Lê Kiên Thành và những câu chuyện cuộc đời

Thứ Ba, 28/01/2020, 11:26
Chênh chếch chiều, mội buổi chiều trôi qua trên bàn trà giữa ông Lê Kiên Thành và tôi, hậu sinh hầu chuyện. Lê Kiên Thành là một cá nhân mà tôi rất yêu quý lẫn kính trọng, từ cái cách ông chăm sóc mẹ (phu nhân của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) cho đến cách ông nhắc về người bố lẫy lừng của mình, hiểu ông là người tận hiếu. Và hơn cả, thật thú vị khi hầu chuyện những bậc mà mình yêu mến lại luôn rút ra được nhiều bài học nhân sinh...


1. Kh. là một người quen của tôi, tôi tức là Lê Kiên Thành. Kh. sinh ra ở miền Trung, thiếu niên đã tìm vào Trường Sơn đánh Mỹ. Kh. lớn số, ngay dưới lưỡi hái tử thần vẫn thoát được đến 3 lần: 2 lần ở Trường Sơn và 1 lần ở chiến trường Campuchia. Không có nhất quá tam hay quá tam ba bận gì cả, mệnh chưa đến thì chưa mất đi được, tôi nghĩ vậy.

Ông Lê Kiên Thành thời còn phục vụ trong quân ngũ.

Rời quân ngũ, Kh. được cho đi học rồi trở thành thủy thủ tàu viễn dương. Những năm 1980 ấy, thủy thủ tàu viễn dương tiền là điều không phải nghĩ. Kh. phóng khoáng, giúp rất nhiều người, không câu nệ. Hanh thông qua nhanh, vận rủi kéo về, thôi đi tàu viễn dương, Kh. bắt tay vào kinh doanh. Đang phơi phới vậy lại đột ngột bế tắc, Kh. làm đâu thua đó, thua đến bạc tóc còng lưng, thua đến độ khấn vái trước bàn thờ tài thần: "Chuyến này con thất bại nữa con sẽ không thờ ông nữa". Vậy mà vẫn cứ thua, thua thì không thờ tài thần nữa.

Kh. chán lắm rồi, Kh. không muốn chơi với cuộc đời nữa, Kh. vứt hết, một mình một ba lô lang thang khắp nơi, đi đâu rồi cũng nhớ đồng đội mà tìm về. Kh. lên nghĩa trang Trường Sơn thắp hương cho đồng đội, đang lầm lũi thì đột ngột thấy một đoàn xe biển xanh phía trước. Một chiếc xe bỗng dưng dừng lại, vị khách xuống xe là một người ngày ấy đã làm to bây giờ còn làm to gấp nhiều lần.

"Kh., anh Kh... Tôi đây, anh làm gì ở nơi này, làm ăn gì trên này", vị khách reo vui. Chuyện trò dăm câu, vị khách rút trong túi ra cái phong bì ấn vào tay Kh.: "Tôi gửi anh ít quà, tôi bận quá phải đi ngay, anh nhớ gọi điện cho tôi. Cần gì, tôi sẽ giúp".

"Đời tôi mất hết rồi ông biết mà, duy chỉ còn lại sự tự trọng thôi. Cầm cái phong bì này của ông, tôi cũng sẽ mất luôn cái còn sót lại ấy",  Kh. từ chối. Và, Kh. cũng chưa bao giờ gọi điện thoại cho vị khách vô tình gặp lại ấy, mặc đó là cơ hội rất lớn của Kh.

Đây chính là người Việt, đây chính là cốt cách của giống nòi mình chứ còn gì nữa. Khi không còn sự tự trọng mới là mất hết. Chứ đâu phải là tước vị, là tiền bạc hay những thứ xa hoa khác.

2. Cách đây vài năm, khi mẹ tôi còn sống, một ngày ông Phạm Tuân gọi bảo: "Thành ơi, anh đang giữ tấm ảnh rất đẹp của bố em. Cái ảnh này khi anh mang lên trạm không gian liên hợp của Liên Xô đã cùng 3 nhà du hành vũ trụ ký tên vào phía sau và có đóng mộc xác nhận của trạm không gian hẳn hoi, anh nghĩ đã đến lúc tặng lại gia đình".

Vài tuần sau, ông Phạm Tuân vào Sài Gòn tìm đến nhà cùng bức ảnh, tôi có đưa ông sang nhà trò chuyện cùng mẹ cho vui. Hôm ấy, vô tình có ông Phan Thanh Dũng, ông Dũng là người giúp việc cho mẹ tôi thời bà còn làm lãnh đạo Báo Sài Gòn giải phóng, ông rất yêu thích chụp hình. Ông Dũng là cán bộ ở R về, đi bộ đội từ bé xíu, nghe tên anh hùng Phạm Tuân thì mê mẩn lắm.

Chuyện nay kéo dài chuyện xưa, ông Phạm Tuân kể lại lần bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ, cách thức áp sát phóng tên lửa như thế nào, cách hạ xuống đường băng đêm đen không đèn chỉ dẫn như thế nào... Cần phải nhấn mạnh điều này, khi người Mỹ mang B-52 vào chiến tranh Việt Nam, người Mỹ tự tin không vũ khí nào của chúng ta có thể bắn rơi B-52. Vậy mà, cuối cùng chúng ta vẫn khiến người Mỹ hốt hoảng khi B-52 bốc cháy trước khí tài của chúng ta.

Ông Phạm Tuân kể hay lắm, tôi thì nghe nhiều lần thành quen nhưng ông Dũng thì ngưỡng mộ vô cùng. Ông Tuân kể xong, đến ông Dũng kể thời ông chiến đấu ở Tây Ninh.

"Tây Ninh vào những năm tháng quân đội Việt Nam cộng hòa cùng Mỹ thực hiện chiến dịch Junction City rất khốc liệt nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của lực lượng giải phóng, tôi được phân công làm nhân viên của đài phát thanh. Có trận đối phương tấn công rát quá, tôi được bố trí ở lại cùng lực lượng bảo vệ đài, ngăn chặn bước tiến của đối phương để thiết bị lẫn nhân sự quan trọng của đài kịp rút sang biên giới.

Tôi được phát một cây súng chống tăng, kèm sát là đội trưởng đội bảo vệ của đài. Khi địch đến, tôi chưa bao giờ thấy lính Mỹ gần như vậy, ngửi được cả mùi thuốc lá đậm đặc, tiếng trò chuyện ồn ào. Nhưng, quan trọng nhất là xe tăng. Xe tăng trong trận chiến khi chỉ cách mình vài mươi mét thật sự là điều gì đó rất ghê gớm.

Bùi Văn Ký, Lê Kiên Thành, Nguyễn Xuân Ân, Trần Văn Deo - những người bạn cùng phòng thời điểm theo học khóa đào tạo phi công tại Liên Xô.

"Bắn thôi", bắn xong tìm cách bảo toàn tính mạng, tôi nghĩ vậy. Vừa dứt ý nghĩ, tôi nhắm chiếc xe tăng địch siết cò. Xe tăng trúng đạn, bùng cháy dữ dội, đạn pháo trút xuống như mưa, vậy mà lại thoát.

Lần đầu tiên được tăng cường bảo vệ đài, cũng trong lần đầu tiên đó bắn cháy xe tăng Mỹ, tôi được khen thưởng Dũng sĩ diệt xe tăng Mỹ", ông Dũng kể.

Ông Dũng vừa dứt chuyện thì cũng là lúc tôi thấy ánh mắt của ông Phạm Tuân nhìn ông Dũng như nhìn một thần tượng, còn ánh mắt của ông Dũng nhìn ông Phạm Tuân cũng vô cùng ngưỡng mộ.

"Anh hùng phải là anh, người dám giáp mặt với quân Mỹ, bắn cháy xe tăng Mỹ ngay lần đầu tiên mới là anh hùng. Còn chúng tôi bay trên trời, có tên lửa, có đồng đội yểm trợ đủ thứ... Tất nhiên, bắn rơi máy bay địch là khó nhưng so với hành động của anh chưa là gì cả, khi anh bắn quả đạn pháo vào xe tăng địch thì cũng là lúc anh đã chấp nhận hi sinh", ông Phạm Tuân nói.

"Anh mới là anh hùng, tôi bắn xong còn bỏ trốn vào rừng. Còn anh, anh bay trên trời, chỗ đâu mà trốn. Anh mới là anh hùng, còn tôi là người bình thường thôi", ông Dũng đáp lời Phạm Tuân.

Tôi hết nhìn ông Phạm Tuân lại nhìn ông Phan Thanh Dũng mà sao xúc động đến vậy, người này tôn trọng người kia, người kia mến mộ người này, yêu thương nhau chân thành, khen ngợi nhau chân thành.

Một ông ở Đồng bằng Nam Bộ, một ông ở Đồng bằng Bắc Bộ, cả hai gặp nhau vô tình tại nhà tôi mà hệt như người thân xa vắng lâu ngày gặp lại. Không khoảng cách vùng miền, không anh hùng thường dân, không chiến công thành tích gì cả... Trong mắt tôi hôm ấy, chỉ có những người anh em sinh sống trong cùng một quốc gia, cùng một sơn hà, ăn cùng hạt lúa, uống cùng dòng nước ngọt lành.

Người Việt mình là đây chứ còn đâu nữa, tinh túy của chiến binh trời Nam là đây chứ còn đâu nữa, chỉ thấy cái hay, cái anh dũng của người khác. Còn những chuyện mình trải qua, toàn những chuyện ngàn cân treo sợi tóc vẫn xem như không.

"Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu", hẳn là đây chứ còn đâu nữa.

3. Tôi học xong lớp 10, trúng tuyển phi công. Trước khi sang Liên Xô để được đào tạo, tôi phải trải qua khóa huấn luyện trong nước. Tôi xuống đơn vị, các thủ trưởng trong đơn vị biết bố tôi là ai, biết tôi là ai. Ra thao trường, thủ trưởng này nhìn thủ trưởng kia mỗi khi giao cho tôi nhiệm vụ, tôi hiểu và biết hết. Tôi tự nhủ rằng, mình phải thực hiện tốt hơn đồng đội, vì sao phải thực hiện nhiệm vụ tốt hơn đồng đội, đơn giản tôi nghĩ rằng nên như vậy.

Được giao đào hầm cá nhân, tôi thay xẻng bằng mai. Ngay từ lần xắn đất đầu tiên, tôi đã thấy gương mặt của các thủ trưởng dãn ra. Hóa ra, thủ trưởng cũng căng thẳng dò xét, lỡ không may mình thư sinh trói gà không chặt, không hoàn thành nhiệm vụ thì kỳ cục lắm. Thực hiện xong phần việc của mình, tôi còn xin phép giúp đồng đội.

Rồi những nhiệm vụ khác, không nhiệm vụ nào tôi để các thủ trưởng thất vọng. Thậm chí, cái bể nước nấu ăn của các chị nuôi được làm bằng 2 vỏ hộp tên lửa, tôi gánh nước một buổi là đầy cả hai, các chị nuôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú, phục lăn. Thiệt ra những ngày bố mẹ tôi công tác hai nơi, anh em tôi sơ tán ở vùng nông thôn, có việc nặng nhọc nào là tôi chưa làm đâu.

Tôi sang Liên Xô cùng đồng đội, những tháng năm Mỹ đánh phá miền Bắc, chúng tôi như ai đó đốt lửa trong lòng. Không đêm nào chúng tôi không ngồi cùng nhau, bàn tính những câu chuyện mai sau.

"Sau này mình gặp máy bay địch, mình bắn hết tên lửa rồi nhưng có thời cơ thì mình có lao thẳng máy bay vào để cả hai cùng chết hay không?".

"Chắc chắn lao vào, mạng mình đổi mạng địch, máy bay mình đổi máy bay địch".

"Không được, Trung ương cho chúng ta đi học, đào tạo mất bao nhiêu công sức và tiền của, máy bay lại đắt đỏ. Mà mình lao vào để cả hai cùng chết thì trận sau đánh làm sao, khí tài đâu mà đánh, con người đâu mà đánh".

Có nhiêu đó thôi mà chúng tôi trăn trở mãi khôn nguôi. Tôi ở trong nước, thương quốc gia bao nhiêu thì ra nước ngoài đọc tin chiến sự quê nhà lại thương quốc gia gấp vạn vạn lần, chỉ mong sớm học xong để về nước phục vụ Tổ quốc.

3 bạn cùng phòng với tôi, ai cũng hi sinh cả. Ai cũng tài hoa, ai cũng điển trai to cao, ai cũng có nhiều tài lẻ. Có cậu bạn hiền đến độ, lần đầu tiên tôi thấm thía câu "hiền như cục đất" là thế nào. Rồi bạn tôi hi sinh, có bạn hi sinh khi chưa có vợ, có bạn hi sinh khi vợ sắp sinh đứa con đầu, lại có bạn hi sinh thời bình khi sắp sửa vài tháng nữa là về hưu.

Tôi nhớ hết, thương hết, không lần nào nhìn lại bức ảnh chụp cùng bạn hữu mà không xúc động.

4. Cuối năm, tôi kể lại những câu chuyện đã trải qua trong đời mình, không cao đàm khoát luận hay không phải để tô vẽ cho cá nhân, chỉ là tận thẳm sâu trong trái tim này, tôi luôn tin dân tộc ta có đủ khí chất, có đủ sự thông minh, có đủ cá tính để đi lên, để phát triển và để chan hòa yêu thương nhau.

Một dân tộc có tự trọng, có bao dung rộng lượng, có chỉ thấy người hay không thấy mình tài, có quên cả tính mạng lẫn thanh xuân để cống hiến cho quốc gia, không mảy may vụ lợi...

Một dân tộc có những người con như vậy, không có lý do gì không phát triển, không đi lên... Vì dân tộc ấy xứng đáng.

Bây giờ, các bạn tôi đã ở nơi xa lắm, xa lắm của bầu trời cùng giấc mơ bay cao thời trai trẻ, chỉ còn tôi giữa cõi nhân gian này.

Tôi nhớ và thương các bạn mình lắm!.

* Bài viết sử dụng văn phòng trần thuật

Ngô Nguyệt Hữu (lược ghi)
.
.