Kiến trúc sư - nhà phê bình mĩ thuật Vũ Hiệp:

Hiểu người Việt qua mã gen nghệ thuật

Thứ Sáu, 25/09/2020, 10:42
Vũ Hiệp gây nhiều sự chú ý cho tôi. Không chỉ bởi tác giả sinh năm 1982 này được nhận định là hiện tượng trong lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thời gian gần đây. Mà còn bởi, ở anh có sự dung hòa hết sức tự nhiên giữa một nhà kĩ thuật và một nghệ sĩ…

Đi xa để nhìn gần

Hiệp từ nhỏ đã thích vẽ. Lớn lên, không phải vân vi chọn lựa, anh thi và đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Hết kì 1 năm thứ nhất, Hiệp giành được học bổng ngành kiến trúc tại Trường Đại học Kiến trúc và Xây dựng Saint Petersburg (Liên bang Nga) - một trong ba trường kiến trúc nổi tiếng được thành lập sớm nhất ở châu Âu.

7 năm học ở thành phố Saint Petersburg (từ năm 2001 đến năm 2008), Hiệp được đắm mình trong cái nôi nghệ thuật của xứ Bạch dương. Không chỉ học kiến thức ở trường đại học, Hiệp còn được tiếp xúc trực tiếp với các tác phẩm mĩ thuật, kiến trúc nổi tiếng trên thế giới tại các bảo tàng, các trung tâm nghệ thuật, được trao đổi ngoài lề với các thầy cô, các nhà nghiên cứu về những vấn đề tâm đắc.

Hiệp từng đến thăm Cung điện Mùa Đông và rất ấn tượng khi thấy những người dân lặn lội từ các vùng quê xa xôi của nước Nga đến đây thăm quan, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật kinh điển của thế giới. Đó chính là những trải nghiệm đáng quý và đáng giá trong quãng thời gian anh học tập ở nước ngoài.

Cũng từ ngày đó, nhu cầu viết luôn thường trực. Hiệp viết bài đăng báo, hoặc ghim lại những điều anh thấy ấn tượng, tâm đắc, những ý tưởng vụt hiện trong đầu. Chính những bài viết lẻ tẻ ấy sau này đã giúp Hiệp nối liền mạch tư duy và triển khai được nhiều vấn đề về mĩ thuật, kiến trúc. Kết quả là gần chục cuốn sách nghiên cứu có giá trị ra đời trong vòng 5 năm trở lại đây. Cuốn nào Hiệp cũng tự tay thiết kế bìa, trau chuốt, định vị từng khuôn ảnh, bởi anh muốn chăm lo cho những đứa con tinh thần một cách trọn vẹn nhất. 

Hiệp nói vui với tôi, sau khi về nước, ngày anh đi xây nhà, tối về vẫn viết sách. Anh cảm thấy khổ tâm khi nhiều lúc không đủ thời gian để viết. Hiện tại, anh giảng dạy môn Kiến trúc và môn Quy hoạch đô thị tại khoa Kĩ thuật xây dựng, Trường Đại học Giao thông - Vận tải. Ngày đến giảng đường giảng dạy, tối về Hiệp lại ôm laptop để tiếp tục cuộc viết còn dang dở. Sau 7 năm ở trời Tây, Hiệp quay về, lặn thật sâu trong đời sống mĩ thuật, kiến trúc Việt Nam để cảm nhận và lí giải bằng lối tư duy hiện đại, khách quan.

Kiến trúc sư - nhà phê bình mĩ thuật Vũ Hiệp.

"Người Việt Nam thế nào tạo ra nghệ thuật thế ấy"

Vũ Hiệp hướng đến những khả tính mới của nghệ thuật từ chính nội hàm con người Việt với những điều kiện đặc thù về lịch sử, văn hóa, sinh thái và di truyền. Đây là cách tiếp cận nghệ thuật bằng nhân học, cụ thể là các phân nhánh nhân học văn hóa, nhân học cấu trúc, nhân học sinh thái, nhân học di truyền.

Khái niệm "di truyền" ở đây không chỉ được hiểu theo nghĩa sinh học mà còn được theo nghĩa văn hoá. Với những di sản vật thể và phi vật thể như kiến trúc, folklore, ca dao tục ngữ, chúng ta có thể nhận diện một số đặc tính nghệ thuật của Việt Nam được di truyền qua nhiều thế hệ. 

Hiệp gọi những đặc tính này là "mã gen nghệ thuật" - yếu tố căn cốt nằm sâu bên trong các biểu hiện văn hóa, được coi là đặc tính riêng của dân tộc. Theo Hiệp, trong những "mã gen nghệ thuật" có cả những nét tích cực và chưa tích cực của người Việt. Điều quan trọng là cần phải hiểu đúng và hiểu sâu tất cả những ưu, nhược điểm đó. Có khi ngay cả từ những nhược điểm cũng có thể tạo nên dấu ấn.

Trong tâm thế chủ động hội nhập thế giới, chúng ta cần được trang bị những nền tảng lý luận vững chắc để có thể bảo tồn và phát huy những đặc tính nghệ thuật cha ông truyền lại. Lý thuyết "mã gen nghệ thuật" mà Hiệp đề xuất đã khơi gợi và chứng tỏ rằng "người Việt Nam thế nào tạo ra nghệ thuật thế ấy". Đó chính là tinh thần của cuốn sách "Nghệ thuật dưới góc độ di truyền" được Hiệp đúc kết sau một quá trình nghiên cứu nghiêm túc và công phu.

Thông qua cách tiếp cận lí luận mĩ thuật mới mẻ và thú vị, Hiệp đã phác thảo 7 mã gen kiến trúc Việt Nam được diễn giải trên cơ sở nhân học như: Chiết trung, Tối đa, Chen lấn, Tùy biến, Đa lớp, Ẩn dật, Linh điểm. Những mã gen này đều được dẫn giải trên cơ sở nhân học. 

Chẳng hạn, Hiệp lí giải về cấu trúc của Nhà thờ chính tòa Phát Diệm (Ninh Bình) là sự kết hợp giữa mô thức nhà thờ phương Tây với kiến trúc truyền thống Việt Nam, giữa vật liệu gỗ quen thuộc với vật liệu đá mới mẻ (đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ), giữa nghệ thuật chạm khắc gỗ và chạm đá tinh xảo. Tất cả tạo nên bố cục hài hoà, tầm nhìn thị giác được đảm bảo, hình thức nghiêm trang mà gần gũi. Và đó chính là sản phẩm của xu hướng Chiết trung - một mã gen nghệ thuật thể hiện sự tổng hợp, hỗn dung các phong cách kiến trúc của người Việt.

Hiệp cũng đi sâu vào định vị phong cách Tối đa - một mã gen nghệ thuật hiện diện ở công trình lăng Khải Định. Đó là sự tổng hợp nhiều phong cách kiến trúc Đông, Tây; là kỹ thuật đắp nổi các hoa văn lai ghép một cách đầy chật hết mức; là kĩ thuật gắn mảnh sứ điêu luyện với màu sắc phong phú. Ở công trình này, Hiệp nhận ra điều thú vị là tất cả những cái tưởng như phù phiếm, chộn rộn trong từng chi tiết lại rất nghiêm trang, vững chắc ở tổng thể. Phải chăng lăng Khải Định - một nơi chốn của cái chết giữa sự sống, một ranh giới khó nắm bắt của tồn tại người thì sự tối đa, dư thừa sẽ xoa dịu nỗi cô đơn, trống rỗng của hiện sinh?

Tôi đã nghiền ngẫm cuốn sách của Hiệp trong sự thú vị, bất ngờ vì nó biểu hiện cả tính kỹ thuật lẫn chất nghệ sĩ của tác giả. Một cách viết không hề khô khan, dễ tiếp nhận với lối diễn dịch và quy nạp mới, cũng như cách đối chiếu khá tường minh. Anh đặt ra nhiều vấn đề mới lạ với những cách giải quyết mới lạ dưới con mắt "liên ngành". Có đọc sách của Hiệp mới thấy sức đọc - nghĩ - trải nghiệm rất mạnh, bởi tư liệu, cứ liệu phong phú, rộng rãi, thậm chí chuyên biệt.

Điều thú vị là Hiệp luôn đưa ra những phân tích đánh giá về các mã gen nghệ thuật của Việt Nam trong sự đối chiếu, liên tưởng với nền mĩ thuật, kiến trúc của nhiều nước trên thế giới. Ví dụ sự hỗn độn, bất quy tắc của không gian phố cổ ở Việt Nam - biểu hiện của mã gen Chen lấn được đối sánh với những dãy nhà phân lô mặt tiền hẹp và biến tấu đa dạng ở Amsterdam, hoặc những khu nhà ở của dân nghèo ở Mumbai, Delhi, Sao Paolo. 

Từ đó để thấy rằng phố cổ Việt Nam có sự duyên dáng,  đậm đặc văn hóa - lịch sử, gần gũi hơn không gian "chỉnh tề" ở Amsterdam; có sự giàu có, sầm uất hơn Mumbai… Và Hiệp đúc kết lại rằng nghệ thuật kiến trúc của phố cổ Việt Nam, đặc biệt là phố cổ Hà Nội không hẳn là tri thức hay sáng tạo mà chính là trải nghiệm về cuộc sống thực. Nó khiến con người nhận ra cái đang tồn tại trong mình, chứ không phải sự tự hào "tôi đã là"  hay ước vọng "tôi sẽ là"…

Bìa cuốn sách "Nghệ thuật dưới góc độ di truyền".

Vừa làm nghệ thuật, vừa phê bình nghệ thuật

Hiệp là người đa tài. Hiện tại anh vẫn vẽ tranh và thiết kế nhà, cả viết báo và nghiên cứu, nhưng anh tự nhận rằng mình hợp với việc nghiên cứu hơn cả. Hiệp bảo, quá trình nghiên cứu và viết sách luôn đem đến cho anh vô số điều thú vị. Sự thú vị đến từ những chuyến điền dã từ Nam chí Bắc để có được những bức ảnh công phu. Thú vị không chỉ đến từ những lúc thuận buồm xuôi gió, mà cả trong lúc gặp trúc trắc, khó khăn khi xử lý tư liệu. May mắn là Hiệp luôn nhận được sự động viên, hỗ trợ của gia đình, bạn bè.

Không chỉ viết sách, Hiệp còn viết bài cộng tác cho Tạp chí Kiến trúc, Tạp chí Mĩ thuật. Nhiều bài phỏng vấn của Hiệp dành cho chính những kiến trúc sư, những nhà quy hoạch kiến trúc vì thế có chiều sâu và mang nét duyên riêng. Chưa hết, anh còn đam mê vẽ tranh lụa. Hiệp đến với hội họa là sự mày mò tự thân, để đáp ứng nhu cầu được vẽ. Có lẽ chính việc sáng tác khiến những công trình phê bình nghệ thuật của anh không khô cứng mà trở nên mềm mại và linh hoạt.

Hiệp thừa nhận rằng, theo đuổi con đường phê bình nghệ thuật không dễ, khi sách kén người đọc mà nhuận bút lại không cao. Hiệp từng tự phải bỏ tiền ra in sách khi bị các nhà xuất bản từ chối vì lí do đề tài không thuộc dạng "hot". Để làm ra một cuốn sách có chất lượng, thời gian Hiệp đầu tư vào đó là vô biên, tiền mua tài liệu tham khảo, đi điền dã chụp ảnh nhiều hơn cả nhuận bút. Nhưng quan trọng là Hiệp vẫn cứ viết. Bởi vậy sự viết của Hiệp được biết đến như một cuộc dấn thân dũng cảm của người trẻ và được đánh giá cao. Giải thưởng từ những cuốn sách là niềm động viên lớn đối với Hiệp, là minh chứng cho khả năng tư duy và phê bình nghệ thuật của anh. 

Kiến trúc sư - Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam chuyên ngành Phê bình mỹ thuật. Từ 2015 đến nay anh liên tiếp cho ra mắt nhiều công trình viết về nghệ thuật được đánh giá cao như: "Đô thị Việt Nam - Góc nhìn từ những nơi chốn" (Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2017), "Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật" (Giải Bạc  - Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2018 và giải B - Giải thưởng sách quốc gia Việt Nam lần thứ 2-2019), "Tinh thần khai phóng của nghệ thuật", "Sơ thảo về hình", "Nghệ thuật dưới góc độ di truyền" (2019, giải A các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương).

Huyền Châm
.
.