Tự sự của nhà thiết kế cổ phục 9X Nguyễn Đức Lộc
Bố tôi là con út trong gia đình có 11 anh chị em. Mẹ tôi là con út trong gia đình có 7 anh chị em. Hai gia đình quen biết từ trước, đến khi tình cảm đôi bên chín muồi, hai nhà quyết định cho bố mẹ tôi lấy nhau. Bố mẹ tôi chỉ có duy nhất mình tôi.
Ngay từ bé, tôi đã yêu thích môn Lịch sử và ham đọc sách. Trong suốt những năm trên ghế nhà trường, tôi học chuyên sử, thi đội tuyển sử, cũng lấy về một vài giải. Với tôi việc đọc sách như ăn vào trong máu, có đồng tiền nào tôi cũng để dành mua sách về đọc. Mỗi khi có người hỏi tôi: "Con muốn thưởng gì?", câu trả lời của tôi lúc nào cũng là: "sách".
Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc (giữa) và các người mẫu biểu diễn trang phục cổ trong Tuần lễ thời trang và làm đẹp Quốc tế được tổ chức tại Hà Nội, tháng 12 năm 2019. |
Ngày còn nhỏ, tôi thường được mọi người trong gia đình dắt đi chọn sách. Sau này lớn lên, công việc sung sướng nhất đời của tôi là tự mình đi tìm, chọn mua cuốn sách mình yêu thích. Với tôi, sách như thức ăn mà người ta cần phải được nạp năng lượng hằng ngày. Và với những trang sách hay thì quả là một món ăn đặc biệt ngon. Nó khiến cho bạn không bao giờ có thể quên được hương vị.
Tôi vẫn thường nhớ về tuổi thơ, lúc đó tôi còn là một cậu bé con. Tôi ở một góc chăm chú thả hồn vào cuốn sách, bên cạnh tôi là ông ngoại loẹt xoẹt cái kéo cắt vải. Ông tôi là một thợ may veston Pháp có tiếng. Cả gia đình nhà ngoại, bẩy anh chị em gái của mẹ tôi, ai cũng thành thạo việc cắt may.
Chính thế, ngay từ hồi còn bé, tôi có nhiều bộ quần áo mới. Đến khi lớn thêm một chút, do yêu thích thời trang nên tôi thường tự thiết kế quần âu, áo sơ mi cho riêng mình. Tôi luôn ý thức: Trang phục là cái đầu tiên người ta nhìn. Thông qua bộ trang phục, người ta sẽ biết bạn là ai?!.
Học hết cấp III, tôi không thi bất kì một trường đại học nào. Đến giờ tôi vẫn chưa có một tấm bằng đại học. Tôi học quay phim rồi sang làm truyền hình được vài năm. Như một cơ duyên, cách đây 3 năm khi tìm hiểu, tiếp xúc với các tài liệu quý về trang phục cổ, cộng với hiểu biết văn hoá, lịch sử và niềm đam mê thời trang, tôi nghĩ đây chắc chắn là con đường mình phải theo và quyết tâm đào sâu với nó.
Cái gì đến sẽ phải đến, cách đây hai năm tôi xin nghỉ truyền hình sang một công việc mới: Nghiên cứu cổ phục. Tôi nghĩ, mình không phải là người đầu tiên đi tiên phong về vấn đề này, trước đó đã có nhiều học giả.
Trang phục áo dài 5 thân của phụ nữ Bắc Bộ đầu thế kỷ 20. |
Tôi nhận ra một điều, cổ phục không phải là những trang phục cổ mà chúng ta đang nhìn thấy bán ở ngoài chợ, cũng không phải áo dài tân thời mà các bà, các cô đang mặc, càng không phải là những bộ gấm bán tràn lan ngoài cửa hiệu như chúng ta đang thấy.
Cổ phục của Việt Nam rất đẹp, rất sang và người may được thì không nhiều. Đầy hào hứng, khí thế tôi rủ một vài người cùng làm, nhưng đổi lại mọi người nhìn tôi ái ngại: "Cái này bán cho ai?". Không ai nghĩ sản phẩm có thể bán được và họ cho nó là một cái gì thật lạc hậu, cũ kĩ. Nhưng tôi thì không. Tôi tâm niệm, đây có thể là sự nghiệp cả đời của mình, mình sẽ theo đuổi đến cùng.
Việc đầu tiên, tôi tìm đến những học giả nghiên cứu về cổ phục. Người am hiểu chuyên sâu về vấn đề này, cả nước cũng chỉ còn vài người. Tôi xót xa cho một nền cổ phục của Việt Nam, số lượng học giả còn lại như vậy là quá ít. Tôi lao vào việc tự học, tự đọc qua những tài liệu của các bậc tiền bối đi trước.
Tôi hiểu rằng, việc tìm hiểu này cần phải cả một quá trình rất dài, không thể nóng vội trong ngày một, ngày hai. Ngoài việc mầy mò, tự đọc, tự học trên sách vở thông qua những cuốn sách các học giả đi trước đã viết, rồi dành thời gian gặp các học giả đi trước để trao đổi được họ truyền tải những kiến thức.
Rồi tôi bắt tay vào một công việc cũng không kém quan trọng khác: Đó là những chuyến đi thực tế, đi điền dã ở các làng nghề dệt vải. Tại đây, tôi được gặp các nghệ nhân học cách họ dệt vải. Học để mình biết quy trình, công đoạn, chất lượng, nguyên liệu, vải để phân biệt, cách nhuộm thủ công ra sao? Gặp các nghệ nhân cổ mang lại cho tôi nhiều cảm xúc.
Có nhiều cụ tóc đã bạc trắng, leo lét như ngọn đèn dầu trước gió. Đa phần các cụ tuổi đã ngoài 80, thậm chí có cụ hơn 90 tuổi. Tôi học những cụ nghệ nhân cắt áo dài cổ 87 tuổi. Có một điều đặc biệt khi nhắc đến trang phục cổ các cụ như ngọn lửa bùng lên, sống dậy, trở nên vui vẻ, hoạt bát hẳn. Các cụ chỉ dạy từng đường cắt rất tận tình.
Công việc đòi hỏi tôi phải đi nhiều. Tôi đến các làng nghề dệt vải từ Vạn Phúc, La Khê, đi lấy lụa từ Nha Xá, lụa Mỹ A (Quảng Nam, Đà Nẵng), tới lụa Mạ Châu (Quảng Nam). Có người để lại di sản sách thì tôi đọc sách, có người để lại di sản bằng vải thì tôi thừa hưởng lại di sản của họ.
Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc trong các trang phục thiết kế của mình. |
Như bác Trịnh Bách là người tiên phong phục dựng lại trang phục cung đình thời Nguyễn, sau này tôi thừa hưởng lại những tấm vải đó. Tôi mua chúng, rồi tìm cách dệt lại, bán thương mại hoá.
Tôi luôn tâm niệm, tưởng là ngẫu nhiên, nhưng vạn sự đều là tất nhiên, không có gì là ngẫu nhiên cả. Đến một thời điểm nào đó, mình gặp được những con người đó, rồi cuộc đời chuyển hướng sang một ngã rẽ mới, dẫn mình làm công việc đó. Cách đây hai năm, lần đầu tiên đến Huế, tôi đã tìm được gặp mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ là chắt nội của vua Minh Mạng.
Mệ cùng gia đình sống ở vùng ngoại ô của thành phố. Sự gặp gỡ đem đến cho tôi một cảm giác thật khác lạ. Không có một rào cản nào ngăn cách, chỉ có tình yêu thương tràn ngập trong tâm hồn của mệ và tôi. Mệ nhìn tôi trìu mến, dạy tôi làm từng chiếc gối xếp, chính từ đó ba từ "Ỷ Vân Hiên" - tên công ty bây giờ của tôi ra đời.
Vào mùa thu tháng 8 năm ngoái, công ty tôi mời mệ và gia đình ra Hà Nội trong chương trình ra mắt bộ sưu tập Huế xưa. Bây giờ mệ đã 97 tuổi. Mệ yếu lắm, chắc cũng không còn cơ hội ra Hà Nội nữa rồi.
Sau ba năm đi trên con đường này, gần hai năm thành lập "Ỷ Vân Hiên", tôi thấy tìm ra con đường đi cho mình thật là may mắn. Tôi nghĩ rằng văn hoá, kinh tế vừa song song và bao hàm lẫn nhau. Văn hoá phải có kinh tế, ngược lại kinh tế cũng phải có văn hoá. Kinh tế và văn hoá cùng bổ trợ, giúp nhau thăng hoa.
Ý nghĩ lớn dần trong tôi quyết tâm: Phải thành lập doanh nghiệp, phải kinh doanh, buôn bán văn hoá. Mỗi một sản phẩm áo dài đến tay khách hàng chính là mình quảng bá văn hoá, kể câu chuyện về lịch sử, và đang tư vấn cho khách hàng. Cách đây hai năm khi tôi bắt tay vào làm áo dài lập lĩnh 5 thân, xã hội có rất ít người biết về chiếc áo dài cổ này. Người ta chưa mua, chưa may nhiều.
Nhưng trong vòng một năm trở lại đây, từ Nam ra Bắc, nhiều người tìm may áo dài 5 thân. Giờ đây, xu hướng cổ trang lên ngôi, rất nhiều người may, mặc trang phục cổ này từ tín ngưỡng hầu đồng, đến nghệ sĩ sân khấu, cùng với một loạt âm nhạc giải trí đi theo. Đó là những tín hiệu vui, khi chúng ta sử dụng chiếc áo dài cổ, là đang quay lại giá trị lịch sử văn hoá truyền thống của người Việt. Tôi tự tin mình là một trong những người tạo ra xu hướng.
Trước đây, không mấy ai bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu, kinh doanh cổ phục, tôi gần như là người tiên phong, đi mở đường, mở lối. Một năm trở lại đây, nhiều người đã theo đuổi con đường này, cạnh tranh với mình. Tôi hiểu, tôi không sợ cạnh tranh. Tôi nghĩ: một mình mình đi, chứng tỏ đó là con đường chết.
Tạo ra thị trường trăm hoa đua nở, tạo thành xu hướng, trào lưu đấy mới chính là mục đích của tôi, chứ không đơn giản chỉ là bán dăm ba bộ đồ và được dăm ba đồng lãi. Tôi hiểu làm văn hoá rất khó và làm kinh doanh văn hoá càng khó hơn. Bởi vì, chỉ cần mình lệch lạc trong một khoảnh khắc suy nghĩ thôi thì mình đang huỷ hoại văn hoá, mà nhất là văn hoá cổ phục của người Việt.