Hemingway và Murakami: Cuộc gặp gỡ không thể có
- Văn hào Mỹ Ernest Hemingway từng là điệp viên của Liên Xô
- 12 bài học viết văn của Ernest Hemingway
- Có phải nhà văn Hemingway chết vì hoang tưởng?
- Cuộc hôn nhân buồn của nhà báo chiến trường và nhà văn Hemingway
- Tiết lộ sốc về nhà văn thiên tài Hemingway
Hemingway là biểu tượng của nam tính ở mức tối đa và là thứ nam tính nguyên sơ, nguyên thủy. Ông ham thích những cuộc phiêu lưu và những cuộc đi săn. Câu chuyện về ông già Santiago đánh nhau săn con cá kiếm và đánh nhau cùng bầy cá mập chắc chắn được lấy cảm hứng từ chính những chuyến săn oai hùng ngoài khơi Cuba mà Hemingway từng nếm trải.
Ông thậm chí từng săn đầu sư tử ở châu Phi. Và kể cả khi không "vào trong hoang dã" thì ông cũng phải đi săn những con bồ câu ở công viên, dường như không một phút giây nào Hemingway thôi hành động. Bởi thế mà cuộc đời Hemingway có gì đó phi thực, như một bản trường ca khó tin của một vị anh hùng. Ít nhất 5 lần ông thoát chết ngoạn mục, trong đó có 2 lần rơi máy bay liên tiếp và 1 lần dính 237 mảnh đạn trên người.
Haruki Murakami sống một cuộc đời khác xa. Nếu không phải ông viết văn thì dường như Murakami không có một đời sống phong phú giàu trải nghiệm như người ta thường tưởng tượng về những nhà văn.
Hemingway - thợ săn sư tử cừ khôi. |
"Tôi không trải qua chiến tranh như bố mẹ, hay phải chịu đựng tình cảnh hỗn loạn và con đói của thế hệ trước. Tôi không có kinh nghiệm gì về cách mạng (tôi có nếm trải một kiểu cách mạng nửa vời nhưng không muốn viết về nó) và cũng chưa gặp phải tình trạng bạo hành tàn bạo hay kỳ thị nào mà tôi nhớ được. Tôi lớn lên trong một gia đình trung lưu điển hình ở một cộng đồng ngoại ô yên bình, nơi tôi không thiếu thốn gì đặc biệt và dù không thể nói là hoàn hảo, đời tôi cũng không gặp phải bất hạnh gì (nói một cách tương đối, tôi nghĩ, tôi còn may mắn). Nói cách khác, tôi có một tuổi trẻ bình thường và không có gì đáng nói", Murakami tóm lại về cuộc đời không-sự-kiện-đáng-kể trong tiểu luận Vậy thì tôi nên viết gì đây?
Bạn cũng có thể nhìn thấy những khác biệt đó trong câu chuyện của hai tác giả. Một bên là thứ tiểu thuyết đặt trong bối cảnh thiên nhiên hoang dã, một bên là thứ tiểu thuyết thành thị ngập mùi sữa và bơ. Trong khi các nhân vật của Hemingway lao vào những cuộc chiến tranh, bị linh cẩu rình rập và tham gia những cuộc đấu bò tót thì nhân vật của Murakami nấu spaghetti, đọc tiểu thuyết và nghe nhạc cổ điển, đôi khi họ cũng rơi vào một cái giếng hay đi xuống nơi tận cùng thế giới nhưng đó chủ yếu là những cuộc phiêu lưu có hình thái của một giấc mơ.
Chính Murakami cũng nhắc tới Hemingway như đại diện cho một phong cách viết mà ông không thể noi theo, viết từ những trải nghiệm có thực, dù hâm mộ Mặt trời vẫn mọc và Giã từ vũ khí. "Ông cần những kích thích ngoại sinh ấy để viết. Kết quả là một cuộc đời huyền thoại...", Murakami bàn luận về Hemingway.
Nếu phải so giữa Hemingway và người bạn thân của đại văn hào là nhà văn yểu mệnh F. Scott Fitzgerald, Murakami không hề che giấu tình yêu vô tận dành cho tác giả của Gatsby vĩ đại và những ảnh hưởng rõ rệt mà Fitzgerald mang tới ông. Ông viết hẳn một tiểu luận về việc dịch thuật Gatsby, việc ông đã đọc đi đọc lại nó như thế nào và chỉ dám dịch Gatsby khi đã bước sang tuổi bốn mươi. Văn chương của Fitzgerald cũng là thứ văn chương thành thị, thời trang, hào nhoáng, về những con người trẻ và đẹp và buồn, khá tương thích và gần gũi với văn chương của Haruki Murakami.
Nếu có gì khác nhau sâu sắc nữa giữa Hemingway và Murakami thì đó là ở việc Hemingway là người thực sự tự sát, còn Murakami có lẽ sẽ chỉ là người viết về sự tự sát. Cả hai đều nói nhiều về cái chết nhưng nếu như cái chết trong văn chương Hemingway hiển hiện rõ ràng qua những vết thương, những tranh đấu nội tâm, những giờ phút khi tử thần ập đến thì cái chết trong văn chương Murakami tuy xảy đến liên tục và xảy đến bất cứ lúc nào, song chỉ được kể một cách gián tiếp và những người chết thường bất ngờ biến mất, họ chỉ đơn giản là tan biến như bọt xà phòng.
Trong Chuông nguyện hồn ai, Hemingway dành thời lượng rất dài ở chương cuối cùng, để Robert Jordan độc thoại nội tâm khi anh đứng trước hai lựa chọn: nên tự tử hay nên tiếp tục. Còn các nhân vật của Murakami, họ không ngại tự tử nhưng họ tự tử một cách hư vô, gần như không lí do, không bao giờ họ giải thích tại sao mà có lẽ cũng chẳng có lời giải thích nào tồn tại, như Kizuki hay Naoko của Rừng Nauy vậy.
Tóm lại, họ khác nhau vô cùng. Thế mà, họ lại cũng rất giống nhau.
Cả Hemingway và Murakami đều thuộc về “thế hệ lạc lõng” của riêng họ. Dù “thế hệ lạc lõng” của Hemingway là những cựu chiến binh vô hướng giữa thời hậu chiến hoang mang, còn “thế hệ lạc lõng” của Murakami là những thanh niên trôi nổi trong những giấc mơ, giữa một thế giới hiện đại không có một chủ nghĩa hay một lí tưởng nào bám víu. Nhưng, có lẽ mọi sự lạc lõng cuối cùng cũng đều như nhau.
Và ít người để ý rằng, cái tên tập truyện ngắn gần nhất của Murakami, Những người đàn ông không có đàn bà, là lấy từ tên một tập truyện ngắn của chính Hemingway. Nhưng, có lẽ Murakami đã không chỉ tìm niềm cảm hứng từ cái tên đặc biệt ấy. Nếu như trong tập truyện của Murakami có một người đàn ông đã nhịn ăn đến tiêu biến vì tình thì trong tập truyện của Hemingway lại có một người cựu chiến binh với đôi tay hỏng nhưng nỗi đau đó chẳng là gì so với cái chết của vợ ông.
Nếu như trong tập truyện của Murakami có một người đàn ông - chính xác hơn là một cậu học sinh trung học bị giam trong nhà và nguồn sinh khí duy nhất của cậu là người nữ y tá lớn tuổi, người mà cậu gọi là Scheherazade, bởi tài kể chuyện cuốn hút của cô thì trong tập truyện ngắn của văn hào Hemingway, có một người đàn ông trò chuyện cùng người tình trên sân ga ngắm những ngọn đồi trong khi đợi tàu hỏa tới và khi cô bất thần nhận xét những ngọn đồi tựa như đàn voi trắng, tất cả những gì anh chỉ có thể nói được là anh chưa từng thấy voi trắng bao giờ.
Haruki Murakami và cuộc sống bình lặng bên hàng ngàn đĩa nhạc. |
Ở tất cả những câu chuyện đó, những người đàn bà luôn hiện lên đầy nhạy cảm và giàu trí tưởng tượng, họ là khởi điểm của sự sống, là lí do cho sự sống. Như trong Samsa đang yêu, truyện thứ năm trong tập truyện của Murakami, một phiên bản ngược của Hóa thân của Franz Kafka (với nhân vật Gregor Samsa bỗng mọt ngày tỉnh dậy và thấy mình biến thành con bọ), Gregor Samsa tỉnh dậy và thấy mình biến thành con người nhưng anh chỉ thực sự hoạt động như một con người khi gặp cô gái đến nhà sửa khóa.
Điều đặc biệt là, từng có thời Hemingway là người đàn ông bị các nhà nữ quyền căm ghét. Những năm 60, sau khi ông qua đời, với sự lên ngôi của làn sóng nữ quyền, những tác phẩm của Hemingway dần mất đi độ phủ sóng và trở nên lạc thời trong suốt nhiều năm, bởi những chỉ trích rằng chúng “trọng dương vật tính, phân biệt chủng tộc, ác cảm với đồng tính luyến ái và có thành kiến đối với phái nữ”. Phải đến năm 1986, khi tác phẩm Khu vườn địa đàng khai phá căn tính nữ và những xu hướng tình dục đồng tính được ấn hành, cơn sốt Hemingway mới quay trở lại. Và trong bối cảnh hiện đại, khi đọc lại các tác phẩm của Hemingway, ta có thể cảm nhận được ông có một sự nhạy cảm không nhỏ dành cho nữ giới nhưng ông khó mà thực sự hiểu được họ.
Cũng giống như Haruki Murakami vậy, phần lớn các tác phẩm của ông, nhân vật kể chuyện (hoặc trung tâm) luôn là nam giới, từ Lắng nghe gió hát, Cuộc săn cừu hoang, Nhảy nhảy nhảy tới những tác phẩm sau này như Rừng Nauy, Biên niên kí chim vặn dây cót, Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương. Còn các nhân vật nữ, cuốn hút nhưng huyền bí, đôi khi quái đản và họ luôn thoắt ẩn thoắt hiện như những câu đố khó bề giải đáp.
Nhưng, trên hết, họ cùng chia sẻ với nhau thứ ngôn ngữ tiếp cận được vơi đa số. Đó cũng là lí do chủ yếu mà họ bị ghét, hay đôi khi, xem thường. Đừng nghĩ rằng một nhà văn lớn mà tác phẩm đã được đọc đi đọc lại qua bao thế hệ như Hemingway mà không từng bị xem thường. William Faulkner, một văn hào Mỹ cùng thời từng nhận xét thế này về Hemingway: “Chưa từng nghe ông ấy sử dụng được từ nào khiến độc giả phải tra từ điển”.
Riêng Murakami thì không cần phải nói, nhiều nhà phê bình đánh giá tiểu thuyết của ông nhẹ hều, thiếu đi sức nặng, một dạng văn chương pop với thứ ngôn ngữ nhạt nhẽo và không có gì mới mẻ. Chính ông cũng phải thừa nhận ở Nhật Bản, ông như một kẻ bơ vơ: “Tôi luôn là một con vịt xấu xí. Luôn là vịt, không bao giờ là thiên nga”.
Nhưng, những con vịt giản dị thì lại gần gũi hơn những con thiên nga kiêu hãnh. Murakami không chỉ là hiện tượng văn chương đương đại với danh tiếng toàn cầu mà còn có thể coi là người sáng lập nên trường phái văn chương với hàng loạt tín đồ là những cây viết trẻ. Nhờ thứ ngôn ngữ trong sáng và dễ hiểu, ông dễ được dịch ra và dễ được tiếp nhận, trở thành nhà văn của mọi người và mọi nhà. Còn với Hemingway thì sao? Ông không đánh đố người đọc nên những tác phẩm của ông giống như cánh cửa đầu tiên dẫn lối người ta vào thế giới văn chương đích thực. Thừa nhận đi, bạn luôn đọc Hemingway trước khi đọc Faulkner, sẽ đọc Giã từ vũ khí trước khi đọc Âm thanh và cuồng nộ, và các sách giáo khoa cơ bản phổ cập sẽ luôn ưu ái Hemingway.
Dù tất nhiên thì họ vẫn cứ khác nhau. Ví dụ như là, Murakami thích lối sống lành mạnh và cắt giảm các đồ uống có cồn. Còn Hemingway thì nghiện rượu đến những ngày cuối cùng trong đời mình.