NSND Đình Quang: Ngoài 80 tuổi vẫn chạy tốt

Thứ Tư, 20/07/2011, 16:00
Gọi điện cho NSND Đình Quang, phải sau rất nhiều những "a lô" cố để tròn vành rõ chữ, ông mới nghe ra được tiếng. Ông cười lành lành, vẫn vẻ mủm mỉm hóm hỉnh cố hữu, dạo này hơi bị nặng tai, nhưng đấy là chuyện thường tình, tuổi già, phải cân bằng, trời cho cái này sẽ lấy đi cái khác.

Ở tuổi 84, nói "trộm vía", ông còn minh mẫn khỏe mạnh. Khi mà các bạn đồng tuế hầu như đều tụ tập rủ nhau đi về một nơi xa lắm, NSND Đình Quang vẫn là bậc trưởng lão không thể thiếu được trong các sự kiện mực thước nghiêm cẩn hay buồn vui ngày thường của giới sân khấu.

1. Ở tuổi cần được nghỉ ngơi trọn vẹn, nhưng NSND Đình Quang thường xuyên buộc mình thành người bận rộn. Tuần một lần vào buổi sáng, ông đến 51 Trần Hưng Đạo, nơi có trụ sở Quỹ Hỗ trợ phát triển văn hóa nghệ thuật mà ông làm Giám đốc, họp với ban lãnh đạo. Quỹ của ông đã tài trợ hữu ích cho nhiều dự án văn hóa nghệ thuật mang âm hưởng kết nối quá khứ và hiện tại, xưa và nay.

Xong việc, thể nào ông cũng rẽ sang Văn phòng Hội Nghệ sỹ sân khấu để chuyện trò đàm đạo, lúc thì với Chủ tịch Lê Tiến Thọ hay Phó Chủ tịch Lê Chức, lúc chỉ cốt gặp mặt các anh em khác cập nhật thêm thông tin về cái thế giới mà ông đã đeo đẳng gần suốt cuộc đời. Đều đặn, ông lên lớp giảng bài, nói chuyện với sinh viên, trau dồi cho họ sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam và thế giới.

Các nghệ sỹ sân khấu, dẫu danh tiếng ngút ngàn hay khép mình lặng lẽ biết ông, gặp ông đều một niềm kính cẩn "thưa thầy". Ông tư lự, điều đó cũng đơn giản, bởi ông chính là người sáng lập khóa đầu tiên của Trường Sân khấu Việt Nam, khóa học cách nay 50 năm đã cho ra ràng một dàn những tên tuổi không hề lẫn lộn, các NSND Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, Thế Anh, Đoàn Dũng...

Sau này, ông cũng là Hiệu trưởng đầu tiên (đời ông có duyên với những dấu mốc đầu tiên) của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, làm thầy hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp của bao thế hệ người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật. Dạy học là đam mê lớn của Đình Quang, một phần quan trọng tạo dựng nên cả sự nghiệp đáng mơ ước đối với một nghệ sỹ, dù ở bất kỳ thời cuộc nào.

Không có việc buộc phải ra khỏi nhà, NSND Đình Quang lại cặm cụi trong phòng, đọc sách và tìm kiếm những điều hay điều lạ trên khắp hành tinh qua Internet. Chăm học đã thành lẽ sống, một đức tính được cha ông, vốn là sinh viên lứa đầu tiên của Trường Y Đông Dương, rèn cặp từ tấm bé.

Có cốt cách gia đình làm nền tảng, có những người anh em họ hàng ruột thịt danh giá: GS Nguyễn Lương Ngọc, GS Nguyễn Ngọc San, nhà văn Nguyễn Đình Tiên..., NSND Đình Quang mặc nhiên tâm niệm sách vở là người bạn trung thành bậc nhất, người tri kỷ, dẫu phong ba dâu bể thế nào cũng không bao giờ phản bội lại mình.

Là em của chủ xướng phong trào "Xuân thu nhã tập" Nguyễn Lương Ngọc, NSND Đình Quang sẵn cơ hội quen biết, kết bằng hữu với nhiều nhà văn lớn. Ông còn lưu giữ trong ký ức nhiều kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Tuân hay những bạn sân khấu cùng thời: Nguyễn Đình Nghi, Ngô Y Linh, Chu Ngọc, Bửu Tiến... NSND Đình Quang, là một trí thức chân chính, chưa bao giờ chịu để mình thụt lùi và lạc lõng giữa cuộc sống đời thường.

Cũng hệt phong thái một người thầy mực thước, ôn hòa, luôn biết tự điều chỉnh, hỏi ông về những văn nghệ sỹ trí thức tự coi mình thuộc hàng ngũ cấp tiến, hay xưng danh đăng đàn "tuyên ngôn" trên các diễn đàn mạng, NSND Đình Quang lắc đầu, đâu phải cứ tự nhận cấp tiến là thành ra cấp tiến.

Với ông, đã gọi văn hóa, đích thực văn hóa thì chẳng bao giờ lạc hậu, đầu óc sẽ phải luôn song hành cùng thời đại. Nhất là ở Việt Nam, vốn đã phát triển chậm hơn nhiều quốc gia khác, nên có ý tưởng thoạt nghe mới lạ, thực ra cũng chỉ là trò bắt chước thiên hạ, cốt để lòe người và lòe bịp chính mình.

Cấp tiến không thể vỗ ngực ra oai, khoe chữ khoe kiến thức mà thành, rốt cục cũng chỉ là triệu chứng của bệnh "ếch ngồi đáy giếng", không chịu tĩnh tâm chừa ra chỗ cho người đời nhìn nhận. Ông minh chứng, một họa sỹ, vẽ cho thành cổ điển, đạt đến độ hoàn hảo ở những đường nét căn bản còn khó, thì sao đã tung tác, bày đặt cách tân trường phái nọ kia.

Họa sỹ mà thực tài, vẽ một giọt sương đậu trên lá sen, phải giúp cho lòng người run rẩy vì vẻ đẹp tinh khôi của tạo hóa. Vẽ tấm vải nhung, cũng làm cho người ta rộn lên cảm giác êm ái mịn mượt mới là thách thức. Chưa tạo được nền tảng, sắp đặt cho mình phông kiến thức cơ bản, đã "bóp méo" sự vật thì là việc mà một nghệ sỹ đích thực không nên làm.

Bóp méo thì dễ, vẽ những hình thù vẹo vọ kỳ quái mới đơn giản, chứ để tìm cho ra những cái hay cái đẹp giữa hiện hữu cuộc sống bộn bề lại là điều không phải nghệ sỹ (đích thực) nào cũng làm được cho ra tấm ra món. NSND Đình Quang điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ, khoan thai, nhưng khi cần bày tỏ thái độ trước một xu hướng nghệ thuật hay hiện tượng xã hội, ông hết sức quyết liệt, rạch ròi, dù khẩu khí vẫn luôn ôn tồn, thư thái.

2. Nói Đình Quang là người sân khấu thành danh bậc nhất trong số bạn bè đồng nghiệp cùng thế hệ, nếu xét về những sự công nhận giấy trắng mực đen của Nhà nước, ông cười, đấy là do ông đã cả đời cần mẫn học. Có học hàm (Giáo sư), học vị (Tiến sỹ), danh hiệu (Nghệ sỹ nhân dân), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho cụm công trình Tuyển tập Đình Quang gồm 4 quyển: Về sân khấu Việt Nam; Về sân khấu nước ngoài; Về văn học nghệ thuật; Về văn hóa (năm 2007), Huân chương Độc lập hạng nhì (năm 2009), là sự tưởng thưởng xứng đáng cho người, năm 21 tuổi (1949) đã là Trưởng đoàn Văn công Quân khu 4 (mà thuở ấy, nhạc sỹ Phạm Duy là chính trị viên).

Ông bắt đầu thoát ly, làm văn nghệ từ năm 1947, luôn tư duy mình không có gì may mắn đặc biệt, chỉ là cố gắng được đào tạo và học hành một cách cơ bản nhất, từ thấp lên cao.

Ông cùng NSND Trần Hoạt là những người được học nghề đạo diễn sân khấu chính quy đầu tiên của Việt Nam (tại Bắc Kinh), và cũng được theo học trên đại học tại Đức. Cái duyên với nước Đức đã kết nối cho ông gặp gỡ Bertolt Brecht và là người đưa trường phái sân khấu Bertolt Brecht về Việt Nam.

Đình Quang không chỉ là một nghệ sỹ đơn thuần, ông như một nhà văn hóa làm nghệ thuật, một nhà văn hóa tham gia đào tạo và quản lý. Chính nhờ vậy, Đình Quang được ghi nhận đã đóng góp lớn cho sân khấu, cho nghệ thuật cả trong bốn lĩnh vực: biểu diễn, đào tạo, lý luận và quản lý.

Bao quanh căn phòng làm việc ấm cúng của NSND Đình Quang ở nhà riêng là những bức tường sách. Ông tự sự, mình nằm trên sách, mở mắt ra là nhìn thấy sách, đi ra đi vào là chạm vào sách nên không thể lười được. Nhà ông có những bộ sách (tiếng Pháp, tiếng Đức) mà cả nước này dường như không ai có, hoặc chỉ tồn tại thêm đến một hai bộ là cùng.

Đọc sách, thấy gì hay, ông lại thông báo với mọi người, đôi khi còn sao chép ra gửi cho bạn bè cùng tham khảo. Sở hữu được một đĩa mềm lưu trữ chừng 4.000 bức tranh của các họa sỹ tên tuổi trên thế giới, kèm lời bình bằng tiếng Pháp, ông cũng hì hụi in sao, đem tới tặng cho một họa sỹ, một nhà quản lý đương chức những mong, tài liệu quý này sẽ phổ biến cho số đông người làm mỹ thuật được chiêm ngưỡng.

Nhưng rồi ông đã thất vọng cùng cực và ngạc nhiên, tại sao những tài liệu quý hiếm như thế, được đem tới tận nơi mà còn chả ai để tâm tới. Trái ngược với bản tính của mình, chăm chỉ và nghiêm ngắn, không ngừng học và tiếp thu kiến thức, NSND Đình Quang thấy xa lạ hoài nghi với những phập phồng bề nổi, láng cháng về sự hiểu biết của không ít người làm nghệ thuật, làm văn hóa giai đoạn này.

Ngoài 80 tuổi, ông vẫn không xa rời các phương tiện bổ sung kiến thức, từ công cụ thời thượng nhất là Internet đến những quyển sách mới xuất bản, đơn thuần chỉ vì lòng tự trọng. Lòng tự trọng của một con người, một trí thức, một nhà văn hóa không muốn mình thua kém, xa lạ với thời cuộc, với cả những người xung quanh.

Ông có niềm hãnh diện sâu sắc về những người anh em ruột của mình, những người cháu cũng thành danh không kém ai như nữ nghệ sỹ Thụy Vân của kịch Nổi gió một thời, như họa sỹ Nguyễn Lương Tiểu Bạch và cả cô con gái út Mỹ Linh, biên tập viên kiêm dẫn chương trình các chuyên mục chuyên về văn hóa văn nghệ đàng hoàng của Đài Truyền hình Việt Nam.

Có lẽ, chính sự dung nạp kiến thức mỗi ngày đã là nguồn năng lượng thiết yếu để NSND Đình Quang trau dồi và giữ gìn sức khỏe. Ông khoe, vẫn giữ được nhịp minh mẫn từ sáng đến đêm, cả ngày tinh thần lúc nào cũng như lúc bình minh vừa thức dậy.

Ông vẫn giữ thói quen hút thuốc, dù đã giảm dần số lượng và chọn loại nhẹ hơn nhiều, vì không còn dám chủ quan với những bất thường về bệnh tật của người cao tuổi.

Những đạo diễn cùng thời cùng lứa với ông, như Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, các nhà viết kịch mà ông từng cộng tác dàn dựng kịch bản của họ, như Đào Hồng Cẩm, Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, đều đã theo nhau về cõi hư vô mà lập nên một thánh đường nghệ thuật riêng biệt, để lại ông thành bậc trưởng lão giữa sân khấu trần gian đang vào hồi trễ nải, trì trệ.

Thế nhưng, Đình Quang không cô đơn, cũng không bi quan, vì ông luôn giữ tâm thế của bậc trưởng lão kết nối lòng người, làm điểm hội tụ cho tình đoàn kết của những người làm sân khấu. Mỗi khi có một biến cố cần sự hòa giải, thể nào các nghệ sỹ cũng cầu viện đến Đình Quang làm điểm tựa để trông vào đó mà còn nhìn nhau xí xóa đi những hiềm khích, bất hòa...

Ngô Hương Sen
.
.