NSƯT Thành Lộc: "Phù thủy" kịch
Người ta gọi sân khấu là thánh đường để nói về sự linh thiêng của nó. Nơi thánh đường trang nghiêm tượng trưng cho một tôn giáo ấy, người nghệ sĩ đích thực là “con chiên ngoan đạo” sẵn sàng chết cho niềm tin của mình. Thành Lộc là số ít. Những nghệ sĩ có thể chết vì niềm tin với nghệ thuật như anh thực sự không có nhiều. Anh dường như đã mang số phận nghệ sĩ từ khi còn là hạt bụi. Cha anh là NSND Thành Tôn. Mẹ anh là nữ nghệ nhân hát bội Huỳnh Mai. Anh có ông bà bên nội, bên ngoại, các chị gái đều là nghệ sĩ danh tiếng của sân khấu phía
Trong không gian của một gia đình như vậy, Thành Lộc sinh ra, lớn lên rồi trở thành nghệ sĩ như một điều đương nhiên, không cần phải lựa chọn. “Ngôi nhà tôi sinh ra là cánh gà sân khấu. Ngày nào tôi cũng được “tắm mình” trong thứ ánh sáng lung linh kỳ diệu để tin mình cũng là vị hoàng tử trong cung son hay một tướng lĩnh ngoài trận mạc”.
Làm quen với sân khấu từ năm lên 8 tuổi, đến nay NSƯT Thành Lộc đã có hơn 40 năm làm nghề, và gia tài của anh là khoảng 500 vai diễn, ở nhiều dạng nhân vật khác nhau, từ người đến thú, từ thiếu nhi đến người lớn, từ già tới trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, từ bình thường đến đồng tính, từ kẻ nghèo khổ lam lũ đến người giàu có sang trọng… mà gần như vai nào cũng ít nhiều để lại ấn tượng với khán giả. Khả năng biến hóa tài tình của Thành Lộc trên sân khấu đã đưa anh lên vị trí số 1 trong giới nghệ sĩ kịch ở Việt
Ở Thành Lộc, có một sự cộng hưởng tuyệt vời giữa tài năng, sự nhạy cảm, tính linh hoạt và sự hiểu biết - những yếu tố cơ bản làm nên một nghệ sĩ lớn. Trong sự nghiệp của mình Thành Lộc hầu như thâu tóm hết các giải thưởng mà người ta đặt ra để trao tặng cho người xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật như giải Cù nèo vàng, giải Mai Vàng, HTV Award… Bất kể vai lớn hay vai nhỏ, vai chính hay vai phụ, Thành Lộc đều có khả năng trao cho nhân vật mà mình đảm nhiệm một đời sống phong phú nhất. Anh là một nghệ sĩ hiếm hoi, bằng các vai diễn của mình, có thể đưa khán giả rơi vào tận cùng của những cảm xúc khác nhau: khóc, cười, hoang mang, bất an, buồn, vui, đau khổ.
Thành Lộc quan niệm, chỉ cần hóa thân hết mình vào nhân vật thì ngay cả khi đứng ở góc tối nhất trên sân khấu, người diễn viên đó vẫn tỏa sáng. Và bài học về đẳng cấp của một diễn viên sẽ là sự tỏa sáng trên sân khấu chứ không phải hơn thua nơi hậu trường. Đẳng cấp ấy không gì khác hơn là phải không ngừng lao động, sáng tạo, trên cái nền căn bản là tài năng.
Thành Lộc làm nghệ thuật không vướng bận một điều gì ngoài chính nó. Anh không lụy tiền, vì nghệ thuật nuôi sống anh nhưng chưa khi nào được anh xem như một thứ “cần câu” để kiếm sống. Anh không có gia đình nhỏ để chăm chút, lo toan như những người đàn ông khác. Thành Lộc tự do hoàn toàn và anh chỉ có một người tình duy nhất là sân khấu. Mặc dù anh thừa nhận, trong đời mình, anh đã từng yêu và đổ vỡ. Yêu rất nhiều, nhưng vẫn lựa chọn đời sống một mình để toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật. Xuất hiện ở đâu cũng có thể hóm hỉnh, vui đùa, nhưng dưới đáy sâu con người Thành Lộc là cô đơn. Một nỗi cô đơn đặc quánh, gần như không thể chia sẻ. Người như Thành Lộc, có thể làm chỗ dựa cho bạn bè phút yếu lòng, phút buồn đau, nhưng sẽ khó để có ai cho anh dựa vào cũng những giây phút như vậy. Vì anh quá rộng lớn, và hình như, quá phức tạp. Thật không dễ để hiểu hết suy nghĩ của một đại dương. Thành Lộc là một đại dương. Anh dung chứa quá nhiều cảm xúc khác nhau, và cả những mâu thuẫn trong chính mình, nên anh chỉ có thể tìm thấy bình yên trong độc thoại với chính mình.
Thiết nghĩ, phải là những nghệ sĩ thực sự sống chết với nghề mới hiểu được tâm sự này của Thành Lộc: “Nghệ thuật là vô giới hạn. Con chim trong lồng còn biết được những chiếc nan tre là vật cản, còn với chiếc lồng thuỷ tinh, thì mình có thể va đầu, gãy cánh bất cứ lúc nào”.
Chỉ có những nghệ sĩ tồi mới tin rằng họ có thể đi đến điểm cuối cùng của nghệ thuật. Còn với những nghệ sĩ lớn như Thành Lộc, nghệ thuật là cái hố sâu, đôi khi là cái bẫy, mà người nghệ sĩ càng lấn sâu vào kiếm tìm càng nhận ra cái mênh mông, rợn ngợp, càng thấy mình bé nhỏ và mất hút. Cảm giác ấy không phải ai cũng đủ hiểu biết để có nó. Bởi bản năng nghệ sĩ quá lớn như vậy, nên Thành Lộc luôn là cô độc. Anh có rất nhiều bạn, nhưng ở một nghĩa nào đó, anh là một mình. Đó chính là định mệnh, là cây thánh giá anh phải vác trên vai, khi số phận đã chọn anh làm nghệ sĩ.
Ngoài vai trò là diễn viên sân khấu kịch, NSƯT Thành Lộc còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác như diễn viên điện ảnh, nhà quản lý sân khấu kịch Idecaf ở Thành phố Hồ Chí Minh, đạo diễn dàn dựng sân khấu, MC, và có thời gian anh còn làm…ca sĩ. Anh múa dẻo như một vũ công, vào vai giả gái thì còn thật hơn một cô gái, lúc nhập vai trẻ con thì hồn nhiên như một đứa trẻ. Vẽ chân dung Thành Lộc trong nghệ thuật thật khó. Anh như một chú “tắc kè hoa” luôn đổi màu. Tuy nhiên trong đời thường, Thành Lộc lại là người thẳng tính đến mức sẵn sàng làm mất lòng người đối diện.
Không phải khi nào anh cũng được yêu mến ngay từ giây phút đầu tiên. Nhưng càng tiếp xúc với anh, người ta càng cảm nhận rõ ràng trái tim chân thành của anh với công việc và bạn bè. Thành Lộc luôn muốn mọi điều phải đi tới con người bằng một đường thẳng. Và bằng một sự tử tế. Con người không thể đến với nhau mà thiếu đi sự tử tế, mặc dù “sống tử tế là khó lắm”, và cả thiệt thòi nữa.
NSƯT Thành Lộc trong vở “Tiếng chim vườn ngọc lan”. |
Nguyên tắc lớn nhất của Thành Lộc trong đời sống là, cố gắng không đánh mất mình. “Suy cho cùng trong một kiếp người, mất tiền là nhẹ nhất, mất bạn thì buồn nhưng không đáng sợ. Nhiều khi mình không còn là mình nữa thì lại có rất nhiều bạn. Cái đó nó lừa mình. Sợ nhất là mất mình”. Được sống với chính bản thân mình, luôn là chính mình, nghĩa là phải sống chân thực từng phút giây - điều này thực không dễ. Con người ta không thể tránh những phút giây rơi vào vòng xoáy nào đó, và để không đánh mất mình, phải luôn nhìn lại, tự vấn và loại bỏ dần những phù phiếm trên đường đi. Thành Lộc đã “thực hành” như vậy. Anh giản dị trong đời thường, vắt kiệt đam mê cho nghệ thuật và không ngừng chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh trong xã hội.
“Thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến chuyện làm từ thiện. Nhưng chẳng hiểu sao càng ngày càng thấy nhiều người bất hạnh hơn. Những khu đô thị mới mọc lên càng nhiều, thì người nghèo lại càng nghèo hơn. Người ta có thể ăn cướp tiền từ thiện để bỏ vào túi riêng, biết bao kẻ phạm tội vẫn không bị trừng trị... Tất cả làm tổn thương những người có trái tim nhân ái, làm giảm nhiệt tình để sống và cho đi, làm tổn thất niềm tin. Mà đổ vỡ lòng tin thì sẽ chẳng làm được gì hết, nên bản thân mỗi người phải biết cách nuôi giữ niềm tin, tỉnh táo chọn cho mình cách sống để trước tiên phải là không thẹn với chính mình”.
Theo NSƯT Thành Lộc, mỗi con người sinh ra đều có một khả năng đặc biệt nào đó, nếu được phát hiện và cổ vũ, nó sẽ trở thành bông hoa sắc hương làm đẹp cho cuộc đời. Bởi vậy, anh rất hào hứng khi nhận lời ngồi ghế giám khảo cho chương trình tìm kiếm tài năng “
Thành Lộc chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi ngồi vào ghế ban giám khảo của một chương trình truyền hình thực tế. Bản thân tôi không thích ngồi vào ghế giám khảo của bất cứ cuộc thi nào trong cuộc đời này, nhưng sau nhiều lần tiếp xúc, tôi đồng cảm với tâm ý những người thực hiện chương trình. Chúng tôi đi đến một sự đồng nhất về mặt quan điểm là chúng ta sẽ khám phá và khích lệ, động viên tất cả những tài năng tiềm tàng trong mỗi con người Việt
Ở những vòng thi đầu tiên, Thành Lộc thực sự là chỗ dựa tinh thần cho nhiều thí sinh, khi anh luôn nồng nhiệt khích lệ họ thể hiện những khả năng của mình trước khán giả. “Thật tuyệt vời khi mỗi người đến với sân chơi và tự tin thi thố những khả năng đặc biệt mà họ có. Tôi và các giám khảo thực sự muốn làm bạn với các thí sinh, không hề có bất cứ một rào cản nào. Là những người hoạt động chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ truyền lại cho thí sinh những kinh nghiệm mà chúng tôi có được, cho họ những lời khuyên để họ hoàn hảo hơn và đặc biệt là bơm thêm cho họ năng lượng chứ không làm cho họ nản chí. Và tôi vẫn sẽ là một Thành Lộc rất cởi mở và chân thành”.
Vị Giám khảo cởi mở Thành Lộc, ít ai biết, còn là một người vô cùng lãng mạn. Dù anh biết, lãng mạn là thứ dường như đã trở thành xa xỉ trong đời sống hôm nay. Thành Lộc rất thích đi dưới trời mưa, để những giọt nước vuốt ve gương mặt mình. Anh hào hứng trước một ngày nắng đẹp, một món ăn ngon… Đã từng có những ngày tháng cận kề với cái chết, khi anh ngã từ trên cao xuống lúc đang diễn, gẫy dập 3 đốt xương sống, Thành Lộc rất hiểu giá trị của những ngày anh đang sống. Chúng ta phần lớn đang lao đi với vận tốc chóng mặt để tìm kiếm những thước đo vị trí, tiền bạc, quyền lực, và xem đó là hạnh phúc.
Nhưng thực ra chúng ta đang tước đi hạnh phúc lớn nhất của đời người là thanh thản ngắm một bông hoa nở, nằm bình yên dưới vòm cây đầy nắng, hay ngồi cạnh mẹ già ôn lại những kỷ niệm thời ấu thơ. Thành Lộc mỉm cười khi ai đó bảo anh khùng, khi nâng niu những phút giây như vậy. Anh là gã phù thủy khôn ngoan, không khoan nhượng với bản thân trong nghệ thuật, nhưng lại biết yêu mình, biết nhận ra mình, trong sự giản dị của Hạnh phúc