Hành trình tìm lại nước Mỹ của ông Joe Biden
Từ ứng viên nhạt nhòa
Khi ông Joe Biden xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Times số cuối năm như là nhân vật của năm 2020, đã có rất nhiều ý kiến phản đối. Mặc dù dành chiến thắng trong cuộc bầu cử rắc rối bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ nhưng thực sự dấu ấn của ông Biden vẫn còn mờ nhạt so với chính đối thủ mà mình vừa đánh bại.
Xuất hiện muộn màng trong danh sách ứng viên đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử năm 2020, đến tận cuối năm 2019, ông Biden vẫn chỉ xếp thứ ba hoặc thứ tư trong danh sách các ứng viên. Nhiều người đã dự đoán ông sẽ lại thất bại như những lần ứng cử trước đó năm 1988 hay 2008. Bản thân ông cũng là một người ủng hộ mờ nhạt cho việc ứng cử của mình khi luôn tỏ ra thiếu hào hứng, nhiệt huyết để thuyết phục ai đó rằng ông thực sự muốn làm việc này. Ông ưa thích những cuộc họp kín hơn là những sự kiện đông người. Khi thực hiện chiến dịch của mình, ông ở nhà nhiều hơn là tham gia những chiến dịch vận động lớn.
Ông cũng ít khi lên tiếng kêu gọi mà chỉ thỉnh thoảng đưa ra những khuyến cáo về y tế và phòng, chống dịch. Không mạnh dạn trong những cuộc tranh luận, vẻ già nua khiến sức hút cá nhân không thể trở thành thứ vũ khí đem lại thế mạnh cho ông. Ông Biden đem đến cảm giác về những gì xưa cũ, đại diện cho một nền chính trị mà người ta tưởng như đã lùi xa.
Chiến dịch tranh cử của ông Biden nặng về việc dựa trên kinh nghiệm lâu năm hơn là tranh đấu với đối thủ. Dù được tôn trọng bởi các đảng viên Dân chủ, ông Biden vẫn chỉ được xem là sự lựa chọn an toàn trong một năm khi việc tìm kiếm ứng cử viên để đánh bại ông Trump là điều quan trọng nhất. Là một người có quá khứ mất mát đau thương, ông tạo cảm giác ấm áp, cảm thông và biết chia sẻ. Ông xuất hiện gần gũi với tầng lớp lao động, thân thiện, chân thành với những cái ôm. Hành động quỳ xuống trong tang lễ của một nạn nhân da đen hồi tháng 8 năm ngoái nhận được nhiều thiện cảm nhưng đồng thời khiến cho người ta nghĩ rằng ông yếu đuối để có thể đại diện cho nước Mỹ hùng mạnh.
Cái bóng ông Obama
Nếu ông Biden chưa rõ nét bao nhiêu thì những nhân vật ủng hộ ông lại càng nhiệt huyết bấy nhiêu. Barack Obama, vị “sếp” cũ của ông trong 8 năm chính là người như vậy. Những bài diễn thuyết, những cuộc nói chuyện, những lời kêu gọi mạnh mẽ tới từ vị đảng viên Dân chủ nổi tiếng nhất hiện tại đã tạo ra ưu thế lớn cho ông Biden trong giai đoạn cuối của cuộc bầu chọn nội bộ. Sau đó, cũng chính ông Obama đã công khai chỉ trích các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến cho người ta có cảm giác ông đang tranh cử thay cho người bạn của mình. Một hình ảnh rất quen thuộc với 8 năm gắn bó trước đây của hai người.
Ông Joe Biden và bà Kamala Harris trên bìa tạp chí Time. |
Dù là chính trị gia kỳ cựu bậc nhất của nước Mỹ nhưng khi được ông Obama chọn cùng liên danh tranh cử năm 2009, đó vẫn là một bất ngờ. Thượng nghị sĩ Joe Biden khi đó là sự lựa chọn an toàn nhằm làm cân bằng lại chính quyền của ông Obama, một người rất tích cực cho sự đổi thay. Nhiệm vụ của ông Biden trong vai trò phó tổng thống vì thế cũng không thực sự đậm nét. Ông đứng sau ông Obama để thực hiện những cuộc đàm phán, tiến tới những thỏa thuận và giải quyết những vấn đề đối nội. Trong khi đó ông Obama, bằng tài diễn thuyết của mình thu hút mọi sự chú ý, theo đuổi những ý tưởng mới mẻ và tạo dấu ấn mạnh mẽ trong suốt 2 nhiệm kỳ của mình. Kể cả khi đã rời khỏi nhiệm sở, người được chọn để tiếp nối di sản của ông Obama lại là bà Hillary Clinton, một con người cũng đầy sức hút khác chứ không phải ông Joe Biden. Thế nên, không quá để nói rằng ông Biden giống như một cái bóng của ông Obama trong hơn một thập niên gắn bó.
Ngay trong cuộc bầu cử lần này, việc chọn bà Kamala Harris làm ứng viên phó tổng thống lại một lần nữa khiến hình ảnh cá nhân của ông Biden bị lu mờ. Có lẽ chính vì lý do đó, trên trang bìa của Times số cuối năm vừa rồi, bà Harris được đặt cạnh ông Biden như thể họ là một. Bà Harris, với năng lượng và tinh thần tranh đấu mạnh mẽ được coi là một “phiên bản nữ của Obama” khiến cho người ta dễ dàng liên tưởng đến việc vị cựu tổng thống vẫn đang song hành cùng người bạn của mình trong nhiệm kỳ mới. Và, đừng quên, ông Obama vẫn chưa bao giờ rời khỏi Washington kể từ ngày đó, nỗi ám ảnh về nhiệm kỳ thứ ba của ông Obama chính vì vậy không phải là không có cơ sở.
Tổng thống Joe Biden sẽ để lại dấu ấn gì?
Đó sẽ là một câu hỏi lịch sử khó trả lời nếu ông Joe Biden không để lại dấu ấn riêng trong nhiệm kỳ 4 năm tới của mình. Hãy nhìn lại người tiền nhiệm của ông - cựu Tổng thống Donald Trump: dù gây nhiều tranh cãi nhưng ông Trump vẫn để lại dấu ấn ở một số trận địa, ít nhất là trong lòng của 75 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho ông. Còn với ông Joe Biden, rõ ràng công việc cần làm thì rất nhiều nhưng khả năng tái nhiệm thêm một nhiệm kỳ lại khá thấp, vì đơn giản năm nay ông đã ở tuổi 79.
Ông Joe Biden và ông Barack Obama tại Nhà Trắng năm 2009. |
Ở thời điểm hiện tại, nhiều chính sách của ông Biden đã lộ rõ như thiết lập lại Obama Care, nới lỏng luật nhập cư, tăng thuế, tái hòa nhập với các tổ chức quốc tế cũng như những thỏa thuận toàn cầu, kết nối lại với những đồng minh,... Đây là những điểm mấu chốt trong chiến dịch tranh cử của ông khi muốn “nước Mỹ quay lại để dẫn đầu”. Những chính sách này về cơ bản rất giống với những gì mà ông Obama đã tích cực làm trong 8 năm cầm quyền của mình.
Nhưng, chính ông Biden cũng đã khẳng định “đây sẽ không phải nhiệm kỳ thứ ba của ông Obama”. Bởi bối cảnh của nước Mỹ và thế giới sau nhiệm kỳ sóng gió của ông Donald Trump đã thay đổi rất nhiều. Hoàn cảnh hiện tại khiến cho việc theo đuổi những cuộc phiêu lưu chính trị trở nên hết sức mạo hiểm. Nước Mỹ đang cần được hàn gắn và đó chính là lý do để ông Biden được chọn. Cho dù theo đuổi những chính sách cũ từ thời Obama thì ông Biden cũng phải có cách tiếp cận mới. Thuyết phục người dân Mỹ rằng việc mở cửa kết nối lại nền kinh tế sẽ tốt cho họ sau quãng thời gian đối đầu mạnh mẽ là việc khó khăn.
Ông Donald Trump từng được ca ngợi vì những biện pháp trừng phạt kinh tế này đã mang lại rất nhiều việc làm cho nước Mỹ. Trong khi nhiều đồng minh hẳn vẫn còn nghi ngại sẽ lại một lần nữa bị nước Mỹ bỏ rơi như đã từng. Trong nội bộ đảng Dân chủ, những ý kiến đòi hỏi sự cứng rắn hơn với Trung Quốc ngày một nhiều. Đây là những bài toán hóc búa mà ông Joe Biden phải đối mặt trong nhiệm kỳ của mình.
Ông Biden đã giới thiệu đội ngũ cao cấp trong thời gian tới, nơi ông thể hiện quan điểm về sự đoàn kết, cùng phối hợp để giải quyết công việc. Điều này trái ngược hoàn toàn với phong cách cá nhân của ông Trump hay cả ông Obama nữa. Với hơn 40 năm làm việc tại Quốc hội, ông Biden có kinh nghiệm, hiểu rõ sự vận hành của hệ thống chính trị Mỹ. Lập pháp là điểm mạnh của ông so với những vị tổng thống khác ít kinh nghiệm hơn. Ông sẽ sử dụng quy định để ổn định lại sự hỗn loạn hiện nay hơn là tạo ra những thay đổi mới.
Nhưng, sự ổn định đó sẽ phải bắt đầu từ việc đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm, một hành động vốn dĩ đã tiềm ẩn sự bất ổn. Vì thế, 4 năm tới chắc chắn sẽ là một nhiệm kỳ rất khó khăn đối với cho ông Joe Biden, vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.