NSND Doãn Hoàng Giang: Kỳ 2 Ngã rẽ số phận

Thứ Sáu, 20/11/2015, 16:39
Tôi vẫn luôn tin rằng số phận của một người đôi khi bắt nguồn từ những ngã rẽ. Và lúc đấy tôi như đang đứng ở ngã ba đường…


Em bảo với tôi: “Chúng ta phải chia tay nhau thôi không còn cách nào khác. Kỉ luật quân đội không cho phép em yêu anh. Lãnh đạo đơn vị đã gọi em lên và nói hoặc em ở trong văn công quân đội và thôi Giang. Hai là em yêu Giang thì phải ra khỏi đoàn văn công. Hai điều ấy em chỉ được chọn một. Giang ơi, em không thể…”.

Thế là hết tương lai, em mang đến cho tôi nắng hồng để sưởi ấm trái tim buốt giá và cũng chính em lại đánh cắp trái tim tôi rồi làm cho nó nát vụn. Chẳng có cách nào khác cả. Ngõ cụt. Phải từ bỏ tình yêu của mình chắc hẳn em đau đớn lắm, vậy thì tôi càng không thể làm cho em thêm đau hơn, tôi đành phải chấp nhận số phận hẩm hiu và thiên đường hạnh phúc chỉ là thứ giả tạo.

Tôi đã tin, tôi đã yêu, tình yêu đẹp đó kéo dài 5 năm và giờ thì tình yêu đó  bị ngăn trở. Không thể gặp em, không thể nhìn thấy em, làm cho tôi mộng mị. Cuộc sống có nghĩa lí gì khi không còn có em - tình yêu đầu đời trong sáng và si mê của tôi. 

Cùng lúc ấy, mẹ tôi qua đời. Thế là hết, hai người phụ nữ tôi yêu thương nhất lại từ bỏ tôi, mẹ tôi và người yêu tôi. Mất mẹ rồi mất em những ngày dài, lòng tôi tràn ngập cô đơn, buồn tủi. Tôi chán chường sự sống và nghĩ đến cái chết. Căn nhà tôi ở với mẹ chẳng có đồ đạc gì ngoài một cái tủ đã cũ và chiếc giường ọp ẹp, thêm cái chạn bát. Tôi cho đi hết chỉ còn giữ lại túi ni lông đựng vài ba bộ quần áo. Đúng lúc ấy Nguyệt Ánh đến với tôi.

Nàng đến nhanh như một cơn gió. Nguyệt Ánh là nữ diễn viên sáng giá nhất miền Bắc và nổi tiếng bởi hàng loạt vai sân khấu. Ánh đẹp sắc sảo, kiêu kì, lộng lẫy đúng chất một diễn viên solist chính hiệu. Vậy mà suốt 4 năm học cùng lớp với Ánh, tôi chưa từng rung động. Sở hữu vẻ đẹp và sự nổi tiếng, Ánh có quá nhiều người si mê sẵn sàng quỳ gối ân cần hầu hạ, còn tôi nhìn Ánh dửng dưng. Có lẽ vì lòng tự trọng và sự kiêu hãnh mà Ánh đã quyết chiếm bằng được tôi, sở hữu tôi.

Một tối trong nỗi buồn tan nát mất đi hai người phụ nữ quan trọng nhất đời, tôi uống rượu như để quên đi tất cả. Ánh xuất hiện. Ánh nói gì tôi cũng không nhớ nổi, vì lúc đó tôi đang mộng mị, không còn tỉnh táo. Những ngày sau Ánh đến và ở lại rất lâu, Ánh thổ lộ, Ánh yêu và muốn bù đắp tất cả sự mất mát thiệt thòi mà tôi phải gánh chịu. Ánh nguyện đi hết cuộc đời cùng tôi, là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Và Ánh không thể chịu đựng được khi nhìn thấy tôi đau khổ. Lúc đó tôi như người chết đuối vớ được cọc. Không còn có tình yêu đầu đời thiêng liêng và trong sáng vậy thì tôi yêu ai mà chả được, lại là Nguyệt Ánh, nhan sắc và danh tiếng đang trở thành biểu tượng sắc đẹp của thủ đô. Tôi ở bên Ánh vài tháng rồi chúng tôi vội vã tổ chức đám cưới. Ngay sau đám cưới hai tháng tôi biết mình đã lầm. Tính cách, sở thích, lối sống chúng tôi khác xa nhau. Sau khi dựng vở Đôi mắt cho hàng chục đơn vị nghệ thuật trong cả nước, tôi nhận về một số tiền kha khá. Tính tôi vốn vui bạn, nhiều khi tôi cho bạn đến đồng xu cuối cùng. Được tiền dựng vở, tôi mua cho người cái giường, người cái tủ, người bộ comple hay cái xe đạp và Ánh không thể chịu được điều đó.

Tôi và Ánh sống trong một căn gác rộng 16m² trên phố Huế. Hằng ngày những người bạn văn nghệ của tôi tới chơi, cùng tôi bàn về một vở diễn sân khấu. Bạn bè ăn uống tại nhà tôi, họ ra về, chỉ còn lại chồng bát đũa dang dở và đôi khi là cả bãi nôn. Ánh dọn, và lần nào cũng rên rỉ, ca cẩm suốt ngày hôm ấy và cả những ngày hôm sau. Thời gian trôi, con trai của chúng tôi đã 6 tuổi. Một lần có một bác và cháu bé từ quê lên chơi. Trước đây, ngày đi sơ tán Ánh và con trai của chúng tôi đã ở nhờ nhà bác. Bác và cháu bé lên Hà Nội xem bắn pháo hoa ngày 2-9 rồi ra về. Tôi bảo với bác là chả mấy khi bác ra Hà Nội, sao lại phải về vội vàng thế, cứ ở lại nhà tôi chơi mấy hôm. Vừa thấy tôi nói thế, Ánh đá ngay chiếc dép rồi kéo tôi xuống tầng 1 nói: “Trời ơi, anh điên hay sao mà giữ người ta ở lại. Người ta muốn về thì cứ cho về, hơi đâu giữ lại làm cái gì. Nhà thì rộng lắm đấy, ngủ vào đâu, sinh hoạt ra sao?...”. 

Tôi sững người, thấy cuộc đời sao mà chán thế. Tôi nhìn Ánh rồi nói: “Khi xưa em và con đi sơ tán về nhà người ta ở. Cái giường đẹp nhất em nằm, cái chăn sạch nhất em đắp, căn phòng nào rộng rãi nhất em ở. Người ta nhường cho em cái gì tốt nhất em dùng, vậy mà giờ đây họ có 1 lần lên Hà Nội chơi em nỡ lòng nào lại đối xử với người ta như thế?”. Tôi nói vậy, nhưng Ánh gằn hắt. Cuộc thương lượng không thành công. Tôi phải bảo với bác: “Ánh đang chuẩn bị vai diễn cho vở mới cần có không gian để tập, phiền bác và cháu ra nhà nghỉ”. Rồi tôi thuê cho bác và cháu một căn phòng trọ gần khu nhà tôi. Cuộc sống của chúng tôi cứ thế diễn ra chỉ có sự khác biệt và xa cách.

Không có tình yêu với Ánh, tôi lại nuối tiếc mối tình đầu đẹp đẽ, đôi lần tôi lần giở những lá thư tôi viết cho tình yêu đầu của tôi được cất trong va li mà hằng ngày tôi lưu giữ như báu vật. Sự việc đó không thoát khỏi ánh mắt của vợ tôi. 

Rồi một lần sau hồi ầm ĩ, Ánh đòi tôi mở khóa va li mà trước mặt Ánh tôi chưa bao giờ mở ra. Hàng chồng thư xếp đầy va li, Ánh đọc được hơn một trang rồi không thể chịu nổi, khóc lóc rầm rĩ và bắt tôi đốt hết. Tôi đã là chồng của Ánh. Tôi không thể làm khác được. Hai chúng tôi xuống nhà bếp dưới tầng 1, trước mặt Ánh, tôi phải châm lửa để đốt những trang thư. Những lá thư cháy bùng trong lửa, lòng tôi cũng như thiêu như đốt. Tôi đốt tình yêu, đốt kỉ niệm, đốt quá khứ, đốt tuổi thơ, đốt hạnh phúc và đắng cay của mối tình đầu.

Chúng tôi sống với nhau được 7 năm như hai đường thẳng song song và không bao giờ gặp nhau, ngay cả lối sống và suy nghĩ đã quá khác biệt. Ánh vẫn như đang đu trên dây xích hào quang những lời khen tặng của hàng tá đàn ông vo ve ngưỡng mộ. Một lần, Ánh về nhà mỉm cười sung sướng nói: “Anh đang có trong tay một báu vật mà anh không biết giữ. Hôm nay một người đàn ông đã nói với em: “Em là cô gái đẹp nhất miền Bắc”. Thấy Ánh lâng lâng như vậy, tôi nổi cáu: “Anh chẳng thấy câu ấy có gì hay ho cả. Một câu tán gái vụng về ngu xuẩn và rẻ tiền của một thằng thất học”. Ánh không nói gì. Tôi thấy từ đôi mắt ấy một tia nhìn khác lạ.

Ít lâu sau, chúng tôi ra tòa li dị. Hôm đó, Ánh dậy rất sớm, băm thịt làm nem. Ánh vẫn biết tôi thích ăn món chả nem. Tôi bảo: “Bỏ đấy đi, em không nhớ hôm nay là ngày gì à? Tòa họ hẹn mình lên để xử vụ li hôn”. Đang băm thịt, Ánh làm rớt con dao rồi ngây người ra buông một câu: “Hay là thôi, anh ạ”. 

Tôi biết, nếu bây giờ mình nhượng bộ thì tình trạng vẫn sẽ cứ tiếp diễn, cả Ánh và tôi đều khổ. Tôi bảo: “Nỗi đau chỉ đau một lần còn hơn kéo dài mãi mãi”. Nghe tôi nói thế, Ánh lặng lẽ lên nhà thay đồ. Tôi đèo Ánh sau xe Honda đến tòa án. Cặp vợ chồng tôi lúc đó rất nổi tiếng, tôi đang là một đạo diễn ăn khách, còn Ánh là ngôi sao sân khấu được nhiều người hâm mộ. Khi chúng tôi đến, các nhân viên tòa án đều nhìn hai vợ chồng tôi. Tôi khoác vai Ánh đi qua cánh cửa để vào tòa. 

Chủ tọa là một người đàn ông luống tuổi, tóc bạc trắng đầu. Ông ấy nhìn tôi và Ánh rồi xuýt xoa: “Sao lại thế này hả anh Giang? Tôi thấy anh chị đẹp đôi quá. Vào đây tôi còn thấy anh khoác vai chị ấy, thế vì lí do gì mà anh chị lại muốn chia tay? Hay anh nghi ngờ chị ấy có bồ?”. Tôi trả lời ông tòa án: “Tôi chỉ có một yêu cầu đối với ông là không khuyên điều gì cả. Một là ông cho chúng tôi li dị, hai là ông bảo không cho chúng tôi li dị thì chúng tôi về”.

Nguyệt Ánh (trái) với vai diễn để đời trong vở kịch kinh điển “Nila” của Nhà hát kịch Việt Nam.

Ông ấy lại hỏi một câu: “Anh Giang ơi, không thay đổi, không hòa giải được gì à?”. Tôi cương quyết lắc đầu. Tôi bảo với ông tòa án: “Trong nguyên tắc li hôn có hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là tài sản. Vấn đề thứ hai là đứa con. Vậy tôi xin thay mặt ông để giải quyết luôn chuyện này. Hiện nay hai chúng tôi không có tài sản gì vì tôi đạo diễn một số vở nhưng tôi làm được bao nhiêu lại chia cho bạn bè hết, tôi giữ lại cho mình rất ít, Ánh cũng biết chuyện đó. Tôi xin thề với ông là tôi xin tặng Ánh hết tất cả những gì hiện nay tôi có, kể cả chiếc sơ mi tôi đang mặc đây. Việc thứ 2 là đứa con thì tôi xin phép các ông là để tôi nuôi. Tôi hiểu khi hai vợ chồng chia tay thường thì người mẹ nuôi nhưng tôi biết tôi nuôi giỏi hơn Ánh. Thằng bé yêu tôi hơn yêu mẹ nó”.

 Tôi quay sang hỏi Ánh: “Có đúng không, em nói đi”.  Ánh vừa khóc, vừa gật đầu. “Vậy tôi xin nhận phần khó khăn này…”. Tôi vừa nói vừa ôm vai Ánh. Tôi nói hai tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ. Ông già tóc bạc bảo: “Tôi bị anh thuyết phục quá. Thôi được rồi tôi đồng ý để anh chị chia tay nhau, một tuần nữa anh chị đến đây lấy giấy chứng nhận là đã li hôn”. Tôi nhìn ông già tóc bạc rồi trả lời: “Không. Cái này Ánh có cần không thì tôi không biết còn tôi không cần tờ giấy chứng nhận mình đã li hôn để làm gì cả. Tôi cũng mong gặp ông lần này là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng”. Nói xong tôi khoác vai Ánh khẽ bảo: “Nào, giờ thì chúng mình về”.

Ra đến cửa, xe nổ máy, Ánh ngồi sau xe gục mặt vào vai tôi khóc. Nước mắt của Ánh rơi ướt vai áo tôi. Trên cửa sổ tòa án, mọi người nhìn theo. Lúc đó kim đồng hồ chỉ 11 giờ trưa, nắng loang lổ vệt đường.

Trần Mỹ Hiền (Ghi theo lời kể của NSND Doãn Hoàng Giang)
.
.