Đạo diễn Xuân Phượng: Một người "chân trần chí thép"
Bà làm đạo diễn khi đã bước sang tuổi 40. Với nhiều người, điều này có vẻ lạ. Nhưng, với nghệ thuật, lại hết sức bình thường. Thậm chí có lợi. Bởi con người, khi bước sang tuổi đó, đã thấm trong mình hầu như mọi hương vị cuộc đời. Và, đã trải qua nhiều nghề khác nhau. Để khi bước vào điện ảnh, họ làm phim bằng những cái nhìn qua bao va đập của những trải nghiệm sống với câu chuyện mà họ lựa chọn, để thể hiện góc nhìn riêng. Đó gọi là sự sáng tạo.
Nhiều nhà làm phim - giảng viên các trường điện ảnh trên thế giới đều chung nhận định: Có tài thánh cũng không thể dạy nổi những cô, cậu học trò mới 18-20 tuổi đầu kể một câu chuyện mà hàng vạn người phải chăm chú theo dõi!
Đạo diễn Xuân Phượng. |
Tại sao bà làm phim muộn vậy? Ngược lại con đường của bà mới thấy nó gian lao và nguy hiểm vô cùng. Năm 16 tuổi, vào một buổi mờ sáng tháng 6 năm 1945, bà bí mật từ giã gia đình, cùng người cậu ra chiến khu. Chuẩn bị xuống đò sang sông, chợt người cậu quên cái bơm xe, chạy về lấy. Ngay lúc đó, lính Pháp đi càn. Súng nổ. Một mình bà lên đò. Và con đò đưa bà, một thiếu nữ xuất thân từ gia đình trung lưu ở Huế, rẽ ngang, theo cách mạng.
Bà tham gia Đội Tuyên truyền kháng chiến Trung Bộ, dưới sự chỉ đạo của các cán bộ văn hóa như Hải Triều, Trần Hoàn... Những ngày ăn đói mặc rét, ngủ bên lề đường. Những ngày bàn chân nứt nẻ, máu thấm sỏi đá. Nhiều người đã bỏ cuộc. Vận may đến với cô gái Huế là trên đường hành quân, gặp một đơn vị quân y, cô đã xin được làm công tác cứu thương.
Nhưng, ở đây, bà lại rơi xuống địa ngục khi gặp phải một bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện, có ý định chiếm đoạt đời thiếu nữ. Có đêm, đi công tác, phải ngủ chung thuyền với vị bác sĩ này. Khi ông ta giở trò, bà đã lao xuống sông, chạy trốn. Cũng may, dòng sông nước lặng. Người lái đò giơ mái chèo cho bà và cô bạn bám vào.
Sau đó, vì biết tiếng Pháp, bà xin chuyển sang làm thuốc nổ tại Nha Nghiên cứu kỹ thuật Yên Sơn, Liên khu 4. Dạo ấy, chúng ta làm thuốc nổ theo phương pháp thủ công. Bà được phân công pha chế fulminate, một chất nổ cực nhạy để kích hoạt ngòi nổ.
Bà kể, hồi ở nhà, nhờ đọc một cuốn sách nấu ăn nên bà pha chế rất tỉ mỉ. Ôi, người phụ nữ Việt Nam, thiên chức nào đã hướng họ mang những kỹ thuật nấu ăn của ngàn năm vào việc chế tạo thuốc nổ? Chắc bà phải yêu công việc của mình lắm. Những kỹ thuật ấy, sự khéo léo ấy, lẽ ra được dành để chăm sóc gia đình. Nhưng, trước cảnh nước mất nhà tan, hãy gác lại để làm công việc thiết thực.
Song, trước khi những trái lựu đạn được gửi ra mặt trận, những người chế tạo phải chịu hiểm nguy đầu tiên đối với chính tính mạng mình. Nhiều tai nạn đã xảy ra. Một buổi sáng, bà cùng một anh tên là Nam, phải sấy khô một lượng lớn thuốc bột fulminate vừa kết tủa. Thuốc vừa đổ ra bàn, chuẩn bị lấy lông ngỗng để đảo, bà xuống bếp lấy xôi ăn sáng. Vừa ra khỏi phòng, một tiếng nổ vang lên. Chàng trai như bó đuốc, lao ra ngoài. Mọi người đưa anh đi cấp cứu. May anh còn sống. Để sau này, chúng ta có nhạc sĩ Phan Thanh Nam nổi tiếng với bài hát “Cách mạng Tháng Tám” đầy hứng khởi.
Bà không nghĩ mình gắn với công việc của đàn ông đến bao giờ, song ngôi sao Thiên Di trong lá tử vi của bà lại tiếp tục dịch chuyển. Đầu năm 1948, bà cùng mấy đồng nghiệp được chuyển lên Việt Bắc, làm ở Ban Nghiên cứu kỹ thuật. Vẫn công việc làm thuốc nổ thủ công. Và tai nạn lại xảy ra.
Khi nhồi thuốc nổ vào lựu đạn, hai đồng nghiệp bị thương, có người mất hẳn bàn tay. Tai nạn xảy ra ngay bên bà. Nhưng, khi ấy, bà có một người che chở, chăm sóc. Đó là anh bộ đội Tôn Thất Hoàng - một người dòng hoàng tộc, học Bách khoa Hà Nội, đầy tình yêu đất nước, đã tham gia kháng chiến. Đó là một người nghiêm túc, kín đáo, rất trách nhiệm.
Một năm sau, đám cưới giữa cô dâu Xuân Phượng và chú rể Tôn Thất Hoàng diễn ra giữa núi rừng. Các nhà khoa học ở Bộ Quốc phòng ngày ấy như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa đã đến dự.
Đời bà thường gắn với dòng sông, con đò. Cái đêm bà chuyển dạ lại đúng vào đêm chồng bà phải lên đường sang Trung Quốc công tác. Đó là cuối năm 1949. Người chồng cùng những người thân đưa người thiếu phụ sắp sinh con lên đò và phải quay về.
Một mình bà cùng hai vợ chồng người lái đò bơi trong đêm. Nghĩ tủi thân, bà, năm đó mới 20, sắp sinh con so, đã tính đến việc tự tử. Đó là lần thứ hai bà đối mặt với “Hà Bá”. Nhưng, một cái đạp mạnh của đứa con trong bụng buộc bà bỏ ý định cùng đường. Và bà sinh con ngay trên con đò đang trôi trên sông Lô.
Một mình nuôi con nhỏ, vẫn phải làm thuốc nổ, thật nguy hiểm. Chồng bà lại chuyển sang pháo binh, lại đi công tác. Lo cho hai mẹ con, ông có ý định chuyển hậu phương của mình về chỗ người em gái đang ở Tuyên Quang. Thế là bà, lưng địu con, vai gánh xoong nồi, quần áo, chai mắm cùng mấy quả trứng gà, đi bộ 120 cây số.
Đến nơi lại gặp bao chuyện cay đắng đến đau lòng về mối quan hệ với em rể và em gái bên chồng. Nhưng, bà vẫn bấm chân xuống bùn để không gục ngã. Rồi trong cái rủi có cái may. Bà được đi làm báo, tờ Công tác thóc gạo của Bộ Tài chính. Những lần đi lấy tin, viết bài trên chiếc xe đạp nam cồng kềnh đã giúp cuộc sống của bà dễ thở hơn.
Năm 1954, trận Điện Biên Phủ kết thúc. Lúc này, gia đình bà có thêm thành viên mới. Cả gia đình, theo đơn vị của ông Hoàng, được chuyển về Phú Thọ. Nhưng, ở với nhau được một tuần, ông Hoàng lại phải cùng đơn vị chuyển quân. Bà lại gánh hai đứa con cùng ít đồ đạc cần thiết, đi bộ về Hà Nội.
Đi đường rừng. Chân rớm máu, lại bị lạc trong đêm. Đói đào củ mài, ăn lá rừng. Không một xu dính túi. Rồi bà được những người dân bên đường cho ăn, cho ngủ. Ròng rã nhiều ngày, ra đến đường cái, bỗng gặp một ngôi chùa. Bà vừa thầm cầu trời khấn phật phù hộ thì ngất. May sao, tại ngôi chùa đó, bà gặp những người giàu Hà Nội đi lễ. Trong số này có người quen với cha mẹ bà ở Đà Lạt. Họ cho ba mẹ con đi nhờ xe về Hà Nội.
Từ năm 1954 đến 1986, gia đình bà, 4 người, sống trong căn hộ tập thể với diện tích 14 mét vuông, không có cửa sổ. Bà làm thêm nhiều công việc, dịch sách, dịch phim để cải thiện cuộc sống gia đình, nhất là sức khỏe đàn con nhỏ. Rồi bà được cử đi học lớp y sĩ cao cấp. Bà làm ở Phòng khám nhi quận Ba Đình.
Cũng vì biết tiếng Pháp, bà được chuyển sang phòng khám thuộc Ủy ban Văn hóa với người nước ngoài. Chính tại nơi đây, vào một ngày tháng 5-1967, bà được cử theo đoàn của đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Joris Ivens, trong vai trò phiên dịch, vào tuyến lửa Vĩnh Linh. Tại miền đất này, bà sống trong bom đạn, đỡ những đứa trẻ sinh ra trong lòng đất, chứng kiến những cái chết không thể ngờ ở nơi sinh tử không lằn ranh.
Sau 2 tháng lăn lộn cùng cái chết, bà và đoàn phim trở về Hà Nội. Bộ phim “Vĩ tuyến 17 - chiến tranh nhân dân” của Joris Ivens được công chiếu nhiều nơi ở châu Âu. Riêng bà, lời động viên của vị đạo diễn lừng danh đã giúp bà đưa ra quyết định từ bỏ nghề y, bắt đầu dấn thân vào con đường mới: làm đạo diễn phim tài liệu.
Tất nhiên, bà phải học. Tài liệu ở đồng nghiệp, ở bạn bè, ở thực tế, ở sách vở... Điều quan trọng nhất, là ở bà, không những có vốn sống mà còn có cảm xúc và tri thức của một người sáng tạo. Biết phát hiện vấn đề, biết làm thế nào để thể hiện câu chuyện một cách ấn tượng nhất.
Và, câu chuyện của bà, tuy làm ở Việt Nam, nhân vật là người Việt, nói tiếng Việt nhưng trong thâm tâm, bà làm bằng 2 thứ tiếng. Bởi vậy, những bộ phim của bà, người trong nước rất dễ hiểu và người nước ngoài, khi xem, cảm thấy bà nói được bằng ngôn ngữ điện ảnh đương đại. Nhiều giải thưởng quốc tế đã chứng minh tài năng kể chuyện của bà.
Người ta thường chia ra những thành phần khác nhau trong khi làm phim. Nào biên kịch, nào đạo diễn, nào quay phim... cũng trăm thứ thành phần khác. Nhưng, tất cả đều làm chung một công việc. Đó là kể cùng một câu chuyện theo ngôn ngữ của mình.
Và bà, khi bước sang tuổi của gần nửa đời mình, mới bắt tay vào nghề làm phim, bà đã phát hiện năng khiếu kể chuyện trong bản thân mình. Và bà không những kể chuyện hay bằng hình ảnh, mà còn kể rất tuyệt bằng văn xuôi.
Năm 2001, tự tay bà viết hồi ký, nhan đề “AO DAI” (Áo dài) bằng tiếng Pháp, được nhà xuất bản Plon, Paris ấn hành. Đó là câu chuyện của một người phụ nữ Việt Nam, còn có tựa “Áo dài, từ tu viện của những loài chim đến chiến khu Việt Minh”. Cuốn sách này đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Ba Lan.
Và cuốn sách đó chính là xương sống của cuốn hồi ký “Gồng gồng gánh gánh” của bà, do chính bà viết lại bằng tiếng mẹ đẻ. Cuốn sách, từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng, là những câu chuyện vô cùng hấp dẫn của một người có tài kể chuyện tuyệt vời.
Không lan man, không dài dòng, mỗi câu chuyện đều được kể với dung lượng kiềm chế, với trọng tâm được nhấn mạnh. Tuy là hồi ký, kể về bản thân nhưng người đọc vẫn hình dung rõ mồn một hình ảnh đất nước, hình ảnh bộ đội, nhân dân, từ những con người bình thường đến những người tên tuổi.
Chỉ cần vài nét phác họa hành động trong những giờ phút khó khăn, bà đã khắc vào cảm xúc người đọc những ấn tượng không quên. Và, trên tất cả, là lời bà cảm ơn đất nước, cảm ơn cuộc sống trong những năm gian lao mà anh dũng đã tôi luyện nên chân dung của một người bình dị, một người phụ nữ góp phần làm nên phẩm giá người Việt Nam.