Giáo sư Vũ Đình Hòe: Người tạo nền cho giáo dục Việt Nam hiện đại

Thứ Hai, 23/11/2015, 16:19
Giáo sư Vũ Đình Hòe sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học. Cụ tổ 7 đời Vũ Tông Uyển đỗ Hương cống, trông coi việc học hành trong phủ chúa Trịnh. Vũ Tông Cửu - cụ tổ thứ sáu - là học trò giỏi của Tiến sĩ Phạm Quý Thích, mở Mậu Hòa giảng thất ở huyện Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).

Cụ tổ đời thứ năm, tiến sĩ Vũ Tông Phan, thường được gọi thân mật trìu mến là ông Nghè Tự Tháp, mở trường ở phường Tự Tháp ven Hồ Gươm (Hà Nội). Nơi đây trở thành một cơ sở đào tạo hàng loạt nhân vật nổi tiếng như Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản, Phó bảng Phạm Huy Lượng v.v…

Tiếp thu một cách tự nhiên chí hướng của tổ tiên, từ khi bắt đầu cắp sách đi học đến lúc bảo vệ thành công luận án cử nhân luật khoa tại Trường Đại học Luật Đông Dương, Giáo sư luôn kiên trì vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình, cố gắng tự bươn chải kiếm sống mà vẫn nổi tiếng học giỏi, mọi kỳ thi đều đạt hạng tối ưu.

Nhà trí thức trẻ tuổi này không nhằm mưu cầu giàu sang phú quý cho riêng mình. Ông sớm xác định một lý tưởng sống cao đẹp mà nhiều thanh niên ưu tú thuộc thế hệ ông đã hướng tới: bằng trình độ văn hóa cao và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các vị đó muốn chung tay góp sức đẩy mạnh việc nâng cao dân trí, đưa đất nước thoát cảnh “dân ngu, nước yếu”. 

Vì thế ngay khi còn ngồi trong giảng đường đại học (1932-1935) ông đã hăng hái tham gia các hoạt động xã hội của Tổng hội sinh viên, đưa ánh sáng của văn hóa đến những vùng nông thôn còn tăm tối. Năm 1941, ông đã đưa ra lời hô hào tha thiết, xúc động lòng người: “Anh em thanh niên! Đã đến lúc chúng ta về làm việc làng!”.

Tốt nghiệp đại học, thay vì dễ dàng có một vị trí tốt trong hàng ngũ quan lại, công chức cao cấp của chính quyền thực dân, ông đã chọn con đường dạy học thanh bạch tại hai trường trung học tư thục nổi tiếng lúc đó: Thăng Long và Gia Long. Cùng các giáo sư đồng nghiệp có uy tín khác như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai…, ông đã góp phần đào tạo lớp lớp thanh niên mới, có trình độ văn hóa vững vàng và có tinh thần yêu nước sâu nặng. Vừa dạy học ông vừa tham gia hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ. Với vai trò phó chủ tịch, ông phụ giúp đắc lực cho cụ Chủ tịch hội - cố học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (sau này là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa). 

Không chỉ đầu tư công sức vào lĩnh vực giáo dục, ông còn ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của báo chí trong công cuộc “nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí”.  Năm 1941, ông cùng một nhóm bạn chí cốt, tâm huyết như các tiến sĩ luật khoa Phan Anh, Vũ Văn Hiền, nhà doanh nghiệp Hoàng Thúc Tấn, nhà báo Lê Huy Vân chủ trương tờ Thanh Nghị - một trong những tờ báo nổi tiếng thời ấy, tập hợp hàng trăm cây bút có uy tín, tài năng và đức độ thuộc cả hai giới cựu học và tân học, cả những vị cao niên và tráng niên. 

Dưới sự điều hành linh hoạt, uyển chuyển của giáo sư với tư cách chủ nhiệm của báo, nhiều bài viết trong 120 số Thanh Nghị đã cung cấp cho giới trí thức Việt Nam lúc đó những hiểu biết cần thiết, đặc biệt về hiện trạng đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, để nhằm kín đáo nhắc mọi người quan tâm đến vận mệnh của đất nước trong hiện tại và tương lai.

Tháng 3/1945, giáo sư bí mật thoát ly lên Việt Bắc. Tháng 8/1945, ông tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang). Cuối tháng đó, ông được mời tham gia chính phủ cách mạng lâm thời và giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục. Đầu tháng 9/1945, Giáo sư Vũ Đình Hòe đã trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người nhanh chóng chấp thuận 3 chủ trương lớn, mang tính “tạo nền” cho ngành giáo dục cách mạng non trẻ: Một là, quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm. Hai là, dạy học bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp, kể cả bậc đại học. Ba là, nhanh chóng thực hiện cải cách giáo dục. Thay thế hẳn nền giáo dục nhồi sọ của thực dân Pháp bằng nền giáo dục mới, theo ba phương châm: dân chủ, dân tộc, khoa học. (Hồi ký Vũ Đình Hòe, 2004, tr. 738-739).

Nhờ những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, ngành giáo dục cách mạng  ngay từ những ngày độc lập đã dồi dào sức sống, tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của đất nước. Sau sáu tháng tại vị, ông được điều sang một lĩnh vực khác cũng rất quan trọng - lĩnh vực tư pháp, vẫn với cương vị bộ trưởng. Trong non 15 năm (1946-1960), ông đã có những đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa “tư tưởng pháp quyền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa trên tư tưởng gốc “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Từ năm 1961 trở đi, ông thôi chức bộ trưởng, chuyển sang hoạt động nghiên cứu tại Viện Luật học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. 15 năm làm việc với tư cách chuyên viên cao cấp (1961-1975) rồi tiếp đến thời kỳ nghỉ hưu, dù hoạn lộ thăng trầm ông luôn giữ được cốt cách một kẻ sĩ: bình tĩnh, ung dung, điềm đạm, vẫn say mê miệt mài viết sách, viết báo, làm từ điển, tham gia các cuộc hội thảo khoa học của Quốc hội và Bộ Tư pháp. Những công trình của ông về luật học, đặc biệt về Dân luật đã phục vụ thiết thực công cuộc đổi mới của đất nước. 

Có thể trân trọng kể đến mấy công trình được hoàn thành trong 10 năm cuối đời, lúc đã bước sang ngưỡng tuổi 90 “rất hiếm”: Pháp quyền - Nhân nghĩa Hồ Chí Minh (2007, 786 trang); Thuở lập thân (2012, 304 trang). Đặc biệt cần kể đến hai tác phẩm để đời: Hồi ký Vũ Đình Hòe (2004, 1.172 trang ), và cuốn cuối cùng gần đây mới ra mắt bạn đọc: Gương mặt những người cùng thế hệ (2015, 314 trang). Như Giáo sư tâm sự, bộ Hồi ký Vũ Đình Hoè này định viết từ 1975, khi bắt đầu nghỉ hưu. Bản thân định viết, bằng hữu giục viết, nhưng phải 16 năm sau mới bắt tay vào việc, bởi lẽ “quả là nay mới có điều kiện để tĩnh trí hơn trước” (Hồi ký Vũ Đình Hòe, tr.8). 

Vậy mà cũng phải mất hơn 10 năm mới hoàn thành sách. Cấu trúc sách cũng lạ, gồm 3 quyển. Quyển I tập trung dựng lại hình ảnh 4 năm hình thành và hoạt động của báo Thanh Nghị, từ “xuất xứ và tổ chức” đến mục tiêu “hướng vào cuộc đấu tranh dân tộc”. Quyển II của bộ sách, tác giả viết có vẻ thoải mái hơn. Tên của quyển là Tiền Thanh Nghị, gồm 10 chương, tác giả đã mời người đọc ngược dòng thời gian để về thăm quê hương của ông (chương 1) cùng ông làm quen với những người ruột thịt trong môi trường phố thị (các chương 2,3,4,5), nghe ông kể về “đời học trò” (chương 6) sau đó “Vào nghề thầy” (chương 7) và …“Lấy vợ” (chương 8). Chương 9 khá độc đáo: “Vợ tôi học làm dâu” (27 trang). Lý do thật thú vị như ông bộc bạch đầu chương: “Bà xã tôi chủ động đòi viết chương này”. Và ông đồng ý ngay, vì “Đúng quá. Ai mà viết thay được cho cô” (tr. 653).

Quyển III có tiêu đề Pháp quyền - Nhân nghĩa Hồ Chí Minh có phong vị riêng. Tác giả dành phần hai của quyển này để in riêng vào một cuốn (xuất bản sau đó 3 năm, 2007, dày non 800 trang). Với tư cách một luật gia, ông tập trung tìm hiểu “hiến chính” và “tư tưởng pháp quyền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng tư tưởng “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do”, với bản Tuyên ngôn Độc lập và với 2 bản Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 cùng với các sắc lệnh tương ứng mà Người đã tự tay viết hoặc lãnh đạo việc soạn thảo. 

Ông để phần đầu của cuốn Pháp quyền - Nhân nghĩa Hồ Chí Minh vào bộ hồi ký này. Cách xử lý của Vũ Đình Hòe khá thỏa đáng. Vì trong phần này tác giả thể hiện bằng một văn phong nhất quán, mang tính đặc trưng của thể loại hồi ký. Ông tập trung viết về Hồ Chủ tịch từ lúc gặp gỡ lần đầu tại cuộc họp Chính phủ Cách mạng lâm thời cho tới lúc phải vĩnh biệt lãnh tụ (2-9-1969) và đến khi bản thân mình cũng đi xa, đi để gặp Hồ Chủ tịch ở thế giới Người Hiền (29-01-2011). Giáo sư đã kể những lần được gặp gỡ, làm việc với lãnh tụ, những mẩu chuyện cụ thể mà ông từng được chứng kiến hoặc có tham gia, qua đó nhằm khắc họa đậm nét về “nhân tính; nhân tình cùng phong cách” của Hồ Chủ tịch.

Tác phẩm Gương mặt những người cùng thế hệ có thể coi là Hồi ký Vũ Đình Hòe tập 2, nhưng với cách cấu trúc khác: tác giả dựng lại chân dung 20 nhân vật - những người mà Giáo sư hiểu biết rất kỹ và quý mến họ từ đáy lòng. Có người thuộc hàng cha chú (cụ Nguyễn Văn Tố) hơn tác giả tới 23 tuổi nhưng cả hai đã đồng lòng chung sức trong hoạt động chống nạn mù chữ trước Cách mạng Tháng Tám và cùng có mặt trong Chính phủ lâm thời. 

Có người là em họ của tác giả và đã hy sinh dũng cảm trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (Vũ Bội Liêu). Có người định cư tại trời Âu xa thẳm nhưng luôn nhớ và tôn trọng nhau (Hoàng Xuân Hãn)... Có một nhân vật chưa được viết xong thì tác giả đã tạ thế: đó là Nguyễn Hữu Đang, người tham gia cách mạng rất sớm, từng được Hồ Chủ tịch giao nhiệm vụ dựng lễ đài tại Quảng trường Ba Đình chỉ trong 48 giờ, để ngày 2-9 Hồ Chủ tịch và Chính phủ ra mắt công chúng, để Người công bố bản Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể quốc dân cũng như trước thế giới. Nguyễn Hữu Đang đã hoàn thành nhiệm vụ ngoài sự mong đợi.

20 nhân vật lịch sử - 20 bức chân dung tính cách và tâm hồn cao đẹp, tiêu biểu cho thế hệ vàng của trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Góp với cuốn Hồi ký Vũ Đình Hòe, cuốn Gương mặt những người cùng thế hệ này giúp ta hiểu thêm bộ phận ưu tú của trí thức Việt Nam, rộng ra, hiểu dân tộc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử bão táp: làm Cách mạng Tháng Tám và đánh thắng cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. 

Có một chi tiết thật cảm động: Để ra số báo Xuân năm 2011, quyền Tổng biên tập tạp chí Thế giới mới đã đến thăm và xin cụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của Nhà nước Cách mạng phát biểu đôi lời “Ước nguyện đầu Xuân về giáo dục”. Ngày 11-1-2011, cụ đã trả lời bằng một trang tự viết lúc mà mắt đã mờ lắm và tay đã rất run. Sau đó 18 ngày cụ đã qua đời. Xin chép lại đây nguyên văn bài viết Ba ước nguyện đầu Xuân Tân Mão chưa đầy 300 chữ của Giáo sư Vũ Đình Hòe:

“Nhà báo hỏi tôi những điều ước nguyện đầu Xuân về giáo dục. Với tôi, một người đã gần đất xa trời nói “ước nguyện” e rằng xa vời quá. Tôi chỉ xin có 3 mong muốn nhỏ nhoi.

Một, mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ Cộng hòa đầy khó khăn gian khổ, đó là: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí”. Và chí ít ra, ngày Chủ nhật ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hòa tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn đặng trở thành những chủ nhân ông mạnh mẽ, năng động và thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau

Hai, mong người già được con cháu và toàn thể xã hội kính trọng và chăm sóc để được yên vui thanh thản hưởng tuổi trời.

Ba, mong nền giáo dục của ta thực sự là “giáo dục vị nhân sinh”, nghĩa là phục vụ các yêu cầu thiết thực của mỗi con người về vật chất cũng như tinh thần, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của một nước Việt Nam dân chủ, văn minh và phồn vinh.

Có gì thì đã viết hết trong Hồi ký rồi. Chỉ xin phép được nói thêm vài lời: đừng quên nhiệm vụ “diệt giặc dốt” vẫn còn rất quan trọng. Và cố gắng in lại những bài “Áo vải bàn suông” (tức "Thanh Nghị”).

Nhân năm Nguyên đán Tân Mão sắp đến tôi có lời chúc các bạn sức khỏe dồi dào và một năm mới an lành”.

Giờ đây, ở tuổi tròn 100, Giáo sư Vũ Đình Hòe đã thanh thản về với thế giới những con người cao thượng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người mà ông hằng tôn kính “về nhân tính - nhân tình và phong cách sống” (Hồi ký Vũ Đình Hòe, trang 703).

PGS.TS Trần Hữu Tá
.
.