Đi qua bên kia dốc mới thấy ánh mặt trời
- Lấy ý kiến về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” và“Nghệ sĩ ưu tú”
- 479 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ VIII
- Sẽ không truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú
Trong lễ trao giải nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú lần thứ 9, năm 2019 diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội mới đây, bên cạnh những “solist” đang làm mưa gió trên truyền hình thời kỹ thuật số - những nam thanh nữ tú rạng rỡ, xiêm áo lộng lẫy yêu kiều lại có ba khuôn mặt "đã qua thời của mình" được mọi người chú ý nhiều.
Họ, mái tóc bạc trắng hoặc pha sương, đi rất chậm, phải có người dìu, dáng vẻ mong manh như mảnh lụa trước gió. Đó là nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức, nghệ sĩ lão nông Trần Hạnh và nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng.
1.Nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức đã bước vào tuổi 88, bà là nữ nghệ sĩ cao tuổi nhất trong đợt phong tặng nghệ sĩ nhân dân (NSND) lần này. Tất cả những ai yêu bộ môn nghệ thuật dân tộc, hẳn chẳng ai xa lạ gì bà, người được mệnh danh là “tiếng phách trạng nguyên”, hoặc “ca nương cuối cùng của phường hát Khâm Thiên”.
Cuộc đời của nghệ nhân này là cả một câu chuyện dài mà ẩn trong đấy là bao thăng trầm giông gió của số phận. Bà sinh ra trong gia đình có tiếng của phường hát ả đào, cha là ông Phó Đình Ổn, quản ca của giáo phường khu hát ả đào nức tiếng phố Khâm Thiên thời trước năm 1945. Anh trai bà là danh cầm Phó Đình Kỳ. Bà Đức theo cha đi hát từ năm lên 7 tuổi, 13 tuổi đã thành ca nương chuyên nghiệp.
NSND Phó Thị Kim Đức và học trò - ca nương Bạch Dương. |
Nhưng rồi chiến tranh nổ ra, cô bé Đức đi sơ tán khắp nơi, có lần trúng đạn sượt vào chân. Những năm Hà Nội bị tạm chiếm, Kim Đức lang thang duyên nghiệp cùng tiếng hát. Năm 1945, Tuần lễ Vàng, lúc này ca nương trẻ tuổi Phó Thị Kim Đức cùng nghệ nhân Quách Thị Hồ tham gia bán đấu giá lẵng hoa ủng hộ cho kháng chiến.
Hoà bình lập lại, hát ả đào bị coi như vùng đất cấm, bà Đức bỏ hẳn nghề, không còn ngân nga tiếng hát, luyến láy tiếng phách mà chuyển sang làm công nhân, sản xuất đồ nhựa. Nhưng ngày tháng ấy, biết bao đêm bà trằn trọc vì thương nhớ nghề. Đến năm 1959 thì Đài Tiếng nói Việt Nam bất ngờ nhớ đến "giọng ca Kim Đức" nức tiếng một thời, nên đã mời bà cộng tác hát chèo, ngâm thơ.
Với chất giọng ngọt ngào, mê hoặc, chinh phục nhiều thế hệ khán giả nên chỉ một năm sau, năm 1960, bà chính thức được vào biên chế vào Đài Tiếng nói Việt Nam. Công tác tại Đài đến năm 1986 thì cầm sổ hưu, đằng đẵng mấy chục năm trời, bà toàn hát chèo, ngâm thơ trên Đài Tiếng nói. Nhiều đêm bà âm thầm rớt nước mắt mà nhớ thương nghề ca trù.
Thời gian thấm thoát trôi đi, qua cơn bĩ cực rồi cũng tới hồi thái lai. Ca trù bỗng được nhìn nhận lại, rồi UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Kim Đức lúc này đã ngoài 70 như muốn vỡ oà trong hạnh phúc...
Hôm bà được trao danh hiệu NSND, chị Bạch Dương con nuôi của bà, cũng là người học trò nhỏ mà bà đã truyền nghề cho hơn 20 năm nay tay dìu mẹ. Chị Bạch Dương bảo rằng giờ bà tuổi đã cao, sức yếu, tiếng nói nhỏ, cử chỉ chậm rãi, lúc đỡ tấm bằng khen trên bàn tay gầy guộc mà lòng nao nức, chộn rộn, và cứ trực trào nước mắt nhớ về những nghệ nhân cùng thời của mình đã đi xa....
2. Cũng trong hôm ấy, "lão nông" Trần Hạnh ngồi ở hàng ghế khán giả trông đầy tâm trạng. Đã lâu không gặp, vẫn thấy ở ông vẻ chất phác, lành hiền quen thuộc, nhưng trông gầy guộc quá, như cánh hạc mong manh trong bão tố. Có người buột miệng: Hôm nay là ngày vui, sao trông ông lại sầu khổ thế kia?! Có lẽ khuôn mặt ông sinh ra đã khắc khổ như vậy, nên cả cuộc đời theo nghiệp diễn, ông cứ vào những vai lành lành, tồi tội. Và quả thật chẳng cần diễn gì, chỉ cần khuôn mặt sầu khổ kia nhập vai là đã đạt đến 9, 10 phần rồi.
Chị Trần Thị Phương Dung, (hiện đang giữ chức Phó chủ tịch Hội chất độc đioxin Hà Nội) con gái của ông đã nghỉ buổi làm để đưa cha đi nhận giải. Chị bảo ông thao thức suốt những ngày qua. Tết vừa rồi ông ốm nặng 3 tháng trời, lắm lúc tưởng không thể qua khỏi, “đi” rồi. May sao, ông trời thương còn cho sống đến ngày nhận giải.
NSND Trần Hạnh tại Nhà hát Lớn. |
Ông sinh ra ở khu phố cổ Hà Nội, năm lên 2 tuổi thì cha mất, lớn lên trong vòng tay của bà nội và mẹ. Những năm 1944 -1946, bà nội buôn bán bao tải và gạo trong bối cảnh mà người đói chết đầy đường. Ông thường xuyên thấy bà nội, mẹ và các cô nấu cháo cho người nghèo, góp gạo giúp kháng chiến.
Từ thủa mới lớn, những hình ảnh đó đã in sâu vào tâm trí một con người nhạy cảm như ông. Lớn một chút ông tham gia dân công hoả tuyến, làm đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai. Người chú tham gia Vệ quốc Đoàn rồi hy sinh, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.
Cho đến giờ, ông vẫn đảm nhiệm việc thờ cúng liệt sĩ trong gia đình. Đến với nghề diễn như một cơ duyên và gắn bó suốt cả quãng thời gian dài ở Nhà hát kịch Hà Nội, sau khi nghỉ hưu ông tham gia nhiều phim truyền hình. Các đạo diễn làm việc với ông đều có chung nhận xét: ông làm việc rất chuyên nghiệp và rất tận tâm với nghề.
Nhận danh hiệu khi đi không còn vững, tiếng nói cũng không tròn, ông cứ trệu trạo mà thổ lộ: “Tôi hạnh phúc vì được phong tặng danh hiệu NSND, nhưng đó không phải là mục đích của tôi. Tôi làm nghề, tôi đến với sân khấu vì tình yêu, vì sự đam mê, mỗi khi được giao vai nào tôi đều cố gắng làm hết sức mình để không phụ lòng khán giả”.
Chị Dung bảo: “Hằng ngày ông ăn rất ít, sáng ăn tí bún, trưa ăn tí miến, đến tối chỉ ăn chưa được lưng bát cơm. Ở nhà cha chị đi đâu đều phải có người dìu. Vậy mà hôm nhận giải thưởng, lên sân khấu chẳng cần phải ai dìu...”.
3. Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng tay ôm bằng khen, bên cạnh ông là người vợ tao khang NSƯT Vũ Dậu. Ông đi đâu, vợ đi theo đấy, không rời nhau nửa bước. Nguyên do là ông đã yếu quá. Ngồi lâu cũng khiến cho ông mệt. Nhưng có lẽ ngày hôm nay là một ngày ngoại lệ và vô cùng đặc biệt, ông đã được nhận danh hiệu NSƯT ghi nhận niềm đam mê và cống hiến suốt bao năm trời.
Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng và vợ - NSƯT Vũ Dậu một bước chẳng thể rời nhau. |
Ông ngồi đó, dáng gầy gò, bé nhỏ, liêu xiêu, cảm giác một cơn gió to có thể khiến cho ông bay mất. Cánh phóng viên rối rít, vội vã bu xung quanh ông vì tò mò về cảm xúc của một người nhận danh hiệu NSƯT ở tuổi 80 như ông. Và lúc đó nhiều người mới giật mình biết rằng hoá ra ông chính là bố của nhạc sĩ Ngọc Châu và ca sĩ Khánh Linh.
Khi xưa người ta có câu: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”, thế mà NSƯT Vũ Dậu, một huyền thoại nhan sắc ca sĩ thời tuổi trẻ đã chính thức bị nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng chinh phục. Không, theo nhiều người trong cuộc thì thực ra họ chinh phục lẫn nhau.
Ca sĩ Vũ Dậu là tiểu thư khuê các, con nhà tiểu tư sản chốn thị thành Hà Nội. Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng lại sinh ra trong gia đình có bố mẹ thuần nông ở Phủ Lý, Nam Hà. Ông là con cả trong gia đình 8 anh chị em. Tức là giữa hai bên gia đình có những rào cản không dễ gì vượt qua. Thế mà cuối cùng, bằng tình yêu của mình, họ băng qua mọi rào cản để đến với nhau.
Hai vợ chồng cùng công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Những năm kháng chiến, ông ôm đàn đi biểu diễn phục vụ quân đội khắp các chiến trường, lắm lúc vào sinh ra tử, nhưng người nghệ sĩ chưa bao giờ biết buông đàn cũng giống như người chiến sĩ chưa bao giờ buông súng. Thống nhất đất nước, tiếng đàn của ông lại theo ông đi khắp các cung đường của tổ quốc, sang cả nhiều nước bạn. Trong sự vinh danh của ông ngày hôm nay ai cũng thấy có hình bóng rất đỗi dịu dàng mà thân quen của người vợ đầu gối tay ấp – NSƯT Vũ Dậu.
Vẫn biết với những nghệ sĩ đích thực như ông, như nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức hay diễn viên Trần Hạnh thì danh hiệu NSƯT hay NSND không phải là cái đích cao nhất và duy nhất, nhưng dẫu sao thì nó cũng là một cột mốc cho cả một cuộc đời gắn bó cùng nghệ thuật. Và đặc biệt, họ chạm cột mốc đó khi cuộc đời đã ở bên kia con dốc - một chỉ dấu cho thấy người hâm mộ không bao giờ quên họ, làng nghệ thuật không bao giờ quên họ - những người nghệ sĩ của nhân dân!