Không gian của Quang

Thứ Hai, 26/09/2016, 14:26
Tôi gọi đó là không gian riêng của Quang. Một không gian được nuôi dưỡng và chưng cất từ truyền thống trong sự kết nối với đương đại. Nó thuần khiết, trong sáng như tâm hồn của Quang vậy.

Và tôi cứ hình dung, gã trai có mái tóc xù xì, ấn tượng ấy, mang vác những nhạc cụ dân tộc rong ruổi khắp thế giới để cất tiếng hát, tiếng đàn. Gã trai ấy là Ngô Hồng Quang. Và khi đi ra thế giới, anh bắt gặp chính mình.

1. Tôi mê Quang từ khi nghe album Song hành của anh, giọng hát mộc với một thứ âm nhạc pha trộn giữa nhạc điện tử phương Tây và đàn nhị, đàn bầu, khiến tôi bị mê dụ. Song hành của Quang đã đưa tôi trở về với những gì của cội nguồn, của đời sống nguyên sơ, thanh khiết nhất. Nhưng không hề một cảm giác xưa cũ. Và tôi tò mò theo dõi hành trình của chàng trai ấy. 

Cách đây hai năm, hai chị em ngồi với nhau ở một quán cà phê Hà Nội, lúc đó, Quang mệt mỏi và hoang mang, cô độc. Quang không biết mình sẽ bắt đầu con đường như thế nào, sau 4 năm học ở Hà Lan và quay về Việt Nam. Bởi Quang đã chọn lối đi độc hành. 

Còn bây giờ, ngồi trước tôi là một Ngô Hồng Quang khác, đầy năng lượng và hứng khởi cho những dự án mới. Quang vừa hoàn thành một khóa học ở Hà Lan, sáng tác âm nhạc đương đại dựa trên chất liệu của người Mông. 

Lạ nhỉ, ở một đất nước xa lạ hoàn toàn với Việt Nam, nhưng họ lại hiểu và lắng nghe câu chuyện văn hóa của chúng ta. Bởi đó là sự kết nối văn hóa. Mọi thứ được khai mở, và tâm hồn chàng trai ấy đang chạm tới giấc mơ của mình.

Tôi cứ bị ám ảnh khi Quang cầm đàn tính và hát Về đồi non, một cảnh rất ấn tượng trong vở múa đương đại Nón mà anh kết hợp với nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải. Tiếng hát mộc, nhưng có gì đó xa xăm, diệu vợi ấy, đánh thức trong tôi cảm giác về sự nguyên sơ, tinh khiết của đời sống này. Nghe Quang hát, tôi cảm giác một sự trở về, từ trong tiền kiếp. 

Và tôi cũng cảm nhận được nỗi cô đơn của anh. Gương mặt ấy, mái tóc xù ấn tượng ấy của Quang không thể trộn lẫn giữa ngàn vạn người. Quang đối thoại với những cây đàn, đàn tính, đàn môi, đàn bầu, như tri kỷ tri âm từ tiền kiếp, như Quang sinh ra để dành cho nó. Nhưng không phải với tư cách là một nghệ nhân mà với tư cách một nghệ sĩ đương đại chơi nhạc cụ dân tộc. Đó là những câu chuyện kết nối giữa quá khứ với hiện tại, với đương đại.

Tư duy âm nhạc mới mẻ và tử tế đã đưa đến cuộc hội ngộ giữa Ngô Hồng Quang và nhạc sĩ Nguyên Lê. Đó là cuộc gặp gỡ của những tâm hồn lớn, mê đắm với dân tộc, với vốn văn hóa cổ truyền của ông cha. 

Cuộc hội ngộ của những tri âm. Và sẽ có một Hanoi duo, mà ở đó là sự kết hợp của Quang và nghệ sĩ Nguyên Lê, của âm nhạc Nguyên Lê và một số sáng tác mới của Quang. 

Khi tôi viết bài này thì Quang vừa cùng nghệ sĩ Nguyên Lê từ Pháp về rong ruổi ở Hà Giang, đi tìm những nghệ nhân dân tộc thiểu số. Nhìn Quang, giữa núi rừng hùng vĩ, hoang sơ Hà Giang, cảm giác như Quang được trở về nhà của mình. Nơi anh thuộc về từ trong tiềm thức.

Tôi hỏi Quang, có bao giờ anh thấy mình lạc lõng, cô độc? Có chứ, Quang vốn dĩ không thuộc về số đông. Âm nhạc của anh kén người nghe. Và Quang ngoài đời cũng thế. Anh sống lặng lẽ. Bạn bè chỉ dăm ba. Quang gần như đứng ngoài mọi xô bồ của đời sống showbiz, thế giới mà anh chưa bao giờ thuộc về. 

Ngô Hồng Quang và nhạc sĩ Nguyễn Lê ở Hà Giang.

Nhưng Quang cũng không bận tâm đến điều đó. Bởi những gì anh đang làm đều khởi nguồn từ tâm hồn anh, một tâm hồn mê đắm với âm nhạc dân tộc. Đôi khi, Quang tự coi mình là một sứ giả văn hóa, truyền bá văn hóa Việt bằng âm nhạc đi khắp thế giới trong một niềm hãnh diện tột cùng. 

Và trong tình yêu mê đắm ấy, Quang đã tạo ra một không gian âm nhạc của riêng mình, được chắt ra từ những thứ vốn dĩ quen thuộc và gần gụi, từ đàn nhị, đàn bầu, đàn tính, sáo, từ quan họ, xẩm, ca trù. Một không gian được biến tấu tài tình và sáng tạo với nhạc điện tử phương Tây, với tư duy làm nhạc của một nghệ sĩ đương đại. Một CD quan họ, với 10 bài quan họ cổ Ngồi tựa mạn thuyền, Thả lái buông chèo... sẽ được phát hành cuối năm nay. 

Liệu Quang có "phá nát" quan họ khi kết hợp những chất liệu truyền thống đó với dàn nhạc dây phương Tây? Nhưng chắc chắn, Quang sẽ phá bỏ hết những ước lệ của quan họ cổ, mang đến một tinh thần mới cho quan họ. Đó sẽ là một dự án thú vị, bởi sự phá cách táo bạo của Quang. Nhưng Quang không bao giờ vượt ra khỏi biên giới của truyền thống, của gốc rễ. 

Quang nói với tôi về sự kết nối, giữa truyền thống và hiện đại, giữa Việt Nam và thế giới. Và trong sự sáng tạo vô biên của người nghệ sĩ, điều hạnh phúc nhất, có lẽ là họ đã chạm tới cảm xúc của người nghe, phá bỏ mọi giới hạn về quốc gia, dân tộc, ngôn ngữ. Không gian âm nhạc của Quang đã tạo nên sự kết nối đó. 

Các nghệ sĩ phương Tây thực sự thích thú khi chơi nhạc của Quang. Và những đêm diễn của Quang ở Hà Lan, Bỉ, Pháp luôn chật kín người nghe. Những lúc đó, Quang vẫn không quên mình thuộc về đâu. Và chính âm nhạc, rộng lớn hơn là văn hóa, sẽ mang Việt Nam ra thế giới một cách sâu lắng nhất.

2. 13 tuổi lên Nhạc viện học đàn nhị, 15 tuổi đã bắt đầu cuộc sống tự lập. Có ai ngờ, chàng trai có vẻ ngoài ngơ ngác ấy lại ẩn giấu một nội tâm dữ dội. Quang không bằng lòng với việc học và trở thành một nghệ sĩ chơi đàn dân tộc, hay một giảng viên thanh nhạc. Có gì đó luôn cựa đạp trong tâm hồn nhỏ bé ấy. Và Quang quyết định sang Hà Lan. Bởi có đi ra, anh mới tìm thấy tận cùng của chính mình. 

Vẫn là đàn nhị, đàn bầu, đàn tính, những cây đàn truyền thống muôn đời của dân tộc, nhưng khi Quang chạm vào, nó như thuộc về anh từ kiếp nào. Quang làm chủ tất cả các loại đàn dân tộc. Nhưng không phải cách của một nghệ nhân, mà một nghệ sĩ đương đại, trong câu chuyện kết nối với đương đại. 

Ngô Hồng Quang và Khải trong vở “Nón”.

Đã có những khoảng lặng trong cuộc sống của Quang, khi anh bế tắc, không tìm được lối đi cho mình. Thì thỏa hiệp làm một nghệ sĩ pop, giản đơn và dễ nổi tiếng. Nhưng không, Quang vẫn độc hành con đường của mình. 

Có thể, có ai đó, không thích, hoặc không cảm được không gian âm nhạc của Quang. Người ta sẽ khâm phục hoặc chối bỏ. Nhưng niềm đam mê và sự kiên định với con đường nghệ thuật của anh là điều đáng nể trọng. Mấy ai trong chúng ta dám sống và chỉ đau đáu một câu chuyện: làm nhạc. 

"Nghệ thuật luôn phát triển. Tùy thuộc vào đam mê của mình đến đâu để đạt được thành công. Mình phải là nó và nó là mình, nếu không xác định được như thế thì sẽ không đi tới đâu. Sự thành công phụ thuộc vào đam mê của mình đến đâu. Ngoài đam mê, tôi trân trọng sự chân thành trong nghề nghiệp. Nhiều người làm nghệ thuật vì tiền, vì danh vọng. Nhưng tôi nghĩ, danh vọng sẽ đến khi mình chân thành và hết mình với đam mê của mình. Tôi tin vào niềm tin đó".

Và bằng niềm tin đó, tôi nhìn thấy niềm hân hoan trong tâm hồn Quang khi anh trở về từ Hà Lan với những dự án. Hai năm của năng lượng và sáng tạo. Một Hanoi duo với nhạc sĩ Nguyên Lê, một album quan họ sẽ phát hành và một album sáng tác riêng của Ngô Hồng Quang.

Quang kể, về những buổi sáng, bên ngôi nhà ở bờ sông mà một người bạn Hà Lan yêu quý cho Quang ở nhờ. Ở đó, góc nhỏ bình yên ấy, Quang có thể chạy bộ, tập Yoga mỗi sáng dậy. Và đón chào bình minh đến, hoàng hôn đi qua. Một góc tĩnh lặng, thư thái dành cho những sáng tạo. 

Nếu có một điều ước, về một nơi chốn để sống và làm việc, Quang ước về một ngôi nhà nhỏ tĩnh lặng ven hồ, ở đó, làm bạn với anh là thế giới rộng lớn của thiên nhiên. Và âm nhạc. Chỉ vậy là đủ. Chứ không phải sự xô bồ của đám đông, của thị thành. Ừ nhỉ, thì sống ở đâu, trong thế giới hiện đại này, đâu còn quá quan trọng, khi tâm hồn luôn bám rễ trên quê hương, khi chỉ một nốt nhạc vang lên, cũng đều được chưng cất từ hồn Việt.

Quang tự ví mình như một cái cây vững chãi, bám rễ sâu trong lòng đất, an nhiên tự tại đi qua mưa bão của cuộc đời. Tâm thế sống đó, với một người trẻ như Quang, đâu dễ thấu nhận. 

Còn Quang thì chân thành: "Bởi tôi thấu hiểu Phật giáo, lối sống Phật giáo đã giúp tôi nhìn cuộc đời rộng lớn hơn, hiểu mình và hiểu thế giới xung quanh. Trong mỗi con người đều có tính Phật, khơi gợi như thế nào mới là điều quan trọng để thấu hiểu và vận hành trong đời sống cũng như trong sáng tạo".

Sự thấu nhận đó giúp Quang có một tâm thế sống vững vàng, trước những biến động của đời sống, để không phải thỏa hiệp, không phải nương theo đời sống. Chỉ khi được trọn vẹn như thế người nghệ sĩ mới bay trong những sáng tạo của mình.

Việt Hà Nguyễn
.
.