Nét chung của những nhà lập quốc Hoa Kỳ: Không cuồng tín

Thứ Ba, 04/11/2008, 15:00
Trong lịch sử nước Mỹ có 6 vị chính trị gia được coi là "thê đội đầu", có công lập quốc: George Washington, Benjamin Frankleen, John Adams, Thomas Jefferson, James Madison và   Alexander Hamilton.

Họ đều không phải là người vô thần, ít ra là nhìn về mặt công khai, nhưng trong các hoạt động xã hội và cả đời thường, họ đều vượt qua được những điều mê tín và định kiến tôn giáo mà không ít các công dân Mỹ đương thời hay bị vướng víu. Họ đã hành xử theo tư duy tỉnh táo và thực tế, chứ không để mình bị những lý lẽ cuồng tín lôi kéo.

Đối với vị Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington (1732-1799), tôn giáo chỉ đóng vai trò thứ yếu trong toàn bộ sự nghiệp của ông. Sinh thời, ông hầu như không trao đổi với ai về các quan điểm tôn giáo của mình nên điều đó đã trở thành bí ẩn ngay cả với những cha đạo gần gụi nhất với ông và tưởng như phải hiểu thấu ông nhất.

Theo truyền thống gia đình, Washington theo dòng Tân giáo, từng là một bộ phận của Anh giáo nhưng rồi tới năm 1879, tách thành một dòng đạo độc lập. Trong hoạt động chính trị, Washington cũng ít khi viện dẫn tới tôn giáo.

Ông rất hiếm khi nhắc tới Chúa Trời hay Chúa Jesus mà chỉ nói về Thượng đế như một thế lực siêu nhiên, siêu hình, có khả năng chi phối đời sống con người. Trong hàng loạt các bài phát biểu, kể cả trong diễn văn nhậm chức Tổng thống thứ nhất, ông đã đề cập tới việc tôn giáo về sứ mệnh của nó phải phục vụ các lợi ích xã hội.

Tuy nhiên, ông thể hiện ý tưởng này luôn luôn cực kỳ điềm đạm và ở dạng thức chung chung nhất có thể. Có lẽ, trong nhận thức của Washington, tôn giáo có thể giúp cải thiện tính cách con người và hỗ trợ việc củng cố trật tự xã hội, nhưng không thể đóng một vai trò gì đáng kể trong đời sống.

Tháng 12/1799, khi đang hấp hối, Washington thậm chí còn không đồng ý để cho cha cố tới cạnh giường mình mặc dù ông biết ông chỉ còn sống được những thời khắc ngắn ngủi nữa thôi (ông mất ngày 14/12/1799)... Câu trăng trối cuối cùng của ông cho viên sĩ quan phụ tá Tobias Lear: "Hãy chôn cất tôi giản dị thôi!".

Benjamin Frankleen (1706-1790), người đứng thứ hai trong danh sách 6 "trưởng lão" hàng đầu của nền chính trị Mỹ thời lập quốc, không chỉ là một nhà khoa học hạng nhất mà còn là một nhà ngoại giao tuyệt vời ở thứ hạng cũng cao như những "minh tinh" ngoại giao thời đó là Talleyran hay Metternich.

Ông tự coi mình là người theo tự nhiên thần giáo và đã nhiều lần viết và nói về điều này. Những người theo tự nhiên thần giáo công nhận rằng, thế giới được tạo lập do ý Chúa Trời, nhưng lại cho rằng, sau đó thế giới tự vận hành một cách độc lập và theo những quy luật riêng của mình.

Chủ nghĩa tự nhiên thần giáo của Frankleen rất nhất quán. Ông tin vào sự bất tử của linh hồn nhưng hoặc là không công nhận tính thiêng liêng của Jesus Christos, hoặc ít nhất là cũng hoài nghi về việc này. Phân tích văn bản các phát biểu của Frankleen, có thể thấy ông đã coi nhân vật Jesus of Nazareth chủ yếu là nhà sáng lập ra một học thuyết đạo đức vĩ đại mới hơn là một thánh nhân.

Ngay từ khi còn trẻ, Frankleen đã thôi không tới tham dự các buổi thuyết giáo và trong suốt cuộc đời mình rất ít khi bước chân vào nhà thờ. Ông không bao giờ phát biểu cổ xuý cho bất kỳ giáo phái nào và không tham gia vào các cuộc tranh luận tôn giáo. Ông không bao giờ coi Thiên Chúa giáo cao hơn các tôn giáo khác và không công nhận quyền độc quyền của Thiên Chúa giáo trong việc nhận thức chân lý thiêng liêng.

Không ngẫu nhiên mà người bạn Anh Joseph Priestley của ông, một nhà hoá học lừng danh (một trong hai tác giả của phát minh ra khí ôxy) và cũng là một người theo chủ nghĩa tự nhiên thần giáo kiên định đã viết rằng, Frankleen không chỉ tự mình không tin vào Thiên Chúa giáo mà còn trong thực tế đã vận động những người khác cùng làm như ông.

Người đứng thứ ba trong danh sách 6 "trưởng lão" hàng đầu của nền chính trị Mỹ thời lập quốc là vị Tổng thống thứ hai, John Adams (1735-1826). Trước khi làm chủ Nhà Trắng, Adams từng làm Phó Tổng thống cho Tổng thống George Washington. Ông xuất thân từ gia đình từng không chỉ một đời theo học thuyết Calvin.

Chỉ khi đã trưởng thành, John Adams mới chuyển sang theo thuyết nhất thể thuộc chủ nghĩa giáo hội tự do vì ông không căm ghét ý tưởng chính trong học thuyết Calvin là, trên đời này chỉ một số ít người được chọn mới được cứu vớt linh hồn cũng như ý tưởng con người ta sinh ra đã bị ràng buộc bởi một số phận đã được định sẵn...

Adams cũng tham dự các nghi lễ tôn giáo một cách khá thường xuyên, nhưng không bao giờ tỏ ra hào hứng trong các công chuyện nhà thờ. Ông từng viết rằng, ông không bao giờ định trộn lẫn tôn giáo với chính trị và điều này đúng là sự thật. Adams cũng tin vào sức mạnh của trí tuệ con người như tin vào các tín điều tôn giáo và không bao giờ tỏ ra có một mảy may tính cuồng tín tôn giáo.

Đối với ông, đức Chúa Trời mang tính biểu tượng của lòng nhân ái, tình anh em giữa con người nhiều hơn là một biểu tượng tôn giáo. Theo ông, muốn là một tín đồ Cơ Đốc giáo thực thụ, chỉ cần làm đúng theo lương tâm thiên phú và những gì ghi trong Kinh Thánh, chứ không cần để cho mình bị lôi cuốn bởi các phù phiếm sinh hoạt nhà thờ thường nhật...--PageBreak--

Vị Tổng thống thứ hai của Mỹ đã mất vào lúc 6 giờ tối 4/7/1826, ở tuổi 91. Tương truyền, trước khi thiếp lịm đi vĩnh viễn, ông vẫn còn hỏi về tình hình sức khoẻ của vị Tổng thống Mỹ thứ ba là Thomas Jefferson, người bạn thâm giao, từng cùng ông tham gia ký vào Bản Tuyên ngôn Độc lập.

Và đã có một sự trùng hợp hiếm hoi: cũng chính trong ngày ấy, trước khi Adams mất vài giờ, Jefferson cũng đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Vị Tổng thống thứ ba của nước Mỹ (sinh năm 1743), một trong những tác giả của Bản Tuyên ngôn Độc lập, sinh thời vốn có tiếng là "thoáng" trong tư duy.

Ông công khai bày tỏ ác cảm đối với các cha đạo của mọi dòng tu, coi họ là kẻ thù đối với tự do và những nô bộc trung thành của chuyên chế. Jefferson viết rằng, đức Chúa trong Kinh Thánh nóng nảy, độc ác, thù dai, đồng bóng và không công bằng. Ông coi đạo Thiên Chúa là sự mê tín.

Không phải là người vô thần, nhưng ông cũng đã chỉ là một người theo thuyết tự nhiên thần giáo một cách hết sức chừng mực. Jefferson tin (hay nói đúng hơn, cố gắng tin) vào sự bất tử của linh hồn và cuộc sống ở thế giới bên kia cũng như tin vào việc sáng tạo thế giới bởi một đấng toàn năng thiêng liêng.

Tuy nhiên, ông lại luôn luôn phủ nhận bản chất thần thánh của Jesus Christos mà chỉ coi đó là một nhà truyền giáo vĩ đại. Jefferson đánh giá các lời dạy dỗ về đạo đức của Jesus Christos là đỉnh cao của đạo đức học nhưng luôn coi đó là thành quả của trí tuệ con người chứ không phải là khải huyền của thần thánh.

Ông còn đưa ra một quan điểm mạnh bạo hơn là, các nguyên tắc đạo đức tồn tại ngoài sự phụ thuộc vào tín ngưỡng hay tôn giáo và vì thế, đã kịch liệt bác bỏ ý kiến cho rằng, những người vô thần thì không hiểu được các nguyên tắc đạo đức.

Ngay từ thời trai trẻ, Jefferson đã tin tưởng một cách chắc chắn vào sự tự do của lương lâm, điều mà ông cho là quyền lợi tự nhiên của con người, được Đấng Tối cao ban cho.

Chính nguyên tắc này đã được Jefferson đưa vào dự thảo "Luật Tự do tín ngưỡng của bang Virginia" (Virginia Statute for Religious Freedom) mà ông soạn thảo năm 1779. Trên cương vị Tổng thống, Jefferson đã tiến hành một cách quyết liệt chính sách tách Giáo hội ra khỏi Nhà nước, đã được ghi rõ trong Điều Tu chính thứ nhất của Hiến pháp Mỹ...

Vị Tổng thống Mỹ thứ tư James Madison (1751-1836), Madison là một trong những tác giả của Bản Tuyên ngôn Độc lập và là người có uy lực nhất trong nhóm những người lập quốc này. Ông theo Tân giáo, nhưng không bao giờ là tín đồ cuồng nhiệt của nó.

Chính Madison năm 1786, trên cương vị Thống đốc bang Virginia, đã tích cực tiến hành thông qua tại cơ quan lập pháp bang "Luật Tự do tín ngưỡng của bang Virginia" mà Jefferson đã soạn thảo trước đó 7 năm.

Trong bộ luật này có ghi: "Không một ai bị bắt buộc phải theo cố định một thứ tôn giáo nào... Tất cả mọi người đều có quyền được tự dọ lựa chọn tôn giáo và có quyền dùng những lý lẽ của mình để bảo vệ ý kiến của mình về vấn đề tôn giáo". Cho tới hôm nay, bộ luật này vẫn còn nguyên hiệu lực...

Người cuối cùng trong danh sách 6 "trưởng lão" hàng đầu của nền chính trị Mỹ thời lập quốc là Alexander Hamilton (1755/1757 -1804), từng giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính trong thành phần chính phủ đầu tiên của nước Mỹ.

Trong thời gian chiến tranh giành độc lập, Hamilton là sĩ quan tuỳ tùng của George Washington và trên thực tế là Tham mưu trưởng quân đội. Ông từng tham gia tích cực vào hoạt động của Hội đồng Hiến pháp rồi cùng Madison và John Jay chuẩn bị một loạt bài viết ủng hộ cho Hiến pháp mới, về sau đã được đưa vào lịch sử tư duy chính trị thế giới với tên gọi "Những bài báo của những người tán thành chế độ Liên bang" (Federalist Papers).

Chính  Hamilton là người đưa ra sáng kiến tiến hành công việc này. Trên cương vị Bộ trưởng Tài chính trong những năm từ 1789 tới 1795 dưới thời Tổng thống Washington, Hamilton đã đặt nền móng cho chính sách tài chính và ngân sách của chính phủ liên bang. Năm 1800, Hamilton đã lập ra Đảng của những người ủng hộ chế độ Liên bang (Federalist Party), chính đảng đầu tiên ở Mỹ.

Hamilton là người theo dòng Tân giáo. Trong suốt một thời gian dài, sự tỏ ra mộ đạo của ông chủ yếu chỉ mang tính "trình diễn" do những nhu cầu chính trị hơn là tâm linh thực chất. Tuy nhiên, đến giai đoạn cuối đời, có vẻ như ông đã trở thành một con chiên ngoan đạo.

Năm 1804, Hamilton đã bị trọng thương trong cuộc đấu súng với vị Phó Tổng thống lúc đó là ông Aaron Barr và qua đời vào ngày hôm sau, nửa năm trước lễ sinh nhật lần thứ 50 của mình. Khác với các "trưởng lão" trong giai đoạn lập quốc, Hamilton đã không ngại sử dụng tôn giáo làm vũ khí chính trị để mưu hại các đối thủ.

Năm 1800, Hamilton đã không chỉ buộc tội đối thủ Thomas Jefferson vô thần và vô đạo đức mà còn nói bóng gió về việc nên đưa ra những đạo luật cấm những người vô thần giữ các cương vị lãnh đạo quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian làm việc ở Hội nghị Hiến pháp, Hamilton cũng là người ủng hộ tự do tôn giáo và việc tách Giáo hội khỏi Nhà nước như Jefferson.

Ông cũng đã không từ bỏ quan điểm này khi tham gia viết "Những bài báo của những người ủng hộ chế độ Liên bang". Vì vậy, sự sùng đạo muộn màng của Hamilton đã không ảnh hưởng gì đến di sản chính trị triết học của ông.

Chính nhờ tư tưởng không lụy tôn giáo đó của những nhà lập quốc nên nước Mỹ mới có được hệ thống lề luật như nó đang có hiện nay, giúp nó thoát khỏi những mâu thuẫn và đụng độ tôn giáo không dễ tránh khỏi trong một xã hội có nhiều dân tộc và tín ngưỡng như thế

Lê Lương Ngọc
.
.