Juan Pujol Garcia: Điệp viên đánh bại Hitler

Thứ Năm, 19/12/2013, 11:10

Trang web của Cơ quan Tình báo Anh (MI-5) gọi ông là “điệp viên nhị trùng xuất sắc nhất Chiến tranh thế giới thứ hai”. Sau khi Bảo tàng chiến tranh hoàng gia ở London năm 2004 xoá dấu tối mật trong bộ hồ sơ về mạng lưới tình báo của ông, người ta càng thấy rõ hơn đóng góp to lớn của ông đối với diễn tiến Thế chiến thứ hai.  Ông là Juan Pujol Garcia, Tây Ban Nha.

Juan Pujol Garcia sinh ngày 14/2/1912 tại Bercelona. Cha ông làm chủ một nhà máy sơn. Ông là người con thứ ba trong gia đình. Năm lên 7 tuổi, cậu bé Juan đã vào học ở Trường Valdemia, cách thành phố Barcelona 32km. Và điệp viên tương lai đã ở đó 4 năm. Những học sinh của Trường Valdemia phải sinh hoạt theo chế độ khá nghiêm khắc, sống “cấm cung” trong ký túc xá. Họ chỉ được ra ngoài vào ngày chủ nhật, nhưng cũng với điều kiện là nếu họ có khách đến thăm.

Chính vì thế nên cha của Juan cuối tuần nào cũng phải vượt hàng chục cây số tới gặp con để truyền cho con hơi ấm gia đình. Năm 13 tuổi, Juan chuyển sang học ở một trường trung học năm trong nội đô Barcelona và đã ở đó 3 năm. Tuy nhiên, một vụ mâu thuẫn với giáo viên dẫn tới to tiếng đã khiến chàng trai bướng bỉnh này phải bỏ học và xin đi phụ việc trong một cửa hàng...

Trận đánh Normandy năm 1944.

Năm 1931, cha của Juan qua đời. Mặc dầu vậy, gia đình vẫn được sống đầy đủ thêm một thời gian nữa. Chỉ tới khi nội chiến ở Tây Ban Nha bùng nổ, gia cảnh của Juan Pujol Garcia mới trở nên khó khăn hơn vì chính phủ cộng hòa khi ấy quyết định họ phải bàn giao nhà máy cho công nhân tự quản lý...

Cũng chính từ khi bùng nổ nội chiến, Juan Pujol Garcia và vợ đã quyết định cộng tác với tình báo Anh. Tuy nhiên, đại diện của MI-5 thoạt tiên đã từ chối nhận lời. Mặc dầu vậy, Juan vẫn nuôi trong lòng mơ ước có thể mang lại lợi ích cho tình báo “hòn đảo sương mù” nên đã cố gắng trá hình thành một công chức mẫn cán của chế độ độc tài Franco và còn nhận lời làm điệp viên cho tình báo Đức.

Sau khi nhận được mệnh lệnh từ Berlin về việc phải sang Anh tuyển mộ thêm chân rết, Juan Pujol đã lẩn sang Lisboa (thủ đô Bồ Đào Nha) và tại đó, đã soạn những báo cáo giả bao gồm các thông tin lấy được từ những cơ quan truyền thông công khai cũng như từ các sách hướng dẫn du lịch ở Anh...

Mặc dầu những thông tin mà Juan Pujol gửi cho Berlin khó có thể lọt qua được bất cứ một cuộc kiểm tra chi tiết nào nhưng ông vẫn tạo được danh tiếng như một điệp viên đáng tin cậy và năng nổ của tình báo Đức... Để đề phòng bị “cháy nhà ra mặt chuột”, Juan Pujol đã lập ra hẳn một “mạng lưới cộng sự” để nếu xảy ra sự cố thì đổ lỗi cho mạng lưới này...

Tình báo Anh đã nhận lại lời đề nghị cộng tác của Juan Pujol sau khi người Đức đã tốn không ít tiền của vào “mạng lưới điệp viên” do ông phụ trách. Và ông đã cùng gia đình chuyển sang London. MI-5 đã đặt cho ông mật danh “Garbo”, còn với cơ quan an ninh của nước Đức phát xít, ông là điệp viên mang bí danh “V-Alaric”. Cùng với một cộng sự tên là Tommi, Juan Pujol cho tới thời điểm cuối Chiến tranh thế giới thứ hai đã làm cho tình báo Đức tin là ông đang nắm trong tay một mạng lưới có tới 27 điệp viên làm việc cho Berlin. Trong thực tế, đó đều là những cái tên giả...

Theo đánh giá của báo Italia La Stampa, làm thế mới xứng đáng với công trạng của ông, người mà nếu thiếu thì không thể nào có cuộc đổ bộ thành công xuống bờ biển Normandy...

Cho tới hôm nay ở Tây Ban Nha, Pujol vẫn là một gương mặt bí ẩn. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã di cư sang Venezuela và đã qua đời tại thủ đô Caracas năm 1988. Xuất thân từ một gia đình giàu có nhưng trong những năm 30 của thế kỷ trước, Pujol từng chiến đấu bảo vệ chính phủ Cộng hòa...

Khi Hitler xâm lược Ba Lan năm 1939, Pujol đã quyết định chống lại những tư tưởng man rợ của nước Đức Quốc xã vì bản thân ông vốn là người chuộng chủ nghĩa hòa bình. Số phận đùn đẩy ông trở thành điệp viên nhưng để đánh lừa bọn phát xít, thoạt đầu Pujol đã đề nghị được cộng tác với Cơ quan tình báo quân sự Đức rồi mới tới xin làm việc cho MI-5.

Chính những hoạt động của “Garbo” với vai trò điệp viên nhị trùng đã tạo cơ sở cho việc tiến hành chiến dịch lừng danh Overlord 60 năm trước ở vùng biển tây bắc nước Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Mỹ Dwight Eisenhower.

Trong cuốn sách được xuất bản Juan Pugol, điệp viên làm Hitler thất bại có nhấn mạnh rằng, người Anh đánh giá cao “Garbo” vì những khả năng diễn xuất “lộng giả thành chân” của Pugol. Chính điệp viên nay đã “bịa” ra mạng lưới Arabal gồm 27 điệp viên không có thực dường như đang hoạt động tại Anh vì lợi ích của nước Đức phát xít.

Những thông tin mang mục đích tung hỏa mù mà Pujol cung cấp cho nước Đức Quốc xã thoạt tiên được chuyển tới cơ sở của tình báo Đức tại Madrid, rồi sau đó được gửi về Berlin. Thành tích lớn nhất của Pujol là ở chỗ, ông đã thuyết phục được Cơ quan tình báo quân sự Đức và thông qua nó, Bộ Tổng tham mưu quân đội phát xít và thậm chí cả Hitler tin vào việc cuộc đổ bộ đầu tiên xuống bờ biển Normandy chỉ là một hành động nghi binh, chứ còn cuộc đổ bộ thực sự sẽ diễn ra tại Pas-de-Calais.

Thông tin rởm này đã mang lại hiệu quả thực cho quân Đồng minh. Bất chấp những lập luận rất có lý của viên tướng  phát xít Rommel, Hitler đã thay đổi dự định ban đầu và ra lệnh cho tướng Von Rundshtedt không di chuyển tới Normandy nhóm quân gồm 22 sư đoàn, trong đó có những đơn vị giàu kinh nghiệm tác chiến, cũng như hai sư đoàn tăng số 1 và số 116, lực lượng đủ khả năng đè bẹp các điểm đổ bộ của khối Đồng minh. Trong suốt hai tháng quan trọng nhất của năm 1944, các đơn vị thiện chiến nhất của nước Đức phát xít cứ bình chân như vại đóng tại Pas-de-Calais. Chính nhờ thế mà sau khi đặt chân được vào Normandy, quân Đồng minh mới có cơ hội thuận lợi để tiến sâu vào lục địa châu Âu.

Nguyên soái Quốc xã Keytel trước khi bị xử tử năm 1946 trong phiên toà Nurenberg đã thú nhận: “Mệnh lệnh mới của Hitler đã dựa tới 99% vào thông tin  mà “V-Claric” cung cấp”.

Bản tin hỏa tốc từ “Garbo” gửi cho Cơ quan tình báo quân sự Đức ngày 8/6 có nội dung như sau: “Từ các mối quan hệ đã nêu có thể thấy rõ ràng rằng, cuộc tấn công hiện nay (ở Normandy) là một chiến dịch rộng lớn nhằm  tạo ra một điểm tựa mạnh và thu hút tối đa lực lượng của chúng ta tới khu vực này để cầm chân lại, tạo cơ hội tác chiến thắng lợi ở hướng chủ đạo. Cụ thể, mục tiêu này có thể được minh chứng bởi các đợt ném bom không ngừng xuống Pas-de-Calais - con đường ngắn nhất hướng tới điểm cuối cùng, Berlin”. Bản tin hỏa tốc gửi về Berlin còn cụ thể hơn: “Sư đoàn bộ binh số 3  đang ở Normandy”. Thế là Hitler bị cắn câu và cứ nghĩ rằng, cuộc đổ bộ của quân Đồng minh xuống Normandy từ ngày 6-6-1944 chỉ bao gồm độc một sư đoàn bộ binh số 3 nhằm tung hỏa mù. Đó đã là chiến thắng đối với lực lượng Đồng minh.

Tướng Mỹ Eisenhower về sau đã viết: “Nếu lực lượng Đức đang tập trung  ở Pas-de- Calais lao vào trận trong tháng 6, tháng 7 năm 1944, thì hẳn chúng ta đã thất bại. Đóng góp của Pujol ngang với cả một sư đoàn. Ông ấy đã cứu được vô số mạng người”...

Cuộc đổ bộ của quân đội khối Đồng minh về sau được đánh giá là một trong những mốc lịch sử quan trọng của Chiến tranh thế giới thứ hai. Hơn 150 nghìn binh sĩ Mỹ, Anh, Canada cùng với các đội quân kháng chiến của Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bỉ, Hà Lan, Na Uy…. đã tham gia cùng các chiến hạm lớn nhỏ từ miền nam nước Anh kéo vào đất Pháp lúc bấy giờ đang nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Đức Quốc xã. Cả hai bên đều đã phải chịu những thiệt hại to lớn. Tuy nhiên, thắng lợi đã nghiêng về phía lực lượng Đồng minh, làm nên một bước ngoặt lớn cho cả cuộc  Chiến tranh thế giới thứ hai, góp phần dẫn tới sự sụp đổ của Nhà nước phát xít Đức và chấm dứt chiến tranh

Nguyễn Thị Thủy
.
.