oanh còn là sinh viên, đã kiếm được tiền từ nghề diễn để trang trải cuộc sống nơi thành thị. Chị học ở Trường Cao đẳng Sân khấu 2. Chị đủ điểm để học Đại học Ngân hàng, nhưng chị từ chối. Lẽ giản đơn nhất, học trường sân khấu không tốn tiền mà lại được trợ cấp, trong lúc nhà chị nghèo xơ.

Dạo trước, chị Kiều Oanh gặp phải sự cố, cũng là sự cố ái tình. Người ta khen chê chị nhiều, riêng tôi, khi nào tôi cũng quý chị. Bởi tôi luôn quý những cá nhân biết cách phụng hiếu cho cha mẹ mình. 

Và tôi biết được rằng, những năm tháng sinh viên ấy, chị đã chăm sóc mẹ chị ra sao. Lại càng không thể quên chi tiết, chị dành dụm những đồng tiền diễn đầu tiên để mua cho mẹ cái vòng cẩm thạch, loại đeo càng lâu nước càng óng ánh.

Tôi có cô bạn hôm còn học bậc tú tài, tôi đã chứng kiến cô hy sinh hạnh phúc riêng để có điều kiện lo lắng cho cha mẹ và các em ra sao. Tôi thương và kính trọng những cá nhân ấy, chẳng có lý do gì cả, chỉ là quan điểm cá nhân thôi. 

Cuối năm học thứ nhất, mẹ chị trở bệnh. Mấy chị em ở quê đưa mẹ lên Sài Gòn chữa trị, chỉ có mỗi chị ở tại thành phố này, nên việc chăm mẹ do chị quán xuyến. Những tháng ngày đầy biến cố trong cuộc đời chị.

Thầy cô trong trường thương, nên vờ không biết để chị đưa mẹ vào ở chung trong ký túc xá mỗi khi bà không nằm bệnh viện. Cô bạn cùng phòng với chị tên Thủy, lên giường tầng trên ngủ chung với chị, nhường cái giường của mình cho mẹ chị. Chị khóc, chị nói chị thương mẹ chị, thương luôn cả cô bạn kia. Chị về nước, chị tìm bạn hoài, mà không biết giờ bạn ở đâu.  

"Những lần mẹ chị trở bệnh, tiền thuốc là 500 ngàn đồng mỗi ngày. Chị toàn xin ứng tiền trước trong các suất diễn mà chị có được để lo cho mẹ. Ngay cả khi chị ra trường, chị vẫn xin ở lại ký túc xá hơn một năm để tiết kiệm chi phí", chị kể điều này mà đôi mắt đỏ hoe.

Năm 1995, chị đoạt Huy chương Vàng cùng với giải Diễn viên tài sắc trên sân khấu tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Sáng chị ngủ dậy sau đêm thi, hàng loạt các trang báo lớn nhỏ đều giới thiệu gương mặt chị với những mỹ từ khen ngợi khác nhau. 

Chị hạnh phúc… Mà hình như, hạnh phúc với chị không bao giờ là trọn vẹn. Đêm diễn lại và nhận giải ở Nhà hát TP HCM, chị cùng với chị gái cõng mẹ chị đến xem chị diễn. Đó cũng là lần cuối cùng, mẹ chị được xem chị diễn.

Sau đêm diễn ấy, bà mất. Số tiền nhận được từ giải thưởng năm ấy, chị lo hết vào việc tang ma cho mẹ. Cúng thất tuần cho mẹ xong, chị lại ngược Sài Gòn với vẻn vẹn một ít tiền lẻ trong túi. Chào đón chị ở Sài Gòn, là một nỗi buồn khác. 

Cô bạn cùng quê An Giang ở chung nhà trọ với chị, trong thời gian chị về quê chịu tang mẹ, đã lặng lẽ dọn toàn bộ vật dụng trong nhà trọ đi nơi khác. Chị không biết phải giải quyết tình trạng của mình lúc đó như thế nào. May mà, thời gian luôn có cách để khiến mọi người vượt qua khó khăn, nếu nỗ lực.

2. Một năm sau biến cố, chị sang Mỹ lưu diễn, ở đây chị ở tại nhà của mẹ nuôi. Không biết Tổ nghiệp có thử thách chị hay không, vận mệnh có đùa với chị hay không, mà mới diễn xong suất đầu tiên, đột ngột chị mắc chứng bệnh lạ. Chị mất hoàn toàn cảm giác từ phần thắt lưng, kéo dài hết chi dưới. Chị nằm liệt giường liệt chiếu.

Chị thật sự hốt hoảng với những gì đang xảy ra, với những thứ đang vận vào chị. Ngoài nước mắt, chị không biết làm gì cả. Chị khóc, chị khấn mẹ phù hộ.

Những tháng ngày mỏi mệt và muộn phiền ấy, anh con trai độc nhất của mẹ nuôi chị lặng lẽ đến cạnh bên. Anh chăm sóc chị từng chút một, miếng ăn giấc ngủ, cả chuyện tế nhị vệ sinh, anh cũng ẵm bồng.

Các đợt điều trị, tập vật lý trị liệu trôi qua, chị dần đi lại được. Anh ngỏ lời cầu hôn chị, chị đồng ý. Cái nghĩa đôi lúc nặng hơn chữ tình, có phải vậy không? Mà có bao giờ sự động chạm về thể xác lại không nảy sinh những xúc cảm kỳ lạ mà chỉ hai người mới cảm nhận được. Lại thêm đến chuyện ý nhị nhất của mỗi cá nhân còn nâng niu nhau, thì ngỏ lời cầu hôn làm sao có thể chối từ.

Ông trời cho chị danh vọng, ông trời cũng lấy đi của chị cái này cái khác. Quy luật bù trừ âm dương của người phương Đông thường như một liệu pháp ủi an về tinh thần những khi vụn vỡ. Hay khác đi, thì là duyên kiếp ba sinh đã cạn.

Chồng vợ thôi nhau chắc là điều không ai muốn, nhưng đôi lúc biết đâu sẽ tốt hơn cho cả hai. Chép miệng tặc lưỡi bảo nhau: "Quãng nhân duyên ấy qua rồi, không thể song hành thì thôi là bè bạn". Chắc khó thành bè bạn, chỉ không nỡ để thành thù nghịch nhau.

Chuyện dở dang ấy, chắc là không nên nghĩ đến nữa. Duy có câu chuyện này thật lãng mạn, thật ngôn tình, thật yêu ra yêu và cũng thật biết cách yêu.

Những hồi xưa cũ, có người đàn ông là trí thức yêu chị tha thiết lắm. Anh ngỏ lời cầu hôn chị, chị thấy người ta nặng lòng mà chị cũng cảm mến, có điều chị lo lắng, lấy chồng rồi chị phải rời xa sân khấu, chắc họ quy ước với nhau. Mà bản thân chị, cũng muốn dành thời gian cho gia đình nếu thành gia thất. Chị khẩn khoản: "Anh có thể chờ em thêm vài năm nữa không".

Đằng đẵng mười mấy năm trôi qua, lời hẹn như vô tình và người nhận hẹn như đất bén liễu, cây liễu cứ lớn dần, vững chãi và xanh um.

Mười mấy năm sau, anh hỏi lại chị: "Em đã sẵn sàng làm vợ anh chưa. Mình cưới nhau rồi, em sang bên này, khi nào thích về Việt Nam thì về, anh về với em. Chứ anh có làm gì ảnh hưởng đến công việc của em đâu". 

Lần này, chị từ chối. Vì sao lại từ chối, làm sao tôi biết được mà cũng không đủ dũng cảm để đặt câu hỏi vì sao chị từ chối. Yêu đương nó lạ lùng vô kể, bởi nếu yêu thì sẽ được yêu, đơn giản như vậy thì hai tiếng ái tình tròn vành hay suy suyển bằng cách nào.

Lâu lắm rồi, chị đi bước nữa, hôn lễ được cử hành ở Việt Nam. Anh gọi điện thoại về cho chị, nói có một câu thôi: "Anh chờ em bao lâu rồi. Hôm nay, em làm đám cưới".

Sẽ như thế nào nếu tôi là chị, nhỉ? Sẽ như thế nào nếu tôi là anh trí thức kia nhỉ? Chẳng rõ nữa, chỉ có điều tôi nghĩ rằng thất vọng hay viên mãn trong tình yêu cũng đều có những lạ lẫm riêng, sự lạ lẫm dẫu đớn đau nhưng cho ta cảm giác chúng ta đang trải qua những thời khắc của cuộc sống. 

Ngay cả khi bi lụy nhất như khi ông Vũ Thành An rỉ rả trong Đời đá vàng: "Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu/ Ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau".

Thì có sao đâu chứ, không phải Ngô Thụy Miên cũng đã từng rất đàn ông để vỗ về, "Dù mai đây ai đưa em đi đến cuối cuộc đời/ Dù cho em, em đang tâm xé, xé nát tim tôi/ Dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời/ Cũng đã muộn rồi/ Tình ơi, dù sao đi nữa xin vẫn yêu em" (Niệm khúc cuối).

Yêu vậy, mới thật là yêu.

Ngô Song Minh
.
.