Hoàng tử Cảnh của triều Nguyễn: Long đong phận mỏng

Thứ Tư, 01/10/2008, 10:00
Trong lịch sử triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam có không ít trang bi thảm và không ít những nhân vật bi thảm. Nguyễn Phúc Cảnh, tức Hoàng tử Cảnh, con trưởng của Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long. Thế nhưng, Hoàng tử Cảnh không những không bao giờ được trở thành vua mà đã phải trải qua một số phận cực kỳ gian truân và đau đớn, không chỉ trong khoảng thời gian rất hữu hạn của ông (mất năm 21 tuổi) mà lây sang cả đời con cháu trực hệ nữa.

Nguyễn Phúc Cảnh sinh ngày 6/4/1780 (Canh Tý) tại thành Gia Định. Mẹ là bà Tống Thị Lan... Năm 1780 cũng là thời điểm mà Chúa Nguyễn Phúc Ánh sau khi bị lực lượng Tây Sơn dồn đuổi vào Gia Định, đã chính thức lên ngôi ở tuổi 19 và dùng ấn "Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo" làm ấn truyền quốc, nhưng niên hiệu thì vẫn theo chính sóc nhà Lê. Và cũng chính trong những năm đó, mặc dù đã có những giáo sĩ và sĩ quan Pháp phò trợ, nhưng Chúa Nguyễn phải liên tục ở trong cảnh bĩ cực trước thế thượng phong hiển nhiên của lực lượng Tây Sơn.

Ngay từ lúc còn rất nhỏ, Nguyễn Phúc Cảnh đã phải cùng nếm mật nằm gai long đong lận đận cùng cha. Về bản tính, theo sách cũ ghi lại, Hoàng tử Cảnh thiên tư sáng suốt, hiếu học và ưa lời nói thẳng... Tuy nhiên, số phận của con người này đã không được quá nhiều mật ngọt.

Tháng 3/1782 (Nhâm Dần), hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã mang quân vào tấn công Gia Định, làm lực lượng của Chúa Nguyễn tan tác ở cửa biển. Cực chẳng đã, Chúa Nguyễn đã phải bỏ của chạy lấy người ra ẩn náu ở đảo Phú Quốc. Dẹp yên một cõi, đại quân Tây Sơn lại rút về quê hương Quy Nhơn chứ không cho người trấn giữ ở Gia Định nên một thời gian sau, Chúa Nguyễn lại mò về đó thu thập tàn binh xưng hùng xưng bá ở đấy.

Hay tin, tháng 2/1783 (Quý Mão), Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lại kéo quân vào đánh cửa biển Cần Giờ. Và Chúa Nguyễn lại thêm một lần hồn xiêu phách lạc cùng với năm sáu tùy tùng thân tín và khoảng 100 lính chạy về Ba Giồng. Tới tháng 4/1783,  Nguyễn Huệ lại huy động quân truy đuổi Chúa Nguyễn nên ông đã phải cưỡi trâu lội qua sông thoát thân rồi đem mẹ, vợ con ra biển. Họa vô đơn chí, đang lênh đênh giữa nghìn trùng sóng nước, đoàn thuyền của Chúa Nguyễn lại gặp phải thủy quân Tây Sơn truy đuổi sít sao. Vận mệnh tưởng như nghìn cân treo sợi tóc.

Khi đó, viên cai cơ tên là Lê Phúc Điển đã phải liều thân mặc áo ngự đứng đầu thuyền giả làm Chúa Nguyễn để cho ông chạy thoát tới Phú Quốc. Tuy nhiên, thế vẫn chưa thoát khỏi hiểm nguy vì Phò mã Trương Văn Đa đã kéo thủy quân Tây Sơn ra vây chặt ba vòng quanh đảo, khiến Chúa Nguyễn và gia quyến như "cá nằm trên thớt". May mà đúng khi ấy đã nổi lên một trận bão lớn làm thiệt hại nặng thuỷ quân Tây Sơn, giúp Chúa Nguyễn và đoàn tùy tùng thoát thân về hòn Cổ Cốt, đợi đến khi khuất bóng quân Tây Sơn mới lại quay về Phú Quốc.

Đúng thời điểm đó, Chúa Nguyễn lại thấy một người quen cũ là vị giáo sĩ người Pháp  Pígneau de Béhaine, tức Bá Đa Lộc, tìm đến. Thực ra, chúa Nguyễn đã biết Bá Đa Lộc từ năm 1777, khi lưu lạc tới Hà Tiên để lẩn trốn sự truy lùng của lực lượng Tây Sơn. Bá Đa Lộc ngay từ năm 1765 được đã Giáo hội cử sang truyền đạo ở khu vực Xiêm La, Tây Trúc, Cao Man... Nhà cách mạng Phan Bội Châu trong tác phẩm "Thiên hồ! Đế hồ" (viết năm 1923 với bút danh Phan Thị Hán, bản dịch của Chương Thâu) đã nhận xét về Bá Đa Lộc như sau: "Tuy ông ta sang với tư cách truyền giáo cho Giáo hội, nhưng mục đích chính là phụ trách "đội tiên phong" xâm lược nước người làm đất thực dân cho Pháp. Ông ta tự xưng là con của Chúa Trời và là kiếp sau của Jesus Christ, nhưng óc ông ta thì chứa đầy chính sách "Đế quốc chủ nghĩa" của Napoléon. Ông ta vẫn tụng niệm câu "yêu người như yêu mình" của Jesus Christ, nhưng đó chỉ là đạo đức đầu miệng, không phải đạo đức trong lòng. Vì thế cho nên vừa đặt chân lên đất Đông Dương, ông ta liền tính ngay việc tìm một khu vực thực dân cho Pháp.

Lúc bấy giờ, phần lớn đất Ấn Độ đã bị Anh chiếm rồi, và Trung Quốc thì ở vào buổi đầu đời Thanh đương thịnh, khí thế đang lên, nếu các nước mạnh không cùng nhau mưu tính thì chưa dễ Trung Quốc đã chịu nằm trên thớt cho họ chia xé! Ông ta bàng hoàng nhìn khắp xung quanh, dòm dòm ngó ngó, như chú diều hâu, chỉ thấy còn lại cõi đất Việt Nam là "của hiếm có thể cất lấy mà làm giàu", tất phải chiếm cho bằng được"...

Ở thời điểm trước và sau năm 1780, Bá Đa Lộc đã tới miền Biên Hoà, dựng nên nhà thờ để giảng đạo. Theo một  số nguồn tư liệu, ngay từ năm 1777, khi phải lẩn trốn ở Hà Tiên, Chúa Nguyễn đã gặp Bá Đa Lộc và giữa hai người đã có một mối quan hệ nếu không hẳn là tốt thì cũng chấp nhận được với nhau vì đều nghĩ rằng có thể lợi dụng nhau theo lợi ích riêng. Năm 1784, khi biết Chúa Nguyễn đang cầu bơ cầu bất ở hành cung vì bị lực lượng Tây Sơn uy hiếp, nhận thấy đây là cơ hội có thể "đục nước béo cò", Bá Đa Lộc đã tìm tới, "xin được giúp sức".

Cũng nhà cách mạng Phan Bội Châu kể về những việc mà Bá Đa Lộc đã làm để lung lạc Chúa Nguyễn như sau: "Ông ta tiến cử người Pháp tên là Manuel làm quan thủy binh. Bá Đa Lộc (trong nguyên bản gọi là Pinho) là người trong tôn giáo, nhưng dã tâm rất lớn, những giáo đồ nông nổi không thể sánh kịp, nên sau khi yết kiến Chúa Nguyễn liền ra sức trình bày kế hoạch "phục quốc" để cám dỗ Chúa Nguyễn. Hàng ngày ông ta ở hầu dưới trướng, bàn bạc cơ mưu, rất được Chúa Nguyễn tin dùng. Ông ta bày kế "sang Pháp cầu viện" để nhử Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn nghe lời nói ngon ngọt, mắc mưu Bá Đa Lộc, không còn biết việc dẫn kẻ cướp vào nhà là thất sách nữa".

Thực ra, từ lâu Chúa Nguyễn ấp ủ trong lòng quan điểm, phi ngoại binh bất thành sự nghiệp. Chính vì thế nên dù rất biết là mình có thể bị mang tiếng cõng rắn cắn gà nhà nhưng trong những năm tháng khốn cùng đó, Chúa Nguyễn đã liên tiếp tìm cách cầu xin sự giúp đỡ của các thế lực ngoại bang xa và gần. Nơi đầu tiên mà Chúa Nguyễn tìm tới để thực hiện giấc mộng cầu ngoại viện của mình là Xiêm La. Tại đó, Chúa Nguyễn cũng được nghe không ít lời dụ dỗ tương tự như của Bá Đa Lộc từ phía các nhà ngoại giao thực dân tới từ Anh quốc hay Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, Bá Đa Lộc đã gièm pha được tất cả. Ông ta nói (dẫn theo sách của Phan Bội Châu): "Những người Tơtông (chỉ người Anh và người Bồ Đào Nha) bề ngoài làm ra vẻ nhân nghĩa mà bên trong thì rất nhiều dục vọng, mượn chiêu bài đạo đức làm điều gian trá; họ dòm ngó đất đai của mình, nếu mời họ vào, ắt sẽ xảy tai họa về sau. Đại vương muốn cầu ngoại viện, chỉ có nước Pháp là tin cậy được thôi, bởi vì nước Pháp vẫn thực hành tôn chỉ "cứu thế" của Jesus. Vả lại, trên thế giới, người biết tôn trọng nhân đạo "yêu người như yêu mình" cũng không ai bằng người Pháp cả. Đại vương không cầu ngoại viện thì thôi, nhược bằng cầu ngoại viện, không đâu bằng nước Pháp, xin đại vương suy nghĩ xem".

Cứ tỉ tê như thế, Bá Đa Lộc đã thuyết phục được Chúa Nguyễn tháng 12/1784 nhờ ông ta đưa Hoàng tử Cảnh (lúc này mới 4 tuổi) đi theo sang Paris chuyển lời xin cầu viện triều đình Louis XVI. Khi Hoàng tử Cảnh đi rồi, Chúa Nguyễn lại cầu viện vua Xiêm. Vua Xiêm đồng ý giúp với những tính toán hậu chiến sâu xa nhưng rốt cuộc, tất cả những đoàn thuyền với 5 vạn viện binh cờ mở trống giong có vẻ như rất "hoành tráng" ấy đều đã bị Nguyễn Huệ đánh cho đại bại ở Rạch Gầm - Xoài Mút ngày 25/1/1785...

Tuân lệnh cha, Hoàng tử Cảnh cuối năm 1784 (tức tháng 11 năm Giáp Thìn) đã cùng Bá Đa Lộc và hai cận thần người Việt là Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm khởi hành sang Pháp. Tới tháng 2 xuân Ất Tỵ (1785), họ tới Pondichéry, một thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ và dừng lại ở đây một thời gian vì khi đó ở Pháp đang xảy ra những biến động chính trị. Tới tháng 6 Bính Ngọ (1786), phái đoàn kỳ khôi này đã theo chiến thuyền Aréthuse nhằm hướng Pháp thẳng tiến. Họ tới Paris vào tháng 2 Đinh Mùi (1787). Triều đình Pháp dùng vương lễ đối đãi với Hoàng tử Cảnh. Tới ngày 5/5/1787, Hoàng tử Cảnh vào triều kiến ở Versailles và khá được sủng ái vì vẻ ngoài khôi ngô tuấn tú.

Paris, Bá Đa Lộc đã thuê người hầu chải đầu cho Hoàng hậu Marie Antoinette tên là Léonard tới sửa tóc cho Hoàng tử Cảnh, bỏ khăn nhiễu thay bằng khăn lĩnh đỏ thắt múi, do chính Léonard vẽ kiểu. Bá Đa Lộc còn may cho Hoàng tử Cảnh một bộ y phục kiểu Pháp pha Á Đông, bỏ áo dài, quần lụa, rồi thuê họa sĩ Maupérin vẽ chân dung Hoàng tử Cảnh mặc áo đỏ, đi hia đỏ, tay phải đặt lên một cái mũ, đầu quấn khăn Léonard. Bức tranh này được trưng bầy ở Viện Hàn lâm viện Hội họa và Điêu khắc Pháp năm 1791, sau do Hội Truyền giáo nước ngoài ở Paris giữ...

Tuy nhiên, trong hơn hai năm ở Paris, Hoàng tử Cảnh cùng "ông thầy tinh thần" đã không làm được việc gì hữu lợi cho nước Nam mà chỉ buộc Chúa Nguyễn vào cái gọi là mật ước Versailles (ký ngày 28/11/1787) với những điều khoản thâm hiểm ích Pháp hại nhà. (Của đáng tội, Hiệp ước này về sau vì nhiều lý do không được tuân thủ)... Không những thế, những ngày sống ở Paris cạnh Bá Đa Lộc đã in một dấu ấn không tốt trong tâm trí và phong cách ứng xử của một cậu bé còn quá non nớt như Hoàng tử Cảnh. Gặp lại đứa con trưởng trở về, Chúa Nguyễn đã vừa tức giận vừa chua xót vì không nhận được chút viện trợ gì từ phía chính phủ Pháp mà còn phải thấy đứa con trưởng bị "Tây hóa" quá sâu. Hoàng tử Cảnh đã nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của Bá Đa Lộc cải đạo Thiên chúa và không chịu vào lạy trong Thái miếu...

Chỉ tới khi Hoàng tử Cảnh lên 14 tuổi (mùa xuân năm Quý Sửu, 1793), Chúa Nguyễn mới lập con trai trưởng làm ông Cung, phong chức Nguyên Súy Quận công... Tuy nhiên, phúc mỏng nên chẳng bao lâu sau, vị Thái tử đầu tiên đã qua đời vào ngày 7/2 năm Tân Dậu (ngày 20/3/1801) hưởng dương 21 tuổi. Bá Đa Lộc đã chết trước đó hai năm. Về việc này, nhà cách mạng Phan Bội Châu đã viết trong cuốn sách đã dẫn: "Đức cha Bá Đa Lộc chết tháng 10/1799, từ bấy đến nay, giáo đồ Thiên chúa người Pháp ở nước Việt Nam đều noi theo chính sách của Bá Đa Lộc, mà lại thấm sâu hơn tinh thần của Bá Đa Lộc, ngoài thì đeo mặt nạ giả đạo đức, trong thì làm nhiệm vụ giúp chính phủ Pháp thi hành chính sách tàn ác bạo ngược. Cho nên các đức cha và các thầy tu truyền giáo người Pháp ở Việt Nam, ai cũng thỏa được dục vọng, ai cũng giàu sang, còn người Việt Nam ở dưới ách của nhà tôn giáo thì hàng ngày chỉ đem thân trâu ngựa phục vụ cho họ mà thôi...".

Một điều cay đắng là, sau khi Hoàng tử Cảnh qua đời, nhiều thân quyến của ông đã bị chết thảm trong những chuyện tai ương khốc liệt

Nguyễn Trân Long
.
.