Kết cục bi thảm của Bộ trưởng Nội vụ XôViết Nikolai Schelokov: Chờ được vạ…
Tận tụy mà lên
Nikolai Schelokov sinh tháng 11/1910 trong một gia đình công nhân. Mới 12 tuổi, vị Bộ trưởng tương lai đã phải đi làm ở mỏ. Sau khi tốt nghiệp hệ phổ thông lớp 7, ông vào học ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật mỏ. Tiếp theo, ông tới thành phố Dnepropetrovsk rồi thi vào Đại học Luyện kim và tốt nghiệp vào năm 1933. Chính ở Dnepropetrovsk, Shekolov đã chuyển sang làm công tác Đảng cũng như công tác chính quyền và kết bạn với Leonid Brezhnev, người về sau trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, khi đó cũng là một trong những trụ cột của Đảng bộ địa phương.
Trong chiến tranh, Schelokov đã tham gia quân đội với tư cách cán bộ chính trị trong Hội đồng Quân sự Mặt trận Miền Nam của Hồng quân. Sau chiến tranh, ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng ở các nước cộng hòa Ucraina và Moldavia (nay là Moldova). Tới năm 1966, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Trật tự Xã hội Liên bang Xôviết và từ tháng 9/1966, là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô.
Phẩm hạnh sáng ngời
Schelokov từng viết trong nhật ký: “Trong đời mình, tôi luôn đi theo đường thẳng, không bao giờ nhìn quẩn quanh hai bên, không bao giờ lựa bất cứ thứ gì. Có lẽ là vì tôi chưa một lần bị “bỏng” nên luôn mạnh dạn tiến lên phía trước chỉ với một mục đích, chỉ với một ý tưởng rất rõ ràng đối với bản thân mình: làm việc, làm việc và làm việc, luôn tìm ra cái mới trong công việc. Và chính khát vọng thường xuyên tìm kiếm cái mới chưa từng có trước mình đã khiến công việc mà tôi làm trở nên thú vị, hấp dẫn đến quên mình. Chính một công việc như thế đã trở thành nguồn vui sáng tạo, làm thỏa mãn tinh thần. Chuyện đúng là như thế khi tôi còn trẻ, chuẩn bị thi đại học, khi tôi làm việc ở mỏ cũng như trong ngành công nghiệp, trong công tác chính quyền và công tác đảng. Tôi cũng đã là như thế khi ở ngoài chiến trường và ngay cả bây giờ…”.
Nhà văn Maksim Brezhnev, tác giả của cuốn tiểu sử đầu tiên của Nikolai Schelokov, kể: “Tôi đã gặp nhiều cộng sự và đồng chí của Bộ trưởng và thấy rõ sự kính trọng mà họ dành cho ông khi nói về ông, đánh giá ông như một nhà lãnh đạo độc đáo, một nhà tổ chức xuất sắc, một con người tuyệt vời. Và như thời gian cho thấy, việc cải cách các cơ quan Nội vụ, được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Schelokov, vẫn là thành công nhất, tối ưu và hiệu quả nhất trong suốt quá trình lịch sử của Bộ này”.
Nhà văn kể tiếp: “Sau quyết định giải thể Bộ Nội vụ Liên bang do lãnh đạo Nikita Khrushchev tiến hành đầu những năm 60, rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này bị ném ra ngoài đường. Đã xóa sổ Tổng cục Cảnh sát chuyên về điều phối cuộc đấu tranh với các băng nhóm tội phạm. Đã phá vỡ hạt nhân cảnh sát của bộ máy trung ương trong Bộ Nội vụ Liên bang, vốn đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm phòng chống tội phạm. Điều này diễn ra khi tỉ lệ phạm pháp trong nước gia tăng không ngừng. Và trong đó có nhiều vụ việc lại do chính các nhân viên cảnh sát gây nên.
Hệ thống Nội vụ khi đó ở Liên Xô đã không được tín nhiệm cả trong nhân dân lẫn ở trên BCH TW Đảng. Một nửa quân số của lực lượng cảnh sát thất học, nửa còn lại chỉ có trình độ dưới trung học. Mức lương và đãi ngộ đối với họ cực thấp, chỉ đủ sống dở chết dở. Các phương tiện kỹ thuật cũng cực kỳ hạn chế…”.
Trở thành Bộ trưởng, Nikolai Schelokov đã bắt đầu công việc của mình từ sự lo lắng cho đội ngũ cán bộ. Tới cuối năn 1967, lương của các cán bộ cảnh sát cấp thấp đã được tăng lên gần gấp đôi. Các cấp cao hơn được khôi phục chế độ lương theo quân hàm. Cấp quân hàm tướng cũng được áp dụng. Sắc phục của cảnh sát cũng được đổi mới…
Trong 10 năm (1966–1976) trong hệ thống Bộ Nội vụ đã mở thêm 15 học đường và cả học viện lừng danh, trong khi đó ở suốt các giai đoạn trước kéo dài tới 50 năm chỉ mở được một học đường. Bộ trưởng Schelokov mơ ước được thấy các cán bộ cảnh sát là những người có văn hóa cao, có trình độ học thức và vững vàng về tư tưởng chính trị. Toàn bộ hệ thống đào tạo của Bộ Nội vụ khi đó đều nhằm vào những mục tiêu này.
Không phải ai cũng đồng tình với những đổi mới mà ông Schelokov đưa vào trong hoạt động của Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Nguyên soái Andrei Grechko chẳng hạn, đã rất phản đối việc phong quân hàm tướng cho các cán bộ lãnh đạo đầu ngành cảnh sát, việc chuyển học đường cao cấp cảnh sát thành học viện và xác lập chế độ lương và lương hưu cho lực lượng cảnh sát ngang bằng với quân đội…
Về nguyên tắc mà nói, ai cũng đồng tình việc phải củng cố hoạt động của lực lượng cảnh sát nhưng không phải ai cũng thích gia tăng kinh phí cho cảnh sát. Và vì thế nên Bộ trưởng Schelokov đã phải mất rất nhiều công sức để thuyết phục mọi người hiểu rằng, một lực lượng cảnh sát không đủ nổi gia đình sẽ là việc rất nguy hiểm đối với xã hội, đối với quốc gia…
Bằng sự quyết tâm và nhiệt tình của mình, Bộ trưởng Schelokov đã nâng cấp lực lượng cảnh sát Xôviết lên một tầm cao mới. Trong những nỗ lực đó, ông luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của lãnh đạo tối cao là Tổng Bí thư Brezhnev. Bạn bè tốt khi cũ, hai người tin cậy và yêu quý nhau một cách thực lòng vì sau lưng họ là cả một thời trai trẻ cùng lao động và chiến đấu.
Tự nhiên phải họa
Nguồn gốc mọi tai họa mà Schelokov phải chịu chính là những khúc mắc trong quan hệ với Yuri Vladimirovich Andropov, người từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) từ tháng 5/1987 tới tháng 5/1982 và trong tương lai, trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ tháng 11/1982 tới khi qua đời (9/2/1984).
Cũng theo nhận xét của nhà văn Maksim Brezhnev, mặc dầu cả Schelokov và Andropov đều là những người gần gụi với Tổng Bí thư Brezhnev, nhưng quan hệ của Tổng Bí thư với từng người lại khác nhau. Nikolai Schelokov từng là bạn của Brezhnev từ thuở hàn vi, trong khi Andropov thì được tin cậy bởi sự trung thành khi công tác cùng nhau ở cấp cao. Trong giai đoạn đầu, giữa Andropov với Schelokov, mối quan hệ cũng bình thường và mang tính tôn trọng lẫn nhau.
Schelokov hiểu rõ rằng, Andropov là một lãnh đạo tầm cỡ lớn nên đã sẵn sàng để phối hợp hành động nhưng dứt khoát không chịu để cho cơ quan an ninh can thiệp vào công việc của Bộ Nội vụ. Andropov đã không chấp nhận một quan điểm như thế. Đối với các nhà lãnh đạo ở cấp độ như Andropov, rất nhiều thứ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận sát nguyên thủ quốc gia. Đôi khi rất nhiều thứ phụ thuộc vào người đầu tiên báo cáo được thông tin với nguyên thủ quốc gia (Tổng Bí thư).
Yuri Andropov với tư cách một chính khách đã không thể không lo lắng trước sự tự lập của Schelokov, ảnh hưởng và khả năng tiếp cận tự do tới Tổng Bí thư Brezhnev của ông Bộ trưởng này. Thêm vào đó, quan hệ giữa hai lãnh đạo hai cơ quan sức mạnh trong nhiều năm liền mặc nhiên đã phải ở trong thế phức tạp và cạnh tranh. Trong hệ thống chính trị Xôviết, KGB đứng ở vị trí “ông anh”, luôn được “cầm chịch”. Các cán bộ an ninh được làm việc “trong găng tay trắng”, trong khi cảnh sát buộc phải đảm nhiệm việc “đổ vỏ”. Điều kiện làm việc cũng như trang thiết bị giữa hai bên rất chênh lệch nhau. Chính vì thế nên dần dà từ phía Bộ Nội vụ là sự ghen tị đối với KGB, còn từ phía cơ quan an ninh là thái độ bề trên khi nhìn về cảnh sát…
Khi Andropov lãnh đạo KGB, cán bộ an ninh có mặt trong tất cả các ban ngành, các học đường… Ngay cả trong Bộ Ngoại giao cũng có một lực lượng an ninh giả trang đông đảo. Thậm chí lãnh đạo KGB còn muốn kiểm soát cả Bộ Nội vụ bằng cách tới cuối những năm 70 đưa ra vấn đề là “cần phải giúp đỡ Bộ Nội vụ”. Rất dễ hiểu là Bộ trưởng Nội vụ Schelokov không cần một sự giúp đỡ như thế và luôn cho rằng, Bộ Nội vụ đủ sức để thực hiện các nhiệm vụ của mình. Và Bộ Nội vụ đã phản đối việc khôi phục lại sự có mặt của đại diện KGB trong hệ thống công tác của mình. Bỏi lẽ, sự có mặt của cán bộ an ninh sẽ chỉ gây mất đoàn kết vì đó là yếu tố khiến cho các cán bộ Bộ Nội vụ cảm thấy mình không được tin cậy đúng mức. Hơn nữa, khác với quân đội hay các tổ hợp công nghiệp quân sự, nơi tiến hành các dự án vũ khí bí mật và có những bí mật quốc gia, ở trong Bộ Nội vụ không hề tồn tại những gì tương tự và để thiết lập trật tự thì chỉ cần cơ quan kiểm soát nội bộ, vốn rất mạnh dưới thời ông Schelokov lãnh đạo…
Chính vì thế nên trong tương lai, Bộ trưởng Schelokov đã rất tự tin thực hiện những điều ông cho là đúng mà không cần quan tâm tới thái độ của lãnh đạo KGB. Khi ông Andropov được chuẩn bị để trở thành Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên chính thức Bộ Chính trị, ông Schelokov cũng đã có cơ hội được như thế vì trong thực tế thì Tổng Bí thư Brezhnev đã không phản đối việc này. Thế nhưng, Andropov đã được bầu, còn Schelokov thì lại không được. Vấn đề là ở chỗ, những quyết định như thế phải được thông qua một cách tập thể mà Tổng Bí thư cũng chỉ là một phiếu. Trong khi đó không phải ai ở Bộ Chính trị cũng muốn nhìn thấy thêm một người “bạn nối khố” của Tổng Bí thư cũng ngồi cùng với mình.
Trong Bộ Chính trị khi đó cùng với Chủ tịch KGB có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Andrei Gromyko và Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Grechko. Không rõ ông Schelokov có cảm thấy cấn cá gì không, nhưng ông đã chỉ là một trong số hàng trăm ủy viên trung ương mà thôi. Ông cho rằng, tình thế đó là không đúng đắn. May mà những quan hệ thân hữu lâu năm với Tổng Bí thư đã giúp ông đỡ “tủi thân”. Nhưng dù ông có muốn hay không thì sự tự lập, những cơ hội tiếp cận trực tiếp với Tổng Bí thư đã làm phức tạp thêm quan hệ cá nhân của ông với lãnh đạo KGB Andropov. Hai thế lực hùng hậu của quốc gia vô tình bị đẩy vào thế đụng độ.
Cho tới hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng, mọi sự đã tốt hơn nếu Schelokov biết đúng “chỗ của mình”. Tuy nhiên, nếu ông không có mối quan hệ như thế với Tổng bí thư Brezhnev thì chắc chắn đã khó có thể thực hiện được thành công việc cải tổ Bộ Nội vụ. Với tư cách một nhà cải cách, ông phải hành động một cách độc lập như đã làm.
Schelokov cùng vợ thời trẻ. |
Bộ trưởng Schelokov đã là nạn nhân của sự độc lập và của việc ông thuộc nhóm người thân cận nhất của cố Tổng Bí thư Brezhnev. Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiển nhiên ông đã nắm được nhiều thông tin về cả những chuyện tiêu cực liên quan tới một số lãnh đạo cao cấp. Nên việc ông ra đi sang thế giới bên kia đã làm cho những người như thế đỡ lo lắng hơn.
Và vận đen đã tới với Bộ trưởng Schelokov từ giữa năm 1982, khi Tổng Bí thư Brezhnev mắc trọng bệnh.
Như trong xinê
Tháng 6/1982, Andropov đã rời khỏi vị trí lãnh đạo KGB để dồn sức thực hiện nhiệm vụ của một Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như Andropov đã tiến lại gần hơn tới vị trí người kế nhiệm Tổng Bí thư Brezhnev. Tuy nhiên, do nhiều lý do mà cựu lãnh đạo KGB đã bị lãnh đạo tối cao nghi ngờ. Có lẽ bản thân Tổng Bí thư Brezhnev không quá thiết tha với việc tiếp tục cầm quyền trong tình trạng sức khỏe rất không tốt của ông nhưng trong đội ngũ thân cận với ông lúc đó có không ít người muốn cản bước chân của Andropov.
Không rõ thái độ thực của Bộ trưởng Nội vụ Schelokov đối với Andropov như thế nào nhưng ông đã đứng về phía những người cho rằng, Andropov đang ấp ủ một âm mưu tiếm quyền từ tay Tổng Bí thư Brezhnev. Và cuối cùng thì chuyện lẽ ra không nên xảy ra đã xảy ra. Một cuộc gần như “chính biến” của lực lượng cảnh sát chống lại Andropov và KGB đã được châm ngòi.
Theo tư liệu của nhà báo Nga nổi tiếng Yevgeny Dodolev, người đầu tiên cho ông biết về những sự kiện gần như “chính biến” mùa thu năm 1982 là nhà văn trinh thám lừng danh Yulian Semenov, tác giả của những tiểu thuyết quen biết như 17 khoảnh khắc của mùa xuân, TASS được quyền công bố… Semenov từng nhiều lần trực tiếp gặp gỡ và trò chuyện với Igor Yurievich Andropov, con trai của Yuri Andropov. Con trai của cố Tổng Bí thư đã không thừa nhận nhưng cũng không bác bỏ các thông tin về sự kiện đó. Tuy nhiên, năm 1990, ông Vladimir Kriuscov (Chủ tịch KGB từ ngày 1/10/1988 tới 21/8/1991) trong một cuộc gặp trực tiếp với nhà văn Semenov đã tiết lộ rằng, đấy là một câu chuyện có thực… Mọi việc diễn ra như sau:
Ngày 10/9/1982, 9h45’. Bộ trưởng Nội vụ Schelokov đã được Tổng Bí thư Leonid Brezhnev cho phép toàn quyền tạm giữ ba ngày ông Yuri Andropov (mới rời khỏi chức Chủ tịch KGB từ ngày 26/5) để “làm rõ về âm mưu chống Đảng”. Cuộc trò chuyện bí mật giữa hai nhà lãnh đạo này đã kéo dài tới ba giờ rưỡi. Thậm chí đến ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng cũng không biết gì về chiến dịch vô tiền khoáng hậu này. Dẫu rằng ông Schelokov, quyết định ngày từ mờ sáng tới nhà của người bạn cố tri (họ biết nhau từ những năm 50 và ở Moskva, hai người ở cùng chung một tòa nhà số 26 và một lối vào trên đại lộ Kutuzov), đã tin chắc rằng sẽ nhận được sự đồng ý của lãnh đạo tối cao.
Cũng chính vì thế nên ở cách đó hai số nhà trên đại lộ Kutuzov vào lúc ban đêm đã được dựng lên một cổng chào ở lối vào gồm 5 cột bê tông. Và những cái cây ở gần đó cũng bị những người trong y phục giao thông công chính cưa bớt cành đi: có quyết định đặt các tay súng bắn tỉa ở hai điểm vì ông Schelokov đã có cơ sở để lo lắng rằng ông Andropov cùng liên minh với các nhân viên an ninh của nước cộng hòa Azerbajan, luôn trung thành với lãnh đạo ở đó là ông Aliev, sẽ ra tay trước. Và thực tế thì đúng là như thế.
Lịch sử thế giới có lẽ đã có hướng phát triển khác nếu ở thời điểm đó lực lượng cảnh sát Xôviết đã giành được thế thượng phong trước những người được coi như đồng sự chí cốt là lực lượng an ninh KGB.
Từ một căn cứ ở ngoại ô Moskva, ba nhóm đặc nhiệm của Bộ Nội vụ được thành lập theo lệnh của ông Schelokov trước ngày khai mạc Olympic Moskva năm 1980 với lý do để thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố. Họ đi trên những phương tiện đặc biệt: xe Volga (mẫu 2424) và xe 5 chỗ với động cơ gia tốc. Cộng thêm vào đó là loại vận tải “rafiki” được giả làm xe cứu thương.
10h15’. Đoàn xe số 3 gồm có 4 xe Zhiguli trắng và hai xe bus mini màu vàng lấm bụi, trên đó chở các thành viên đơn vị do Trung tá Terientiev đang lo lắng ra mặt, đã bị chặn lại trên đại lộ Mir bởi các sĩ quan thuộc Nhóm A KGB, mặc trang phục cảnh sát giao thông GAI.
Thế là một trong những đại lộ chính của thủ đô Moskva đã bị phong tỏa tới 15 phút. Tại đây tập trung gần 30 chiếc xe Volga đen chở đầy các sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp trong trang phục dã ngoại của lực lượng an ninh Xôviết. Tất cả đều hiểu rõ nguy cơ nào có thể xảy đến – một vụ đấu súng trên đại lộ Mir hẳn sẽ trở thành một xì căng đan tầm cỡ toàn cầu!
Hóa ra là lực lượng của Bộ Nội vụ đã bị lộ diện khi thực hiện nhiệm vụ dựng cổng chào với 5 cột bê tông ở sát ngôi nhà mà trong đó có căn hộ của gia đình ông Andropov. Những hoạt động ban đêm ở một địa điểm như thế thì khó mà lọt qua được tai mắt của KGB.
10h30’. Lực lượng đặc nhiệm của ông Schelokov đã bị bắt giữ bất ngờ tới mức không kịp trở tay. Và được chở về với tốc độ phi mã về hướng Lubyanka (nơi đặt trụ sở chính của KGB). Đấy thực ra cũng là hướng mà đơn vị này phải tiến tới vì họ nhận được nhiệm vụ là bắt giữ xe riêng của ông Andropov nếu ông định rời khỏi căn phòng làm việc của mình trong tòa nhà màu xám của BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô trên Đại lộ Staraya để ẩn náu tại “pháo đài KGB” ở Lubyanka.
10h40’. Đơn vị đặc nhiệm của cảnh sát được ông Schelokov phái tới trực tiếp quảng trường Staraya khi biết kế hoạch bị lộ đã tự đầu hàng nhóm Alfa, được cử tới để khống chế ba cỗ xe Volga chở lực lượng này… Trên một xe có Trung tá B. , người đã phản bội lại Bộ trưởng Schelokov và đã kịp trước khi rời khỏi căn cứ lên đường gọi theo điện thoại bí mật để nói một câu tưởng như vô thưởng vô phạt cho vợ: “Hôm nay anh sẽ không về nhà ăn tối”. Cũng phải nói rằng, ba tuần sau đó, chiếc xe Uaz chở viên sĩ quan vừa được phong lên đại tá này đã bị trúng mìn nổ tung ở gần Kabul, Afghanistan, nơi quân đội Xôviết đang tham chiến.
10h45’. Một trong những đơn vị mà ông Schelokov phái đi rốt cuộc vẫn tới được nơi cần đến: số nhà 26 trên đại lộ Kutuzov. Đơn giản vì đoàn xe nho nhỏ 3 chiếc này đã không đi theo đại lộ Baolshaya Filievskaya như đã định (đó cũng chính là nơi có lực lượng KGB phục kích sẵn chờ họ) mà đi theo con đường Malaya song song với nó. Ba cỗ Volga với những đèn nháy khá hiếm hoi thời đó, phá mọi luật lệ giao thông, đã tiếp cận được “đại lộ chính phủ” từ phía phố Barklai.
10 phút sau khi Trung tá T. ra lệnh cho cấp dưới của mình hạ vũ khí, một đồng nghiệp của anh này trong Bộ Nội vụ, sĩ quan R. , đã chỉ huy một số cộng sự nổ súng bắn vào đội bảo vệ (lực lượng an ninh KGB) đang canh giữ ngôi nhà lừng danh trên đại lộ Kutuzov mà trong đó, trớ trêu thay là có ba người hàng xóm đều liên quan tới sự cố bi thảm này: Andropov, Brezhnev và Schelokov.
11h50’. Thật may là không ai bị chết cả... Nhưng tới trưa thì có xe chở tới bệnh viện Sklif 9 người. 5 người thuộc lực lượng của ông Schelokov thì bị áp giải tới. Trong số này có Trung tá R., người đã cố gắng trung thực thực hiện nhiệm vụ bắt giữ ông Andropov của Bộ trưởng Nội vụ Schelokov giao và đã được chính Tổng Bí thư Brezhnev chuẩn y. Tới chiều tối ngày 11-9, Trung tá R. đã trút hơi thở cuối cùng dưới bàn tay bác sĩ phẫu thuật. Về hình thức thì Trung tá R. là nạn nhân duy nhất bị chết của cuộc đụng độ đó. Một trong 10 người bị thương trong cuộc đấu súng trước ngôi nhà số 26 trên đại lộ Kutuzov.
Người cuối cùng trong 10 người đó, cựu bảo vệ cho con gái của Tổng Bí thư tương lai Irina Andropova, được đưa tới một trong những trại nghỉ ở ngoại ô Moskva để nhận một sự chăm sóc riêng đặc biệt.
14h30’. Ngay sau khi xảy ra vụ đấu súng trên đại lộ Kutuzov, theo lệnh của chính ông Andropov, mọi liên lạc với thế giới bên ngoài đã bị ngăn chặn. Tất cả các chuyến bay xuất phát từ phi trường quốc tế ở thủ đô Sherementievo đều bị hoãn lại vì lý do thời tiết! Ngay lập tức cũng có lệnh phải đánh hỏng hoạt động của hệ thống máy tính do Pháp sản xuất, vốn có nhiệm vụ điều phối liên lạc điện thoại giữa Liên Xô với các nước. Hệ thống này đã được mua trước lễ khai mạc Thế vận hội Moskva năm 1980 và chỉ riêng việc Điện Kremli mua nó đã trở thành một sự siêu quảng cáo. Và cũng vì thế, nếu hệ thống này bị sự cố thì đó lại là sự phản quảng cáo khổng lồ. Tuy nhiên, mọi việc đều ổn vì việc thổi tin vào các phương tiện thông tin đại chúng ở phương Tây đã được KGB thực hiện có cả một bài bản.
Hệ lụy nặng nề
Thế là một nỗ lực của vị Tổng Bí thư đang ở tuổi xế chiều Leonid Brezhnev và những người thân cận với ông muốn để ông “cố vị” đã không thành công. Sau sự kiện trên hai tháng, Tổng Bí thư Brezhnev qua đời. Lúc ông hấp hối, bên cạnh ông không có một thân nhân nào mà chỉ toàn các vệ sĩ từ “Devyatka” (Cục 9 thuộc KGB, chuyên bảo vệ lãnh tụ), tức là thuộc hạ của Andropov.
Ngày 17/12/1982, một tháng sau khi Brezhnev mất, Bộ trưởng Schelokov đã bị cách chức vì bị buộc tội liên quan tới cái gọi là “vụ tham nhũng bông” ở Uzbekistan mà ông Andropov đã hạ lệnh điều tra. Vụ việc này kết thúc bằng bản án tù dành cho Thượng tướng Yuri Churbanov, con rể cố Tổng Bí thư Brezhnev, lúc đó đang là Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Nội vụ. (Hiện nay, nhiều người ở Nga cho rằng, ông Churbanov cũng chỉ là một nạn nhân của những trò “giận cá chém thớt”).
Ngày 19/2/1983, vợ Bộ trưởng Schelokov là bà Svetlana Vladimirovna đã tự sát…
Ngay cả sau khi Andropov, lúc đó là Tổng Bí thư, đã qua đời ngày 9/2/1984, cỗ máy đàn áp đã được vận hành vẫn tiếp tục hoạt động theo hướng triệt hạ Schelokov mà không gì có thể ngăn nổi. Ngay cả Tổng Bí thư mới, Konstantin Chernenko, lên kế vị Andropov, dù cũng là một người bạn rất thân của cố Tổng Bí thư Brezhnev, cũng không thể đảo ngược lại đường đi của một con tàu đang lao dốc. Và thế là ngày 6/11/1984, cựu Bộ trưởng Schelokov đã bị tước luôn cả quân hàm Đại tướng. Ngày 10/11, tức là đúng vào Ngày truyền thống của lực lượng cảnh sát, tin này được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương.
Ngày 12/11/1984, tại căn hộ trong ngôi nhà số 26 trên đại lộ Kutuzov xuất hiện một nhóm cán bộ của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương với lệnh khám nhà. Họ đã không tìm được của nả gì quý giá ở đó. Thực sự là Shelokov đã sống rất thanh bạch và giản dị. (Điều này thì bây giờ ngay cả những kẻ thù ghét ông cũng phải công nhận).
Gần một tháng sau, cựu Bộ trưởng Schelokov đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngày 10/12/1984, vị tướng thất sủng của lực lượng công an Xôviết đã viết sẵn một lá thư trăng trối gửi Tổng Bí thư và Bộ Chính trị:
“Tôi yêu cầu các đồng chí không được để lan truyền những lời vu cáo thị dân về tôi, vì làm thế nghĩa là vô tình bôi nhọ uy tín của các lãnh đạo mọi cấp, điều mà tất cả đã phải chịu ở giai đoạn trước khi đồng chí Leonid Ilich Brezhnev mà chúng ta không bao giờ được quên lên nắm quyền. Xin cảm ơn vì mọi chuyện tốt đẹp. Mong được thứ lỗi.
Với tình yêu và lòng kính trọng – N. Schelokov”.
Ông đã giấu tờ thư vào ngăn kéo bàn mà chìa khóa ông luôn mang theo bên mình (tuy nhiên, về sau mới rõ là còn có ai đó nữa cũng có một cái chìa khóa y hệt như thế).
Hai ngày sau, 12/12, không có một kết luận nào của tòa án nhưng ông Schelokov vẫn bị tước danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa cùng tất cả các huân huy chương, trừ những huân huy chương mà ông đã được nhận trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Ngay ngày hôm sau, 13/12/1984, theo thông tin chính thức, vị tướng thất sủng đã tự sát bằng một phát đạn bắn vào đầu từ khẩu súng săn hai nòng. Ông chỉ để lại hai lá thư, đều đề ngày 10/12/1984. Một lá, như đã nói ở trên, gửi Tổng Bí thư lúc đó là Konstantin Chernenko. Lá thư sau gửi cho các con.
Trích từ biên bản vụ việc: “Khi các nhân viên Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương tới hiện trường, nơi xảy ra vụ việc, toàn bộ gia đình ông Schlokov đều có mắt, còn xác của ông nằm úp xuống sàn nhà – ông đã bắn thẳng vào đầu mình. Ông mặc bộ lễ phục với huy chương Búa Liềm, 10 huân chương Xôviết, 10 huy chương, 16 huân chương nước ngoài và huy hiệu đại biểu Xôviết Tối cao Liên Xô… dưới bộ lễ phục là áo sơ mi không cổ, không có cà vạt, chân đi đôi dép lê trong nhà…”.
Hiện nay ở Nga đang có rất nhiều ý kiến cho rằng phải xem xét lại những lời buộc tội với cố Bộ trưởng Schelokov. Bởi lẽ, những lời buộc tội đó chỉ toàn là giả thuyết và chưa từng có một phiên tòa nào xem xét nghiêm túc chúng.
Tuy nhiên, chờ được vạ thì má đã sưng…