Hai gã lạc thời kể chuyện "Saigon Feel"

Thứ Sáu, 30/11/2018, 10:35
Khi nhạc Việt đang bị bội thực bởi MV; nhiều ca khúc mới có tuổi thọ tính bằng kim phút, kim giờ; không ít nghệ sỹ mới được nhiều người biết đến rồi nhanh chóng bị lãng quên ngay sau đó trên các bảng xếp hạng; thì sự trở về của những cá tính âm nhạc, những đĩa nhạc vật lý tưởng chừng lạc lõng lại "ăn rơ" một cách kỳ lạ với cái sự "thèm nghe" của những người yêu nhạc.

Có nhiều người ngộ nhận về xu hướng

Nói "thèm nghe" là bởi bây giờ, hình như đại chúng… "thèm nhìn" một sản phẩm âm nhạc hơn. Vì thế, thay vì những sản phẩm hoặc dự án âm nhạc dài hơi để khẳng định đẳng cấp và định hình tên tuổi, các nghệ sỹ trẻ đổ xô đi làm MV. 

Để rồi nhẩm tính sơ bộ, từ tháng 9 tới nay, hơn 30 MV nối tiếp nhau ra mắt, có thời điểm một ngày có tới hai MV "chạm trán" nhau khiến bức tranh âm nhạc Việt đương đại lắm khi ngột ngạt trong sự nhạt nhòa để nhận diện giá trị. 

Và khi màu sắc pop ballad đang thống lĩnh một năm nhạc Việt thiếu điểm nhấn ấy, một "Saigon Feel" có màu jazz của ca sỹ Hồ Trung Dũng và nhạc sỹ Võ Thiện Thanh, được thai nghén vào 6 năm trước nay mới trình làng, trở thành cái gì đó có vẻ… "ngược đời", lạc quẻ, chẳng giống ai!

Thường thì, để làm một album, người ta mất chừng một năm hoặc cùng lắm là hai năm. Nhưng tại sao "Saigon Feel" lại kéo dài tới 6 năm trời? "Hai người đã làm gì suốt 6 năm ấy", tôi hỏi.

Hồ Trung Dũng nói, có khi thu đi thu lại một bài hát không biết bao nhiêu lần. Có khi tranh luận nảy lửa, "ghét quá, không nhìn mặt một thời gian". Có khi hai người đều bận rộn với những việc riêng. Có khi… chẳng làm gì cả, ngồi nói chuyện phiếm để tìm cảm hứng. 

Có những quãng, sự im lặng khiến người này và người kia đều không hiểu. Có ca khúc, mất rất nhiều thời gian cho nó để rồi cuối cùng không đưa vào album.

"Saigon Feel" lấy cảm hứng từ Sài Gòn.

Hồ Trung Dũng là giọng hát chuyên trị nhạc pop, quen với kiểu luyến láy trữ tình nên khi làm album nhạc jazz, nghe khá "kì cục", phải thu đi thu lại, tới khi hợp tai của Võ Thiện Thanh mới thôi. 

Để rồi, sau 6 năm, khi thực hiện xong album, Võ Thiện Thanh phải thở phào nhẹ nhõm, còn Hồ Trung Dũng cũng tự nhận thấy, so với 6 năm trước, anh đã trưởng thành hơn trong cách hát như thế nào. 

Dũng nói: "Lý do có lẽ là bởi cả tôi và anh Thanh đều theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo nên muốn sản phẩm công bố tới khán giả phải chỉn chu nhất có thể, chuyên nghiệp, hoàn hảo nhất có thể. Đây là album khó nhất, mệt mỏi nhất nhưng cũng khiến tôi cảm thấy hưng phấn nhất trong những sản phẩm mà mình từng làm".

Võ Thiện Thanh nổi tiếng khó tính, kiệm lời, kén chọn nghệ sỹ để hợp tác. Sau 20 năm bước chân vào làng nhạc, số lượng ca sỹ mà anh hợp tác đếm đi đếm lại vỏn vẹn chừng 10 người, lại đều là những sản phẩm thành công, ghi dấu ấn của họ. 

Sau 20 năm, nhạc Việt đã đi qua bao nhiêu biến động, đổi thay, anh vẫn là "hit maker", người tạo "hit" cho những người mà anh gật đầu làm việc cùng, và có một điều đặc biệt, nhạc mà anh làm cho họ, chẳng người nào giống người nào, những sản phẩm hợp tác đó cho đến nay vẫn chễm chệ nằm trong top những album nhạc xuất sắc của nhạc trẻ Việt Nam. 

Đó là "thỏi socola biết hát" Đoan Trang với chất R&B, Alternative rock và hip-hop pha trộn cùng phong cách latin trong album "Socola" (năm 2005). Là "nữ hoàng nhạc dance" Thu Minh với "Chuông gió"  đoạt giải Bài hát Việt năm 2006 và "Thiên đàng" (năm 2006) thành công ở cả phương diện nghệ thuật lẫn thương mại…

"Saigon Feel" gồm 9 ca khúc, trong đó có một nửa ca khúc do nhạc sỹ Võ Thiện Thanh viết. Một nửa được sáng tác mới, hoàn toàn.

Có một điều lạ, Võ Thiện Thanh không gắn bó với ca sỹ nào theo kiểu hình với bóng. Mỗi giai đoạn, anh sẽ kết hợp với một người nào đó nếu đủ duyên. Anh không đưa mình vào một bó buộc, cũng không khiến người khác phải bó buộc vì mình. Ca sỹ mới nhất mà anh hợp tác chính là Hồ Trung Dũng với "Saigon Feel".

Nói về giọng hát của Dũng, Võ Thiện Thanh nhận xét: "Đây là một giọng hát lạ, mạnh mẽ, chính xác và gần như không có điểm yếu. Dù có vài bài tôi không hài lòng lắm, như bài “Đôi mắt"; bởi nó còn kiểu xử lý ca khúc hơi tình, nhưng có thể với fan của Dũng hay khán giả dễ tính, họ sẽ thích. So với tổng thể, tôi thấy album này Hồ Trung Dũng đã tiến bộ rất nhiều trong cách hát Jazz, nhất là bài “Sài Gòn có mùa thu".

Không ít người có câu hỏi, tại sao với một giọng hát đẹp, cũng gọi là có ngoại hình… như ai, Hồ Trung Dũng không nổi tiếng, không bật lên được thành ngôi sao ca nhạc? Sao anh không thử "sốc" một chút, chiêu trò một chút; anh đưa cái quy phạm chuẩn chỉ của nghề giáo vào showbiz mà làm gì? 

Dũng cười, để "sốc" dễ mà. Bản thân con người ta, ai cũng có những cái để có thể gây "sốc" được. "Thế nhưng, tôi chẳng thể nào làm những chuyện không phù hợp con người mình, cá tính mình. Khán giả của Hồ Trung Dũng cũng thế. 

Những người yêu mến, ủng hộ Dũng cho tới giờ phút này, không phải vì Dũng đã "trưng" ra một hình ảnh sốc, tính cách sốc, hay những phát ngôn sốc, tin tức sốc.

"Lấy sốc làm bàn đạp cho sự nổi tiếng, có thể, tôi sẽ thu hút được một số lượng công chúng khác nhưng bù lại, tôi lại có cảm giác mình đang phản bội lại những gì mình đã có, trong đó có khán giả của mình. Mà những người thích sốc, thích những tin sốc của sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng "outdate" (hết hạn - PV) bởi hàng loạt thứ sốc bủa vây liên tục diễn ra hằng ngày trên mặt báo khác", Dũng chia sẻ.

Để rồi, hai gã nghệ sỹ tưởng chừng "lạc thời", khi thiên hạ đổ xô phát hành nhạc số, MV thì họ làm album, khi người ta chạy theo pop ballad thì họ đi vào một khe hẹp bằng jazz - vốn là dòng nhạc không được lòng tai nghe của công chúng Việt Nam. 

Nhưng chẳng sao cả. Lạc thời có khi vui. Võ Thiện Thanh ví von: "Có nhiều người ngộ nhận về hai chữ xu hướng. Thấy người này đi, những người khác cũng ào ào chạy theo và cho rằng đó là xu hướng. Mình đang đi xuôi, họ đi ngược chiều, họ nói rằng đó là xu hướng, nhưng đó là xu hướng của họ, chứ không phải là xu hướng của âm nhạc".

Sau Đoan Trang, Thu Minh, Hà Anh Tuấn,… Hồ Trung Dũng là cái tên mà Võ Thiện Thanh chọn để hợp tác cùng.

Thành phố này, tôi nợ...

Ca khúc viết về Sài Gòn thì nhiều người viết nhưng có lẽ trước "Saigon Feel", chưa có một album nào hoàn chỉnh, viết riêng cho Sài Gòn, cho người Sài Gòn. 

Võ Thiện Thanh nói: "Tôi đã từng nghĩ, một ngày nào đó sẽ rời xa vùng đất này, rời xa những con phố, 'người người còn đang vội chen lấn vô cùng' để sống trên những ngọn đồi thanh vắng, hay miền biển xanh cát trắng, mênh mang sóng vỗ. 

Cho tới khi hoàn thành được album này, tôi nhận ra mình đã mắc nợ Sài Gòn quá nhiều. Tôi nợ người đạp xe xích lô. Tôi nợ cái quán cóc hàng me. Nợ công viên Tao Đàn cho tôi một thoáng mùa thu Sài Gòn quý phái… 

Vùng đất này dẫu có những ngày mưa tơi bời hay mùa nắng khát khô ly trà đá, tôi vẫn cảm nhận ở Sài Gòn một sức sống mãnh liệt, không có khoảnh khắc để muộn phiền, luôn có khát vọng vươn lên". 

Để rồi, bắt gặp trong album này là một Sài Gòn của những gì bình dân, mộc mạc, chan hòa nhất. Một Sài Gòn có những "quán cóc nằm yên dưới hàng me/ tiếng ve kêu mùa hè/ tờ vé số ngủ mê", có "một anh chàng xích lô/ ngồi mơ giấc mơ vui/ lưng ướt đẫm mồ hôi" (Quán cóc)

Một Sài Gòn tình tứ, lãng mạn "nói yêu em năm nào", một Sài Gòn "sáng nay ra đường mặc thêm áo/ hình như mùa thu đã về" (Sài Gòn có mùa thu).

Còn với Hồ Trung Dũng, nét đẹp của thành phố này không phải ở vẻ cổ kính, thâm trầm, cũ kỹ như Hà Nội mà đẹp ngay trong sự hối hả, cuống quýt, ào ào của nó. Sài Gòn có gần như mọi thứ mà mọi người đi tìm.    

"Saigon Feel" là nơi gặp gỡ của những nguồn cảm hứng, không chỉ trong âm nhạc, mà với cả mảnh đất mà mình gắn bó. Ba gương mặt, ba mảnh ghép đặt cạnh nhau, cùng hát lên một tiếng nói thị dân mới, dành riêng, dành trọn cho Sài Gòn những năm tháng này. Và dĩ nhiên, với âm nhạc Việt Nam đương đại, đây là một "thỏi nam châm" hiếm!

Đậu Dung
.
.