Mạc Văn Khoa – quần xắn móng lợn, lang thang thị thành

Thứ Hai, 27/07/2015, 09:06
Mạc Văn Khoa có gương mặt khá đặc biệt, trông vừa thương thương, vừa buồn cười. Dường như, ông trời cho Khoa gương mặt ấy đặng diễn hài. Bạn bè, khán giả, thương Khoa trêu, Khoa có gương mặt “xấu lạ”. Nghệ sĩ hài Trường Giang thì nhận xét, Khoa bước lên sân khấu thôi, chưa cần diễn đã tạo tiếng cười. Khoa, cạn veo ly trà, mới nói với tôi rằng: “Nếu mà không diễn hài, em cũng không biết làm gì nữa”.

Khoa nói vậy thôi, chứ bây giờ thì Khoa đã là diễn viên hài nổi tiếng rồi. Sự thành công trong cuộc thi “Cười xuyên Việt” đã giúp Khoa có nhiều cơ may.

1. Lời tâm sự của Khoa, nhiều nghệ sĩ từng tỏ bày, như một trân quý với nghề diễn. Nhưng với Khoa, đó còn là bước ngoặt, là cả những nỗ lực không ngừng nghỉ. Bởi nếu không diễn hài, Khoa giờ đã có một chân gì đấy trong phường, xã, biết đâu chừng. 

Nhưng có lẽ, như Khoa nói, tướng em không làm quyền cao chức trọng gì được đâu, rồi cũng sẽ bìu ríu với phong trào văn nghệ văn gừng của địa phương. Mà, với cái chất hài hước, với cái tính quyết liệt, đầy ý chí, với cái khao khát được đi đây đó, không bó hẹp đời mình thì sớm hay muộn, Khoa cũng sẽ lại rời quê về phố. Nghe như mâu thuẫn nhưng lại rất hợp lẽ. Khoa thiệt tình, chân chất song chính chất quê ấy kết hợp với khả năng diễn hài bẩm sinh thì chốn thị thành mới là nơi để Khoa phát huy.

Nếu điều đó xảy ra, sẽ là một câu chuyện khác. Còn Khoa, ngay lúc mấp mé, dằn xoay chuyện ở - về, có một cánh cửa kịp thời bật mở. “Cười xuyên Việt” đã cho Khoa một cơ hội để lập danh. Mạc Văn Khoa, bằng những gì đã học được, bằng sự say nghề bất tận, bằng nỗ lực qua từng đêm thi, tinh thần hồn nhiên với nghề, với bạn diễn đã nắm bắt được cơ hội. Và tiến một bước dài đáng kể, ít nhất là với bản thân Khoa. Đã không còn là thằng nhóc gầy nhom, chạy xe máy lạc đường, ất ơ giữa đêm mưa. Đặt mình xuống gối thì nước mắt thi nhau rớt. 

Nhớ tới bố mẹ ở quê càng trách móc, chì chiết bản thân: “Hai mươi mấy tuổi đầu mà còn phải để bố mẹ nuôi”. Đã phần nào vơi câu hỏi: “Sài Gòn có gì vui?”. Đã thôi cảnh thi nhau diễn một suất để được mấy chục ngàn, mà cũng là cái cớ để bấu víu với nghề. Đã có thể tập trung đi diễn thay vì tất tả từ sân khấu về thay vội chiếc áo đi bưng bê, phụ bàn… “Mà lạ lắm chị ạ, mỗi lần bước lên sân khấu, không hiểu sao, em quên hết mọi cực nhọc. Chỉ mong, vai được diễn nhiều nhiều để đứng được lâu hơn” - Khoa cười hiền queo.

Ròng rã suốt 2 năm bươn chải ở Sài Gòn trong khi bố mẹ ở quê cặm cụi với nắng mưa, với từng gốc vải, củ lạc, gót chân chưa khi nào kịp lành vết nứt, có đứa con nào mà không thương, không xót. “Nhà em gần đồi, có lần hai bố con đi phát cây, đang làm thì bố bị cọng cây bay vào mắt. Bố gọi em tới thổi giúp. Lúc đó, không hiểu sao em nhìn bố mà nước mắt cứ chảy ra. Mỗi lần tuyệt vọng, em lại nhớ đến cảnh đó…” - Khoa rưng rưng kể, mắt xa xăm. 

Khoa tiến sâu vào “Cười xuyên Việt” cũng chính nhờ động lực đó. “Em muốn thi để bố mẹ ở nhà thấy em trên tivi và vui vì em đã làm được”. Sau đêm thi chung kết, giải thưởng cao nhất không thuộc về Khoa như một số kỳ vọng của khán giả yêu mến. Giám khảo của cuộc thi, danh hài Hoài Linh do ngợi khen và khích lệ Mạc Văn Khoa, NSND Ngọc Giàu – người quyết định số điểm chung cuộc cuối cùng, cũng bị lôi vào. 

Đám đông có cái lý của đám đông, giám khảo có cái lý của giám khảo, lời ra tiếng vào rần rần trên mặt báo, các diễn đàn lẫn facebook của chương trình và những ai có liên quan. Dĩ nhiên, ngôi vị luôn rất quan trọng. Khoảng cách giữa người đứng nhất và người hạng nhì, cách nhau một trời một vực.

Nhưng, Khoa chững chạc và khiêm tốn vô cùng: “Em thấy nhiều người nói nhưng em không có nghĩ gì hết. Trước khi thi, em chỉ nghĩ, mình diễn sao để khán giả không chê, nếu tạo được ấn tượng nữa thì tốt. Hôm đấy, em ngồi phía trong sân khấu, màn hình phát hình ảnh bố mẹ, trong đầu em nghĩ, còn đúng hôm nay thôi “chơi tới bến luôn đi”. Em thấy thoải mái lắm! Đêm trực tiếp mà không hồi hộp như những đêm trước! Chưa bao giờ em nghĩ là sẽ vào để cạnh tranh, loại người này, người kia. Thành ra, bữa đó, diễn xong là em tắt tiếng, hoa hết mắt rồi tụt huyết áp luôn.

Với em, nhất nhì không quan trọng. Quan trọng là mình được khán giả biết đến và sau chương trình, mình sẽ mang được gì đến cho mọi người. Nghề diễn là nghề dài hơi mà. Với lại, bây giờ em đã hết ‘ăn bám’ bố mẹ rồi!” – Khoa cười, mắt lấp lánh.

Mạc Văn Khoa trong tiểu phẩm “Bộ tộc ướt át”.

2. Mạc Văn Khoa có tài nói văn vần và ứng biến cực kỳ nhanh nhẹn, phần nhờ vào kỹ năng học đạo diễn sân khấu trước đó nên Khoa rất biết cách làm chủ kịch bản. Đáng quý là, Khoa không giấu nghề. Một lần Khoa còn đang loay hoay bí ý tưởng cho phù hợp với đêm thi thì một bạn diễn biết tài nói vần của Khoa, nhờ ứng biến, thêm thắt hộ kịch bản. Khoa chẳng những nhận lời mà còn giúp bạn rất nhiệt tình. Có lẽ vậy nên, bạn diễn tham gia “Cười xuyên Việt” đều rất mực yêu mến Khoa. Như Khoa từng viết trên facebook cá nhân rằng: “Quan trọng là những vòng tay ấm!”

Mỗi người có một thú vui, kẻ thích đọc sách, người nghe nhạc, người khác mê phim. Thú vui của Khoa là xem hài. Thời đi học, dành dụm được ít tiền, theo mẹ ra chợ là mua cho kỳ được các đĩa hài của nghệ sĩ hài Chiến Thắng. Khoa mê tới nỗi học theo cách nói, cách diễn của thần tượng. Thế nhưng, cơ duyên “đánh thức” khả năng diễn xuất của Khoa là vào năm lớp 8. 

Một lần thầy giáo vào lớp gọi Khoa đi tập kịch và giao cho vai lính của Sơn Tinh, mặc cái khố, nói đúng một câu: “Quân của Thủy Tinh đã tới rồi!”. Diễn xong, tự dưng cảm giác thích thú lan tỏa khiến thằng nhỏ mười mấy tuổi bồi hồi lạ lùng, như dòng nước ngưng đọng bấy lâu được khơi nguồn. Khoa kể, có nhiều đêm nằm suy nghĩ lung tung, bật ra những câu nói hay hay rồi hí hoáy ghi lại. Nhờ thói quen ấy, đến giờ, Khoa đã có được kha khá kịch bản.

Lên cấp 3, phong trào văn nghệ ở trường, Mạc Văn Khoa không bao giờ vắng mặt dù ngày thường cực ít nói. Được thầy cô động viên, bố mẹ ủng hộ, tốt nghiệp phổ thông, Khoa thi vào khoa Đạo diễn, Trường Cao đẳng sân khấu ở Nha Trang. Khoa bảo thích thì có thích nhưng thấy đi học xa, lại tốn kém mà tương lai mờ mịt, thấy lo dữ lắm. “Chính sự động viên, thương yêu con vô bờ bến của bố mẹ, em tự nhủ mình phải cố gắng, biết đâu một ngày nào đó mình được biết đến, bố mẹ sẽ vui” - Khoa hồi tưởng. 

Học xong, trong khi bạn bè tản về địa phương làm nghề thì Khoa ấp ủ giấc mơ vào TP HCM, để được học thêm và cũng là để tìm kiếm một cơ hội, thử sức khả năng đến đâu. Vậy là xách balo đi, sau nhiều đêm suy nghĩ trằn trọc. Chân ướt chân ráo, không lãng phí thời gian, Khoa cắp cặp đi học thêm diễn xuất ở sân khấu kịch KC. Và miệt mài với học, với vai phụ, vai lẻ.

3. Khoa liến thoắng, hoạt bát trên sân khấu nhưng đời thường, Khoa ít nói và khá dè dặt. Có chuyện vui là hôm đầu thấy Khoa trên tivi, bà con ở làng, người ngạc nhiên, người kéo kính nhìn cho rõ, coi… phải thằng Khoa làng mình không mà nói như máy may thế kia! Và khi đã xác định đó là “thằng” Khoa rồi thì chiều thứ 6 nào cũng líu ríu dặn tụi nhỏ: “Bữa nay nấu cơm sớm nhen, tối nay thằng Khoa nó thi”.

Ngay hôm hẹn phỏng vấn với tôi, sát giờ Khoa bận nhưng cũng không dám xin hẹn sớm hơn, tại “em sợ chị bận gì đó”. May mà, tôi nhận ra. Khoa, không biết nói về bản thân, bằng những câu chuyện gợi nhiều cảm xúc. Cũng không biết cách tỏ ra khờ khạo. Kiểu, hỏi đâu nói đó, thắc mắc sao thì hồi đáp vậy, làm tôi nhọc vô cùng. 

Thú thật, chưa có cuộc phỏng vấn nào mà tôi phải hỏi liên tục như vậy. Thế nhưng, Khoa, đằng sau sự ít nói, để lại cho người đối diện nhiều dư vị. Chân thật, khiêm tốn và thu hút. Sự cuốn hút khiến người ta muốn gặp lại nhiều lần nữa, để ngồi xuống, uống một tách trà và chuyện trò. Những câu chuyện thường nhật về nỗi lo cơm áo gạo tiền của một người trẻ quyết mưu sinh và lập danh ở phố bằng nghề diễn.

Thật ra thì, nghề nào cũng chông chênh, cũng nhọc nhằn đeo đuổi, bám trụ, cũng có những cạm bẫy chực chờ. Nhưng, để có thể tồn tại và tỏa sáng trong giới giải trí, một cá nhân cần rất nhiều kỹ năng. Mà Khoa thì thành thật và lơ ngơ như chính gương mặt em biểu lộ, dù cực thông minh. 

Khoa chia sẻ: “Bố thường nói với em, va chạm xã hội phải khôn khéo, phải lanh nhưng cũng phải thật thà, biết điều và tốt với mọi người. Em thấy mình làm được khoảng 60, 70%. Mà chắc là cái thật thà nhiều hơn. Còn cái khéo và cái lanh thì em chưa được nhiều lắm”. Rồi nói thêm: “Em nghĩ, trong nghề này, phải thật thà trước đã. Cái nữa là phải có tâm với nghề, phải nỗ lực. Cái nữa là may mắn và được Tổ thương, mình sẽ phát triển”.

Khoa kể tôi nghe một chuyện mà tôi tin, phải thoải mái lắm, em mới dám bộc bạch. Hôm kết thúc “Cười xuyên Việt”, thương Khoa lóng nga lóng ngóng, ban tổ chức chương trình có cho Khoa số điện thoại của danh hài Hoài Linh. 

Sợ Khoa thật thà quá, lại ít nói, người trong ban tổ chức phải theo dặn rằng: “Em nhớ nói lời cảm ơn anh Linh và xin có chương trình gì, cho em theo học hỏi nhen”. Khoa nói: “Em cầm cái điện thoại mà tay chân run lẩy bẩy. Nghĩ hoài mới dám bấm cảm ơn anh mà đọc tới đọc lui, coi từng dấu phẩy mới gởi. Mà em nói cảm ơn không hà chị ơi. Tại em ngại quá chừng. Mình có là gì đâu mà phiền anh… Lúc nghe chuông phản hồi, thiệt là em không dám mở tin nhắn luôn. Phải bình tĩnh dữ lắm, em mới he hé coi. Anh Linh động viên em nhiều lắm. Càng đọc, em càng tự nhủ, phải cố gắng nhiều hơn”.

Hoàng Hoài Hương
.
.