Hoạ sĩ Hoàng Đình Tài: Một mình một lối
Làng hội họa gọi Hoàng Đình Tài là gã họa sĩ bảo thủ đến mức độc đoán, tranh của gã cắt đứt hoàn toàn sợi dây liên lạc với gốc rễ mỹ nghệ của sơn mài, không có chỗ cho sự rườm rà, chi tiết. Nhưng Hoàng Đình Tài luôn luôn khát bỏng bước độc hành, anh không theo lối tả thực mà đi theo lối của riêng mình, bướng bỉnh và ngây thơ, hiện đại nhưng huyền bí.
Hai lần được thầy… cứu tranh
Không có Hoàng Đình Tài, tranh sơn mài Việt Nam vẫn có những người đỉnh cao, với màu sắc đằm thắm, rung tới tận đáy lòng người xem. Nhưng không có Hoàng Đình Tài, ắt hẳn làng hội họa sẽ thiếu đi một phong cách độc đáo mà người xem chỉ nhìn, dù chưa đọc tên đã biết của ai. Tài vẽ về cái anh cảm thấy chứ không phải cái nhìn thấy, nhưng qua đó người ta vẫn thấy sự lung linh của cảnh vật, sự hồ hởi của tâm hồn hay sự đớn đau của những phận người.
Xem tranh của Đình Tài, tiếp xúc với anh, người ta cũng nhận ra cái sự kiêu căng nhất định, không phải vì anh là một họa sĩ được kết nạp Hội Mỹ thuật Việt Nam sớm nhất, cũng không phải anh đã có giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Đó là cái chất Hoàng Đình Tài, một phần ảnh hưởng của người thầy, người anh - cố họa sĩ Nguyễn Sáng. Nguyễn Sáng có một khuôn mặt dữ dằn, lúc nào cũng khó đăm đăm, nhưng đằng sau đó là sự yếu đuối đến đáng thương, một nỗi cô đơn độc hành khó hiểu và một trái tim nhân hậu. Bè bạn cùng thời bảo ông cố gồng mình lên trước những thiếu thốn và sự khắc nghiệt của cuộc đời. Còn Hoàng Đình Tài chỉ kiêu trong nghệ thuật, bề ngoài anh giản dị, giản dị như chính những bức sơn mài anh gửi gắm tâm hồn lên đó. Giản dị nhưng không giản đơn, mộc mạc nhưng đạt được cái chất của nghệ thuật.
Trước khi đến với sơn mài, Tài vẽ ký họa trong chiến trường và vì chiến trường. Anh vẽ bằng hơi thở của người từ trong cuộc chiến đấu, mang tiếng nói của một người lính. Gần 10 năm ở chiến trường đã cho anh biết thế nào là khổ đau, là lý tưởng, là cái đẹp vượt lên sự chết chóc, là một nhành hoa ấm hơi xuân bên những hố bom. Thành tích đã khiến anh trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1972. Thế nhưng lúc đó nhiều người còn chưa biết đến anh và việc gặp những người thầy, họa sĩ nổi tiếng với anh vẫn chỉ là mơ ước. Cho đến khi Tài từ Trường Sơn trở về dự trại sáng tác của Hội Mỹ thuật. Anh đem theo một số bức ký họa Trường Sơn, đưa cho các giáo sư đại học, họa sĩ xem mà hai tay run run như đứa trẻ nhút nhát lần đầu tiên bị gọi lên bảng. Rồi anh lẽo đẽo đi theo các thầy, tò mò xem các thầy "phán xét" những bức tranh của các họa sĩ khác thế nào.
"Tôi thấy lo, vì các cụ không ưng nhiều tác phẩm của một số người đã học 5 đến 10 năm mỹ thuật rồi. Đến lượt tôi, họa sĩ Nguyễn Tiến Chung xem tranh và nói: Ngay đến cậu cũng không nhận ra giá trị của cậu đâu. Tranh của cậu có hình, có bố cục hẳn hoi, rất được. Người thầy - người họa sĩ uy tín Nguyễn Tiến Chung đã khen những lời mà tôi phát hoảng. Lúc đó, thầy không biết tôi là ai, ông hoàn toàn vô tư chứ không thiên vị và tôi biết đó cũng không phải là những lời ban khen xã giao" - Đình Tài tâm sự. Ngay cả lúc này ngồi nói chuyện với tôi, anh vẫn không giấu nổi xúc động khi nhớ về thầy. Sau hôm đó, Đình Tài tự nghĩ, tranh mình phải có cái gì đó gây xúc động cho thầy chứ không phải thầy khen suông. Tại sao thầy lại khen mình mà không khen những người đã được học hành tử tế? Điều đó làm anh trăn trở và phần nào thấy vui vui. Quả nhiên sau đó không lâu, Đình Tài biết, người thầy tinh tường ấy đã nhận ra khả năng của anh, một lối đi riêng không giống ai, như một đột phá của chàng trai trẻ tuổi với thể loại sơn mài.
Ở trại sáng tác mỹ thuật, Hoàng Đình Tài vẽ một bức khổ lớn. Bức tranh hoàn thành là một khó nhọc hết sức với một người còn chưa thạo tranh khổ lớn. Anh cảm giác thiêu thiếu một cái gì đó và thấy bất lực, không thể nào sửa chữa được. Anh mời họa sĩ Nguyễn Tiến Chung đến sửa tranh cho mình, chứ không còn là góp ý nữa, vì không thể làm gì khác cho nó khá hơn. Khi những nét cọ của Nguyễn Tiến Chung đi đến đâu, thì Đình Tài cảm giác như bức tranh bừng lên đến đó, bỗng chốc có sức sống, có da có thịt. Anh bảo, chính thầy Chung đã cứu bức tranh đó và nó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ.
Sau khi mãn trại sáng tác, Đình Tài mang bức tranh đó về Hải Phòng rồi được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại. Một lần khác, Hoàng Đình Tài được thầy cứu tranh, đó là khi anh làm bài tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1979. Trong khóa học có 4 bức sơn mài, thì 1 bức của Tài đạt loại B với 7 điểm, sau đó thầy Trần Lưu Hậu thấy không thỏa đáng, đã chấm lại và cho lên loại A, 8 điểm. Hoàng Đình Tài cười khà khà với tôi: "Đúng là phải có những người thầy tinh tường và công minh đó, nếu không thì tác phẩm hay cũng ra rác!".
Nghệ thuật là một sự giải thoát
Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác Hoàng Đình Tài chia làm hai giai đoạn, một là giai đoạn vẽ ký họa ở Trường Sơn, một là giai đoạn vẽ sơn mài sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Sinh ra ở Hưng Yên, nhưng gã "bảo thủ" lớn lên ở thành phố Hải Phòng và hoạt động ở Hội Văn nghệ Hải Phòng, chiến tranh, anh làm lính pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Tài say mê hội họa, được một Chính ủy để ý vì thấy anh say vẽ. Ông rút Tài về làm công vụ, sau đó anh vào Binh trạm 8 (Vinh), liền gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật. Sau cả hai cùng vào Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Hai người gắn bó với những kỷ niệm đẹp của người lính làm văn nghệ.
Năm 1969, Hoàng Đình Tài được điều về Quảng Bình và trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, anh làm ở Phòng Tuyên huấn, kẻ panô, ápphích, vẽ ký họa. Ngoài ra còn làm triển lãm ngay trong chiến trường, trên đường ra trận, ở một hẻm núi. Từ năm 1970 đến 1972, nhiều tờ báo như báo Văn nghệ, Quân đội nhân dân, Trường Sơn… in rất nhiều tranh ký họa của Hoàng Đình Tài, với bút danh Hoàng Tài Vị. Trong suốt những năm tháng đó, Đình Tài vẽ bằng hơi thở nhiều sinh lực, chứ không phải bằng cách nhìn của một chàng sinh viên mới ra trường. Nó mang hào khí của người lính, chứ không phải của một họa sĩ đi vào chiến trường.
Năm 1972, do những hoạt động mỹ thuật ở chiến trường, Hoàng Đình Tài được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, khi mới 25 tuổi. Vào học Trường Đại học Mỹ thuật năm 1974, Đình Tài có cơ hội gần gũi với các danh họa như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên... và cũng chấm dứt giai đoạn vẽ bản năng. Anh bắt đầu đi vào chiêm nghiệm cuộc sống bằng những suy tư tranh, trên màu sắc và một cây cọ hoạt bát. Anh vẽ nhiều về hình ảnh phụ nữ.
Khi hỏi, anh nói đó chỉ là cái cớ. Người họa sĩ mượn hình ảnh người phụ nữ để nói lên tâm trạng và mô phỏng bức tranh tâm hồn. Cũng như anh đã vẽ nhiều bức tranh nhảy múa, nhưng có sự nhảy múa không phải là thứ nhảy múa của nghệ thuật mà là cuộc hành tiến của kiếp người.
Ai đó nói người ta cần sống nhiều chứ không phải sống lâu, khi gặp Hoàng Đình Tài, tôi càng thấm thía câu nói ấy. Sống và chiêm nghiệm, không lệ thuộc vào công danh phù du. Với anh những lời ban khen đều nằm ngoài nghệ thuật, nghệ thuật là một sự giải thoát thênh thang khỏi mọi khổ đau. Cái sự giải thoát đó có sức mạnh bằng ngàn vạn lời khen. Như đã nói, Đình Tài là họa sĩ bảo thủ đến mức độc đoán và anh cũng chẳng cần ai ban khen. Anh bảo mình tự biết bản thân là vàng là ngọc, cho dù vàng ngọc đó chỉ để cất trong hòm. Bởi tranh của anh là tình yêu của anh, cuộc sống anh.
Họa sĩ Đỗ Đức nói về Hoàng Đình Tài rằng: "Tài vẽ sơn mài không giống như nhiều người đã vẽ chất liệu này. Anh mê chất liệu sơn mài như mê gái và có thể say sưa nói về nó đến mức rồ dại như là trên đời này chẳng còn chất liệu nào ra gì. Cái bốc đồng cực đoan ấy chẳng hại ai, nhưng với cá nhân họa sĩ nó là chất xúc tác tạo ra chất lượng, tác giả đã đi rất sâu vào tìm tòi khả năng biểu cảm của chất liệu. Tôi tin điều đó chính xác cũng như tôi đã bỏ ra hai mươi năm lần mò với giấy dó rồi mới làm chủ được nó. Những gì có hôm nay của Hoàng Đình Tài có lẽ là thành quả đáng kể của mối tình đó, giống như Đường Minh Hoàng chỉ có một Dương Quý Phi".--PageBreak--
Học thầy và phủ định thầy
Về Hà Nội học Mỹ thuật, Hoàng Đình Tài khẳng định mình chịu ảnh hưởng bởi thầy Nguyễn Tiến Chung và thầy Nguyễn Sáng. Với Nguyễn Sáng, ảnh hưởng của ông đến Hoàng Đình Tài nhiều hơn. Nguyễn Sáng là người khắt khe trong việc chọn bạn, nhưng đã chơi với ai là chân thành. Đình Tài đã vượt qua bao mặc cảm, trở ngại để đến với Nguyễn Sáng và được ông quý.
"Nguyễn Sáng là thần tượng của tôi. Cuộc đời mỗi con người ai cũng cần phải có thần tượng. Thần tượng ấy đại diện cho ước mơ, niềm tin, cho đường chân trời. Không có thần tượng là bất hạnh, nhưng không thoát được cái bóng của thần tượng còn bất hạnh hơn. Tôi học Nguyễn Sáng và cũng đã thoát được cái bóng của ông" - Hoàng Đình Tài khẳng định thế.
Thoát khỏi ảnh hưởng của thầy, cái bóng của thầy là việc mà bất cứ người thầy chân chính nào cũng muốn học trò làm. Anh cũng cho biết, mình bị Nguyễn Sáng mê dụ bởi cách sống, bởi cái sang trọng vốn có trong nghệ thuật của riêng ông. Nguyễn Sáng từng dạy Tài rằng, muốn vẽ hay phải sống hay. Và có lần Tài đã hỏi thầy: "Thưa thầy, làm sao để vẽ cho đẹp?".
Nguyễn Sáng bảo: "Em muốn vẽ hay thì đầu óc phải vận động". Càng ngày Tài thấy điều đó càng đúng. Một họa sĩ kém có thể vẽ lâu ngày rồi thạo nghề, chưa quen vẽ lâu thành quen, nhưng phải có đầu óc vận động thì mới vẽ hay được. Ở thể loại tranh sơn mài, người khéo tay chỉ làm ra tranh thủ công mỹ nghệ, chứ anh ta chưa chắc thổi được cái chất nghệ thuật, mỹ thuật trong đó, không thổi được cái hồn, sự xúc động, sự ngây thơ phập phồng trên mặt tranh. Cho nên, Hoàng Đình Tài rất coi trọng những người thầy và đánh giá cao sự dạy dỗ của những người thầy đức độ. Bản thân tôi, một người làm văn học cũng có suy nghĩ như vậy. Có những người sẽ kích thích sự sáng tạo của ta, cũng có người giết chết khả năng sáng tạo của ta.
Nguyễn Sáng là họa sĩ có tư tưởng, lay động với hình họa và màu sắc hiện đại, giản dị mà không khô khan, không sáo rỗng bởi con tim thành thực yêu thương cùng với tài năng biến ảo, đa dạng. Ông đẩy sơn mài đến đỉnh cao với tầng lớp đời thường cần lao, cảnh bi hùng chiến trận, chiến tranh cách mạng, những xung đột mạnh mẽ của cuộc sống hiện tại. Ông bổ sung vào sơn mài bảng màu vàng, xanh, diệp lục với cách diễn tả phong phú dường như vô tận.
Trong trí óc Hoàng Đình Tài, Nguyễn Sáng là người họa sĩ của đời sống, ông đã kết hợp được cái hào sảng đậm chất Nam Bộ với cái sâu xa, thâm thúy Bắc Bộ. Những năm cuối đời, Hoàng Đình Tài gắn bó với thầy Sáng. Tôi dám chắc, Nguyễn Sáng linh thiêng, sẽ rất hài lòng về người học trò đã thoát ra khỏi cái bóng của thầy.
Khát khao chuyển giai đoạn
Sau mười năm làm việc tại Công ty Mỹ thuật trung ương, Hoàng Đình Tài trở về làm một họa sĩ tự do. Anh say đắm thứ nghệ thuật như ma mị mà mình tạo ra, đi theo nó như có một ngôi sao dẫn đường. Anh bảo dường như số phận đã phân cho anh cái ô nghệ thuật rồi, đi làm việc khác là hỏng, anh chỉ có thể làm họa sĩ.
Tôi hỏi Hoàng Đình Tài về những dự kiến của mình trong tương lai, anh bảo rằng giờ đang trăn trở cho việc chuyển giai đoạn. Hình thành một giai đoạn vẽ khác mình đi, không phải đơn giản. Anh ước làm sao vẽ được những bức tranh mạnh mẽ, có sức hút không cưỡng được, như thời trai trẻ anh từng có cảm giác đó trước tranh của các bậc thầy. "Cơn đau đẻ" này là điều tất nhiên đối với những người làm nghệ thuật chân chính.
Tôi tin Hoàng Đình Tài sẽ làm được điều gì đó cho ước vọng của mình. Bởi anh yêu tự do, sống thật với nghệ thuật, trung thành với lý tưởng bằng con tim trong trẻo và không uốn cong cây cọ vì tiền. Cũng như thầy Nguyễn Sáng, Hoàng Đình Tài không bao giờ vẽ theo đơn đặt hàng