Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ: Nghệ thuật cần những bất thường

Thứ Ba, 07/07/2015, 11:31
Tranh là câu chuyện của màu sắc, đã đành. Thường thì không phải người vẽ tranh nào cũng có khả năng nói tốt về những cảm quan của họ. Họ thích đối thoại với người xem bằng chính sắc màu mình sử dụng, trong im lặng. Nhưng Hoàng Phượng Vỹ thì được trời phú cho một khả năng đặc biệt hơn. Anh nói về công việc của mình, tác phẩm của mình rất sắc sảo, rất thú vị. Tố chất ấy có lẽ Hoàng Phượng Vỹ được thừa hưởng từ người cha, cố nhà thơ Hoàng Trung Thông.

Trong vô số công việc cuộc đời, sao Vỹ lại chọn vẽ tranh mà không phải việc khác. Sao Vỹ bỏ nghề kiến trúc có thể giúp cho đời anh no cơm ấm áo hơn, tâm hồn bình yên hơn. Nghệ thuật là gì mà nó có thể mời gọi đến thế, làm cho người ta từ bỏ nhiều thứ vì nó thế. Vỹ cười buồn buồn trong quán cà phê buổi sáng. Cà phê sáng nhưng dường như hơi men từ buổi uống hôm trước vẫn còn phảng phất trên gương mặt Vỹ.

Một tâm trạng vừa của ngái ngủ vừa của mất ngủ, của sự “tra tấn tinh thần” nào đó mà tôi đồ là của chính những bức tranh đang vẽ dở vẫn ám ảnh Vỹ. Vỹ nói, đối với anh, việc vẽ chính là để dâng hiến và cũng là để sám hối với cuộc đời. Một sự vượt thoát rất cần thiết để anh tìm lại một vài bình yên nào đấy.

Rồi Vỹ lại bảo, đừng nói nhiều về lựa chọn trên đời. Vì chúng ta khó mà trả lời đích xác cho những lựa chọn của mình. Nó đâu phải đơn thuần là câu chuyện của lý trí, của khôn ngoan hay ngu dại. Mỗi chúng ta là một lựa chọn của đời sống. Một sự trao tặng và đày ải của số phận. Chúng ta phải đi trong lựa chọn vô hình đó. Và vẽ tranh, làm thơ, hay bất cứ công việc gì, tỉ như công việc của một công nhân vôi vữa buổi đầu vào đời Vỹ phải lăn lộn chẳng hạn, thì cũng là những ứng vận nào đó của đời sống. Không hoàn toàn là chủ quan anh lựa chọn. Vỹ thích quan niệm của một người bạn anh, một nhà văn, nói rằng, nghệ thuật là cuộc chơi vô tăm tích.

Chẳng phải cuộc chơi vô tăm tích là cuộc chơi hấp dẫn nhất hay sao. Nó không chịu bất cứ một gánh nặng hay một áp lực gì. Nó không có nhu cầu về đám đông, những hào nhoáng xủng xẻng, những tụng ca phù phiếm, những áo gấm long lanh phù du. Nó là cuộc chơi tự do tuyệt đối, không mang theo một đòi hỏi nào cả. Vỹ nói, anh thực sự thích tâm thế ấy. Tâm thế của một con phù du trong cuộc đời. Sáng tạo những gì mình muốn và cũng có thể là xóa sạch dấu vết trước khi mất tích trong nhân gian.

Hoàng Phượng Vỹ mang gương mặt của nỗi buồn. Lúc anh tào lao, nhăng cuội với bạn bè, lúc anh bàn sấp ngửa về nghệ thuật, hay lúc anh ngồi im lặng trong đám đông, lúc anh ngà ngà hơi men hay lúc tỉnh táo... đều cho người đối diện một cảm nhận nào đó về mất mát. Cứ như thể Vỹ đang cố tìm lại những gì đã mất đâu đó trong đời sống của mình. Có cái gì thật riêng và thật chung ở Vỹ, với những kẻ mà một lý do nào đó, đời sống đặt họ trong lựa chọn nghệ thuật, là nỗi cô đơn, sự lạc loài.

Không biết vì sao, nhưng đó là một tâm trạng thường thấy của kẻ trót dính chàm nghệ thuật, dù cho họ có nhà cửa, có gia đình, có con cái. Nghĩa là có tất cả những thứ mà người đời quan niệm là hạnh phúc. Dường như luôn có một điều gì đó từ sâu bên trong nhắc với họ rằng, còn một đời sống cao hơn thế mời mọc họ, sẵn sàng làm họ tuyệt vọng. Và sinh ra cơ chế của buồn, của cô đơn. Và đó cũng chính là cơ hội của nghệ thuật. Với Hoàng Phượng Vỹ, là cơ hội của vẽ, của màu sắc.

Hoàng Phượng Vỹ nói, không có gì tuyệt bằng khoảnh khắc được ở trong màu sắc. Một sự bay bổng, một thăng hoa của tâm hồn, một sự rời bỏ và một sự chạm vào được thiết lập. Đối với anh, khoảnh khắc cuộc sống chảy qua mình là vĩnh cửu. Nó chính là cái giá của nghệ thuật, chứ không phải sự tồn tại của bức tranh, giá tiền của bức tranh. Bởi thế, Vỹ rất yêu những cái bất thường trong nghệ thuật.

“Những cái bất thường là rất hay, là những cái không ngờ tới, là sự vụt hiện của trí não, tâm hồn hay trái tim, mà không có dấu vết của học hành hay tính toán. Đó là cơn bão của vô thức, sự mộng mị liêu trai nửa tỉnh nửa thức của đời sống nhiều bí mật. Đó là quà tặng của thượng đế”.

Nghệ thuật, theo Vỹ, phải chứa đựng những bất thường như vậy, thì mới đủ cao và sâu để mời gọi. Anh không ưa sự toan tính khổ luyện, cũng như đánh giá vừa phải sự cần cù chăm chỉ. Con đường của trí khôn, theo Vỹ, không phải là con đường lớn của nghệ thuật. Trong tranh của Vỹ, nếu có thể nói là tìm kiếm, thì đó là tìm kiếm sự hài hòa trong những đối cực. Vỹ rất sợ cái đèm đẹp.

Theo anh, cái đèm đẹp sẽ giết chết cái đẹp. Vỹ cực lực phản đối sự an toàn của những cái đẹp nghệ thuật. Nó là sự ru ngủ, sự vuốt ve cảm xúc ở mức độ thấp, nó bào nhẵn giác quan của công chúng trong cảm nhận nghệ thuật. Nó tiêu diệt những cá tính riêng, tiêu diệt những khác biệt. Một kiểu thị hiếu rất nguy hiểm cho nghệ thuật và sự phát triển của nó.

Trong tranh của mình, Vỹ sẵn sàng đặt những màu nóng cạnh nhau. Những màu mà nếu học ở trường lớp, không ông thầy nào cho phép. Nó chống lại sự hài hòa uyển chuyển, nó chẳng thèm đoái hoài những tinh tế khúc thức của sách vở. Nó chỉ chạy theo một lối duy nhất, là cơn điên rồ của cảm xúc người cầm cọ. Nó sẵn sàng cho việc, hoặc trở thành một ấn tượng, một sự sửng sốt nào đó, hoặc bị chê bai, vứt bỏ. Vỹ nói, nếu cần phải vứt, không sao cả.

Mọi thứ người họa sĩ giỏi nhất vẽ ra không phải đều là kiệt tác. Người họa sĩ cần phải quên bức tranh đi, dù họ đang vẽ nó. Điều họ theo đuổi duy nhất là trung thực với cảm xúc của mình, tự do hoàn toàn trong chính mình, thoát khỏi mọi quy ước, lệ thuộc.

Một tác phẩm của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ.

Không phải lúc nào trong lưới cũng có cá đâu, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ thường hay đùa như vậy khi nói về công việc sáng tác. Tất cả sự tự do, trung thực hay bản lĩnh của người nghệ sĩ đều nằm dưới bàn tay của yếu tố Trời cho. Đấy là tài năng. Mà tài năng cũng không thể phân tích bằng lời, không thể so sánh hay tìm kiếm. Người nghệ sĩ cũng thường phải sống trong những nguy cơ, những mạo hiểm số phận.

Rằng tài năng của anh là thật hay chỉ là ảo tưởng, là cái anh nghĩ ra, cái anh tự huyễn hoặc mình. Đã có bao nhiêu người mê muội sự bí ẩn của nghệ thuật, một đời thân tàn ma dại vì tiếng gọi huyễn hoặc của nó, lao theo nó rồi cuối cùng nhận ra “chẳng có con cá nào trong lưới” cả. Nghệ thuật mệnh danh cái đẹp và khuôn mặt phía sau của nó là nghiệt ngã, là sự vô danh hay vô tăm tích.

Cuộc sống phi lý trong muôn vàn thứ sắp đặt tưởng như hợp lý của nó. Hoàng Phượng Vỹ, từ rất sớm đã nhận ra điều này. Anh thậm chí đã nhìn đời sống theo bản chất phi lý ấy, và biểu hiện nó trên từng bức họa. Xem tranh của Vỹ và cảm cách anh diễn giải đời sống, chợt hiểu ra một triết lý giản đơn. Rằng, chỉ cần giữ lấy cho mình một cặp mắt ngây thơ, ta sẽ gặp cái vô thường, sẽ tránh được những gì rối rắm, phức tạp, chằng chịt của tâm trí, của những rào cản mà ta đã kỳ công tạo ra.

Ngây thơ là sự tĩnh lặng trong vắt của tinh thần, của thẩm mỹ, không phải sự khờ khạo hay mù quáng. Chỉ có sự tĩnh lặng của tinh thần mới dắt lối để mỗi người trong chúng ta cảm nhận đời sống như buổi đầu tiên, như nó vốn có, và thấu hiểu được không chỉ cái hợp lý mà cả cái phi lý mà nó chứa đựng. Nghệ thuật không phải là sự giải thích hay mô phỏng đời sống. Nghệ thuật là sự khơi gợi, là sự cất tiếng từ sâu bên trong. Và người chạm vào nghệ thuật cần phải từ bỏ hay đi qua những ồn ào bên ngoài, để có thể nhìn ngắm một đời sống khác, khi toàn bộ đời sống thực đã biến mất.

Hoàng Phượng Vỹ nổi danh từ rất sớm. Giải thưởng mỹ thuật trong nước, quốc tế cũng chẳng kém cạnh ai. Triển lãm cá nhân, triển lãm chung vẫn thường xuyên hàng năm, và tên tuổi anh được nhắc đều đều dù muốn hay không muốn. Nghĩa là chẳng “vô tăm tích” chút nào, như ý niệm nghệ thuật mà anh tâm đắc. Vỹ nghe, không hào hứng cũng chẳng thờ ơ, không nhiệt tình cũng chẳng cáu giận.

Điều này liệu có thể trở thành một mối bận tâm của Vỹ được chăng, khi anh đã hiểu từ rất sớm thế nào là danh tiếng, thế nào là nghệ thuật. Bởi anh được sinh ra trong gia đình có người cha nổi tiếng, và suốt tuổi thơ được trò chuyện, đánh đu với những người nổi tiếng, là bạn của cha mình. Vỹ không buồn sa đà chuyện danh tiếng, những sắc sảo ngôn từ cũng không màng ở đây.

Nhưng trong sự thờ ơ lãnh đạm ấy, Vỹ thực ra đã nói tất cả rồi. Rằng danh tiếng chẳng phải là tấm áo để ta thấy bớt đi sự vô nghĩa hay phi lý của kiếp làm người. Rằng danh tiếng chẳng phải là phần thưởng, nó có khi là gánh nặng, là tai họa không chừng. Rằng danh tiếng cũng giống như tấm bọt biển, sóng sẽ đánh tan đi trong một cơn bão. Rằng danh tiếng chỉ là hư ảo, là thứ ánh sáng không có thật khúc xạ từ bên ngoài, chỉ có thể hấp dụ những con thiêu thân hão huyền về nhan sắc của nó. Danh tiếng luôn chứa một cái chết, chờ đợi những ứng viên nhiệt tình đến sắm vai mà thôi.

Vỹ dường như chỉ muốn sau sự im lặng, uống nốt ly cà phê dang dở, trong cái quán mùa hè đầy ánh sáng. Rồi sẽ rời từ quán này đến một nơi khác, ngắm lại bức tranh anh đã tặng cho một người bạn, đã được bỏ khung và treo trên tường. Rồi có thể anh lại chạy tới một cái quán khác, với những người bạn nghệ thuật của mình, chả buồn nghiêm trọng, chỉ nhăng cuội đủ điều cho hết một buổi chiều. Khi rượu đã ngấm, chợt thèm đến cuồng dại được bay trong toan trắng và màu, Vỹ sẽ phóng xe máy về nhà, nhốt mình trong phòng vẽ.

Và cuộc đối thoại của Vỹ với sắc màu, trong bóng tối, thì mãi mãi là bí mật của riêng anh. Những gì hiện lên trên mỗi bức tranh, có thể cũng chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc đối thoại đó. Bởi còn bí mật nên sẽ luôn còn lối cho Vỹ quay về, sau những la cà bạn bè quán xá, sau những cơn say. Để rồi một buổi sáng nào đó, tràn ngập cảm hứng, Vỹ lại hiện ra ở một quán cà phê, nói như lên đồng về nghệ thuật...

Bình Nguyên Trang
.
.