GS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí: Tại sao tôi lại đổi tên mình?

Thứ Hai, 26/07/2021, 11:22
Từ một cậu bé sinh trưởng ở vùng đất nắng lửa Quảng Bình trở thành người thầy thuốc tên tuổi có nhiều đóng góp với cộng đồng, một “ông nghị” trách nhiệm với cử tri và Quốc hội, GS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí đã qua những chặng đường dài gắn với ý chí và nghị lực...

 

Ông tâm niệm, là thầy thuốc, việc hàng đầu là phải giữ gìn y đức, khai mở những hướng đi mới để trị bệnh cứu người, giúp đỡ cộng đồng; là đại biểu Quốc hội, người dân cần gì, cuộc sống cần gì, thì đi vào hướng đó, phục vụ theo hướng đó. Dù đường đời không phải lúc nào cũng hanh thông nhưng nhờ bám sát “đường ray” đó, ông đã có nhiều đóng góp với cộng đồng, với công chúng.

GS Nguyễn Anh Trí trò chuyện cùng Nhà báo Trần Duy Hiển.

Ngay trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, GS Nguyễn Anh Trí đã có cuộc trò chuyện với PV An ninh Thế giới cuối tháng về chuyện đời và chuyện nghị trường… Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

- Nhà báo Trần Duy Hiển: Thưa GS Nguyễn Anh Trí, trước hết, xin chúc mừng ông vừa tái đắc cử Đại biểu Quốc hội. Ông có suy nghĩ gì khi được cử tri Thủ đô tín nhiệm bầu ông làm người đại diện tại cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước?

GS Nguyễn Anh Trí: Tôi là một người đã về hưu mà vẫn được bầu chọn.  Đó là điều khiến tôi cảm thấy rất vinh dự!  

- Xin trở lại hơn 5 năm về trước, ông là một thầy thuốc rất bận rộn với công việc chuyên môn, vậy căn duyên nào để ông tự ứng cử ĐBQH khóa XIV?

- Câu chuyện thế này, cuối 2015, có một số đồng chí lãnh đạo nhắn nhủ tôi nên tham gia ĐBQH. Nhưng quãng thời gian đó tôi bị cuốn vào công việc và cũng chưa hề có “kinh nghiệm” để trở thành ứng viên. Ngày 9/3/2016, tôi đang công tác ở Brisbane, Úc, có người gọi điện cho tôi nói thế này: “Tại sao nói với anh như thế mà không thấy anh có động tĩnh gì để tham gia Quốc hội?”. Tôi trả lời: “Còn lâu mà? Tận tháng 5, mà giờ mới tháng 3”.

Câu trả lời là: “Anh nhầm! Hiệp thương vòng 1 đã xong rồi. Con đường duy nhất nếu anh muốn tham gia ĐBQH là tự ứng cử”. Vậy mà tôi thì cứ nghĩ rằng, nếu tháng 5 bầu đầu tháng chuẩn bị là vừa! Sáng sớm ngày 11/3/2016 tôi về tới Việt Nam. Và khi tôi nộp hồ sơ xong, bước ra ngoài, cửa phòng nộp hồ sơ đóng lại! Không phải vì họ ghét tôi (cười) mà vì hết thời gian theo quy định.

- Ông sinh ra và lớn lên ở miền Trung nghèo khó, và đã được đặt tên là “Nguyễn Anh Trí”, cái tên ấy chắc chắn mang theo nhiều thông điệp?

Mẹ tôi là nông dân, không biết chữ, bà chỉ viết được chữ “Hằng” – là tên bà, chắc ai đó tập cho bà! Ba tôi là bộ đội kháng chiến chống Pháp, là y sĩ trong quân đội. Sau 1954, cụ làm y tế phục vụ ngành lâm nghiệp của tỉnh Quảng Bình… Ba tôi có nguyện vọng cháy bỏng là các con được học tập. 

Anh trai tôi tên Tài (Nguyễn Văn Tài, sau này cũng là giáo sư, thiếu tướng Quân đội - PV). Vì họ gia đình tôi là “Nguyễn Văn…”, nên tên khai sinh của tôi là Nguyễn Văn Trí. Khi tôi mới 5 tuổi, ba hay nói với tôi rằng, ba đặt tên con là Trí, để sau này con có thể sống bằng trí tuệ của mình. Đó là nguyện vọng của ba. Điều đó đã ám ảnh, thôi thúc tôi phải sống, làm việc bằng trí tuệ của mình, để thỏa cái nguyện vọng của ba.

"Từ khi tôi mới 5 tuổi trở đi, ba hay nói với tôi rằng, ba đặt tên con là Trí, để sau này con có thể sống bằng trí tuệ của mình. Đó là nguyện vọng của ba. Điều đó đã ám ảnh, thôi thúc tôi phải sống, làm việc bằng trí tuệ của mình...", GS Nguyễn Anh Trí trải lòng.

Anh Tài của tôi học giỏi lắm. Một hôm anh đọc trên tạp chí Toán học, thấy tên ông Phó Tiến sĩ là Nguyễn Anh Trí. Tối hôm đó trong bữa cơm gia đình, anh Tài nói với ba tôi: “Ba ơi, đổi tên cho em Trí thành Nguyễn Anh Trí đi, để sau này nó trở thành phó tiến sĩ!”. Chuyện này cũng tác động tôi giống như lời ba tôi lúc trước, tôi lại nung nấu làm sao phải trở thành phó tiến sĩ để thỏa mãn bằng được mong muốn của anh trai mình (cười)!

Khi vào Đại học Y Hà Nội, việc đầu tiên tôi làm là tìm hiểu xem ở đây người ta có đào tạo phó tiến sĩ hay không!

Tôi còn có cái “nghề” đặt tên nữa nhé. Tôi đã đặt tên cho nhiều đứa trẻ (cười)! Người Phương Đông mình đặt tên theo nghĩa. Cái nghĩa đó, bố mẹ kì vọng vào đấy! Cha tôi kì vọng tôi sống bằng trí tuệ, anh tôi kì vọng tôi trở thành phó tiến sĩ. Khi tôi qua Nhật học, họ viết tên tôi ra bằng chữ Hán (Kanji), rồi họ nhận xét “cái tên đó là cực hay, “Trí” là trí tuệ, thêm chữ “Anh” vào, đó là anh minh, sáng suốt!”

- Tôi cảm nhận ông luôn rất vui, tự hào mỗi khi nhắc tới Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (HHTMTW). Nhiều người đã nhận định, ông là người đặt nền móng cho một nếp văn hoá đặc trưng ở nơi này, từ lời ăn tiếng nói với bệnh nhân, đồng nghiệp; quy trình xử lý công việc, đến nghiên cứu khoa học... Cách đây chừng 20 năm, cụm từ hiến màu tình nguyện còn là điều gì đó xa lạ nhưng thập niên gần đây, hiến máu đã trở thành một phong trào, một nét đẹp văn hoá của cộng đồng. Khách quan mà nói, Viện HHTMTW và cá nhân GS có đóng góp to lớn vào quá trình này. Vậy căn duyên nào đưa GS đến với ngành Y và chuyên môn Huyết học - truyền máu? Và đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông với nghề? 

Lúc còn đi học, tôi từng rất thích làm nông nghiệp, tôi rất thích làm chủ nhiệm hợp tác xã! Nhưng học cũng khá môn Vật lý, nên theo lời khuyên của ông thày dạy Vật lý, lần đầu tiên thi đại học thì tôi thi vào khoa Vật lý của Đại học Sư phạm Vinh. Và đã đỗ! Nhưng sau đó, tôi bị sốt rét ác tính và phải nằm viện nhiều ngày. Cuối cùng, giấy báo đại học về thì tôi ra nhập học muộn. Tôi đến phòng quản lý sinh viên, các thầy nói tôi đã muộn cả tháng! Từ quê ra, mà cũng là lần đầu tiên tôi đi xa nhất, là ra đến Vinh. Nên khi nghe nói thế, sợ quá, là tôi về quê luôn!

Sau khi trở về quê, tôi bị sốt rét tái lại nhiều lần, phải nằm viện. Nhưng đó có lẽ chính là cơ duyên của mình, tôi thấy ngành Y này hay quá, người ta khám bệnh, cứu được, chữa được cho người khác. Tôi hỏi bác sĩ: “Chú ơi, muốn trở thành bác sĩ như chú thì học ở đâu?”. Chú ấy trả lời: “Đại học Y Hà Nội”.

GS Nguyễn Anh Trí trò chuyện cùng tác giả.

Vậy là năm sau tôi đi thi và đỗ Đại học Y Hà Nội. Lúc ấy tôi thấy rằng ngành y nó hợp cái tâm của mình, muốn giúp người, giúp đời, vì thế tôi cảm nhận nó như một nguồn nội lực thúc giục tôi học tập say sưa. Đúng là nghề đi tìm người chứ không phải người tìm nghề. Trận ốm là một bước ngoặt cuộc đời! Trận ốm là quá rủi chứ, nhưng trong cái rủi lại có cái may! Mình tìm được một cái nghề phù hợp mà sau này mình sống với nó.

Vì sao theo ngành huyết học - truyền máu? Ngày trong trường Đại học y tôi thấy chuyên khoa nào cũng hay, phải khẳng định như thế! Nhưng có câu chuyện thế này, một hôm tôi đi học về, đạp xe cùng cô bạn thân từ Bệnh viện Bạch Mai về trường Đại học Y Hà Nội. Đó là lúc buổi trưa, cô bạn khuyên tôi rằng: “Người như anh nên theo chuyên khoa huyết học - truyền máu, vì vừa có lâm sàng, vừa có labo (laboratory- xét nghiệm)". Thế là tự nhiên nó ám ảnh, vận vào tôi luôn.  

Tôi coi đó là một cái may, may mắn của cuộc đời mình! Mình làm việc mà cộng đồng, xã hội đang rất cần. Tôi hay nói điều này với anh em lắm.

GS Nguyễn Anh Trí trong một "Hành trình đỏ" đầy ý nghĩa với cộng đồng.

Còn kỷ niệm với nghề thì nhiều lắm, nhưng có lẽ đáng kể nhất nằm ở sự phát triển rực rỡ của mảng tế bào gốc. Viện HHTMTW trước 2006 không ghép được tế bào gốc, nhưng sau đó thì làm được hai việc rất quan trọng, thứ nhất là xây dựng một “ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng”. Đây là lần đầu tiên, duy nhất ở Việt Nam! Ngân hàng tế bào gốc máu dưới thì vài nơi có rồi, nhưng “cộng đồng” – tức thu thập từ cộng đồng, để phục vụ cho cộng đồng thì lúc đó chỉ duy nhất Viện HHTMTW làm được. Chúng tôi đã sang Nhật Bản tìm hiểu, học tập rồi về làm. 

Còn thứ hai là áp dụng để ghép tế bào gốc, cả tế bào gốc máu dây rốn nữa để điều trị các bệnh lý về máu. Viện từ chỗ không ghép được, trở thành nơi ghép tốt, ghép nhiều và đã chuyển giao kĩ thuật cho nhiều cơ sở khác. Năm 2006 Viện mới ghép ca đầu tiên, bây giờ thì đã có đến trên 400 ca ghép tế bào gốc, trở thành nơi dẫn đầu trong cả nước!

- Tôi nhớ khoảng dăm năm trước, vào ngày ông rời cương vị Viện trưởng Viện HHTMTW, hàng trăm cán bộ, nhân viên và bệnh nhân đã xuống sân lưu luyến chia tay ông. Cảm xúc của ông lúc đó như thế nào?

- Hôm ấy là sáng ngày Thứ Hai đầu tuần, mọi người xuống sân để chào cờ. Chào cờ xong thì mọi người nán lại chia tay tôi. Họ là nhân viên của tôi, là các học trò của tôi và bệnh nhân tại viện, cũng  phải đến hàng ngàn người. Mọi việc diễn ra tự nhiên và có phần hơi bất ngờ, nhất là việc họ ôm tôi, họ khóc… Cảm xúc của buổi chia tay đó là hết sức cảm động và đáng nhớ. Tôi luôn coi đó là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời. Dù tôi đã từng có những giải thưởng rất lớn về khoa học, về quản lý, về cống hiến… nhưng một phần thưởng tự nguyện, tự phát, tự đáy lòng mọi người như vậy là vô giá.  

- Xin trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe Giáo sư!

Duy Hiển - Viết Phùng (thực hiện)
.
.