Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng: Ý tưởng lên hương

Thứ Tư, 10/04/2013, 15:00
Hơn 10 năm trước, ở một quán bia trên đường Hải Phòng - Đà Nẵng, tôi đã có dịp để gặp anh. Trong phút sơ giao, nhà văn Vĩnh Quyền giới thiệu với tôi: “Đây là điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, tác giả của tượng đài “Mẹ dũng sĩ” lừng danh”.

Đó là một con người có vẻ bên ngoài hơi bụi bặm, ăn vận phá cách khá điệu đà bởi một chiếc khăn quàng cổ và một tấm áo choàng màu đen. Uống với bạn bè đôi ly, con người râu tóc ấy kiếu từ rồi mất hút. Những người bạn thân thiết của anh bảo rằng, anh là con người của công việc, một năm chỉ đôi ba lần anh trở lại Đà Nẵng cho khuây khỏa cái tình với quê hương…

Phạm Văn Hạng sinh năm 1942 ở một làng quê nghèo khó bên cạnh biển Nam Ô, Đà Nẵng. Cha mẹ mất sớm, gia cảnh nghèo túng nên lớn lên anh sớm lang bạt đó đây để kiếm sống và gắn đời mình với những công việc liên quan đến nghệ thuật. Năm 1966, Phạm Văn Hạng phiêu dạt từ Đà Nẵng ra Quảng Trị, mảnh đất đang ngập chìm trong khói lửa chiến tranh. Ở Quảng Trị, Phạm Văn Hạng phải làm rất nhiều nghề để kiếm sống và chiêm nghiệm những được mất của cuộc đời. Có lúc người ta thấy anh hành nghề quay phim, khi thì làm báo và một thời gian dài anh là họa sĩ chuyên vẽ những bức tranh quảng cáo ở rạp xi nê…

Không ai nghĩ rằng, năm 1970, Phạm Văn Hạng đã thực hiện một ý tưởng sáng tạo hết sức táo bạo, khi anh tổ chức một triển lãm cá nhân tại Quảng Trị. Lần ấy, Phạm Văn Hạng đã gây sửng sốt trước công chúng bởi tác phẩm Việt Nam SOS bằng chất liệu kẽm gai, xương, thịt, ruột của người chết và những mảnh đạn bom chiến tranh.

Anh giải thích rằng, sống ở nơi tuyến đầu lửa đạn, ngày ngày mình phải chứng kiến những thảm cảnh tan nát của chiến tranh. Tác phẩm là sự bày tỏ thái độ của một người nghệ sĩ trước nỗi đau của một dân tộc, trước nỗi đau của những nạn nhân trong vùng chiến sự.

Cũng trong năm đó, Phạm Văn Hạng tiếp tục mang tác phẩm độc đáo này vào Sài Gòn để tham gia triển lãm Quốc tế Hồng Thập Tự, trên đường di chuyển, tác phẩm của anh phải tạm trú lại ở thành phố Huế. Lần ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đến xem và đề nghị anh nên đổi tựa của tác phẩm thành Chứng tích để tăng độ ép phê hơn.

Quả là như vậy, khi tác phẩm có kích thước 100 x 120cm được trưng bày tại Sài Gòn, nhiều nhà hoạt động nghệ thuật trong và ngoài nước đã đánh giá rất cao và cho rằng đây chính là lời tố cáo chân thực nhất về sự khốc liệt của chiến tranh. Tiếng vang của tác phẩm này đã làm cho nhà tổ chức triển lãm lúc đó (triển lãm với sự tham dự của đại diện 12 quốc gia - NV) phải tháo gỡ và “thủ tiêu” nó trước khi Tổng thống chế độ Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đến cắt băng khai mạc…

Sau ngày nước nhà thống nhất, Phạm Văn Hạng với tâm thế của người nghệ sĩ yêu chuộng hòa bình và tự do, anh thỏa sức lang bạt kỳ hồ khắp đó đây để vừa mưu sinh, vừa kiếm tìm những ý tưởng lạ lùng trong sáng tạo nghệ thuật. Một ngày, anh quay gót giang hồ trở về ngay chính nơi anh đã được sinh ra, mảnh đất trung dũng kiên cường Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ngày ngày, anh rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm trên mảnh đất ấy để cóp nhặt những mảnh đạn còn sót lại sau chiến tranh, cần mẫn gò hàn, cắt tỉa để dựng lên bức tượng Mẹ dũng sĩ nằm ngay cửa ngõ đi vào thành phố Đà Nẵng. Đây là một tác phẩm nghệ thuật lớn, được hình thành từ ý tưởng tưởng nhớ người mẹ anh hùng của Đà Nẵng - Mẹ Nhu đã cùng với 7 dũng sĩ phường Thanh Lộc Đán đã anh dũng hy sinh bất khuất trước mũi súng của quân thù trong trận đánh Mỹ nổi tiếng ở Thanh Khê năm 1969. Có lần, ngồi với nhau trong một cuộc trà dư tửu hậu ở Đà Nẵng, Phạm Văn Hạng đã kể lại câu chuyện về tượng đài Mẹ dũng sĩ khá chi tiết rằng: Tượng đài có chiều cao 11 mét 50, không đế.

Để thực hiện công trình đồ sộ này, anh đã phải tiêu tốn đến 1.200 vỏ đạn đại bác, 10.000 mét đường hàn, thi công liên tục trong khoảng thời gian 18 tháng. Đó là chưa tính khoảng thời gian hình thành ý tưởng của tác phẩm này, Phạm Văn Hạng đã phải nhiều lần xuôi ngược xe đò đến Đồng Hới, Trà Vinh và một số địa phương khác để tìm hình dáng đẹp đẽ của nhiều người mẹ thời chống Mỹ, vì anh nghĩ rằng, tất cả đều bắt nguồn từ một tấm lòng. Tấm lòng của mẹ đơn sơ trong chiếc áo bà ba, dang tấm vải như đôi cánh thần kỳ che nắng mưa cho đàn con, và tấm lòng của chúng ta, chúng ta trong đàn con ấy mang ơn mẹ…

Hoàn tất xong tượng đài Mẹ dũng sĩ, Phạm Văn Hạng đã có một khoảng thời gian dài tập trung trí lực sự kiên trì và lòng đam mê để sáng tác một chuỗi các tác phẩm điêu khắc có giá trị cao theo một đề tài rất độc đáo mà theo anh là đã được anh ấp ủ từ rất lâu trước đó.

Đó là một loạt tượng chân dung các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi tiếng của nước nhà như: Học giả Đào Duy Anh, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Thanh Tịnh, nhà thơ Lưu Trọng Lư, giáo sư Nguyễn Khắc Viện, giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà văn Phùng Quán, họa sĩ Nguyễn Gia Trí, nhà văn Sơn Nam, nghệ sĩ Kim Cương, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, nhà thơ Bùi Giáng…

Trong quá trình sáng tác chuỗi tác phẩm này, có những câu chuyện cười ra nước mắt mà sau này Phạm Văn Hạng đã kể lại cho rất nhiều người nghe như một kỷ niệm đẹp của cuộc đời người nghệ sĩ. Đó là năm 1980, Phạm Văn Hạng ra Hà Nội, đến thăm và nặn tượng nhạc sĩ Văn Cao. Sau khi hoàn thành, tác giả bài Tiến quân ca nhìn ngắm bức tượng rồi thốt lên rằng: “Trông như Văn Cao đang muốn nói một điều gì đó mà chưa nói được”.

Cảm mến sự tài hoa và tấm lòng của người nghệ sĩ, Văn Cao đã rủ Phạm Văn Hạng đến thăm nhà văn Nguyễn Tuân đang bị ốm và muốn anh nặn tượng nhà văn Nguyễn Tuân. Khi hai người đến thì Nguyễn Tuân đang nằm trên giường. Văn Cao giới thiệu Phạm Văn Hạng nhưng nhà văn Nguyễn Tuân vẫn im lặng không nói gì mà chỉ cố nhổm dậy để rót hai ly rượu đặt trên bàn.

Phạm Văn Hạng thấy vậy đành bấm bụng nghĩ rằng “Thằng cha này kiêu, chỉ rót rượu mời Văn Cao mà không mời mình. Ngậm đắng nuốt cay, Phạm Văn Hạng sau một hồi im lặng đã đứng dậy cáo từ. Ra đến đầu ngõ, Phạm Văn Hạng bỗng quay ngoắt trở lại, nhìn chằm chằm vào Nguyễn Tuân một lúc mới quay gót ra đi. Bẵng đi mấy năm sau, Đại hội Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Biết có Nguyễn Tuân vào dự, Phạm Văn Hạng mang bức tượng đã làm xong đến đặt ngay trước cửa phòng của Nguyễn Tuân. Nhìn thấy tượng mình, Nguyễn Tuân tỏ vẻ rất thán phục rồi nhờ nhà văn Phan Tứ gọi Phạm Văn Hạng đến và kêu lên rằng: “Ông nặn tôi hồi nào mà tuyệt thế?”. Phạm Văn Hạng từ tốn trả lời văn sĩ là: “Chính cái lúc tôi giận cụ vì không mời rượu nên tôi đã nuốt cụ vào lòng rồi về nhà nặn cụ bằng hồi ức của tôi”.

Đêm đó, bên bờ sông Hàn, hai người cùng những bạn văn xứ Quảng ngồi uống rượu đến tận khuya. Hôm sau, Nguyễn Tuân đã nhờ một người quen chở ông đến Bưu điện thành phố để gửi một bức điện cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với nội dung “Thông báo với Sơn rằng đầu Tuân, Hạng làm rất đẹp”.

Thêm một kỷ niệm khác vẫn thường được Phạm Văn Hạng khoe với bạn bè, đó là những ngày anh đi tìm bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một con người mà anh rất kính trọng để xin được nặn tượng. Khi gặp nhau và nghe những nguyện vọng của anh, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã cảm ơn tấm lòng của nhà điêu khắc đối với mình và nói: “Anh tạc tượng tôi làm gì?”.

Anh thưa với bác sĩ: “Tôi rất kính trọng tài năng và đức độ của anh, đọc tác phẩm của anh, tôi rất thích, trong vườn tượng của tôi không thể thiếu anh, anh cho phép tôi được nặn tượng. Nể tấm thịnh tình của anh, bác sĩ đã để cho anh chụp ảnh, ghi chép và phác thảo. Không bao lâu sau, trong vườn tượng của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng người xem thấy có một bức tượng bán thân của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được xếp cạnh với những nhà hoạt động văn hóa cận đại và đương đại khác. Nhận được bức ảnh chụp pho tượng của mình, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã gửi cho anh một lá thư cảm ơn và một bài thơ tứ tuyệt:

Tượng đồng bia đá mà làm chi
Tình bạn ơn anh đã tạc ghi
La Hán vụng tu chưa hết nợ
Trăm năm rồi cũng phải ra đi.

Nhiều người bạn tâm giao với anh đã từng nhận xét về anh rằng: Phạm Văn Hạng là mẫu người dấn thân trong đời sống bằng nghệ thuật của mình. Anh đam mê, cần cù và có tri thức trong nghệ thuật. Nghệ thuật của anh hướng tới sự bày tỏ, giãi lòng, tình yêu con người, đất nước…

Nét đẹp trong tác phẩm của anh chính là sức sáng tạo bền bỉ trong sự chuyển dịch và trăn trở để hình thành nên những tác phẩm mang tính nhân văn thấm đượm ước mơ của con người. Nhiều người trong giới vẫn thường nói với nhau rằng, Phạm Văn Hạng là một “nhà điêu khắc lao động không biết mệt mỏi” và trân trọng đặt cho anh biệt danh “kẻ đột phá sáng tạo”.

Có lẽ vì những tố chất đó mà nhà nghiên cứu Thái Bá Vân đã kết trong bài viết cuối đời mình trước khi giã từ cõi tạm như sau: “Có nghệ sĩ suốt đời chỉ làm một tác phẩm thế mà lừng danh. Đó là người tài lỗi lạc. Có nghệ sĩ chỉ làm chơi cho vui dăm ba hứng thú thế mà có tên giữa đồng nghiệp chuyên môn, đó là lãng tử gặp cơ may. Nhưng có những người phải lao động cật lực hết lương tâm nghề nghiệp, chấp nhận mọi thiệt thòi, chỉ cốt trở thành người hữu ích và chân chính, đó là một Phạm Văn Hạng”.

Suốt mấy chục năm qua, con người của những ý tưởng sáng tạo tài hoa có tên là Phạm Văn Hạng ấy dường như không ngừng nghỉ. Những ai từng biết đến danh tiếng của anh khi thì thấy anh lang thang trên đất Bắc, lúc thì miệt mài đục đẽo ở xứ sở sương mù Đà Lạt, khi thì trầm mình dưới cái nắng như đổ lửa ở ven con sông Hàn - Đà Nẵng để thực hiện công trình.

Những lúc thấy vắng bóng dáng của anh, có người nghĩ hay là anh đang ẩn mình đâu đó để hun đúc ý tưởng cho một dự định mới, thế nhưng khi gặp mặt đã nghe anh rổn rảng kể rằng anh vừa trở về sau một chuyến đi dài đến các nước châu Âu để tìm kiếm ý tưởng về chuỗi tượng đài các danh nhân phương Tây mà anh ấp ủ.

Hay là “khoe” về phác thảo Khuôn viên tượng đài hòa bình thế giới mà anh đã đích thân gửi đến cho Tổng thống Mỹ Barack Obama với đề nghị tìm kiếm một vị trí thích hợp để thực hiện quần thể nghệ thuật này. Văn phòng Nhà Trắng đã có thư phúc đáp về việc lưu trữ phác thảo, đồng thời đánh giá cao về ý tưởng vì hòa bình chung này của anh…

Giờ đây, ở tuổi bảy mươi, anh vẫn hăng say với niềm vui sáng tạo. Ai đó đã từng một lần ghé qua vườn tượng của anh ở Đà Nẵng, TP. HCM hay Đà Lạt và những công trình tượng đài đồ sộ do chính anh là tác giả được đặt rải rác dọc theo chiều dài đất nước Việt Nam. Tận mắt nhìn thấy 4 bản khắc 4 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa tập thơ gồm 29 bài thơ nhỏ của anh trên chất liệu những tấm đồng có kích thước 50 x 65cm, nặng đến 250kg, mới thấy hết tấm lòng của anh với nghệ thuật.

Lần gặp anh gần đây nhất, cũng với râu tóc ấy, chiếc quần jean đã bạc màu, chiếc mũ phớt rộng vành của những chàng cao bồi vùng viễn Tây nước Mỹ, chiếc khăn quàng cổ điệu đà… trong vội vã, tôi thấy anh lại nheo mắt cười hồn nhiên như trẻ nhỏ, khi anh bảo rằng đã thành công trong việc khớp nối chiếc đầu và phần đuôi của con rồng lớn nhất thế giới vắt ngang qua một khúc sông Hàn. Nói rồi, anh lại phóng xe đi…

Phan Bùi Bảo Thi
.
.