Nghệ sĩ Ái Như – Thành Hội và một lưu dấu tin yêu

Thứ Bảy, 28/01/2017, 16:33
Đã có quá nhiều bài báo viết về Ái Như, về Thành Hội, về sân khấu Hoàng Thái Thanh, ở nhiều góc độ. Và gần như, đều là những bài chứa chan tình cảm, đầy sự trân quý dành cho ngôi nhà không cố định địa chỉ, dành cho hai nghệ sĩ - một trông mặt thấy khó đăm đăm và một mỗi lần cười chỉ thấy răng!

Thế nhưng, câu chuyện cánh chuồn và niềm đam mê hào sảng của họ đã vượt qua cả không gian của một tụ điểm giải trí mà có lẽ chính người trong cuộc lúc bắt đầu cũng không nghĩ tới.

Một nơi chốn neo giữ cảm xúc để người ta giải tỏa những giọt nước mắt kiềm nén vì nhiều lẽ, một khoảng dừng để người ta nhìn lại mình của những ngày đã qua giữa cuộc sống bộn bề. Một dấu thơ giữa lòng Sài Gòn để người ta hò hẹn cuối tuần, để đi đâu đó xa về lại có cớ í ới gọi nhau: "Đi xem kịch Hoàng Thái Thanh nhé".

1. Cách đây không lâu, khi tiến hành loạt bài trong chuyên đề Only in Saigon cho một tờ tạp chí, anh chàng đưa ra ý tưởng này đã “ném” cho tôi một câu hỏi: "Nếu được chọn một địa điểm thiên về nghệ thuật, giải trí mà vẫn có chiều sâu văn hóa tại Sài Gòn để giới thiệu, chị sẽ chọn nơi nào?".

Hẳn nhiên, "nơi đó" phải mang đậm hồn cốt, khí chất của người Sài Gòn. Hẳn nhiên, nơi đó ngoài chức năng giải trí, biểu diễn, còn chứa đựng chiều sâu và bề dày của lịch sử mà vẫn đảm bảo lượng khách lui tới thưởng lãm. Chắc chắn, không thể là những rạp chiếu phim choáng lộn với đầy đủ loại hình dịch vụ tận răng tại các trung tâm thương mại.

NSƯT Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như trong vở "Tình duyên thuở trước", lấy cảm hứng từ tích truyện "Trầu cau".

Càng không thể là những sân khấu tạp kỹ với đủ mức vé bảo đảm cả gia đình có thể kéo nhau vào xem, dù có thể những nơi đây đã từng là bệ phóng cho biết bao tên tuổi, đã từng là chứng nhân một thời của các loại hình nghệ thuật, đã từng là một phần ký ức của Sài Gòn, của những người đang sống.

Sự lựa chọn này dĩ nhiên không có ý phân biệt, chê bai kiểu nhạc sến và nhạc không sến như bấy lâu người ta vẫn tranh cãi nhau ỏm tỏi trên mặt báo. Bởi, mỗi cá nhân khác nhau đều có quyền yêu thích và chọn cho bản thân loại hình giải trí phù hợp. Sự phân loại này chỉ nhằm chọn ra một hoặc vài địa chỉ văn hóa được cho là "đặc trưng", là hồn cốt của Sài Gòn.

Lướt qua trí nhớ tôi là Nhà hát Thành phố, là Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành; nhưng rồi ba nơi này rốt cục đã trượt qua, bởi nó thiên về kiến trúc, là địa chỉ cập bến cho nhiều môn nghệ thuật hơn là một nơi mà khi nhắc nhớ người ta sẽ nghĩ ngay đến một loại hình đặc trưng.

Nhà hát Trần Hữu Trang, sân khấu 5B Võ Văn Tần, sân khấu kịch Idecaf cũng vội vã lướt qua bởi nơi thì lùm xùm chuyện rút ruột công trình, nơi đang tu bổ, nơi được yêu mến và có hồn nhưng tiệm cận rõ ràng phân khúc dành cho khán giả nhỏ tuổi. Hoàng Thái Thanh, Thế giới trẻ và Hồng Hạc là ba cái tên cuối cùng đọng lại.

Cùng hướng đến loại hình kịch tâm lý xã hội nhưng cách tiếp cận và khai thác của ba sân khấu này hoàn toàn đặc trưng và khác biệt. Nếu như Hồng Hạc vẫn còn mới mẻ, Thế giới trẻ như tên gọi hướng đến người trẻ đô thị thì Hoàng Thái Thanh có biên độ rộng hơn về cả đề tài lẫn đối tượng thưởng thức.

Trên sân khấu ấy, khán giả có thể thưởng thức những vở tưng tửng Tình như trang giấy trắng, những vở chân chất hồn quê, đậm tiếng thở dài của phận người như Bao giờ sông cạn, Rau răm ở lại hay những vở có chút gì đó hoài cổ trên cái nền xa xưa của Sài Gòn - Nửa đời ngơ ngác, Nửa đời hương phấn, Lan & Điệp,… những vở lấy ý từ truyện, cái tứ cổ xưa như Tình duyên thuở trước, cả những vở mang chút không khí liêu trai như Mình có quen nhau không?

Cũng không thiếu vở đậm chất nghệ thuật dù biết cầm chắc lỗ vẫn quyết tâm làm như Đêm thiên nga. Mượn bối cảnh, mượn thời đại, mượn chuyện người xưa nói chuyện thời nay, khiến người nay suy ngẫm là thế mạnh của Hoàng Thái Thanh. Nếu bảo nhiều sân khấu hiện tìm mọi cách câu khán giả bằng tiếng cười, bằng những tình huống rùng rợn, nghẹt thở thì Hoàng Thái Thanh quả tình có tài kéo khán giả bằng nước mắt!

Giá trị của một bộ phim, một vở kịch, dĩ nhiên không nằm ở những giọt nước mắt của khán giả. Nhưng phải khẳng định rằng, rất nhiều vở tại sân khấu cánh chuồn này đã khiến biết bao người, kể cả những cá nhân tự nhận là mạnh mẽ nhất cũng phải rơi nước mắt vì đồng cảm, vì thấu hiểu. Và mang theo một suy nghĩ nào đấy mỗi khi lái xe về nhà. 

Có khi cái suy nghĩ ấy leo vào tận giường, vào giấc ngủ, buộc người ta bừng tỉnh và sống khác đi. Đó cũng chính là giá trị mà Hoàng Thái Thanh đã mang lại cho khán giả nên mỗi lần sân khấu "dời nhà", khán giả vẫn chẳng quản xa xôi tới xem. (Dẫu vẫn biết, đường gần thì tình hình vẫn khả quan hơn).

2. Được thành lập từ tháng 2-2010, tới nay đã ngót 7 năm - một chặng đường đủ dài để khẳng định cái tên Hoàng Thái Thanh trong lòng khán giả, và cũng đủ dài với nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội, hai linh hồn của sân khấu, cống hiến hết mình, lao động hết sức, dồn hết tâm huyết, đảm đương đủ thứ vai trò ở ngôi nhà này ngoài chuyên môn đạo diễn, diễn viên.

Cái tên sân khấu, xuất phát từ chữ Hoàng là họ của ông xã nghệ sĩ Ái Như, còn Thái Thanh là tên ca sĩ Thái Thanh - người đàn bà tiếng hát trong vắt cả hai gia đình nghệ sĩ yêu thích qua các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy.

Cảnh trong vở "Rau răm ở lại" - một trong những vở diễn mới xuất sắc của sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Ái Như bộc bạch: "Giống như trẻ con vậy, tôi thấy mình mỗi ngày mỗi lớn. Và càng lớn thì càng phải có trách nhiệm với Nghề. Do đó, khi tìm một tác phẩm mới, một chất liệu mới, tôi luôn tự nhắc bản thân có trách nhiệm với con đường đã đi và đảm bảo tiêu chí nghệ thuật đã đề ra".

Những ngày bộn bề cuối năm, được tin Hoàng Thái Thanh đang tiếp tục dời nhà sau hơn một năm trú ngụ tại Nhà thiếu nhi Q 10, cư xá Bắc Hải về giữa nội thành, bất giác xen kẽ nỗi vui, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh gánh hát dong ghé từ bến này sang bến khác. 

Có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn vãn tuồng, ngồi ngó sân hát giờ vắng hoe, túi bóng bay phất phơ. Khán giả về rồi, đèn tắt mất rồi mà bóng dáng nghệ sĩ vẫn thắc thỏm phía sau màn nhung.

Có lần, nghệ sĩ Ái Như tâm sự về những quãng long đong địa điểm: "Mình mệt và nản lòng chứ. Bởi nếu mình có được điều đó thì chỉ tập trung lo sáng tạo. Còn nỗi lo cứ canh cánh bên lòng thì làm sao nhẹ nhàng được. 

Bên cạnh đấy, nhân sự của hôm nay khác với ngày trước. Các bộ phận kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, khánh tiết,… vào sân khấu nào phải theo quy cách, kỷ luật của sân khấu đó. Tuy nhiên trước tình hình phức tạp của sân khấu hiện tại, mình đào tạo, khi rành nghề thì họ lại làm ở chỗ khác, mình phải bắt đầu lại. Bao nhiêu tâm sức, kỳ vọng và tiền của đổ vào đó. 

Cứ như vừa mới xây một lâu đài trên cát thì sóng đánh tới. Điều ấy tới hôm nay quá nhiều. Dường như sự tử tế, trách nhiệm với lời hứa, với công việc mỗi lúc một hiếm…".

Điều gì đã khiến chị và người thầy, người bạn diễn - NSƯT Thành Hội bước tiếp? "Vì lời hứa. Lời hứa của sự đam mê. Tôi thường tự nhủ, bao giờ tôi còn có thể làm được, vẫn còn được một số sức khỏe, một số kiên nhẫn và bao giờ tôi còn có thể gồng gánh được thì tôi vẫn đi theo đam mê của mình. Tôi vẫn chưa muốn thất hứa với chính mình. Tất nhiên, lúc nào mệt mỏi quá, tôi sẽ dừng lại. Bạn biết đấy, mệt thân còn đỡ chứ cái mệt mỏi trong tâm thì nặng nề lắm, mất vui! Bởi có những điều trong cuộc sống khiến mình nản chí.

Cũng có nhiều khi tôi tự hỏi mình cày cuốc lao nhọc vậy để làm gì, có ai đi buôn càng lúc càng lỗ mà vẫn cứ không? Nhưng rồi nhìn thấy sự chờ đợi, sự kỳ vọng, sự hài lòng, những nụ cười và nước mắt của khán giả trong từng đêm diễn… 

Chính những giọt nước mắt, nụ cười đó tắm mát cho mình, giúp mình quên đi tất cả. Cũng có những lúc tôi thấy lạc lõng. Nhưng chúng tôi may mắn có những người bạn đồng nghiệp cùng say đắm dòng kịch này. Người trẻ có, các em lứa sau chúng tôi có và cả những anh chị đi trước đồng hành, chúng tôi thấy mình được chia sẻ".

3. Hoàng Thái Thanh thường chọn truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư để chuyển thể. Có lẽ, không chỉ vì cái chất của truyện phù hợp với tiêu chí của sân khấu mà thẳm sâu, còn là mối giao hòa giữa người viết và người đọc, giữa người đọc và nhân vật.

Nhân vật trong truyện Nguyễn Ngọc Tư lúc nào cũng mê đắm, cũng thủy chung theo đuổi đến tận cùng điều họ tin tưởng, dẫu có lúc thực sự cố chấp, dẫu có lúc nếu buông ra, cuộc đời họ sẽ dễ dàng và hạnh phúc hơn rất nhiều.

Tình yêu của Ái Như, của Thành Hội dành cho sân khấu là mối tình trong veo, không hề lẫn một chút tạp chất nào và theo thời gian, ngọn lửa càng mãnh liệt. Như lời nhân vật Boris trong vở Đêm thiên nga: "Tôi, nghệ sĩ Boris, sẽ để đôi hài bẩn của mình ngoài thánh đường nghệ thuật. Tôi sẽ luôn yêu nghệ thuật trong bản thân mình chứ không bao giờ yêu bản thân mình trong nghệ thuật".

Hoàng Hoài Hương
.
.