NSND Minh Hòa: Có phải em… mùa thu Hà Nội?
Nhiều đạo diễn khi chọn nhân vật cần một khuôn mặt đài các kiêu sa, khả ái, có số phận, có tính cách là nghĩ đến Minh Hòa. Chị cười bảo: “Người ta vẫn gọi mình là tắc kè hoa đổi màu”.
Gặp chị vào một ngày thu, cái mùa khiến con người một ngày mùa ta dễ man mác buồn, dễ bất chợt vui, dễ khiến lòng lâng lâng xao xuyến. Một nhạc sĩ gọi mùa thu là mùa yêu. Hà Nội có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông; nhưng, chị bảo mùa hè người ta chưa nóng mình đã nóng, mùa đông người ta chưa lạnh mình đã lạnh, mùa xuân thì mưa phùn lớp nhớp, chị lại bị bệnh về khớp nên chị yêu mùa thu. Mùa thu trên những con đường xao xác gió heo may, nhè nhẹ, xua tan cái nắng nóng ngột ngạt, hầm hập thiêu đốt của ngày hè rực rỡ, lại chưa chạm tới cái lạnh cắt giá của mùa đông ảm đạm. Khung cảnh trời thu khiến mọi thứ trở nên bồng bềnh, nhẹ nhàng, làm lòng người da diết, bâng khuâng. Chị cũng vậy.
Sáng nay trở dậy, trong căn nhà 4 tầng ở mạn Cầu Giấy, chị ra ban công thấy cả bầu trời thu Hà Nội bao bọc lấy chị. Trước mắt chị là một giàn cúc tần xanh mát mà chị tự tay trồng, thả những sợi dài rủ xuống đung đưa trước gió. Chậu hoa sứ với những bông hoa màu đỏ, cả chậu hoa giấy có bông hoa cánh mỏng như cánh bướm, màu trắng pha màu hồng cánh sen nở từng chùm vươn ra đón nắng, đón gió. Thêm những bông hoa nhỏ li ti màu trắng dịu dàng lan tỏa. Nắng lên. Bình minh của ngày mới. Bức tranh thu ấy làm cho người nghệ sĩ trong chị mơ màng, ngây ngất. Chị vội cuốn một chiếc khăn voan màu xanh cô ban có điểm xuyết họa tiết màu vàng, cùng tông với chiếc quần chị đang mặc. Chị khoác một vest lửng màu đen huyền bí rồi đánh xe ôtô ra khỏi nhà bước vào một ngày bận rộn như bao ngày. Lịch làm việc của chị luôn dày đặc. Sau chuyến đi làm bộ phim Tuổi thanh xuân của hãng phim Việt Nam hợp tác với Hàn Quốc vừa về thì ngay sáng hôm sau đã lên đài truyền hình để lồng tiếng. Chị bảo: “Không thể tưởng tượng ra sao nếu một ngày kia mình không làm việc. Lúc đó chắc sẽ chết vì buồn chán. Nếu có nghỉ thì chỉ cần thả phanh một ngày rồi công việc lại ập đến như nước lũ cuốn đi”.
Chị đi trên con đường Hà Nội vừa thân quen, vừa lạ lẫm. Phải rồi! Gắn bó với mảnh đất thủ đô đã ngót nghét cả nửa thế kỉ, chị là nhân chứng sống với những biến động của dòng thời gian. Lại bước vào một mùa thu nữa. Mùa thu của Hà Nội năm xưa và mùa thu của Hà Nội hôm nay, tất cả thu vào chị qua một lăng kính với những thước phim của hồi ức.
Minh Hòa trên sân khấu kịch hay trong điện ảnh đều phản ánh được nét diễn đa chiều, nhiều tâm trạng, tuyến nhân vật phong phú, mà sự thật không phải diễn viên nổi tiếng thuộc hàng solist nào cũng được ưu thế trời ban đó. Đứng trên sân khấu của Nhà hát kịch Hà Nội đã 30 năm có lẻ, là gương mặt thân quen được yêu thích của điện ảnh, truyền hình Việt Nam hàng chục năm nay, đúng là chị sinh ra là để làm nghề. Lửa nghề rừng rực ấy lúc nào cũng nhiệt huyết trong từng mạch máu li ti, như ăn vào cội rễ, bất di bất dịch. Chẳng vậy mà, dồn hết tâm huyết và công sức cho nghề diễn bao nhiêu năm tuổi trẻ, ngoảnh đi ngoảnh lại, thời gian trôi, cậu con trai duy nhất đã lớn. Chị bằng lòng với những gì mình có. Chị chăm chút cho con từng li từng tí. Đến nay cậu con trai sau chuyến du học quản trị kinh doanh tại Pháp đã về Việt Nam và công tác tại khách sạn Metropol. Nhiều người bảo phụ nữ xinh đẹp thường hay có số phận. Nhưng, may sao, số phận của chị là vì sao sáng trong lĩnh vực mình yêu thích.
Được sống với những gì mình yêu thích là bí quyết giữ nhan sắc tuyệt hảo của phụ nữ. Giờ, ở lứa tuổi của chị, nhiều người hằn lên dấu vết của thời gian, bóng dáng của tuổi tác. Còn trước mắt tôi, con người chị toát ra sự gần gũi, giản dị vẻ đẹp của hương đồng gió nội, loài hoa cỏ thơm mát dịu dàng, khiêm nhường dễ dàng trấn an những stress bộn bề của cuộc sống. Giao tiếp với chị khiến cho người ta mơ màng về những cô gái Hà Nội xưa, yêu kiều mà nền nã, thanh tao nhưng không kém phần sắc sảo. Quả đúng vậy, chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một đại gia đình nghệ thuật từ cha mẹ cho tới cô dì chú bác, anh em, họ hàng, chồng chị cũng trong ngành nghệ thuật…
Mới đây thôi, nhân kỉ niệm 60 năm ngày Giải phóng thủ đô 10/10/1954 - 10/10/2014, chị đương chức Phó giám đốc nghệ thuật của Nhà hát kịch Hà Nội, với tình yêu dạt dào Hà Nội, từng con đường, góc phố thân quen, kí ức lịch sử, kí ức thời gian cứ mênh mang hiện hữu. Hà Nội ngày chị sinh có tiếng tàu điện leng keng. Có những ngõ phố sâu hun hút, và mảng tường rêu phong tróc lở cổ kính, tiếng chuông chùa ngân, cả tiếng còi tàu hú buổi ban trưa. Và ngày ấy, Hà Nội nhỏ lắm, bé lắm, những ngôi nhà thấp lúp xúp, đứng ở bên đây nhìn thấy bờ bên kia. Hà Nội ngày ấy mỗi khi Tết đến xuân về là có tiếng pháo Bình Đà râm ran sắc hồng rắc đầy khắp lối. Hà Nội ngày đó với từng hàng xô, chậu hứng nước từ vòi nước công cộng. Hà Nội ngày ấy thời tem phiếu đi mua gạo từ sáng sớm, tranh thủ kê cục gạch hay chiếc dép để xếp hàng. Một Hà Nội của tôi. Một Hà Nội của chúng ta đã xa. Rất xa.
Và chị, với vai trò là người chọn kịch bản, đã thay mặt cho nhà hát kịch mời tác giả Phạm Văn Quý, người vừa được giải thưởng Bùi Xuân Phái khi ông viết về Hà Nội. Một công trình nghệ thuật sân khấu công diễn gây tiếng vang với vở: Những người con Hà Nội. Chị sắm vai mẹ một chiến sĩ cách mạng trong cuộc chiến đấu của những người con Hà Nội kiên trì bám trụ để giữ Hà Nội vào mùa đông năm 1946. Vở diễn thành công có một phần công sức của chị.
Được đào tạo trong môi trường chính kịch chuyên nghiệp, bên những thế hệ nghệ sĩ gạo cội đi trước, cộng với truyền thống gia đình và môi trường công tác đã tạo nên một Minh Hòa với số phận diễn riêng biệt. Lại nữa, sẵn lợi thế ngoại hình xinh đẹp kiêu sa, nước da trắng, sống mũi dọc dừa, đôi môi chúm chím như cánh hoa mới nở, chị làm diễn viên được trời ưu ái cho cả thanh lẫn sắc. Năng khiếu và nhan sắc đưa con đường chị đi trải hoa hồng. Năm 2011, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Thật ra, đâu phải đến năm 2011 mà trước đấy rất lâu, Minh Hòa được khán giả cả nước thuộc mặt biết tên, quay cuồng điên đảo với vai Trần Lệ Xuân, vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai tổng thống Ngô Đình Diệm của chế độ Việt Nam cộng hòa. Chắc chả còn ai vào vai bà vợ ông cố vấn hợp như chị.
Bà Trần Lệ Xuân sinh ở Hà Nội, Minh Hòa cũng sinh ở Hà Nội. Cả hai đều sở hữu nhan sắc. Nhiều khi, ngắm nhan sắc của Minh Hòa, tôi thầm tự hỏi: “Anh hùng khó qua cửa ải mỹ nhân”. Đã có bao nhiêu trang nam nhi trai tráng “tử trận” với vẻ đẹp kiều mị này?! Làm thế nào để chồng chị giữ được người đàn bà của mình mà cho đến giờ họ vẫn đi trên con thuyền của hạnh phúc? Phải chăng tất cả là do chị, biết gói gọn hạnh phúc trong tay bằng một tâm hồn đầy chất thơ người nghệ sĩ. Rất ngây thơ mà quá đỗi nồng nàn, lại không kém phần sắc sảo. Sở hữu một người phụ nữ xinh đẹp có bí quyết kì lạ và biến ảo như vậy, sẽ chỉ muốn giữ chặt trong vòng tay.