“Lucky boy” Lù Văn Chiến

Thứ Bảy, 03/07/2021, 21:37
Từ một cậu bé có đôi chân khù khoèo, di chuyển bằng cách bò lết nửa người, giờ đây Lù Văn Chiến dân tộc Nùng (sinh năm 2012) đã có thể chạy nhảy, đạp xe và tung tăng đến trường. Từ vùng núi cao heo hút Hoàng Su Phì (Hà Giang), con được đến và sống ở phố núi Kon Tum. Từ cuộc sống lay lắt bên bà nội già yếu, nay Chiến đã có một gia đình đủ đầy với cha mẹ nuôi và hai anh trai.


Những người biết hoàn cảnh của cậu bé Chiến và giúp đỡ cậu đều gọi Chiến là "lucky boy" (cậu bé may mắn) - sự may mắn đến từ những nỗ lực tuyệt vời của nhiều người tốt.

Từ một dòng tin trên facebook…

"Con nhớ bà nội ở xã Nậm Khoà, con muốn dịch COVID-19 biến mất để mẹ Vy cho con về ở với bà mấy ngày. Rồi con sẽ trở về Kon Tum với mẹ, vì con nhớ 2 anh của con", cậu bé Chiến 9 tuổi hồn nhiên nói với tôi về kế hoạch hè này. Chị Trần Mai Vy nghe thế cười vang, bởi chị biết, bé Chiến giờ đã là con trai của chị rồi, đã là một phần không thể thiếu của gia đình chị.

Chị Vy bảo, chị không phải là người duy nhất, không phải là người đầu tiên biết và giúp bé Chiến. Trước đó đã có các thầy cô giáo, những nhóm từ thiện giúp đỡ và tìm mọi cách chữa lành đôi chân cho Chiến. 

Năm 2019, Giáo sư Mạch Diệp - một Việt kiều ở Na Uy khi đi từ thiện đến xã Nậm Khoà, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã biết đến hoàn cảnh của Chiến. 

Bà đã cất công tìm hiểu về bệnh của cháu, tìm cách liên lạc tham vấn một số bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, nhưng những câu trả lời như không thể phẫu thuật, phải tháo khớp để lắp chân giả..., làm bà muốn bỏ cuộc vì không nỡ điều trị theo hướng đó. 

Rồi những thông tin về hoàn cảnh ngặt nghèo của Chiến và câu hỏi "ai có thể giúp cậu bé này" được bà đăng tải trên facebook, nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó có nhóm thiện nguyện "Kết nối yêu thương" do chị Võ Thảo hiện đang sinh sống bên Mỹ làm nhóm trưởng. 

May mắn, nhóm đã kết nối được với Giáo sư, bác sĩ Trần Anh Tôn - một chuyên gia về phẫu thuật chỉnh hình hiện đang sống và làm việc ở thành phố Melbourne, Australia. Ông đã nhận lời chữa cho Chiến, nhưng phải có người ở Việt Nam lên tận nhà bé Chiến để ông có thể khám bệnh qua cuộc gọi video.

Dù chưa một lần đặt chân tới Hà Giang nhưng từ thành phố Kon Tum, chị Trần Mai Vy - thành viên của nhóm "Kết nối yêu thương" vẫn xung phong đến với bé Chiến. Sợ chồng và hai con lo lắng, chị Vy chỉ nói sẽ bay ra Hà Nội. 

Từ Hà Nội, chị cùng một người bạn mò mẫm tìm đường lên Hoàng Su Phì, Hà Giang. Một ngày cuối tháng 8-2019, sau bao vất vả vượt quãng đường gần 1.500km, chị đã đến được xã Nậm Khoà. 

Thầy Nông Xuân Dũng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Khòa nơi Chiến đang học đã đón hai bà cháu ra trường, bởi chỉ ở trường mới có mạng internet để chị Vy kết nối cuộc gọi với bác sĩ Tôn.

Cậu bé Lù Văn Chiến ở Hà Giang có đôi chân khù khoèo và hoàn cảnh đáng thương.

Hình ảnh cậu bé Chiến 7 tuổi nhưng chỉ nặng 11kg, suy dinh dưỡng nặng, hai chân bị teo cơ bé xíu, hai bàn chân khoèo quặp chặt, bò lết đi khắp nơi luôn hằn sâu trong tâm trí chị Vy. 

Chiến chẳng nói chẳng rằng cứ nép vào người bà nội, đôi mắt ngơ ngác, hoang dại. Thầy Dũng bảo, bố mẹ Chiến trẻ lắm, lúc sinh Chiến ra, thấy hình hài bất thường của con, mẹ em lẳng lặng bỏ đi và biệt tích từ bấy đến nay. 

Bố Chiến vướng vòng lao lí và đang phải chấp hành án. Ông nội đã mất vì bạo bệnh, chỉ có bà nội già yếu nuôi Chiến trong căn nhà cũ kĩ. Chiến vào lớp 1, đi học trên lưng của bà và của bạn, được ăn ở, học hành trong vòng tay yêu thương của các thầy cô giáo. Cậu học trò bò lết nhanh như một con sóc và ham học đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các thầy cô giáo.

Qua cuộc gọi video, bác sĩ Tôn nói ông có thể chữa được cho Chiến nếu có người đưa chiến sang Australia. Hành trình vạn dặm với bao khó khăn phía trước, ai là người dám đảm nhận? Là bà nội già yếu và không biết tiếng phổ thông của Chiến ư? Điều đó là không tưởng. 

"Mình đã cất công về Nậm Khoà gặp bé Chiến, mình sẽ cố gắng đồng hành cùng bé sang Australia, chỉ mong may mắn sẽ mỉm cười với con", chị Vy nghĩ vậy và làm vậy. 

Con đường hiểm trở lên Nậm Khoà với núi cao, vực sâu, bùn đất lầy lội, con đường khiến chị đổ bệnh cả tuần sau đó, có thể cũng không gập ghềnh bằng con đường đến nơi xứ lạ mà chị sắp trải qua. Nhưng gạt công việc, gia đình sang một bên, chị Vy quyết tâm cùng Chiến lên đường.

Trước khi sang Australia, Chiến được về Hà Nội và sau đó vào thành phố Hồ Chí Minh để khám bệnh. Theo sát Chiến từng bước vẫn là chị Vy và các nhà hảo tâm chung sức lo mọi thủ tục khám chữa bệnh cho bé. Chiến lạ lẫm, cứ theo chị và gọi "mẹ Vy". 

Lần đầu tiên nghe đứa trẻ không ruột rà máu mủ gọi mình là mẹ, chị Vy trào nước mắt vì xúc động. Nhìn cậu bé chỉ có da bọc xương, từ bé chỉ quen ăn ngô khoai, giờ ăn thịt cá là đau bụng, một sợi dây yêu thương vô hình cứ níu thằng bé lại gần chị. 

Việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp visa cho một cậu bé nghèo, bệnh tật và có hoàn cảnh phức tạp như Chiến là điều không dễ dàng. Nhưng với sự giúp sức của nhiều, chuyến bay mang nhiều hy vọng đã khởi hành vào một ngày tháng 11-2019. Trong chuyến bay ấy, chị Vy đưa cả cậu con trai đầu 17 tuổi bị bại não cùng đi.

…đến một mái ấm nơi phương xa

Người mẹ nhỏ bé và hai đứa trẻ tàn tật đã trải qua gần 2 tháng ở Australia. Tại Bệnh viện St John of God Berwick ở thành phố Melbourne, ca phẫu thuật hai bàn chân và khớp háng bên phải kéo dài 8 tiếng do Giáo sư Trần Anh Tôn và ê kíp thực hiện đã thay đổi cuộc đời Chiến. 

Chị Vy không bao giờ có thể quên được ngày hôm đó, trời lạnh tê tái, ngồi ngoài phòng mổ mà chị lo thắt ruột, cố trấn an và mường tượng đến một ngày Chiến sẽ đi được trên chính đôi chân của con. Sau ca mổ, mẹ con chị Vy đã được bác sĩ Tôn và gia đình ông giúp đỡ rất nhiều trong thời gian bé Chiến tập vật lý trị liệu. Họ về nước với những niềm hy vọng mới.

Về Việt Nam, đôi chân sau phẫu thuật của Chiến cần phải được tập vật lý trị liệu một thời gian dài để cải thiện. Nếu về lại Hoàng Su Phì, Chiến sẽ không có điều kiện tập luyện, đôi chân sẽ trở lại như cũ, uổng phí công sức của rất nhiều người đã giúp cậu bé. 

Không thể bỏ rơi cậu bé đáng thương, chị Vy quyết định nhận Chiến làm con nuôi. "Em Chiến giờ không có ai chăm sóc, con có cho em về ở nhà mình không?", chị hỏi cậu con trai thứ hai Trần Trung Dũng sinh năm 2010. 

"Mẹ đưa em về ở với con đi mẹ, mẹ đừng bỏ em", nghe Dũng nói, chị khóc vì hạnh phúc và thanh thản, vì chị đã làm đúng những gì con tim chị mách bảo. Hơn ai hết, chị là mẹ của một đứa con tật nguyền, nên chị hiểu bọn trẻ cần nhất tình thương yêu và sự chở che. 

17 năm qua, hành trình nuôi nấng, chữa trị, dạy dỗ con trai đầu bị bại não đã khiến chị từ một người mẹ yếu mềm, lo lắng, bi quan thành người kiên nhẫn, mạnh mẽ và không thôi hy vọng.

Giờ đây, Chiến đã có mẹ nuôi Mai Vy yêu thương chăm sóc.

Mọi người bảo chị bị điên, bởi chị quá khổ rồi mà còn "đèo bòng" thêm bé Chiến. Chồng chị, lúc đầu vì thương chị vất vả nên ngập ngừng, nhưng về sau cũng vì thấy chị quyết tâm mà anh đồng ý đón Chiến về. 

Mọi thủ tục xin nhận bé Chiến là con nuôi đã hoàn tất, gia đình họ từ đây có 3 cậu con trai. Cậu cả đã có thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân và học hết lớp 5. Bù lại, cậu con thứ 2 thông minh, trách nhiệm thay mẹ chăm anh, chăm em Chiến và giúp mẹ việc nhà. 

Cậu út Chiến được bố mẹ nuôi chăm sóc, hỗ trợ tập luyện kiên trì, đều đặn. Ngày Chiến đứng vững trên đôi chân, chập chững những bước đầu tiên ở tuổi lên 7, cả nhà lặng đi vì hạnh phúc. 7 tuổi, lần đầu tiên được đi giày, Chiến vui quá nên đi cả giày lên giường ngủ. Rồi con đi nhanh, chạy nhanh, đạp xe quanh nhà, gương mặt sáng ngời, quấn quýt hai anh cả ngày. 

Chiến như một mầm cây non nớt được bứng từ vùng đất khô cằn sang trồng ở nơi màu mỡ. Chị Vy bảo, dù cuộc sống có khó khăn thế nào, chị cũng sẽ cố gắng chăm sóc ba cậu con trai, để chúng được học hành, vui chơi, được sống trong tình yêu thương gia đình.

Chiến còn phải trải qua một lần phẫu thuật khớp háng và tiếp tục luyện tập thường xuyên về cơ chân. Những ngày tháng lẽo đẽo, nhọc nhằn bò theo các bạn ở Nậm Khoà, những ngày lê lết nửa người dưới đất, áo quần lúc nào cũng bê bết bùn đất với Chiến đã dần lùi vào quá khứ. 

Ở thành phố Kon Tum, Chiến giờ đã tung tăng đến trường, tiếp thu bài nhanh và sáng dạ. Vì bị gián đoạn việc học trong thời gian chữa bệnh nên Chiến học muộn một năm, hiện tại cậu bé đã học xong lớp 2. Lúc trước, Chiến lầm lì bao nhiêu thì giờ cậu bé vui vẻ, hoạt bát bấy nhiêu, đặc biệt, giọng nói đã mang âm điệu phố núi Kon Tum.

Mẹ Vy nhớ ngày đầu tiên tới Bệnh viện ở Australia, đứng lên bàn cân, các bác sĩ đều lo lắng vì con chỉ nặng 11,5kg, giờ đây cậu bé đã được hơn 20kg rồi. Chiến vẫn thường hay nhớ về ngôi trường ở Nậm Khoà, nhớ cậu bạn tên Trọng hay cõng Chiến đi học, nhớ các thầy cô, nhớ bà nội. 

Bà nội cũng nhớ Chiến, thường đi bộ từ nhà đến trường, gọi nhờ điện thoại của thầy Dũng hiệu trưởng để được gặp cháu. Bà chả nói được gì nhiều, nghe thấy giọng Chiến là bà khóc vì nhớ, vì mừng khi cháu đã được bố mẹ nuôi cưu mang… Bà bảo bà có nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng, vì cháu bà đang sống tốt và sau này sẽ là một con người tốt.

Thái Hưng
.
.