Họa sĩ Bửu Chỉ với “con mắt còn lại”

Thứ Năm, 17/06/2021, 12:57
Có người khắc họa Bửu Chỉ là "Giọt máu của Huế". Bởi lẽ ông đã hiến dâng trọn đời vì đất mẹ. Sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Bửu Chỉ thấm đẫm văn hóa sông Hương-Bến Ngự một thuở truân chuyên sóng gió. Đồng thời sắc màu của ông sâu thẳm nét trầm mặc của Phật giáo. Tranh Bửu Chỉ luôn nổi bật những nỗi niềm trăn trở về thân phận con người, mà ở đó tiếng thời gian luôn đánh thức Huế trong mỗi sớm mai.


Nghệ thuật đứng về phía nước mắt

Ít người biết họa sĩ Bửu Chỉ (1948-2002) khi dấn thân vào cuộc đấu tranh trong phong trào sinh viên Huế (từ 1968) đã tạo dựng "Slogan" sáng tác với tiêu chí "Nghệ thuật đứng về phía nước mắt". Trong vai trò Tổng thư ký "Hội sinh viên sáng tác Huế", họa sĩ Bửu Chỉ đã vẽ bộ tranh "Tiếng thét từ lòng đất" gây rúng động tinh thần đấu tranh của thanh niên sinh viên. Tuy là con nhà quan lại triều Nguyễn và là sinh viên khoa Luật của Đại học Huế (tốt nghiệp năm 1971) nhưng Bửu Chỉ sớm tỏ thái độ căm thù giặc Mỹ xâm lược. Bửu Chỉ học vẽ từ nhỏ do cha dạy và truyền nghề nên rất tài hoa.

Với tư duy độc đáo khi thể hiện khí phách Huế, hình tượng quật khởi qua tác phẩm của Bửu Chỉ đã làm kẻ thù lo sợ. Chúng vây bắt sinh viên học sinh đi lính, trong đó có Bửu Chỉ. Khi mọi người bị dồn lên trại lính, Bửu Chỉ đã hiên ngang đứng dậy hô hào mọi người chống lệnh động viên. Nhiều người đã vất lại quần áo lính và bỏ trốn. Lập tức Bửu Chỉ bị bắt giữ và đưa ra tòa án binh xử tội (1972). Chàng luật sư trẻ bị kết tội chống quân lệnh và nhận án 5 năm tù giam.

Tranh cổ động đấu tranh.

Nhà tù như một lò tôi luyện thêm ý chí sáng tạo nghệ thuật cách mạng của Bửu Chỉ ngày càng thêm mãnh liệt. Với mọi phương tiện trong tay, Bửu Chỉ vẽ tranh rồi gửi ra ngoài. Những bức tranh bút sắt và mực Tàu của Bửu Chỉ thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất và kiên cường của các chiến sĩ Huế. Hàng chục tác phẩm được đưa lên tranh cổ động tuyên truyền cách mạng và in trên báo Mặt trận giải phóng.

Đó là bức tranh vẽ những bàn tay ứa máu bị xiềng xích trong tiếng gào thét phẫn nộ. Hoặc đó là ánh mắt vô vọng sau song sắt nhà tù. Ai nấy đều xúc động với hình ảnh đôi bàn tay mẹ già che chở cho con thơ. Bên cạnh đó là chân dung mẹ tử tù bị trói chặt tay phía sau bên đứa con nhỏ dại. Đặc biệt tinh thần đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ cách mạng được thể hiện rất dữ dội, có sức lay động sâu rộng trên các mặt trận.

Những tác phẩm gây tiếng vang của anh như: "Ta phải thấy mặt trời", "Một tuổi thơ chưa kịp lớn", "Mẹ hòa bình", "Hãy cùng bay lên với khát vọng"; hoặc "Bầy quạ chiến tranh", "Người nữ tù", "Phá xiềng xích"... Tranh của Bửu Chỉ tạo nên sự phấn khích mạnh mẽ. Bọn cai ngục được lệnh tra tấn họa sĩ rất dã man. Chúng cố ý đánh vào đôi bàn tay của anh hòng tiêu diệt ý chí cách mạng và không cho vẽ nữa. Bửu Chỉ ở đâu cũng khuấy động phong trào đấu tranh và gây náo loạn trong tù. Giặc đã phải chuyển Bửu Chỉ đi mấy nhà giam. Cuối cùng anh bị biệt giam tại Tiền Giang (Mỹ Tho) cho đến ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975).

Với lý tưởng "Nghệ thuật đứng về phía nước mắt", tranh của Bửu Chỉ gây sự phẫn nộ, căm thù giặc Mỹ rất sâu sắc trong cộng đồng. Qua sức tạo hình có chiều sâu mang tầm vóc thời đại, tranh của Bửu Chỉ đã thức tỉnh kêu gọi thống thiết trong lương tri loài người. Trong giai đoạn này tranh của Bửu Chỉ đã cùng với âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn có sức cộng hưởng âm vang. Đây là dấu mốc của một chiến sĩ, họa sĩ đúng với trách nhiệm công dân với đất nước khi bị lâm nguy. Bộ tranh "Tiếng thét từ lòng đất" và những tác phẩm trong tù của Bửu Chỉ trở thành di sản nghệ thuật cách mạng quý báu mang khí phách Huế mãnh liệt và bất khuất. 

Khắc khoải nhịp thời gian

"Giọt máu Huế" Bửu Chỉ có tính cách phản kháng dị biệt. Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, họa sĩ cố đô Huế này có những quyết định táo bạo khó lường. Bạn bè ai cũng ngạc nhiên khi anh quyết định ra khỏi biên chế cơ quan (Tạp chí sông Hương) và xin thôi chức vụ Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên. Không những thế anh còn trắng tay khi không còn đồng lương tối thiểu để chi tiêu hàng ngày.

Bức tranh sơn dầu cuối cùng của Bửu Chỉ.

Anh giải thích làm như thế để không còn bị ràng buộc gì và bắt đầu một hành trình nghệ thuật tự do (từ năm 1985) Điều ngỡ như phiêu lưu hơn nữa khi họa sĩ Bửu Chỉ bắt đầu chuyển hướng vẽ sơn dầu. Đó là những khát khao mới. Niềm say mê sáng tạo với tư duy hướng về bản ngã. Hành trình đi tìm mình không hề dễ dàng. Sau mươi năm trau dồi và được những ánh sáng nghệ thuật hiện đại khơi gợi, Bửu Chỉ đã hình dung mình cần vẽ ra sao. Mạch ngầm phá cách hiện lên bất ngờ trong nhịp đập trái tim nồng nhiệt của người nghệ sĩ với cuộc đời. Thời kỳ đỏ lửa đã lùi xa. "Phía nước mắt" giờ đây là những thân phận và nỗi cô đơn của chính tác giả và con người. Bửu Chỉ bắt đầu với sự khác lạ ấy.

Đầu tiên là những chiếc đồng hồ và ly cà phê hiện hình trong mỗi bức tranh. Sau đó là những giọt máu hay mặt trời và ánh trăng luôn hiện diện như nốt nhạc chấm phá những nỗi niềm ẩn giấu trong tâm hồn thi nhân. Mỗi bức tranh của Bửu Chỉ như một bài thơ tượng trưng. Ngôn ngữ hội họa đầy bí ẩn. Nó tạo nhịp điệu hoang hoải trên nền nâu xám của thiền tự Huế. Nét huyền bí trong bố cục và hình tối giản đem lại sự ngạc nhiên cho người xem. Một "Sery of Time" mang tín hiệu Bửu Chỉ được tung ra với góc nghệ thuật siêu thực đã tạo hiệu ứng cao. Đó là "Nghĩ về thời gian", "Ám ảnh thời gian", "Thời gian I, II, III..."; hoặc đó là "Thời gian và tình yêu", "Chênh vênh thời gian", "Chạy trốn thời gian"...

Và biểu trưng với hình chiếc đồng hồ khi vuông, khi tròn, lúc méo nhưng luôn nặng trĩu tư tưởng và cảm xúc của người nghệ sĩ. Âm vang của tiếng chuông đồng hồ luôn cất lên thì thầm, khắc khoải những nỗi cô đơn trước vô biên và sự bất lực của lý trí. Đó là sự chống chọi với định mệnh hay là sự cưỡng lại của cái chết. Bên sự chuyển động của thời khắc chính là những con mắt còn lại trong mỗi góc cạnh. Những con mắt hiện lên trong sự rụt rè và hoang mang với số mệnh.

Những chủ đề về thân phận và nỗi cô độc sáng tạo trong hành trình đi tìm mình, tranh Bửu Chỉ còn gây ấn tượng ở hai mảng tĩnh vật và chân dung. Có khi là "Cây diêm tàn", "Ống bình vôi", "Ly cà phê", hoặc "Người và cổng đá", "Hoài niệm về một cái lỗ", "Ngọn đèn"... Riêng bộ tranh "Chân dung" Bửu Chỉ luôn ngân rung nhịp điệu ám ảnh qua đôi mắt. Đáng chú ý là chân dung Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Đinh Cường... nhưng thật sự độc đáo lại nằm ở những bức như "Chân dung Chúa", "Phật" và "Chân dung khỏa thân". Đúng là một thế giới khác lạ của Bửu Chỉ.

Tác phẩm “Cây diêm tàn”.

Anh đã cất tiếng hát riêng của cõi lòng mình. Buồn đến mênh mang. Có thể nói Bửu Chỉ đã tạo dựng một thần thoại sắc màu cho số phận đầy bi kịch của Huế. Tranh của Bửu Chỉ đã vượt không gian, nổi tiếng trên thế giới qua hàng chục triển lãm quốc tế vào cuối những năm 80 và thập niên 90. Nhiều nhà sưu tập trong nước và nước ngoài săn lùng sưu tập tranh của Bửu Chỉ. Anh là họa sĩ duy nhất ở nước ta được mời tham dự triển lãm "Quyền hy vọng" do Liên Hợp Quốc tổ chức (1995).

Tự họa

Bức tranh cuối cùng Bửu Chỉ vẽ bìa cho cuốn sách của mình, chính là con mắt còn lại nhìn qua kẽ ngón tay. Có thể con mắt của anh được chắt lọc từ sự ám ảnh liêu trai qua bài hát "Con mắt còn lại" của Trịnh Công Sơn. Đây là sự bổ sung cho những chân dung tự họa của anh trong cuốn sách. Chùm chân dung tự họa này có "Tiếng vọng một đời người", "Chân dung tự họa" và "Con mắt"... Nhưng có lần anh còn nói ly cà phê hay bình vôi cũng chính là chân dung tâm hồn mình. Họa sĩ lý giải nghệ thuật là ngôn ngữ của các tín hiệu. Những tín hiệu mà Bửu Chỉ gửi gắm chính là "Thời gian", "Phận người" và "Con mắt" là như thế. Chúng nhuốm màu bi kịch về tình yêu và lẽ sống.

Chân dung tự họa.

Khi chia tay tiễn biệt trong lễ tang đưa Bửu Chỉ về cõi vĩnh hằng sau cơn tai biến bất ngờ (14-12-2002), nhà thơ Thái Ngọc San đã xúc động viết: "Tấm gương bát quái đã vỡ/ Mày đã bay vào cõi vô sắc/ Với niềm đam mê núi lửa/ Và nỗi cô độc giá băng". Năm 2017, họa sĩ Bửu Chỉ đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, với hai bộ tranh "Tiếng thét từ lòng đất" và "Khát vọng hòa bình".

Vương Tâm
.
.