Gương sáng xứ dừa

Thứ Hai, 14/01/2019, 12:19
Nhân vật trong bài viết này cố nhiên là công dân Bến Tre thứ thiệt. Với chức sắc của ông, nếu chưa nghỉ chế độ hưu trí, chiểu theo quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên với 3 thành phần đối tượng trước mắt cần thực hiện, thì ông hội đủ cả 3. 

Vậy ông là ai? Xin thưa, đó là Trương Vĩnh Trọng (tên thường gọi là Hai Nghĩa), quê quán Bình Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư TW Đảng, nguyên Ủy viên BCHTW Đảng khóa VIII, IX, X, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW,  nguyên Trưởng ban Nội chính TW, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ TW, nguyên Bí thư Tỉnh ủy… 

Một người tôi vô cùng kính trọng về phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm trong công tác, nghĩa tình đồng chí anh em, giản dị trong cuộc sống, hòa mình với quần chúng, thể hiện rất rõ cái tâm của một chính khách giữa xô bồ cuộc sống quan tham, quan cách bia tiếng để đời. 

Từ khi biết cho tới khi quen thân ông, dễ đến gần một phần hai thế kỷ, thời gian ấy, đủ để kiểm nghiệm về một con người để tôi có thể nói rằng ông là gương sáng để chúng tôi noi theo, dẫu rằng, ông không phải là lãnh đạo của cơ quan mình công tác.

Biết nhau từ thuở xa xưa ấy

Thực ra, cái thuở xa xưa ấy, chỉ tôi biết về ông. Số là cuối năm 1969, Cụm tình báo chiến lược H67 của chúng tôi từ miền Đông Nam Bộ, về xây dựng căn cứ bám trụ tại Bến Tre. 

Theo kế hoạch, sẽ về thẳng Giồng Trôm, tá túc tại một gia đình cơ sở ở xã Lương Hòa để tiến hành khảo sát địa hình, chọn địa điểm. Qua gợi ý của cán bộ địa phương – “Địa bàn Lương Hòa khó bám. Mấy anh về mạn Bình Hòa, Bình Quới… có thể thuận lợi hơn. Ráng kiếm anh Hai Nghĩa (Trương Vĩnh Trọng - TG), ảnh rành địa bàn này lắm, dân thổ địa mừa…”. 

Sau một tuần khảo sát, Cụm trưởng Bảy Vĩnh quyết định về huyện Châu Thành, sẽ thuận lợi cho công tác giao thông liên lạc với các lưới điệp báo nội thành.

Chúng tôi quyết định xây dựng căn cứ tại xã An Phước và bám trụ ở đó cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Yên nơi ấm chỗ đôi khi lại chạnh lòng nhớ về miền quê “cái thuở ban đầu bao lưu luyến”, thành ra gặp ai ở Giồng Trôm về Châu Thành công tác tôi đều sốt sắng tìm gặp để thăm hỏi tình hình… 

Một lần làm việc với ông Ba Cầu (lúc đó là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Bến Tre), tôi có hỏi về nhân vật Hai Nghĩa, ông nhận xét – “Tay này thiệt ngon. Lỳ lắm! Ga nê phô của xứ dừa đó. Sẽ là Bí thư Giồng Trôm”. Thời đó, đôi nét thông tin về Trương Vĩnh Trọng trong ký ức tôi chỉ có vậy.

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (bên phải) tiếp tác giả tại nhà riêng ở quê dừa Đồng Khởi, Bến Tre năm 2017

Bỗng chốc trở thành quen thân

Kết thúc chiến tranh, tháng 11 năm 1975 tôi nhận quyết định sang Bộ Nội vụ (Nay là Bộ Công an) và được bố trí về công tác tại cục KE3, sau này thay bằng A25 với tên gọi đầy đủ là “Cục Bảo vệ an ninh Nội bộ và An ninh tư tưởng – Văn hóa”. Nhờ vậy mới được gặp ông Trương Vĩnh Trọng.

Nếu chỉ nhìn vào “Cung quan lộ” của ông, hẳn sẽ chưa cấu thành 2 cặp từ ngưỡng mộ, quý trọng trong lòng cái anh chàng văn nghệ sĩ “nửa mùa” như tôi, mà nó xuất phát từ những nguyên nhân khác rất bình thường trong cái bình thường ta vẫn gặp.

Tôi muốn nói tới những kỷ niệm của tôi về ông, từ lúc ông làm Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương. Chân ướt chân ráo về cơ quan mới, ông đã bố trí chương trình làm việc ngay với Bộ Công an và Tổng cục An ninh để bàn về quy chế phối hợp công tác.

Chưa đầy một tuần sau đó, cơ quan tham mưu của Tổng cục An ninh thông báo cho tôi một tin quá bất ngờ: “Lãnh đạo Tổng cục đề nghị A25 (đơn vị do tôi phụ trách) chuẩn bị nội dung làm việc trực tiếp với anh Hai Nghĩa tại trụ sở làm việc của A25”.

Buổi làm việc từ 8h tới 11h rưỡi mới kết thúc. Tôi trình bày tóm tắt về chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình. Ông chăm chú lắng nghe và ghi chép rất tỉ mỉ.

Phần thứ hai của chương trình là “tiết mục” của ông. Ông hơi kiệm lời, chỉ sau đôi câu mang ý nghĩa xã giao, ông nhảy vào nội dung luôn với hàng loạt vấn đề, đề nghị chúng tôi nghiên cứu phục vụ cho cuộc trao đổi lần sau. 

Và cái lần sau ấy diễn ra rất sớm, vào sáng thứ ba tuần kế tiếp tại trụ sở của Ban. Ông đúng là con người của công việc. Phàm những người cầm bút thường phục thiện cá nhân, đánh giá con người qua hành động cụ thể, nể tài, trọng cái tâm của người đó.

Tôi rất tâm đắc cái câu ông nói trong buổi làm việc riêng (chỉ có ông và tôi): “Có những trường hợp cụ thể liên quan tới sinh mệnh chính trị của ai đó thì anh em chúng ta phải xắn tay áo cùng làm. Phải làm đến nơi đến chốn vì lương tâm và trách nhiệm với đời”.

Cuối năm đó, trước khi về Nam ăn tết với gia đình, ông “hạ cố” tới thăm tôi ở khu cư xá Hoàng Cầu. 

Lại thêm một lần nữa tôi ngỡ ngàng, bối rối trước cú điện thoại của đồng chí trợ lý của ông: “Chiều, hết giờ làm việc, anh về nhà ngay nhé. Anh Hai tới thăm chị nhà anh đấy”.

Ông là người rất chính xác về mặt thời gian, chưa đầy nửa tiếng đồng hồ sau giờ tan tầm ông đã có mặt ở khu cư xá của tôi. 

Tôi rưng rưng trước lời bộc bạch của ông: “Gần đây tôi mới biết cô nhà bị tai biến não, nhiều năm không đi, không nói được. Thiệt tội nghiệp. Đồng đội, anh em sống chết ở chiến trường với nhau mà không chia sẻ gì được. Có chút quà gọi là…”.

Từ đó, thi thoảng vào ngày nghỉ, ông lại “triệu” tôi lên nhà công vụ của Trung ương trên phố Đội Cấn với lời mời đặc chất Hai Nghĩa – “Nè!... ăn cơm một mình buồn thấy mồ… chiều chủ nhật tới tôi nghen. Rủ thêm mấy anh em cho dzui”.

Bữa cơm gần đây nhất ông đãi chúng tôi đó là khi ông đã ở “vị trí to đùng” (Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư TW, Phó Thủ tướng Chính phủ). Chúng tôi tới khi ông đang tất bật việc bếp núc. 

Cũng tay dao tay thớt như ai. Bảo vệ, lái xe có tham gia cũng chỉ được đóng vai phụ nhặt rau, rửa bát. Trên bàn, những món ăn chủ lực đã được bày lên: Canh chua cá lóc, cá bống kho tộ, tôm rang nước cốt dừa, rồi rau sống các loại cùng với thịt ba chỉ, nguyên liệu cho món bánh tráng cuốn chấm mắm tép…

Lúc ngồi ở phòng khách, đồng chí lái xe nói nhỏ với tôi: “Anh Hai nói mời anh ăn cơm là phải đạo diễn các món ăn Nam Bộ. Chắc là muốn để anh nhớ lại chiến trường xưa. 

Bữa cơm hôm đó thật vui vẻ, đầm ấm. Ông cầm chai rượu Tây đưa cho tôi, ý giao trách nhiệm làm chủ xị. Chai rượu chắc ai đó biếu từ lâu, nắp chai đã phủ một lớp bụi mờ. Khai tiệc cũng rất kiệm lời, cầm ly rượu ông nói: “Cám ơn Khổng Minh Dụ tới ăn cơm với tụi tôi. Nào, xin mời cạn ly”. Ít nhời vậy, nhưng trong tiệc vui lại rất xôm. Cụng ly với ai cũng “Cam Pay, trăm phần trăm nghen”. 

Anh em thì trăm phần trăm thật, còn cái ly của ông chắc chỉ nửa phần trăm. Mấy lần “kiểm nghiệm”, hôm đó tôi thầm kết luận: “Ông này không uống được rượu. Đàn ông Nam Bộ mà vậy, cũng là điều lạ”.

Năm sau, nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng Công an, tôi có ý định mời ông tới nhà dùng bữa cơm đạm bạc để gọi là “có đi có lại”, thì nghe tin ông đã có quyết định nghỉ hưu đợt này. 

Tôi nhẩm tính – “Ờ… cũng có thể, bởi tới tuổi rồi! chắc vẫn còn thời gian để bàn giao công việc, nghỉ ngơi thăm thú bạn bè”. 

Sáng hôm sau, trước giờ làm việc, Nhữ Quốc Sĩ, cán bộ của đơn vị đã có mặt ở phòng tôi và thông báo: - “Anh Hai đã bàn giao công việc xong mấy hôm nay và đã về Nam rồi”. Tôi thẫn thờ, tiếc một cuộc gặp gỡ trước lúc chia tay. Tôi xa ông từ đó.

Hàn huyên ở quê dừa Đồng Khởi

Tháng 7 năm 2017, tôi bất ngờ nhận được giấy mời của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre mời vào Ba Tri dự lễ kỷ niệm ngày sinh Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt. 

Tôi dự định tới TP Hồ Chí Minh sẽ tới thăm ông Hai Nghĩa trước rồi mới về Bến Tre. Tới sân bay mới biết tin ngay từ ngày nghỉ hưu ông đã về sống điền viên với gia đình ở quê. Mít tinh tổ chức vào chiều hôm sau. Buổi sớm tôi đã về Bến Tre. 

Qua cầu Rạch Miễu mới điện cho ông. Buổi trưa đang nghỉ ở nhà khách tỉnh ủy, liền nhận được 2 cú điện thoại. Một là của đống chí Phan Văn Mãn (Phó Bí thư Tỉnh ủy) và đồng chí Phương, Phó giám đốc Sở Văn hóa. Cả hai đều hẹn 2 giờ chiều sẽ tới đón tôi tới nhà ông Hai Nghĩa. Thật bất ngờ và may mắn bởi sẽ không phải mất công hỏi thăm đường sá. 

Đúng hẹn, tôi theo 2 vị khách mới, rời thành phố đi về hướng Ba Tri, chừng hơn chục cây số thì rẽ phải vào một con đường nhỏ chừng gần một trăm mét. Xe trước dừng lại, Phương nói nhỏ với tôi – “Tới rồi đó, anh…”. 

Tôi xuống xe, ngó trước, ngó sau, không thấy ngôi biệt thự nào. Nếu không có chủ nhà từ ngôi  nhà gỗ phía trong hàng rào ô rô ra đón khách, tôi sẽ không tin rằng đó là nhà của vị Phó Thủ tướng. Vâng, đó là ngôi nhà gỗ như những ngôi nhà truyền thống của bà con Nam bộ tôi đã từng gặp, tọa lạc trên mảnh vườn mấy công đất với bạt ngàn hoa và cây trái.

Chủ nhà hồ hởi, siết chặt tay tôi – “Cha!. Lâu quá mới gặp. Nghe Khổng Minh Dụ vô, tôi mượn anh em tới rước để khỏi mất công kiếm nhà. Vô, vô nhà uống nước rồi cùng đi về cụ Đồ” (cụ Đồ Chiểu).

Quả là căn nhà đơn sơ, giản dị như chính cuộc đời gia chủ. Phòng khách, cửa mở cả 2 phía, thông luôn sang gian bếp. Chiếc bàn tròn cũ kĩ bày la liệt “cây nhà lá vườn” từ bàn tay ông tạo ra. 

Trong lúc anh em tranh thủ ra tham quan vườn, tôi ngồi đàm đạo với ông bao chuyện, nhờ vậy mới biết sức khỏe của ông mấy năm trước không được tốt, nhưng gần đây khá hơn cũng là nhờ chăm sóc mảnh vườn. Ông trồng đủ loại cây trái. Nguồn giống tự sưu tầm, nghiên cứu rồi nhân rộng ra.

Chuyến thăm ông, đối với tôi như thế là mĩ mãn, cái may mắn là lại được tháp tùng ông về Ba Tri dự lễ kỷ niệm Cụ Đồ. Lễ mít tinh kết thúc, tôi gặp để chia tay ông về thẳng nhà khách tỉnh ủy. Ông nắm tay tôi khẽ cười – “Chương trình đã xong đâu. Phải trở lại nhà tôi mới kết thúc”. 

Phan Văn Mãn nói nhỏ với tôi – “phải ghé thôi anh ạ. Nhà ông Hai như là trạm đón tiếp anh em ngoài Bắc vô. Nếu như chưa thưởng thức “đặc sản  bánh xèo Hai Nghĩa “thì coi như chưa về Bến Tre”. Dường như có sự chỉ đạo trước của ông, ở nhà bà Cẩn (vợ ông) và mấy cháu phụ giúp, khách tới nhà mới nổi lửa làm bánh xèo, vậy mà vừa xếp xong chỗ ngồi, bánh đã được bê lên. Một bữa khoái khẩu nhớ đời đối với tôi. Nó ngon bởi hương vị đặc trưng ở miệt vườn Nam bộ quyện với cái tình của gia chủ. 

Về tới nhà khách đã hơn mười một giờ đêm. Thế là trọn vẹn một ngày đầy ý nghĩa đối với tôi. Vậy mà cả đêm đó thao thức hoài không ngủ được bởi bao kỷ niệm quá khứ về quê dừa Đồng Khởi cứ nối tiếp trôi về, quyện cùng những hình ảnh hiện tại về một “lão nông” xứ dừa có tên là Hai Nghĩa – người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. 

Tưởng đã an nhàn trong cuộc sống hưu trí nhưng tinh thần của người cộng sản ấy có hưu đâu, vẫn cứ tất bật với phong trào ở địa phương từ xây dựng nông thôn mới với điện, đường, trường trạm; phong trào xóa đói giảm nghèo; xây dựng quỹ khuyến học vì trẻ thơ; phong trào đảm bảo trật tự trị an, xây dựng nếp sống văn hóa… mà ở đâu vẫn giữ vị trí đầu tàu để quần chúng noi theo. 

Hơn nửa thế kỷ quen biết nhau, thiết nghĩ quá đủ thời gian để đánh giá về một con người, để tác giả bài viết này có thể nói rằng: Trương Vĩnh Trọng (Hai Nghĩa) là tấm gương sáng của quê dừa Đồng Khởi anh hùng.

Cái đêm không ngủ ấy trở thành kỷ niệm thắm mãi trong tôi.

(Viết sau khi có Quy định số 08/BCT về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên)

Khổng Minh Dụ
.
.