Họa sĩ Tô Minh Trang: Vinh dự khi được vẽ về Bác…
Những ngày này, họa sĩ Tô Minh Trang đang bận bịu với việc tham gia Triển lãm "Hành trình vươn tới những ước mơ: 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hoàn thành bộ lịch "Bác Hồ sống mãi với non sông Việt Nam" chào Xuân 2020 vào đúng dịp kỉ niệm 50 thực hiện Di chúc của Người, 50 năm ngày mất của Người, với Tô Minh Trang vừa là một vinh dự vừa là áp lực lớn.
Sự nỗ lực của họa sĩ đã được đền đáp xứng đáng khi bộ lịch về Bác được chọn trưng bày tại triển lãm đã gây ấn tượng đặc biệt cho khách tham quan. Thật ý nghĩa khi bộ lịch này còn hướng tới kỉ niệm 130 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch (1890-2020).
Nét vẽ nặng nỗi nhớ thương
Ý tưởng vẽ bộ lịch về Bác đến với họa sĩ Tô Minh Trang rất tình cờ. Đó là khi đi tìm tư liệu để thiết kế con tem, anh đã được tiếp cận với một kho ảnh tư liệu vô cùng quý giá về Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Con mắt người họa sĩ đã nhận diện được những giá trị nghệ thuật từ những bức ảnh, trái tim họa sĩ thôi thúc muốn thể hiện một điều gì đó để tưởng nhớ tới Bác kính yêu. Và phải làm sao để hình ảnh của Bác xuất hiện thường trực trong đời sống của người dân.
Tô Minh Trang quyết định sẽ thực hiện chùm kí họa về Bác dựa trên những tấm ảnh tư liệu và sẽ in thành bộ lịch treo tường. Ý tưởng đến và họa sĩ bắt tay vào thực hiện gấp rút nhưng kĩ càng trong vòng 4 tháng để kịp tham gia triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tô Minh Trang đã thực hiện một bước chuyển đổi kép: từ ảnh tư liệu thành tranh vẽ, từ tranh vẽ thành bộ lịch treo tường thông dụng hàng ngày. Và khi ấy, hình ảnh Bác trở nên quen thuộc, sống động, hiện hữu trong tâm thức người dân.
Tô Minh Trang hướng đến cách thể hiện vừa tạo được hiệu ứng nghệ thuật mới mẻ so với ảnh tư liệu gốc, vừa toát lên sự giản dị, gần gũi, chân thực của hình ảnh Bác. Và anh tìm đến kí họa chải nét - một bút pháp đắc địa trong việc tạo khối, tạo nét, gây hiệu ứng không gian và ánh sáng.
Bút pháp này hoàn toàn thực hiện bằng bút sắt, thường được áp dụng cho mỹ thuật hàn lâm cổ điển châu Âu khi xây dựng những tác phẩm lớn. Kĩ thuật vẽ chải nét không cho phép người họa sĩ vẽ nháp, vẽ vờn mà phải thật chính xác trong từng nét vẽ. Tuy khó, nhưng Tô Minh Trang đã mạnh dạn thể nghiệm vì anh muốn dùng độ mau thưa của nét vẽ để diễn tả một cách chân thực hình ảnh Bác Hồ nhưng vẫn mang đến cảm giác mới mẻ, độc đáo.
Toàn bộ các bức vẽ của bộ lịch nhất quán một tông màu dịu nhẹ, trang trọng khiến người xem ngỡ như đang chiêm ngưỡng những bức tranh khắc gỗ hay lụa mang màu sắc Á Đông. Sự kết hợp giữa nghệ thuật cổ điển phương Tây và màu sắc Á Đông đã khắc họa hình tượng Bác Hồ rất Việt Nam nhưng vẫn toát lên sự trang trọng, vĩ đại của Người.
Họa sĩ Tô Minh Trang bên bộ lịch tham gia triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. |
Sau khi hoàn thành công đoạn vẽ chải nét, Tô Minh Trang bắt tay vào việc tạo hiệu ứng đồ họa, lọc lấy nét và lọng nền vô cùng tỉ mỉ và công phu. Không gian vẽ của Tô Minh Trang trong suốt 4 tháng luôn vang lên những bài hát về Bác kính yêu.
Rồi những kỉ niệm tuổi thơ ùa về, khi ấy bố của anh luôn bật những bài hát về Bác cho con nghe, và mẹ anh - một cán bộ của Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường kể những câu chuyện xúc động về Người... Tất cả vẫn in sâu trong trí nhớ của Tô Minh Trang và giờ đây hiện lên đồng điệu khiến cảm xúc của anh đắm chìm trong nỗi nhớ thương, sự biết ơn và ngưỡng vọng dành cho vị cha già dân tộc.
Họa sĩ Tô Minh Trang đã mất không ít thời gian nghiền ngẫm, chọn lựa các bức ảnh tư liệu, sắp xếp bố cục và chuyển thể thành tranh vẽ. Qua nét vẽ tài hoa và tinh thần tôn trọng những giá trị tư liệu gốc của Tô Minh Trang, các nhân vật trong tranh hiện lên mộc mạc và có thần thái, làm nổi bật lên bối cảnh lịch sử của từng bức vẽ.
Khi đã lên bố cục, Tô Minh Trang bắt tay vào vẽ lần lượt từ trang bìa cho đến các tháng trong năm. Bộ lịch gồm 7 tờ, gồm 1 tờ bìa khắc họa chân dung Bác, 6 tờ nội dung (mỗi tờ thể hiện 2 tháng) là những hình ảnh đặc biệt về Bác với các sự kiện lịch sử gắn với các ngành, lĩnh vực trọng tâm của đất nước như chính trị, xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, vấn đề biển đảo và quốc phòng an ninh.
Tờ lịch tháng 1-2 thể hiện hình ảnh Bác Hồ thăm trường Đảng Nguyễn Ái Quốc; tháng 3-4 là hình ảnh Bác Hồ ở Khu gang thép Thái Nguyên; tháng 5-6 là Bác Hồ đọc báo đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc; tháng 7-8, Bác Hồ cùng nhà du hành vũ trụ người Liên Xô Gherman Titov đến thăm một hòn đảo giữa vịnh Hạ Long vào ngày 21 và 22-1-1962. Bác đã đặt tên cho hòn đảo này là Ti Tốp với ý nghĩa "giữ Ti Tốp ở lại mãi" và thể hiện tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Tháng 9-10, Bác Hồ cùng các em học sinh Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội); tháng 11-12, Bác đến thăm một đơn vị phòng không năm 1966.
Những câu nói của Bác được chọn lựa kĩ càng và chính xác, thể hiện đúng chủ đề của mỗi trang lịch. Trong đó câu nói "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Người hiện diện ngay trang bìa là tư tưởng chủ đạo của bộ lịch, đồng thời là thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bảo tàng Hồ Chí Minh và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam gửi đến nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây có lẽ là bộ lịch chào đón năm mới 2020 được hoàn thành và công bố sớm nhất cho đến thời điểm này.
Là người luôn có cảm hứng đặc biệt khi vẽ các đề tài về Đảng, Bác Hồ, họa sĩ Tô Minh Trang cho rằng, mảng đề tài này thường mang tính cố định, mẫu mực và nghiêm ngắn, ít đất cho sự sáng tạo. Nhưng với anh, những lần được vẽ về Đảng, về Bác, dù là vẽ tem hay vẽ tranh, anh đều có cảm xúc đặc biệt, luôn đam mê tìm hướng thể hiện khác biệt. Đã nhiều lần khắc họa hình ảnh của Bác trên tem, nhưng đây là lần đầu tiên anh thể hiện chùm kí họa về Bác trên lịch. Đó cũng là sự thể nghiệm đầy đam mê ở một chủ đề có tính lịch sử và có bề dày thành tựu: chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trăn trở cùng con tem đương đại
Tô Minh Trang đam mê vẽ từ nhỏ. Chính điều này khiến anh không đi theo truyền thống gia đình có cha mẹ đều là kỹ sư xây dựng, có ông nội là NSND, Đạo diễn Tô Cương - người được Bác Hồ trao danh hiệu "Người quay phim dũng cảm" trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Lớn lên, trước khi học chuyên ngành sơn dầu của Đại học Mĩ thuật Việt Nam, anh từng là một nghệ nhân vẽ gốm. Ra trường, Tô Minh Trang về Tổng công ty Bưu điện Việt Nam công tác từ đó đến nay với công việc của một họa sĩ vẽ tem và nhiều hoạt động hội họa khác.
Cho đến nay, họa sĩ Tô Minh Trang đã thể hiện thành công nhiều bộ tem mang dấu ấn đặc biệt, như bộ tem về chủ đề dân số với tựa đề "Thế giới 6 tỉ người", bộ tem "Việt Nam vững bước vào thiên niên kỉ mới" chào mừng thế kỉ 21, "Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu"… Anh từng đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế mẫu tem bưu chính "1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Xây dựng và phát triển". Những con tem "nhỏ nhưng có võ" khi thể hiện được đa diện các vấn đề quan trọng của đất nước và thế giới một cách chắt lọc, súc tích.
Tem còn chứa sức mạnh diệu kì của sự giao thoa, sức lan tỏa, truyền thông điệp mạnh mẽ. Bởi mỗi một con tem sau khi phát hành đều hòa vào đời sống tem phong phú muôn màu và không kém phần sôi động của Liên minh Bưu chính thế giới có sự tham gia của 129 quốc gia trong đó có Việt Nam.
Bộ tem "Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu" do họa sĩ Tô Minh Trang thiết kế năm 2015. |
Không chỉ có duyên với những con tem, Tô Minh Trang còn đặc biệt thích thú với việc sáng tác lôgô. Năm 2015, logo do anh sáng tác được chọn là logo chính thức của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Anh cũng từng đạt giải nhất cuộc thi thiết kế logo cho sự kiện "Năm chéo hữu nghị Việt - Nga". Theo anh, logo và tem đều gặp nhau ở sự hàm súc, cô đọng của nghệ thuật tạo hình làm bật lên những tín hiệu thị giác thú vị và bất ngờ.
Có tìm hiểu sâu mới thấy, công việc của những họa sĩ vẽ tem như Tô Minh Trang luôn lặng thầm và có nhiều nét đặc thù. Người họa sĩ thiết kế tem thường phải đón đầu sự kiện, chuẩn bị trước đề tài, tìm tư liệu, xác thực tư liệu, đăng kí bản quyền và vẽ trước thời điểm phát hành con tem một thời gian khá dài.
Khi thiết kế tem, họa sĩ chỉ có thể vẽ trên một khổ giấy cố định, có kích thước gấp 4 lần mỗi chiều của con tem thật. Điều đó đòi hỏi người họa sĩ phải thể hiện được bố cục chặt chẽ, những hình ảnh giàu ý nghĩa trong không gian rất hẹp của tem, phải hài hòa giữa cái tôi họa sĩ và ý thức chính trị, giữa tính sáng tạo và tính phổ thông và phải luôn hướng tới cộng đồng.
Vẽ tem cần sự chăm chỉ, cần mẫn, sự nghiêm ngắn, mực thước trong thể hiện. Bởi vậy, không dễ để vẽ được những con tem đẹp, những bộ tem lớn. Khi mà thời thịnh hành của thư tay, của tem đã lùi vào dĩ vãng, khi internet lên ngôi, thì không dễ để trụ lại với tem lâu dài và lại càng không dễ để bỏ công tìm một hướng mới cho tem. Nhưng Tô Minh Trang lại làm được những điều không dễ ấy.
Tình yêu đối với tem đã thúc đẩy những họa sĩ như anh tìm được hướng đi cho con tem đương đại. Tem muốn sống được, bên cạnh việc thể hiện những chủ đề truyền thống thì phải đi sát cuộc sống và phản ánh được những vấn đề nóng của đất nước, của thế giới, như vấn đề biến đổi khí hậu, quyền trẻ em, vấn đề bình đẳng giới, hội nhập quốc tế, chủ quyền biển đảo… Tất cả đều được thể hiện trên tem với những tín hiệu thị giác bắt mắt và vẫn toát lên bản sắc Việt Nam.
Sau 20 năm làm nghề, gặt hái được nhiều thành công, Tô Minh Trang nhận ra rằng, mọi lĩnh vực của mỹ thuật như hội họa, đồ họa, design logo… đều gặp nhau ở một điểm, đó là màu sắc, bố cục, sự hài hòa, sự thuận mắt, là lập trường tư tưởng vững vàng luôn hướng về những giá trị cội nguồn của dân tộc. Bởi người họa sĩ không đơn thuần chỉ vẽ bằng mắt, mà vẽ bằng khối óc và con tim…