NSƯT Chí Trung: “Táo quân” hoài niệm
Là nghệ sỹ gần như đã hội tụ đủ những cái gạch đầu dòng mà một người đàn ông cần gom góp trong đời: tài năng, danh tiếng, tiền bạc, sự mến mộ và cả gia đình bình yên hạnh phúc, Chí Trung đang nghiêm cẩn thực hiện thêm một việc tử tế nữa trong hành trình nghề nghiệp, cùng các nghệ sỹ đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ phục dựng lại vở diễn Lời thề thứ 9 đình đám một thời…
1. Nhà hát Tuổi trẻ thời hậu Lê Hùng, vẫn khán phòng ấy, những tấm pa nô quảng bá các vở diễn tiêu biểu được trưng lên từ những ngày xưa cũ ấy, chỉ không khí ganh đua ngấm ngầm là dường như đang làm mọi thứ xốn xang hơn. Những người tiếp bước đang nôn nao khí thế chứng tỏ mình, tiếp tục định danh mình trong mỗi phần việc để xoa dịu đi một phần ký ức. Đoàn kịch 2 mà Chí Trung đảm trách cương vị lãnh đạo, đang cùng lúc dàn dựng hai vở chính luận nghe tựa đề đã thấy ngay là không thị trường không thị hiếu. Dựng Nhà Ôsin của Nguyễn Huy Thiệp, dành riêng cho NSND Lê Khanh đạo diễn, nghe nói vở diễn vừa chạy thử đường dây sơ duyệt, nhưng cũng gây ra cả tá tranh cãi trong chính những người thực hiện.
Hỏi Chí Trung Lời thề thứ 9 xem chừng chẳng dễ bán vé, không khách khí, anh tỏ thái độ bực mình ra mặt. Bán vé, kiếm tiền, chuyện đâu có khó. Thường ngày Chí Trung đã dành sẵn cả Đời cười và nhiều các tiểu phẩm hài khác để anh em nghệ sỹ tung hứng, yên tâm doanh thu, bằng lòng với cát sê đàng hoàng thu nhập. Phục dựng lại vở diễn đã từng phải duyệt lên duyệt xuống gần 30 năm trước, một tác phẩm sân khấu vượt ra ngoài cánh cửa các nhà hát, gây nên hiệu ứng rộng rãi trong đời sống thường ngày, Chí Trung bảo, anh muốn đánh động sự vô cảm đang là căn bệnh trầm kha lây lan mạnh mẽ ở vô số người. Đấy cũng là cơ hội hiếm có để những diễn viên trẻ được đường hoàng làm nghề, sống cùng những nhân vật dày dặn số phận, thoại những lời kịch đầy tê tái ám ảnh của Lưu Quang Vũ, những câu chữ mà mới thoáng đọc qua, đã thấy gai gai cả người.
Tò mò nhắc sao không tìm kịch bản của các tác giả sung sức hiện thời, những người vẫn góp mặt đều đều trong các trại sáng tác năm tổ chức vài lần, Chí Trung trợn tròn mắt: Có cái nào hay kiếm giùm đi. Kịch bản ra lò từ trại viết, giữa đêm thanh vắng, một mình nắn nót nâng niu mà cũng khó lòng đọc qua được 5, 6 trang giấy. Nói rồi lại cố giải thích, có thể là tôi không hợp với cách viết của các tác giả bây giờ, hoặc là chưa đủ tầm để thấu được hết ẩn ý mà họ viết ra.
Hơn 3 thập kỷ quăng quật trong nghề, thời khắc này, anh cũng chạnh lòng cho lớp đàn em, vào nghề gặp buổi sân khấu khó khăn, dẫu tha thiết cũng ít dịp được tham gia vào những vở kịch khiến người xem khôn nguôi ám ảnh bùi ngùi. Nhọc công dồn sức cho Lời thề thứ 9, Chí Trung luôn tự tin, vở diễn sẽ hút khách, đơn giản bởi sau bằng đấy năm lăn lộn với nghề, anh đã luyện được một thứ giác quan thính nhạy, đủ nhận biết khán giả của mình đang khao khát gì, mơ ước những điều chi. Ở thời nào bối cảnh nào, con người chả chán ghét sự bất công, cởi lòng trước những hành vi nghĩa hiệp xả thân cho công bằng, lẽ phải. Vậy nên Chí Trung thừa từng trải để nhận ra rằng khán giả của anh, cái đám đông ầm ào tưởng chỉ thích bông phèng đùa vui tếu táo, cũng cần được khóc, thèm được suy tư, ao ước được bừng bừng cảm giác phẫn nộ khi đối diện với chuyện trái ngang tiêu cực, dù là trong... kịch.
Vợ chồng NSƯT Chí Trung - Ngọc Huyền trong một tiểu phẩm hài. |
Vẻ săm sắn quyết đoán của người quen làm hơn nói, Chí Trung dàn quân vỡ hoang kịch bản cho lớp đàn em, để họ thấm dần, rồi mời NSND Xuân Huyền tới xem, rà soát chỉnh trang lại. Xuân Huyền sau cơn tai biến, sức khỏe dần hồi phục, phải mến và yêu lắm mới rời nơi dưỡng bệnh trở lại sân khấu cùng đám học trò măng tơ của Nhà hát Tuổi trẻ. Thắc mắc sao lại “điệu” được ông tướng quân vừa ngã bệnh tới xem tập vở, Chí Trung cười hiền, thầy chính là đạo diễn của vở kịch đang được làm mới lại sau 24 năm. Anh trước sau như một, mặc nhiên coi Lời thề thứ 9 là phiên bản phục hồi, bản quyền đạo diễn vẫn thuộc về NSND Xuân Huyền, người mà hầu hết những tên tuổi nổi trội của kịch Tuổi trẻ hiện thời đều âu yếm gọi thầy.
Chắc nghĩ thôi thì hơn kém thêm bớt gì một chức danh, một cái gạch đầu dòng vào băng rôn hay tờ rơi quảng cáo, nên Chí Trung tự nhủ, anh cứ lấy hiệu quả công việc làm mục tiêu trước hết. Có là nghệ sỹ nhân dân hay đứng tên đạo diễn, dáng vẻ bề ngoài cũng đâu nhờ thế mà đẹp trai hơn. Nhan sắc, dẫu nhan sắc đàn ông, lại chính thứ mà chàng Romeo lẫy lừng một thuở có thừa. Sống lâu trong nghề, quá hiểu người và rành rẽ chuyện, Chí Trung đang gắng để làm chứ không huênh hoang, chém gió, làm cùng số đông cùng tập thể chứ không nhăm nhăm lăng xê trau chuốt mỗi cái tên mình. “Ông đồ Nghệ” Xuân Huyền có đôi chút băn khoăn về những tình huống kịch của Lời thề thứ 9 ít nhiều mất đi tính thời sự, kiểu như một đám sâu mọt như chủ tịch xã Quách Văn Tuần với cả loạt hành vi tiêu cực, đã trở thành “muỗi”, quá thường tình vụn vặt so với cuộc sống đương thời, Chí Trung lại tin vào sự hấp dẫn trong thông điệp song hành cùng thời gian mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ gửi gắm.
Lời thề thứ 9 năm 2012, lứa diễn viên xưa chỉ Lê Khanh là còn đứng trên sân khấu. Lê Khanh như lệ thường, sâu đằm và tinh tế, chắt chiu một dáng vẻ lầm lụi bước ra sàn gỗ cất tiếng gọi các con ơi, xoa dịu cái đầu đang bốc hỏa của những cậu lính trẻ trong sáng bồng bột, hồn nhiên nghĩ rằng mình có lẽ phải là đủ để sắp đặt lại nhưng bức xúc đớn đau muộn phiền. Lê Khanh chỉ vài lời thoại đơn thuần thế thôi, người xem đã rưng rưng cảm giác cay cay nhức nhối trong lòng.
2. Chí Trung bây giờ đang là “hot” facebook. Anh online dường như mọi lúc mọi nơi. Sáng bảnh mắt ra đã thấy đăng đàn, khuya lắc khuya lơ còn vội tung vài dòng cảm thán lúc M.U thua trận hay mới đi diễn xa về. Luôn tự hào là đi vững được bằng hai chân, vừa làm nghệ thuật vừa bon chen quăng quật trong cuộc mưu sinh từ ngày còn trẻ, Chí Trung thừa khôn ngoan để hiểu, thế giới mạng đôi khi cũng ẩn chứa sức lan tỏa khó kiềm. Với những người bạn biết nhau qua ảnh nhận nhau nhờ một cái “nick”, Chí Trung trước hết là Táo giao thông, duyên không chịu nổi mỗi đêm giao thừa, vừa cất lời lên đã khiến người khác vô thức bật cười. Chuyện giao thông lúc nào cũng là vấn đề “nóng”, nên Táo giáo thông càng ngày càng được săn đón kỹ càng. Thỉnh thoảng lại đùa đùa bằng mấy câu thơ thuộc trường phái… Bút Tre, kiểu: “Thế giới Phây búc thật ra, Tuy là bạn ảo, nhưng (lại) là rất thân. Chăm tư tưởng, hỏi ân cần, Chẳng hơn bạn thật, không lần hỏi thăm...!”, vui vui mà tình cảm. Thông minh, hóm hỉnh, lại phản xạ nhanh ứng đối giỏi, thế mạnh không những tạo sức lôi cuốn cho Chí Trung trong các vai hài, mà từ đó anh còn câu kéo được một lượng fan hâm mộ đáng kể.
Chí Trung thuộc tuýp luôn chân luôn tay, không bao giờ ngại việc. Thời trai trẻ, vừa là Romeo quý phái bóng mượt cùng với Lê Khanh Juyliett làm nên thiên tình sử đẫm lệ, xóa sạch lớp phấn son, cởi bỏ lớp phục trang, anh đã lao ra chợ trời xung vào đội quân bán mua kiếm thêm đồng ra đồng vào nuôi con nuôi vợ. Giờ, thành trưởng đoàn, anh cũng sẵn sàng ngồi trên những chiếc xe… mui trần, kiểu ô tô nhà nghèo tỉnh lẻ đi khắp các phố phường loa loa quảng cáo cho vở diễn sắp tới của đoàn mình. Chả ngại phát tờ rơi, bán từng cái vé đến tận tay người hâm mộ, cuối cùng cũng chỉ là, để một sản phẩm tinh thần đến được đúng với khách hàng của mình, bình đẳng, đường hoàng, không cần xin cho quị lụy.
Đoàn kịch 2 của Chí Trung nhiều năm ròng, luôn là đơn vị ăn khách nhất, đắt sô nhất của Nhà hát Tuổi trẻ. Thuê đứt rạp Thanh niên ngay bên hồ Thiền Quang xinh đẹp làm điểm diễn định kỳ mỗi cuối tuần, đoàn kịch của Chí Trung tự thu chi trang trải, kiên trì mời gọi chinh phục từng khán giả tới với sân khấu của mình. Ở miền Bắc, ít người làm được như anh, sòng phẳng bán vé và hồi hộp trông chờ, hy vọng ở mỗi đầu vé bán ra.
Tất cả, đều do một tay Chí Trung chèo chống cáng đáng với sự kiêu hãnh của người làm nghệ thuật tận tâm với nghề: Nghệ sỹ là phải sống được bằng nghề. Sống ổn rồi lại trả nghĩa cho nghề, hay đúng ra tri ân khán giả, nên Chí Trung lên kế hoạch chọn những kịch bản kinh điển dàn dựng lại, vừa giúp lớp trẻ được tử tế làm nghề, vừa dành cho người xem những vở kịch tử tế để xem.
Có thể vì giữ được cho mình tâm thế tỉnh táo, nên Chí Trung cũng vun đắp được một mái ấm gia đình nhìn vào là thấy yên bình hạnh phúc đáng mơ ước với giới nghệ sỹ. Đã thành bố vợ, con trai học trường đại học danh tiếng trong Sài Gòn, Chí Trung cười cười, anh và Ngọc Huyền đương tận hưởng cảnh vợ chồng son, có công việc và bạn bè làm nguồn vui nguồn cảm hứng bất tận. Tự xét thấy cũng đã có đủ ở đời, dù vẫn bàng bạc đăm chiêu ở đời đôi khi không biết trước được điều gì, “Táo giao thông” Chí Trung đang trong chuỗi ngày chuyển cảnh, trở lại là mình trong không gian suy tư của chính kịch.
Lời thề thứ 9 chỉ là dấu mốc khởi đầu, Chí Trung còn nhiều tâm niệm khác, những sắp đặt chỉn chu cho tương lai của thương hiệu kịch Tuổi trẻ, cho Nhà hát mà vợ chồng anh và bao đồng nghiệp cùng thời đã gửi gắm gần như trọn cuộc đời, đã đeo đẳng cùng nó qua đủ mọi thăng trầm ngược xuôi và cả những quãng ngày, may mà còn có thể cười lên để xua đi thực tại