Giáo sư Hà Minh Đức: Tôi là người cần cù
Và nếu biết ông ở mức độ gần gụi, ta sẽ rất thương ông, thương cho cả những mơ ước dường như vẫn còn rất non trẻ trong lòng vị giáo sư đã 73 tuổi này. Ông là GS-NGND Hà Minh Đức.
PV: Thưa GS, 73 tuổi cũng là cái tuổi được coi là "Xưa nay hiếm" rồi! Vậy mà GS vẫn đều đặn cho ra những tập sách mới, thậm chí cả tập thơ mới. Mà nghe nói, phải tới tập thơ mới này thì Hà Minh Đức mới hiện lên như một nhà thơ giàu triển vọng. GS có thể lý giải được không, chẳng lẽ phải cần tới ngần ấy thời gian mới có thể trở thành một nhà thơ "trẻ"? (cười).
Giáo sư Hà Minh Đức (GS HMĐ) (cũng cười): Thưa anh, tôi rất ít khi tự đánh giá thơ mình, vì tôi cảm thấy việc đó rất khó. Cũng có nhiều bài viết về thơ tôi nhưng là do những người khác viết. Còn tôi thì không. Nói về thơ mình tôi cảm thấy chơi vơi, dễ chủ quan... Và thực ra, công việc chính của tôi không phải là làm thơ, công việc chính của tôi là nghiên cứu và dạy học.
PV: Đôi khi, cái chúng ta nghĩ là việc chính lại không mang tới cho chúng ta kết quả như những công việc mà ta cứ tưởng là phụ. Chuyện này đã xảy ra với không ít người… GS có nghĩ như thế không?
GS HMĐ: Có, nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra với tôi. Công việc chính của tôi là làm thầy giáo. Tôi dạy học đến năm nay đã là 50 năm rồi. Sức khỏe tôi sút kém dần nhưng vẫn thú làm việc. Tôi vẫn thích đi giảng bài, giảng về văn thơ rất thú vị, nhất là giảng trước lớp đông, vì ở trước đám đông mới có phản ứng hai chiều, mình mà giảng hay thì phản ứng trở lại rất dễ chịu và tạo thêm cảm hứng cho mình.
Hiện nay, tôi vẫn đi dạy cho mấy lớp cao học. Dùng cái từ sự nghiệp giáo dục thì nó có vẻ to tát quá nhưng trong nghề làm thầy thì mình cũng được tôn vinh. Tôi mang đến cho các em kiến thức và các em cũng mang đến cho tôi sự tươi trẻ, tình yêu cuộc sống và đó có lẽ là cái ổn định nhất.
PV: Tôi biết, sinh viên cũ của GS Hà Minh Đức rất là đông ở trong làng văn, làng báo, nhiều người rất thành công. Và điều đó cũng góp phần tôn vinh GS trên nhiều phương diện. Nhưng để ý tới công việc của GS từ nhiều năm nay, tôi có cảm giác rằng, hình như GS vẫn muốn thành tựu lớn nhất mà mình để lại là các công trình nghiên cứu. Cảm giác đó của tôi có sai lầm không, thưa GS?
GS HMĐ: Ngoài công tác giảng dạy tôi cũng dành nhiều thời gian và sức lực cho nghiên cứu khoa học. Chắc anh cũng biết tôi đã ra được bộ tuyển tập có 3 cuốn, gần ba nghìn trang.
Quyển mới nhất ra gần đây là cuốn "Tự Lực Văn Đoàn - Trào lưu và tác giả". Chủ đề này tôi đã nghiên cứu mấy chục năm rồi. Mà tính năm thì nó cũng là vô cùng. Cái chính là nói về Tự Lực Văn Đoàn thì không phải một lúc mà nói hết được. Phải chờ tới thời kỳ Đổi Mới, bắt đầu từ những năm 1990, mới có thể nói đầy đủ về Tự Lực Văn Đoàn. Tôi cũng nhận thức được điều này, nên đúng vào thời điểm ấy, tôi đã đứng ra góp phần vào việc tổ chức hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn.
Sau đó, tôi đã tìm cách tiếp xúc và trò chuyện với nhiều nhà thơ, nhà văn lớp trước để thu thập thêm tư liệu về Tự Lực Văn Đoàn. Nhà thơ Tế Hanh, các nhà văn Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân, nhà văn Nguyễn Văn Bổng và đặc biệt là nhà thơ Huy Cận đã nói rất đầy đủ về Tự Lực Văn Đoàn, nói một cách đầy thuyết phục. Tôi nghĩ, các nhà nghiên cứu văn học không dễ nói đầy đủ như thế vì không phải là người trong cuộc.
Cuốn sách của tôi cũng được dư luận khen. Khen vì công trình đầy đủ. Họ cũng khen vì tôi có công ghi lại được những điều sâu sắc mà các nhà văn lớp trước nói về Tự Lực Văn Đoàn. Tuy thế, đối với đề tài này thì làm vậy cũng chưa phải là xong.
PV: Thưa GS, tôi có cảm giác ông là một người may mắn trong công việc vì đã sống được tới thời Đổi Mới và có một sự nghiệp đồ sộ như thế, ít ra là tính trên phương diện số đầu sách, số đầu công trình nghiên cứu đã được công bố. Tôi rất hiểu rằng, nghiên cứu khoa học xã hội là một công việc cực kỳ khó khăn, khó ngàn lần hơn so với nghiên cứu khoa học tự nhiên, mặc dù nghiên cứu khoa học tự nhiên cũng nặng nhọc lắm.
Khó là bởi vì sao? Vì khoa học xã hội hơn bất cứ môn khoa học nào luôn phải đắn đo tính thời đại; anh không hợp thời thì anh không thành danh được; anh không hợp thời thì anh mất cơ hội cống hiến nhiều hơn những phần anh đã cống hiến. Liệu GS có khi nào cảm thấy ngậm ngùi cho những người đồng nghiệp không có được may mắn như ông không?
Và trong những đồng nghiệp ấy, có những ai mà GS đánh giá cao nhưng họ đã không có đủ điều kiện để thể hiện hết tầm của họ, không phải vì họ không có đủ năng lực hay không tâm huyết mà chỉ đơn giản vì họ không sống được đến lúc quan điểm của họ trở nên thích hợp nhất?
GS HMĐ: Cái câu hỏi này của anh thực sự là khó. Đúng như anh đã nói, mỗi người có một thời của mình. Tôi lấy ví dụ như Giáo sư Lê Đình Kỵ, lớp đàn anh của tôi. Anh ấy cũng nhiều tuổi rồi, chấm dứt hoạt động cách đây độ khoảng dăm bảy năm vì sức khỏe. Nhưng dẫu sao thì anh cũng tạo được giá trị trong thời điểm của anh ấy. Tôi cho rằng, cái làm chúng ta khổ tâm chính là cái giới hạn của con người.
PV: Giới hạn tự nhiên hay giới hạn xã hội?
GS HMĐ: Thưa anh, cái giới hạn này nó thuộc nhiều phương diện. Thứ nhất, giới hạn về thời gian, thời gian là trời đất cho anh chỉ cho anh một khoảng ấy…
PV: Đó là giới hạn tự nhiên.
GS HMĐ: Trong giới hạn đấy có phần giới hạn của bản thân. Giới hạn của bản thân là không nhận thức được mình cho nên trên một trường độ phát triển như thế, thì anh không thấy được thời điểm nào là thời điểm anh có thể tạo nên giá trị, anh có thể "chín" và có đóng góp. Và vì thế dần dần mọi sự trở nên lẫn lộn, rất đáng tiếc. Đó là giới hạn thứ hai. Và cái thứ ba chính là giới hạn của xã hội. Theo tôi, cái giới hạn này cũng rất đáng kể.--PageBreak--
PV: Thời thế tạo anh hùng. Không gặp thời anh hùng cũng dễ bị thất thế, nói gì tới người làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội.
GS HMĐ: Anh Nguyễn Khải mới mất, anh là con người của trí tuệ và lịch lãm, anh nói rằng, chính nhờ "cái thời" anh ấy đã sống mà anh ấy đã có thể đóng góp được cho văn học. Đấy là đối với nhà văn, người viết tiểu thuyết, những người mà các mối quan hệ xã hội cho phép mở ra rất nhiều thứ.
Còn về bản thân tôi thì thực sự khó nói. Chúng tôi là những người nghiên cứu, dạy học. Trong khuôn khổ nhà trường thường sẽ tách rời lý thuyết và thực tiễn, nhà trường và xã hội mà mình không dễ gì vượt ra được. Và tôi cũng luôn âm thầm nghĩ rằng, nếu không có sự tiếp sức của cuộc sống thì mình chẳng làm được gì nhiều.
PV: GS có nghĩ rằng, đôi khi một vài đỉnh cao của mình trong quá khứ lại chính là vật cản chân mình bước vào tương lai, bởi lẽ, muốn thành công, nhà nghiên cứu khoa học xã hội phải hợp thời, mà hợp với đương thời quá thì lại dễ bị lỗi thời với tương lai? GS có bao giờ nghĩ tới chuyện đó không?
Và xin phép được hỏi thật, GS có thấy trong sự nghiệp nghiên cứu của mình có điều gì đó tương tự xảy ra không?
GS HMĐ: Trong quá trình nghiên cứu của tôi, tôi xin trình bày vắn tắt thế này, tôi luôn cố gắng kết hợp cái mà tôi cho rằng có thể thích hợp với yêu cầu cuộc sống với cái mà tôi nghĩ là nó sẽ tồn tại, tồn tại lâu dài hơn. Dường như có đề tài thiên về tính khoa học và có đề tài thiên về tính thời sự và phải làm sao kết hợp được hai phẩm chất đó. Thật là khó và cũng là thử thách với nhiều nhà nghiên cứu.
Tôi nói ví dụ như nghiên cứu về văn thơ báo chí Hồ Chí Minh chẳng hạn, vừa là khoa học vừa là thời sự. Tôi nghĩ đây là công việc cực kỳ khó, có mới mẻ gì nữa đâu. Lúc đầu, khi tôi đưa cho NXB Khoa học xã hội dàn ý về chủ đề này thì ông giám đốc NXB Phạm Hựu có nói, liệu anh có viết được gì thêm không, đã có thầy Hoài Thanh, thầy Đặng Thai Mai viết rồi, đã có một số bài viết của anh Chế Lan Viên, anh Xuân Diệu nói nhiều như thế rồi thì anh nói được gì…
Tôi đáp, ý kiến của các vị đàn anh rất sắc sảo, rất hay nhưng với tư cách một công trình nghiên cứu thì còn nhiều điều tôi có thể nói được. “Vậy anh làm cho một đề cương”. Và sau đó, tôi đưa đề cương cho ông giám đốc NXB thì xem xong, anh ấy chấp nhận ngay. Và anh Hoàng Trung Thông cũng đã giúp tôi trong vấn đề nghiên cứu.
Tôi nghĩ, công trình "Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn của dân tộc" in năm 1979 của tôi có thể chưa thật hay nhưng nó chu đáo và nói được những vấn đề tương đối cơ bản và dư luận cũng chấp nhận.
Năm 1985, tôi viết tiếp một cuốn "Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Cuốn này có được cũng nhờ sự tiếp sức của GS Nguyễn Khánh Toàn. "Cụ" Nguyễn Khánh Toàn nói với tôi thế này, văn của Bác còn hay, còn hơn thơ. Tôi thưa, xin thầy giúp em! "Cụ" Nguyễn Khánh Toàn đồng ý giúp và sau đó có viết cho tôi lời tựa của tập sách. Tôi biết ơn thầy và hiểu rằng xin được chữ của "Cụ" Nguyễn Khánh Toàn hoàn toàn không phải việc dễ.
"Cụ" khẳng định đó là một cuốn sách được làm nghiêm túc… Tất nhiên, tôi thấy vẫn còn một số vấn đề khác còn có thể nói thêm được về văn Hồ Chí Minh…
Rồi khi về làm Chủ nhiệm Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, tôi viết tiếp một công trình mà theo tôi cũng đầy khó khăn là "Báo chí Hồ Chí Minh". Thực ra, trước đó đã có anh Nguyễn Thành viết về báo chí Hồ Chí Minh nhưng anh ấy viết về báo chí theo lịch sử phát triển qua năm tháng, còn tôi muốn nghiên cứu theo phong cách, theo kiểu bổ dọc và bổ ngang.
Tôi cảm thấy ba công trình ấy đối với sức của tôi thì cũng là vất vả lắm rồi, đó là vấn đề lâu dài. Còn tôi có đạt được chất lượng hay không nó là chuyện khác… Các công trình của tôi đều thực hiện theo cách như thế cả. Có những đề tài có thể đã có nhiều người làm, nhưng mình vẫn thấy đề tài ấy có thể tiếp tục ở những chặng đường sau thì mình vẫn quyết tâm làm.
Anh xem, chẳng hạn khi tôi nghiên cứu về Thơ Mới thì cũng thế. Thực ra trước kia cũng có một số nhà nghiên cứu làm về Thơ Mới rồi, nhưng thực sự tôi cảm thấy đây là một vấn đề mà một người làm không xong, thậm chí một thời làm cũng không xong mà phải làm trong nhiều thời điểm, tức là ở mỗi thời điểm mình có thể triển khai được quan điểm của mình theo một cách càng ngày càng rộng, càng sâu và thẳng thắn hơn so với trong quá khứ, khi điều kiện xã hội khách quan nó chưa phù hợp với cách làm như vậy.
Tôi nói thế có đúng không ạ?
PV: Rất đúng!
GS HMĐ: Cho nên tôi mới nói là khi chủ đề mở dần ra phải nhạy cảm tiếp nhận và mình có điều kiện nói kỹ hơn.
PV: Có bao giờ để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể, GS bắt buộc phải chấp nhận nói ngược không?
GS HMĐ: Không, về cơ bản tôi không nói ngược. Có thể phải bổ sung, phải điều chỉnh nhưng không nói trái với mình.
PV: Đành rằng một nửa cái bánh mì thì cũng là bánh mì rồi. Và nếu ta lựa thời nói ra từng phần sự thật thì cũng không phải là nói dối nếu ngay từ đầu ta đã ý thức được điều này và không thêm bớt vào sự thật bất cứ gia vị nào. Đơn giản là để nhận thức đúng được sự thật thì trong xã hội phải có những điều kiện nhất định phù hợp.
Không nên gây sốc bằng những sự công bố cực đoan. Hoặc giả, trong từng giai đoạn ta chỉ trình bày những gì ta đã nhận thức được ở thời điểm đó thì không ai có thể buộc tội được ta, nếu ta luôn chân thành. Đó là quá trình cùng lớn lên với nhận thức xã hội. GS có nghĩ như thế không?
GS HMĐ: Vâng, ở từng thời điểm tôi nhận thức được như thế nào và tôi viết đúng như tôi nhận thức. Dư luận văn chương chúng ta trong mấy chục năm qua nhiều lúc bị cuốn đi theo yêu cầu nóng của xã hội nên không tránh khỏi sự bồng bột, thiếu khách quan. Có lúc tôi cũng ít nhiều bị chi phối nhưng chỉ chừng mực thôi.
PV: Có bao giờ GS nhận thức một cách mà lại viết khác với nhận thức của mình không?
GS HMĐ: Không, tôi không viết khác với điều tôi suy nghĩ và viết đúng lòng mình! Ví dụ như tôi không khen quá những gì mà không đáng khen. Khen thực sự là một vấn đề phức tạp, anh bạn ạ... Anh cũng thấy rằng, tôi không chê quá một cái gì mà sau này việc ấy là đáng khen. Tôi ít khi phải nói lại...
PV: Nếu đúng là như vậy thì bây giờ, liệu GS có thể nhớ lại một hai ba vấn đề ít ỏi mà GS từng phải nói lại không? Liệu có bao giờ GS phải "đính chính" lại quá khứ hay tất cả những gì mà GS viết hôm nay luôn là sự tiếp nối hữu lý và tự nhiên của những gì đã viết ngày hôm qua?
GS HMĐ: Về chuyện này thì phải nói rằng, về cơ bản là sự tiếp nối, càng ngày càng kỹ hơn do tôi nhận thức được mới hơn. Và thứ hai là xã hội cũng tạo điều kiện cho tôi được nói đủ hơn, sâu hơn. Nói chung tôi viết thận trọng lắm, hết sức thận trọng. Viết về Thơ Mới, về Tự Lực Văn Đoàn cũng thế, tôi luôn thận trọng. Tôi không cực đoan mà luôn cố giữ chừng mực.
PV: Chừng mực không có nghĩa là sợ mà là vì biết nhiều. Người biết nhiều không bao giờ cực đoan cả, mà thường chừng mực. Nhưng chừng mực quá thì lắm khi cũng tẻ.
GS HMĐ: Vâng, phải vậy. Tôi không dám nói tôi biết nhiều nhưng tôi cảm thấy, nếu mình cực đoan thì sẽ sai và có thể sẽ không đúng với sự phát triển của một hiện tượng văn chương nào đó.
PV: Cực đoan sẽ trở thành bất nhẫn mà bất nhẫn thì sẽ không nhận thức được chân giá trị của các hiện tượng thực tế. Có những trí tuệ siêu việt hẳn hoi nhưng do cực đoan nên đã không hiểu đúng được về Thơ Mới.
GS HMĐ: Trong chuyện này cũng thừa nhận rằng tôi chịu ảnh hưởng của các nhà Thơ Mới, anh Xuân Diệu, anh Huy Cận, anh Chế Lan Viên… Tôi được quen biết các anh ấy từ khi tôi còn trẻ. Và được nghe các anh ấy nói nhiều, nói hay về Thơ Mới.
Anh Xuân Diệu lúc nào cũng nói tới những cái hay của Thơ Mới. Anh ấy bảo, mình phải tập Yoga để có sức khỏe, sống lâu để đấu tranh cho Thơ Mới. Tiếc rằng anh Xuân Diệu mất sớm (1985) nên không chứng kiến được cái ngày Thơ Mới trở lại đúng ngôi vị của nó trong thời kỳ đổi mới.
PV: Nhưng khi Thơ Mới bị phê phán dữ dội thì thái độ của nhà thơ Xuân Diệu thế nào? Thi sĩ có bức bối không hay chỉ nhún vai chấp nhận?
GS HMĐ: Tôi thấy khi Thơ Mới bị phê thì không phải Xuân Diệu thụ động chấp nhận đâu. Anh ấy phản ứng và có lý lẽ của mình. Xuân Diệu tin rằng, trong tương lai Thơ Mới sẽ tồn tại.--PageBreak--
PV: Thực tế đúng là như vậy. Nhưng lúc nào thì GS nghe thấy câu ấy của Xuân Diệu?
GS HMĐ: Tôi nghe Xuân Diệu nói câu ấy khoảng năm 1979/1980. Sắp tới tôi sẽ xuất bản một cuốn sách về Xuân Diệu, trong đó có một phần nghiên cứu và toàn bộ những ghi chép của tôi từ năm 1969 cho đến trước khi anh ấy mất. Nói thực, không bao giờ Xuân Diệu bó tay thúc thủ khi nói về Thơ Mới.
PV: Không rõ vì sao tôi lại cứ nhớ rằng, trong một số bài viết thời kháng chiến, Xuân Diệu có vẻ như "tự kiểm thảo" sâu sắc lắm…
GS HMĐ: Anh ơi, thời đấy phải thế mà. (cười). Chẳng riêng gì Xuân Diệu.
PV: Trong chúng ta hình như ai cũng có một phần lựa theo thời cuộc. Người Việt Nam mình tư duy mềm dẻo lắm, quan trọng là tồn tại để rồi điều chỉnh dần mọi thứ theo hướng mà mình cho là đúng nhất. Tôi nghĩ, làm thế cũng có cái lý của nó. Không tồn tại thì còn đấu tranh được gì cho lẽ phải.
GS HMĐ: Đọc phần thơ sau này của các anh ấy, thấy mọi sự lành hiền lắm (cười)…
PV: Những chàng trai lãng tử lúc đứng tuổi rồi, phần nhiều đều trở thành những "quý ông ngoan ngoãn". Chuyện không mới mẻ ở trên khắp thế giới… Thưa GS, trở lại với Xuân Diệu, liệu GS có thấy Xuân Diệu của những năm 1970 mà GS đã gặp giống với Xuân Diệu qua thơ ca của thời Thơ Mới không?
GS HMĐ: Anh vẫn giữ lại những suy nghĩ của mình như trước đấy.
PV: Thế còn Huy Cận? Nói thật, sau này gặp thi sĩ ấy, tôi rất khó hình dung về thời "Chàng Huy Cận ngày xưa hay sầu lắm/ Gió trăng ơi nay còn nhớ người chăng?".
GS HMĐ (cười vui vẻ):…
PV: Hay là theo dòng thời gian, ai cũng thế chăng, thưa GS?
GS HMĐ: Với anh Huy Cận tôi cũng được gần anh ấy. Tôi thấy anh là một người rất giàu về trí tuệ. Và hiểu biết rộng. Nhưng trong anh Huy Cận có hai con người, một con người thi nhân và một con người công chức. Về tính nguyên tắc, về mặt chính quyền, phải nói là ông Huy Cận vững vàng. Và bản lĩnh đấy.
Còn về chuyện hai con người này song song tồn tại nó có ảnh hưởng đến sáng tác thơ ca hay không thì tôi không dám nói. Nhưng tôi luôn tôn trọng anh Huy Cận với tất cả những cái anh làm được trước Cách mạng và thơ ca của anh thời kỳ sau Cách mạng.
PV: Theo GS, GS đã nói rằng, nghiên cứu của ông là một dòng phát triển liên tục. Công trình trước có thể đã là đỉnh nhưng công trình sau nó lại cao hơn. Ông có ngại rằng cái đỉnh sau lại phủ nhận cái đỉnh trước không?
GS HMĐ: Vâng, có đấy ạ. Theo tôi, nó không phủ định hoàn toàn, mà theo từng mảng. Hay nói đúng hơn, cái sau tốt hơn, cái sau dám nói điều mà cái trước chưa thể nói được. Đấy là sự tiến bộ của bản thân nó, chứ không phủ định hoàn toàn.
PV: Không phủ định hoàn toàn, có thể thế. Chồng sách của GS cho tới thời điểm này là rất cao rồi, nhưng mà nói một cách thực chất, nếu ta không may như Robinson Crusoe bị lạc vào hoang đảo, thì GS muốn mang theo mình những cuốn nào từ chồng sách đó?
GS HMĐ: Câu của anh khó trả lời quá. Vì đó là tự đánh giá mình, một là sẽ quá nghiêm khắc, hai là sẽ chủ quan. Tôi yêu quý những cuốn sách của tôi vì đó là công sức nhưng cũng xót xa khi nhận ra những hạn chế của nó. Trong một lần họp tôi có phát biểu: chính thời cuộc mở ra cho nhiều nhà lý luận phê bình những vấn đề mới nhưng cũng sẽ bị xóa sổ những cuốn sách trước của mình. Và cũng không riêng với lý luận phê bình.
PV: GS có sợ mình trong số đấy không?
GS HMĐ: À, tất nhiên, cũng có thể một phần chứ làm sao mà không bị hả anh. Chắc chắn, xóa đến mức nào và như thế nào thì cái đó mình không hình dung hết được, nhưng mình chỉ cảm nhận thấy trong những thứ mình đã viết thì có thể có một phần bị lạc hậu trước sự phát triển của nhu cầu mới, nhưng cũng có một phần ổn định.
Cái phần đó đến đâu tôi cũng không thể nào đánh giá hết được nhưng chắc chắn đã có một phần ổn định, vì rằng tôi cũng bám vào và viết công phu những cái mà tôi cho rằng tương đối ổn định. Ví dụ như tôi hay nghiên cứu về thể loại và đây là ý thức.
Chẳng hạn như cuốn mà tôi và anh Bùi Văn Nguyên viết chung: "Sự phát triển thơ ca, hình thức và thể loại". Khi tôi đưa đến nhà xuất bản đề cưong sơ lược, người ta không chấp nhận và nói: đang đánh Mỹ, làm gì mà các anh viết về hình thức thể loại? Thấy vậy, tôi bảo: Không, tất cả các nước mà nhất là nước ta, với nền thơ ca giàu truyền thống như thế dứt khoát có sự phong phú về mặt thể loại mà cái này rất cần cho các trường đại học hiện nay, nhất là các trường phổ thông. Các anh cứ để chúng tôi nghiên cứu chủ đề này và tôi cũng phải đưa đến một cái đề cương rất tỉ mỉ.
Và sau đó, NXB Khoa học xã hội đã chấp nhận. Và như anh biết, cuốn sách đó in ra năm 1968. Và phần đóng góp chính trong đó thuộc về anh Bùi Văn Nguyên vì anh ấy viết phần cổ điển, còn tôi viết về đầu thế kỷ XX tuy mỗi thứ có một cái khó riêng. Cuốn ấy cũng được tái bản 3 lần rồi. Đối với nhà trường thì đó là cuốn sách có ích, tôi chỉ dám dùng chữ có ích thôi.
Chúng tôi có một đối tượng mà chúng tôi tôn trọng, đó chính là sinh viên và chúng tôi làm những cái cần thiết cho các em. Còn để thỏa mãn những giá trị khác thì tôi cho là khó. Chúng tôi cũng muốn lóe sáng, cũng mơ ước được thế nhưng đó là việc không dễ. Tôi tự xác định mình phải làm những việc có ích và tuần tự hết công việc này đến công việc khác.
Tôi cũng có thể nói với anh rằng, tôi là một người cần cù. Tôi có phát biểu hồi tôi được trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân rằng, tôi là người lao động cần mẫn, từ mờ sáng tinh sương cho đến tối. Và cũng có thể nói thêm một chữ là cũng hơi có góc cạnh, tuy kín đáo.
PV: Nếu bây giờ tự nhiên tôi hỏi, liệu GS có nhớ lại là mình đã viết tổng cộng bao nhiêu tập sách và bao nhiêu trang sách không?
GS HMĐ: Tôi không nghĩ đến trang, không nghĩ đến quyển, vì thực ra, nếu tính sách riêng của tôi thì cũng nhiều, nhưng cái làm mình thích và đứng lại ở quyển nào thì số đó không nhiều. Thậm chí là ít. Ví dụ như quyển "Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại". Theo tôi, đây là cuốn mà tôi viết công phu, viết riêng, sách lý luận mấy trăm trang và cũng tái bản đến mấy lần rồi.
Hay cuốn "Nam Cao - đời văn và tác phẩm" là cuốn mà tôi thích. Tôi là một trong những người đầu tiên viết sách nghiên cứu về Nam Cao. Hay là cuốn "Tô Hoài - Đời văn - Tác phẩm" vừa là nghiên cứu văn chương, vừa là kỷ niệm nhà văn Tô Hoài gần gũi và giúp đỡ tôi nhiều… Rồi những cuốn như "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà thơ lớn của dân tộc" và cuốn "Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh" đều tái bản đến 8 lần rồi…
PV: Đó là những cuốn thích hợp thích ứng với cả đời sống và điều kiện hiện tại.
GS HMĐ: Vâng nó thích hợp với hiện tại nhưng đồng thời trong chừng mực nào đó, nó cũng có ý nghĩa lâu dài. Tôi đã cố gắng để có thể chấp nhận được và có ích trong nhà trường...
PV: Thực sự mà nói, theo tiêu chí nào mà GS chọn các nhân vật cho các công trình nghiên cứu của mình? Tiêu chí là xã hội cần, phải xử lý theo phương thức và nghĩa vụ xã hội hay là GS thấy rằng, những nhân vật ấy, những tác gia ấy hợp mình nhất, hợp với tâm nguyện, với quan điểm mỹ học triết học và nhân sinh của mình nhất?
GS HMĐ: Trước hết là vì hợp với tôi và khả năng tôi có thực hiện được hay không. Thứ hai, với chủ đề đó, tôi có thể tạo được một đam mê không; không có đam mê thì tôi cũng không thể làm được. Còn những cuốn chỉ viết theo yêu cầu xã hội thì chưa chắc thích hợp được.
Như nói về cuốn "Tự Lực Văn Đoàn" thì đó là cuốn mà tôi đã đầu tư từ lâu rồi. Về Thơ Mới cũng thế. Chỉ có những cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết hợp hài hòa cả nhu cầu xã hội với hứng thú nghiên cứu của tôi.
PV: GS có rất nhiều học trò, học trò cũng có đủ loại. GS buồn nhất khi học trò nào đối xử với thầy theo cách gì?
GS HMĐ: Tôi cũng không nghĩ đến chuyện buồn vì tôi dạy lâu rồi, tôi gặp rất nhiều trường hợp. Tôi nghĩ, trong 10 người mình dạy thì cũng có 3, 4 em để lại cho mình những tình cảm, những ấn tượng. Họ đối xử rất tốt, rất gần gũi và có một phần nào đó biết ơn thầy; cái đó là cái tôi rất quý rồi.
Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, cũng là theo quy luật phát triển tự nhiên có một số em chỉ giữ mối quan hệ thầy trò bình thường, thậm chí trong đó có một vài em quên nhanh, thậm chí đến một môi trường khác có thể lại có một cái gì đó khác với mình, hoặc đối lập với mình. Số ấy không nhiều. Tôi nghĩ, chuyện ấy cũng là bình thường thôi. Tôi không định kiến mà thích sự khoan hòa và thân thiện.
PV: Trước ngưỡng cửa năm mới, GS có thể tiết lộ ba điều ước của mình được chăng?
GS HMĐ: Điều đầu tiên là có được sức khỏe, hai là cố gắng cho trí tuệ minh mẫn vì đã đến tuổi dễ lầm lẫn rồi.
PV: Và thứ ba là ...
GS HMĐ: Để có một môi trường gia đình đầm ấm vì tuổi già chỉ mong thế thôi.
PV: Vâng, xin cảm ơn GS Hà Minh Đức!