NSND Quang Thọ: Tiếng hát bay lên từ cuộc đời gian khó

Thứ Tư, 10/10/2018, 11:47
Tuổi 70 như thể chỉ là số đếm không liên quan đến người nghệ sĩ đang ngồi trước giới truyền thông, trong buổi họp báo về live concert quan trọng có cái tên khá mời gọi “Hãy về với anh”. 


NSND Quang Thọ tóc pha sương, mắt lấp lánh niềm vui, nói cười hào sảng. Ông vấn giữ nét hồn hậu của người con đất mỏ, của người công nhân hầm mỏ năm nào, cho dù giờ ông đã là một nghệ sĩ lớn, là “của hiếm” trong âm nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam và là thầy của nhiều ngôi sao nổi tiếng trên bầu trời âm nhạc.

Cuộc đời gian khó của Quang Thọ là câu chuyện mà các nghệ sĩ lứa tuổi hai mươi hôm nay không dễ có thể hình dung. Các bạn được sinh ra và lớn lên trong một thời kỳ khác, với những thụ hưởng đầy đủ về vật chất cũng như văn hóa nên rất khó để tưởng tượng thời tuổi thơ những người nghệ sĩ thế hệ Quang Thọ đã phải sống ra sao. 

Với riêng NSND Quang Thọ, mỗi lần nhớ lại những kỷ niệm thuở nhỏ, ông không khỏi ngậm ngùi. 

Ông kể: “Hồi đó ai cũng nghèo, nhà nhà đều phải ăn cơm độn. Mình suýt chết năm lớp 8 vì ăn cơm có dính mảnh sành. Cái mảnh sành đó nằm trong bụng mình cả tháng trời, gây xuất huyết, chảy máu dạ dày mà mình không hề biết. Đến một hôm đi học, đau quá, mình ngất xỉu, rồi được đưa vào viện cấp cứu. Bác sĩ nói mình mất quá nhiều máu, phải điều trị hơn một tháng trời trong bệnh viện mới ổn định”. 

Cha mẹ của NSND Quang Thọ khi đó nghèo đến nỗi không có tiền cho ông tiếp tục đến trường học vì dưới ông còn hai người em nhỏ nữa. Quang Thọ bỏ học đi làm thêm kiếm tiền phụ cha mẹ. Biết mình chưa đủ tuổi để được nhận vào làm ở mỏ than, cậu bé liền “khai gian” thêm 2 tuổi cho đủ để được nhận vào làm việc. 

Công việc ở mỏ than vô cùng vất vả nhưng Quang Thọ đã kiên trì bám trụ vì ông không có lựa chọn nào khác để tự lo cho mình và giúp cha mẹ nghèo.

Nhưng chính những năm tháng khó khăn làm việc trong mỏ than đã tượng hình một NSND Quang Thọ của hôm nay. Tại đây, sau những ngày lao động chân tay lấm lem, vất vả, chú bé nghèo Quang Thọ có được cơ hội để bộc lộ niềm đam mê ca hát của mình. Phong trào văn nghệ trong các hầm mỏ, xí nghiệp thời đó rất phát triển. 

Bẩm sinh có giọng hát hay nên Quang Thọ được chú ý ngay từ khi xuất hiện. Ông được bồi dưỡng để trở thành hạt nhân văn nghệ của mỏ than. 

Rồi, từ một công nhân thuần túy trong mỏ than, Quang Thọ trở thành một công nhân-nghệ sĩ của đội văn nghệ xung kích, thường xuyên đi biểu diễn phục vụ công nhân ở các hầm lò, công trường và cả những vùng nông thôn, miền biển xa xôi của Quảng Ninh. 

Trong ký ức của Quang Thọ, vẫn còn như mới hôm nào những buổi biểu diễn đầu tiên. Sân khấu thời đó thật sơ sài, khán giả ngồi dưới là những người công nhân, nông dân chân tay lấm than, bùn đất, gương mặt hồn hậu. Người biểu diễn trên sân khấu cũng vừa trút bỏ bộ quần áo công nhân, mái tóc còn vương bụi than, tay chân còn lấm màu than là chuyện bình thường. 

Thời gian đầu, mặc dù được tham gia đội văn nghệ nhưng công việc chính của Quang Thọ vẫn là thợ điện mỏ than. Thợ điện - công việc đó nuôi sống ông và để ông có thể giúp đỡ cha mẹ phần nào khó khăn từ đồng lương của mình. 

8 năm trời ròng rã gắn bó với công việc ở mỏ, nhờ giọng hát hay, truyền cảm của mình, Quang Thọ được chuyển sang công tác chính thức tại đoàn văn nghệ xung kích vùng đất mỏ. Ông bắt đầu những chuyến đi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. 

Từ mỏ than quê hương, bàn chân người nghệ sĩ trẻ đã để lại dấu ấn trên dọc dài những chặng đường đất nước. Từ sân khấu biểu diễn cho khán giả là những người thợ lò, Quang Thọ đã đến và biểu diễn ở những sân khấu dã chiến, cho những người lính ngoài chiến trường. 

Ông, cùng với các nghệ sĩ thế hệ mình như Thu Hiền, Thanh Hoa đã nếm trải mùi thuốc súng, mùi bom rơi, mùi chiến tranh. Tiếng hát của những người nghệ sĩ thế hệ ông không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn là nguồn động viên tinh thần sâu sắc cho bộ đội, chiến sĩ, thương, bệnh binh trong thời kỳ đất nước gian nan chống lại kẻ thù xâm lược. 

Gần cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ, năm 1972, Quang Thọ được cử đi học tại Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Khi đó, chàng ca sĩ trẻ mới 24 tuổi nhưng có đến gần 10 năm hoạt động ca hát, đã là một nghệ sĩ thành danh, đã có một cái tên in đậm dấu ấn trong lòng người nghe. 

Quang Thọ đến trường âm nhạc để lĩnh hội kiến thức hoàn thiện kỹ năng ca hát của mình. Dĩ nhiên, học trò nổi danh  như Quang Thọ rất được các thầy cô giáo trong trường quý mến, trân trọng. 

Vốn là người dày dạn kinh nghiệm biểu diễn, đã trải qua những môi trường làm nghệ thuật gian nan, thậm chí là khốc liệt, cộng với khả năng thanh nhạc hiếm thấy, Quang Thọ được các đoàn nghệ thuật sẵn sàng chào mời khi ra trường. Ông chọn để trở thành ca sĩ đơn ca của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. 

Cùng với việc đi biểu diễn, nghệ sĩ Quang Thọ cũng đặc biệt yêu thích công việc giảng dạy. Năm 1987 ông nhận lời làm giảng viên Khoa Thanh nhạc Nhạc  viện Hà Nội. Đối với ông, sự nghiệp trồng người và sự nghiệp ca hát không cái nào lớn hơn cái nào. Ông đam mê cả hai “sự nghiệp” đó và hết lòng hết sức tận tụy phục vụ công việc. Năm 2000, ông trở thành Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc. Trước đó, ông được phong danh hiệu NSƯT.

Nói về sự nghiệp “trồng người” của Quang Thọ, những thành quả của ông cũng là niềm mơ ước của rất nhiều nhà giáo. Có lẽ, đối với NSND Quang Thọ, việc dốc sức gieo trồng những hạt giống cho mùa sau của một người trồng vườn còn quan trọng hơn cả việc ông đạt được những danh hiệu cao quý trong nghề biểu diễn. Người đời nói “thầy nào trò đấy” quả không sai. 

Hãy nhìn vào những gương mặt học trò của thầy Quang Thọ để hiểu thêm về những cống hiến của ông trong giáo dục âm nhạc. Những cái tên như Đăng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh, Tùng Dương, Tân Nhàn, Khánh Linh... không chỉ là niềm tự hào của riêng thầy Quang Thọ mà còn làm giàu có thêm đời sống âm nhạc những năm qua.

Ông quan niệm, giáo dục trong nghệ thuật phải khác với các môn học bình thường. Mỗi học trò là một cá tính khác nhau, một khả năng khác nhau, một màu sắc âm nhạc khác nhau. Người thầy giỏi là người không để các em mất đi sự độc đáo của mình. Nếu đào tạo nghệ sĩ mà ra trường ai cũng giống ai thì đó là cách giáo dục sai lầm. 

Khi nhận biết được cái riêng của từng học trò, người thầy hãy bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình để nâng đỡ, định hướng, khuyến khích, để các em có lựa chọn đúng, phát huy và bộc lộ hết khả năng, cá tính của mình.  

Sự có mặt của người thầy không phải chỉ để giới hạn khả năng của học trò mà để giúp học trò phá bỏ những giới hạn. Nghệ thuật chỉ có thể đi đường dài khi người nghệ sĩ cùng với tài năng là một sự hiểu biết, một nền tảng kiến thức vững vàng, một bản lĩnh chấp nhận mọi khó khăn, sẵn sàng dấn thân vào các thử thách mới. 

NSND Quang Thọ, bằng sự trải nghiệm của mình trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật đã là minh chứng sống để học trò của ông tự soi mình học hỏi. Còn nhớ, trong live show Mặt trời của tôi, nghệ sĩ Đăng Dương đã xúc động ôm thầy giáo của mình bật khóc. Anh cảm thấy biết ơn thầy vô hạn khi mình có được thành công trong sự nghiệp như hôm nay. 

Đăng Dương nói: “Trong những năm đầu tôi học thanh nhạc, thầy Quang Thọ đã trực tiếp dìu dắt tôi. Thầy hiểu rất rõ những gì tôi thiếu hụt để bồi đắp. Thầy vô cùng tình cảm và kiên trì với từng học trò của mình. Nếu không có thầy, tôi không thể trở thành một nghệ sĩ có nền tảng vững chắc như hôm nay”. 

Một học trò khác, tuy không đi theo dòng nhạc của thầy nhưng chịu ảnh hưởng rất lớn từ thầy là Tùng Dương. Divo của nhạc Việt chia sẻ, thầy Quang Thọ luôn trân trọng cá tính riêng biệt của từng học trò. Cách giáo dục của thầy là luôn để mở mọi khả năng, không áp đặt học trò trong lựa chọn đường đi. Thầy chỉ định hướng, dựa trên khả năng sẵn có của mỗi người...

NSND Quang Thọ vốn kiệm lời. Ông không phải mẫu nghệ sĩ thích nói phô trương, văn hoa về công việc cũng như cuộc sống. Trong tinh thần của ông, sự hồn hậu, gần gũi, giản dị vẫn giống như người thợ mỏ năm nào. 

Ông quan niệm, tất cả những gì một con người cần thể hiện, hãy để nó vào trong công việc của mình. Vâng, khi nhìn vào công việc của ông, một người nghệ sĩ, một người thầy, chúng ta không thể không nể trọng. Ông đã nhận danh hiệu cao quý nhất trong đời biểu diễn, danh hiệu NSND. 

Trong vai trò một người thầy, ông đã để lại phía sau mình những cái tên lấp lánh. Những nghệ sĩ trẻ như Đăng Dương, Trọng Tấn, Tùng Dương, Khánh Linh, Lan Anh... sẽ tiếp tục viết những trang mới trong đời sống âm nhạc, tiếp tục con đường mà ông - một người thầy - đã và đang đi. 

Con đường đó là con đường của học vấn, của tri thức, của lao động và của tài năng. Khi người nghệ sĩ đi con đường đó, muối của cuộc đời sẽ kết tinh lại, trở thành những tác phẩm có ý nghĩa cống hiến cho công chúng.  

NSND Quang Thọ chia sẻ, 70 tuổi làm live show âm nhạc đầu tiên, ông rất hạnh phúc khi trên sân khấu không chỉ có ông mà còn có những gương mặt học trò xuất sắc nhất. Họ đứng cùng nhau, không đơn thuần là một show diễn giải trí. Họ đứng cùng nhau là để kể một câu chuyện thế hệ của âm nhạc. 

Rằng tre già thì măng mọc, chỉ có cách đó, mọi vẻ đẹp cuộc sống cũng như nghệ thuật mới được trường tồn. Nghệ sĩ nói, dù ở tuổi thất thập, ông vẫn đủ sức khỏe để hát đến khi nào khán giả không muốn nghe nữa thì thôi...

Bình Nguyên Trang
.
.