Dịch giả Lê Bá Thự: Bác ong cần mẫn
Căn nhà của anh nằm trong một con ngõ đông đúc giữa thủ đô Hà Nội, thế nhưng ngược lại với cái vẻ sầm uất ngoài kia, cửa nhà anh mở ra một không gian yên bình và thoáng đãng, đủ để cảm nhận được sự tĩnh lặng của những giờ khắc trôi qua trong từng đồ vật, nơi đầy ắp những kỷ vật của gia chủ, một dịch giả sau rất nhiều tháng năm miệt mài trên những chặng hành trình cuộc sống và dịch thuật.
Dịch giả Lê Bá Thự giới thiệu cùng tôi căn phòng làm việc đơn sơ với hai chiếc bàn nhỏ kê sát nhau. Hai chiếc bàn thức cùng ông đêm đêm với sức sáng tạo dường như chưa bao giờ mệt mỏi của người đàn ông đã 72 tuổi. Một bàn để máy vi tính, máy in và chiếc đèn. Bàn bên cạnh chỉ dành để từ điển, gần hai chục cuốn từ điển, đại từ điển các loại dày cộp choán hết cả tầm nhìn. Ông bảo, đây là hai chiếc bàn dịch thuật gắn liền với cuộc đời ông cùng hàng chục tác phẩm văn học của đất nước Ba Lan, những cuốn sách đã nhọc nhằn hồi sinh qua ngòi bút dịch thuật của dịch giả Lê Bá Thự để đến với kệ sách của độc giả khắp cả nước.
Dường như ông vô cùng nâng niu và tâm đắc những kỷ vật trong căn nhà của mình như nâng niu từng ký ức được mang về từ những chuyến đi xa để làm tư liệu thay cuốn phim quay chậm trong chặng hành trình của đời sống. Nổi bật trong căn phòng khách rộng chừng 16 mét vuông là bức tranh Bát đáo với tám chú ngựa đang thanh bình ăn cỏ non trên ruộng bậc thang, dưới nắng chiều vàng rộm). Ông bảo, mình tuổi Nhâm Ngọ, bức tranh này là biểu tượng cho tuổi Ngọ do một nhà nhiếp ảnh tặng ông nhân ngày sinh nhật. Đối xứng với bức tranh ngựa, là sự quyến rũ đến mê hồn của bức tranh Mùa thu vàng Ba Lan, bức tranh được treo cạnh tấm Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan do Tổng thống Ba Lan trao tặng năm 2012 cho ông vì đã có nhiều đóng góp trong việc giới thiệu văn học Ba Lan tại Việt Nam.
Tiểu thuyết Hy vọng do dịch giả Lê Bá Thự dịch. |
Cần mẫn trên từng con chữ với niềm đam mê văn học Ba Lan, dịch giả Lê Bá Thự có thể được coi là một bác ong thợ mải miết trên cánh đồng dịch thuật. Có lẽ nếu không có Lê Bá Thự, ắt hẳn độc giả Việt Nam khó có thể có trên giá sách một hệ thống các tác phẩm văn học đương đại của Ba Lan đầy đủ và đậm nét đến như vậy, các tiểu thuyết như: Pharaon, Hoang thai, Xin cạch đàn ông, Quà của Chúa, Các người khắc biết tay tôi, Hy vọng… Ngoài ra còn khá nhiều thể loại, truyện cười, truyện cực ngắn, truyện ngắn, truyện vừa, thơ và cả phê bình văn học. Ông đã in bốn cuốn truyện cười, ông đã dịch nhiều truyện vừa và truyện ngắn của các nhà văn cổ điển Ba Lan như: Henryk Sienkiewicz, Bolrslaw Prus, W. Reymont… Ông đã dịch cả trăm truyện ngắn của Slawomir Mrozek, Olga Tokarczuk, Hanna Sámon, Tomasz Jastrun… hay là thơ của nhiều thơ của Tadesz Rozewicz, Czeslaw Milosz, Wislawa Szymborska. Tổng cộng tới nay ông đã có khoảng hơn 20 đầu sách dịch.
Nói về nghề, dịch giả Lê Bá Thự chia sẻ: Nghề dịch là nghề vất vả, lắm công phu, người dịch phải làm việc cật lực, oằn lưng trên từng con chữ. Vợ tôi bảo tôi là “phu chữ” cũng không ngoa. Lắm khi tôi trăn trở, ăn không ngon, ngủ không yên chỉ vì một vài câu chữ mình cảm thấy chưa chuẩn, chưa bằng lòng, chưa đắc địa. Tôi vẫn thường nói, “tác giả viết những gì họ biết, còn dịch giả phải biết tất cả những gì tác giả viết”. Nếu không biết thì dịch làm sao được. Cũng may, bây giờ có nhiều phương tiện tìm kiếm, tra cứu, cho nên thuận lợi hơn trước nhiều. Có ba điều tôi rất tâm đắc trong dịch thuật: Một là, khi dịch một tác phẩm văn học tôi mến mộ là dịp tôi được thưởng thức trọn vẹn, có thể nói đến từng chân tơ kẽ tóc tác phẩm này, điều làm tôi thích thú và sung sướng. Hai là, theo tôi, mỗi tác phẩm tôi chọn dịch là một khám phá của riêng tôi, bởi trong cánh rừng văn học Ba Lan với hàng ngàn tác phẩm tôi đã tìm và chọn được tác phẩm tôi tâm đắc, tôi thích. Ba là, các tác phẩm tôi dịch được bạn đọc mến mộ, được dư luận hoan nghênh, được tái bản nhiều lần, điều đó chứng tỏ tôi đã chọn đúng và chọn trúng, là nguồn động viên rất lớn đối với công việc dịch thuật của tôi.
Đến với văn chương, dịch giả Lê Bá Thự có một chặng đường đi khá… trúc trắc. Ông vốn là học sinh giỏi văn. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp cấp III Lam Sơn, Thanh Hóa ông đã thi đỗ vào khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng hồi đó ông lại được Nhà nước cử sang Ba Lan học Khoa Trắc địa bản đồ thuộc Đại học Bách khoa Vácsava. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Ba Lan, ông về nước, được phân công về làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Mỏ - Địa chất, lúc bấy giờ sơ tán ở Phổ Yên, Thái Nguyên. Hai năm sau ông về công tác tại Bộ Ngoại giao. Những năm 1996 - 2000 ông được làm Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan. Chính trong thời gian công tác trong ngành ngoại giao “máu văn học” của ông đã trỗi dậy. Vốn thông thạo tiếng Ba Lan, đam mê văn học, ông đã đọc nhiều tác phẩm văn học Ba Lan mà ông mến mộ. Nền văn học Ba Lan là một nền văn học lớn ở châu Âu.
Chỉ có gần bốn mươi triệu dân mà đất nước này có tới bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel (nhà văn Henryk Sienkiewicz - 1905, nhà văn Wladyslaw Reymont - 1924, nhà thơ Czeslaw Milosz - 1980 và nữ nhà thơ Wislawa Szymborska - 1996). Ông đam mê văn học Ba Lan và ông nghĩ mình phải đọc và dịch sang tiếng Việt những tác phẩm mình thích, trước hết là để thỏa mãn chính mình, sau nữa tạo điều kiện cho bạn đọc nước nhà cũng được thưởng thức những tác phẩm văn học giá trị của “cường quốc văn học” này. Cũng còn có một động cơ nữa. Thông qua việc dịch văn học Ba Lan ông muốn đền đáp Ba Lan, đất nước đã nuôi ông ăn học, đã đào tạo ông thành một cử nhân- kĩ sư có ích và đồng thời ông muốn góp phần vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người Việt Nam và người Ba Lan. Bởi ông hiểu sâu sắc rằng, văn học là nhân học.
Dịch giả Lê Bá Thự tâm sự, có những cuốn sách như Pharaon, tiểu thuyết lịch sử về Ai Cập cổ đại của Boleslaw Prus, in năm 2004, là tiểu thuyết ông dịch lâu nhất: mất hai năm. Đây là thiên tiểu thuyết khá đồ sộ, gồm hai tập, gần ngàn trang. Hồi đó chưa có vi tính, ông phải viết tay, rồi sau đó đánh máy chữ. Bây giờ nghĩ lại mà thấy sợ, ông phục chính mình, sao hồi đó mình chịu khó thế, khi dịch ông đã phải viết tay gần ngàn trang tiểu thuyết này vào mấy chục quyển vở. Đó là chưa kể, lắm khi trời nóng như thiêu như đốt, không điều hòa nhiệt độ, quạt không đủ mát, thây kệ mồ hôi nhễ nhại, đổ nước xuống nền nhà cho đỡ nóng, tôi cứ ngồi lì, dịch đến tận đêm khuya. Còn cuốn sách dịch nhanh nhất chính là Vì sao không nghe thấy giọng cá, sách cho thiếu nhi, Nhà xuất bản Kim Đồng in năm 1993, chỉ có 23 trang. Ông dịch xong chưa đầy một ngày. Đặc biệt, năm 2007 khi ông dịch tiểu thuyết Xin cạch đàn ông!, ông trăn trở cả tuần mà không tìm được cụm từ đắc địa làm tiêu đề cho cuốn sách.
Một buổi tối lướt mạng Internet, tình cờ ông đọc được bài ca dao: “Từ nay tôi cạch đến già/ Tôi chẳng dám cấy ruộng bà nữa đâu/ Ruộng bà vừa xấu vừa sâu/ Vừa ít hạt gạo nhẹ xâu đồng tiền…”. Ông sướng rơn, như người vớ được vàng. Ông hô to: Từ “đắc địa” của ta đây rồi! Đó chính là từ “cạch”, nó rất Việt Nam và cũng biểu đạt đúng hồn cốt của tác phẩm. Ông vẫn coi đấy là từ trời phú cho mình và ngay tối hôm đó ông đã có tiêu đề ưng ý cho cuốn tiểu thuyết mới Xin cạch đàn ông!.
Dường như hợp tạng với các nhà văn nữ, nên hầu hết, những tác phẩm dịch thuật thành công của Lê Bá Thự đều từ nguyên tác của các nữ nhà văn đương đại Ba Lan như Dorota Terakowska, Katarzyna Grochola, Olga Tokarczuk, Hanna Samson với. Nói về sự trùng hợp ngẫu nhiên này, anh chia sẻ: “Tôi chọn các tác giả này chẳng qua là vì các tác phẩm của họ thỏa mãn tiêu chí của mình, tôi thích và tôi cảm nhận, các tác phẩm của họ hợp với tạng của độc giả Việt Nam. Các nữ nhà văn tôi kể ở trên đều là những nữ nhà văn thuộc phái nữ quyền. Họ bênh vực và bảo vệ phụ nữ, họ muốn chứng minh phụ nữ Ba Lan thời nay khác xưa rất nhiều. Họ dám nghĩ, dám làm, làm cả những công việc trước kia chỉ thuộc đàn ông và đặc biệt phụ nữ Ba Lan ngày nay tư duy khác trước. Cô gái Ewa trong Hoang thai có mang vì bị cưỡng dâm, sợ xấu hổ với bà con hàng xóm, mẹ cô tìm mọi cách bắt cô phải phá thai. Nhưng cô đã không làm như vậy. Trái lại cô biến cái thai trong bụng thành người bạn tâm giao của mình, người bạn giúp cô tìm hiểu đời và tìm hiểu thế giới. Người phụ nữ trong tiểu thuyết Quà của Chúa đã chịu đựng, hy sinh, thực thi thiên chức của mình không chê vào đâu được. Buộc phải chọn giữa chồng và đứa con tật nguyền, chị đã chọn đứa con. Nhân vật Judyta trong Xin cạch đàn ông! và Các người khắc biết tay tôi! sau khi bị chồng ruồng bỏ quyết tâm làm lại cuộc đời bằng hai bàn tay của mình. Judyta chính là hình ảnh, là biểu tượng của người phụ nữ Ba Lan đầy nghị lực thời hiện đại. Còn cô con gái Tosia của chị lại có phẩm chất và tính cách của một cô gái thời nay mới lớn, dám nghĩ, dám làm, dám liều, dám sửa sai. Ngay cả người đàn bà dị dạng trong truyện Người đàn bà xấu nhất hành tinh, một người đàn bà xấu xí, tưởng chừng vô dụng, nhưng lại rất được việc, rất “hữu dụng”.
Ngay cả khi đã qua đời thì người đàn bà dị dạng này vẫn có ích cho đời: xác của chị ta được lưu giữ tại Bảo tàng bệnh học, phục vụ việc học tập của sinh viên và nghiên cứu khoa học. Có thể nói, trong các tác phẩm của mình, các tác giả nữ Ba Lan muốn khẳng định vị thế, vai trò, phẩm chất và nghị lực của người phụ nữ Ba Lan ngày nay và qua đó cũng là xu thế chung của phụ nữ trên thế giới...
Dịch giả Lê Bá Thự may mắn có một người vợ hiểu mình. Ông bảo, cũng may mà vợ ông chẳng đòi hỏi gì nhiều ở chồng, hai vợ chồng là công chức, về hưu sống bằng lương hưu. Từ xưa việc tươm tất nhà cửa và con cái đều một tay vợ ông gánh vác để ông tâm làm nghề. Bà kể lại cùng tôi câu chuyện vui của dịch giả Lê Bá Thự: Tháng sáu năm ngoái, ông sang Ba Lan dự Hội nghị toàn thế giới những người dịch văn học Ba Lan.
Hôm ông về nước, bà ra sân bay đón chồng. Từ trong nhà ga đi ra bà thấy ông chở một chiếc vali to đùng, nặng trịch. Nghĩ bụng, chắc trong đó hẳn là quà ông mua cho gia đình. Khi về nhà mở vali ra thì thấy một vali chất đầy sách, hàng chục cuốn sách văn học Ba Lan. Bà hỏi đùa: “Quà của em đâu?”. Ông trả lời nửa đùa nửa thật: “Lần sau anh sẽ mua quà cho em, tạm thời lần này anh mua quà cho bạn đọc của anh!”. Bà hiểu và không lấy gì làm buồn phiền, bởi vì món quà mà ông vừa ra mắt độc giả, cuốn tiểu thuyết Hy vọng của nữ nhà văn đương đại Ba Lan Katarzyna Michalak kể về một câu chuyện tình đẹp dù lắm thăng trầm và nhiều trắc trở nhưng đầy tính nhân văn, xúc động đến trào nước mắt, về tình bạn và tình yêu, về giận và thương, về lòng quả cảm và sự hy sinh mà mỗi người chúng ta đều có thể tìm thấy bóng dáng cuộc đời mình, chính là một trong những cuốn sách nằm trong chiếc vali to đùng ấy…