Đạo diễn Tự Huy: Cốt cách con nhà nho

Thứ Hai, 15/06/2020, 07:38
Chân dung đạo diễn Tự Huy có một cái bệ rất uy nghi. Cụ nội ông chính là nhà văn hóa lỗi lạc Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), người mà dân chúng đương thời tôn vinh là “Thần Siêu” bên một danh nhân Cao Bá Quát (1809-1855) là “Thánh Quát”...


Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định mượn tên một bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bính gửi nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn để viết về đạo diễn Tự Huy. Bởi trong bài thơ đó, Nguyễn Bính và Bùi Hạnh Cẩn, cũng như Tự Huy, đều sinh trong những gia đình Nho học, trọng nghĩa khinh tài. Và các ông đều dấn thân bước cùng thời đại, tiếp xúc và chấp nhận cái mới, tuy trong lòng vẫn giữ cốt cách “con nhà Nho”.

Chân dung đạo diễn Tự Huy có một cái bệ rất uy nghi. Cụ nội ông chính là nhà văn hóa lỗi lạc Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), người mà dân chúng đương thời tôn vinh là “Thần Siêu” bên một danh nhân Cao Bá Quát (1809-1855) là “Thánh Quát”.

Cụ Nguyễn Văn Siêu, ngoài một loạt sách về thơ văn và nghiên cứu dư địa chí đất nước, ông còn là tác giả của một trong những công trình đặc sắc nhất bên hồ Gươm. Đó là Đài Nghiên, Tháp Bút - một ngọn tháp ghép bằng đá quý, hình chiếc bút, thân tháp khắc dòng chữ “Tả Thiên Thanh” (Viết lên trời xanh). Thuở nhỏ, Tự Huy được gia đình đưa ra Hà Nội học, dù mẹ anh ở làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Hằng ngày đi học, Tự Huy vẫn thường thấy ngọn tháp mà cụ nội dựng.

Theo cuốn gia phả mà cụ Nguyễn Siêu để lại, ngôi mộ thủy tổ của dòng họ lở bên hữu, bồi bên tả. Vì vậy, dòng họ này hiếm đinh. Bố của Tự Huy làm chức thừa phái thời Tây nên dân làng gọi là cụ Trưởng Thừa. Cụ có bà vợ cả, tuy sinh nhiều con nhưng đều không thành. Có người làm mối cho cụ cô gái quê, khỏe mạnh, tuổi chưa đầy ba mươi, có một con nhưng chồng mất sớm. Cô sinh cho cụ Trưởng Thừa một cậu con trai nhưng mới lên hai đã mất.

Song, với sự cố gắng phi thường của cụ, Trời không phụ lòng, cộng thêm sự kiên nhẫn của người đàn bà nhà quê phúc hậu, vào năm cụ Thừa sắp bảy mươi xuân, gia đình có đứa con trai thứ hai. Cụ đặt tên con là Tự Huy. Cái tên mà cụ gửi gắm bao tình cảm và hy vọng. Tự có nghĩa là phải tự lớn lên, phải thừa tự gánh vác lịch sử của dòng họ “danh gia vọng tộc”, sao cho huy hoàng. Và ông bố mất khi Tự Huy mới lên bốn tuổi.

Bà mẹ Tự Huy là cuốn sách đời đầy nhân ái. Bà ở vậy chăm con và chăm sóc luôn ngôi từ đường của dòng họ ở làng Kim Lũ (tên Nôm là làng Lủ), bên sông Tô Lịch. Và Tự Huy vừa có khí chất của tinh thần nhà Nho, vừa có tình nghĩa của người dân quê chất phác.

Tôi được gặp đạo diễn Tự Huy cùng vợ ông là nhà thơ - nhà biên kịch Đoàn Lê vào đầu năm 1992 lúc tôi làm ở Phòng Biên kịch Hãng Phim truyện Việt Nam do chị Đoàn Lê làm trưởng phòng. Nhưng tôi chẳng thấy chị ấy bắt họp hành gì cả. Gặp nhau là chuyện trò rồi cười vui.

Dạo ấy, cứ sáng thứ Ba hằng tuần, dân làm phim truyện ở Hà Nội lại tụ tập ở số 4 Thụy Khuê, ngồi dài ở các quán trà, hóng việc. Lần nào tôi cũng thấy anh Tự Huy chở chị Đoàn Lê trên chiếc xe máy “con vịt” nhỏ xíu, phóng từ Lủ, vượt cả chục cây số, đến xưởng để gặp đồng nghiệp. Một hôm, tôi thấy Tự Huy cầm cuộn báo đã ngả màu vàng.

Tôi hỏi: “Cái gì đấy anh?”. Tự Huy đáp: “Tranh đấy! Tranh của Trần Trung Tín”. Tôi mượn giở xem. Bỗng anh Tự Huy hỏi: “Em bận gì không? Đi với anh”. Tôi chở anh ra Bưu điện Quan Thánh. Nhưng, cô nhân viên nói, phải có vỏ bọc. Thế là hai anh em lại vào phố cổ Hàng Mành, mua ống nhựa, bỏ tranh vào cho khỏi nhàu, rồi gửi vào Sài Gòn cho anh Tín.

Hơn tuần sau, anh Tự Huy lại rủ tôi cùng anh đi gửi cuộn tranh nữa cho anh Tín. Tôi đi cùng anh mà cảm phục. Một người bạn chí tình chí nghĩa. Họa sĩ Trần Trung Tín, người miền Nam tập kết, học lớp diễn viên khóa I của Trường Điện ảnh Việt Nam. Năm 1975, giải phóng miền Nam, anh Tín dông thẳng một mạch về quê, chỉ gửi ra cơ quan cũ ở Hà Nội mỗi bức điện chào tạm biệt và báo tin đã định cư ở trong này. Thế là xong.

Đời nghệ sĩ nhẹ tênh. Nhưng tôi thầm hỏi, trong lớp có nhiều gương mặt nổi tiếng như Trà Giang, Thế Anh, Trần Phương... nhưng sao anh Tín lại thân với Tự Huy? Tôi đoán, hai anh đều có tạng người khá giống nhau. Đều cùng gầy nhom, đều hơi ngăm ngăm và đều ưu thời mẫn thế.

Tôi hỏi, anh làm cách nào mà bảo quản tranh anh Tín được tốt như vậy? Gìn giữ hơn hai mươi năm, những tờ báo cũ làm nền cho những bức tranh sơn màu dễ rách. Anh trả lời: “Mình cuộn nilon, gác lên mái nhà”. “Không sợ mưa dột sao?”. “Thì mình tìm chỗ khô”. “Trong nhà anh, chẳng lẽ không có chuột?”. “Mình có nuôi mèo. Nhưng vẫn phải kiếm ống tre già bọc ngoài”.

Anh kể thêm, vào những ngày nắng đẹp, anh lại tháo những cuộn tranh xuống, đặt vào nong, phơi ngoài sân. Còn những ngày nồm thì thật gian nan. Thời tiết ngoài Bắc sợ nhất những ngày này. Tường gạch rỉ mồ hôi. Nền nhà sũng nước, trơn như đổ mỡ. Mọi đồ vật trong nhà đều ẩm mốc. Vậy mà anh Tự Huy gìn giữ tranh của bạn mình suốt hơn hai mươi năm, không hề suy suyển.

Mà những ngày đó, Trần Trung Tín chưa nổi tiếng với những bức tranh khắc khoải nội tâm, mơ những sự vật bình dị, ấn tượng nhất trong không gian ngột ngạt thời chiến. Khi tôi hỏi về điều này, anh Tự Huy bảo: “Không cần biết tranh của anh Tín giá trị thế nào. Nhưng anh ấy đã tin mình thì mình cần có trách nhiệm bảo quản”. Đúng là cốt cách con nhà Nho cũ. “Nhà ta chữ quý hơn vàng/ Coi tài hơn cả giàu sang trên đời” (Nguyễn Bính).

 Có lẽ, cái nếp “nhà Nho cũ” ấy của Tự Huy được truyền từ ông nội. Khi tôi vào Lủ thăm anh, thấy trong vườn có cái miếu nhỏ. Anh kể, đấy là miếu thờ bà Đẹp. Ông nội Tự Huy, người đương thời gọi là ông Phủ, một hôm đi công chuyện về muộn. Ông cuốc bộ từ Ngã Tư Sở. Gần đến nhà, bỗng thấy một người đàn bà, quần áo thướt tha, cất giọng dịu dàng: “Chào thầy!”.

Ông Phủ hỏi: “Chẳng hay cô đi đâu mà về khuya thế này?”. Người đàn bà im lặng nhưng vẫn theo sau. Ông Phủ nói: “Thân gái không nên đi khuya thế này. Nếu cô lỡ độ đường, về nghỉ với đám đàn bà con gái nhà tôi. Mai hẵng đi”. Người đàn bà cảm ơn và xin về cùng. Đến cổng, ông gọi người nhà ra mở. Nhưng quay lại tìm thì không thấy người đàn bà kia đâu. Ông bèn cho dựng một miếu thờ nhỏ.

Một cảnh trong phim “Chị Tư Hậu”.  Ảnh: L.G

“Người ta đã có lòng theo về...”. Và ông đoán, người đàn bà ấy, dáng đi ấy, giọng nói ấy, trang phục như thế, hẳn là một người đẹp. Cũng như bà mẹ Tự Huy, lấy chồng gánh cả giang sơn nhà chồng. Bà chăm lo hương án, từng ngọn đèn, từng nén nhang trong nhà thờ họ Nguyễn với tấm lòng tận tụy sáng trong.

Chuyện tình của anh Tự Huy với chị Đoàn Lê cũng có nhiều điểm gay cấn như phim hành động. Nhưng nền của nó là những ngày lãng mạn. Ra Hà Nội học, Tự Huy được sống tự lập. Nhưng anh là người có tâm hồn phóng túng đầy mơ mộng. Anh thi đỗ vào lớp diễn viên điện ảnh khóa I bằng chính tài năng của mình. Chị Đoàn Lê cũng vậy. Nhưng Đoàn Lê, trước khi vào trường, thời thiếu nữ, đã nổi tiếng với bài thơ Bói hoa đầy tâm trạng và hy vọng. Bài thơ sống trong tâm trí, nằm trong sổ tay của bao cô gái cùng thời.

Khi yêu Tự Huy, Đoàn Lê không hề nghĩ đến chuyện anh có cụ nội là một danh nhân của đất Thăng Long. Anh sống nội trú trong trường Điện ảnh. Chỉ có một manh chiếu sờn trải giữa phòng, một cái ghế đệm thủng, lòi cả lò xo và một cái cà men đun nước. Bát đũa cũng chẳng có vì anh ăn cơm tập thể. Nhưng nữ thi sĩ yêu, như chị tự thú, “vì con người lơ mơ hiền lành này rất quyến rũ khi lên phim, rất có duyên, rất nghệ sĩ”. Mỗi khi bị Đoàn Lê trêu, Tự Huy lại cười tủm tỉm, đùa lại: “Đừng thấy người ta con-nhà-Nho-thất-thế mà bắt nạt nhé!”.

Đoàn Lê rất thích cảnh Tự Huy đóng vai anh lính Sài Gòn trong phim chị Tư Hậu. Đó là cảnh chị Tư Hậu đi công tác, qua bốt địch. Mấy viên lính trên chòi đòi lục soát. Chị Tư Hậu nhanh trí biếu tốp lính gói tôm khô làm mồi nhậu. Anh lính mặc bộ quân phục rằn ri, đội mũ cuộn vành, xăng xái xuống nhận với nụ cười hiền khô, chính là Tự Huy. Còn anh, với sự nhạy cảm của nghệ sĩ, anh cảm nhận vẻ đẹp đậm đà của người phụ nữ luôn có vẻ bí ẩn. Điều ấy hấp dẫn anh. Và họ có điểm chung nữa là, ẩn sau vẻ hào nhoáng bên ngoài của nghề diễn viên, họ đều sống nặng về nội tâm. Điều ấy lý giải cho sau này, Đoàn Lê chuyển sang viết văn xuôi và kịch bản phim. Còn Tự Huy làm đạo diễn.

Cặp đôi biên kịch - đạo diễn Đoàn Lê và Tự Huy đã làm được nhiều phim truyện trong những năm 1980-1990 như Ngày về, Người cầu may, Truy lùng băng quỷ gió... Đặc biệt, với bộ phim Người cầu may, Tự Huy đã giành được giải thưởng dành cho đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế New Delhi (Ấn Độ) năm 1990.

Câu chuyện kể về hai vợ chồng ông Khiển, làm công chức, lương không đủ. Họ xin về hưu sớm. Số tiền có được, ông mua xổ số với ước mơ trúng độc đắc. Nhưng, mua mãi, ông chỉ trúng giải nhì đúng một lần. Ông lại càng dấn thân vào con đường may rủi. Nhưng tai họa ập đến. Mất tiền, mất xe đạp. Vợ đuổi ra đường. Ông làm nghề bơm xe bên hè phố nhưng giấc mơ về vận may vẫn bám chặt đời ông. Câu chuyện không bao giờ cũ, luôn là lời cảnh tỉnh đối với những người mắc chứng nghiện cờ bạc.

Không những làm phim truyện, đạo diễn Tự Huy còn là tác giả của nhiều phim tài liệu như Vua Minh Mạng (1988), Sức sống Nam Cao (Huy chương vàng Liên hoan phim Truyền hình 1993), Đưa em về sông Đuống (1997), Chùa Kinh Bắc (1999)... Bộ phim nào của ông cũng đều đậm chất hoài cổ, nhớ thương những cảnh cũ người xưa, mang đậm tính cách người Việt và phong vị văn hóa Việt.

Tâm hồn người nghệ sĩ hướng về tất cả những gì mình yêu thích. Họ luôn vụng về trong công việc tổ chức đời sống gia đình và những vấn đề xã hội, dòng họ... Đã vậy, những biến động trong cuộc sống đời thường lấy mất của họ nhiều năng lượng sống. Nhiều năm tháng, Tự Huy cùng Đoàn Lê đã phải căng mình chiến đấu theo đúng nghĩa của từ này để giữ nhà cửa, đất đai.

Chuyện này được nhà văn Đoàn Lê kể rất kỹ trong tiểu thuyết nổi tiếng Cuốn gia phả để lại. Nhưng, khi trời yên biển lặng, trái tim lại khát khao những chân trời mới. Hai người lặng lẽ chia tay. Nhưng tình nghĩa vẫn dành cho nhau. Khi Tự Huy bán một phần đất quê, anh vẫn dành tặng chị một món quà, sai con trai mang xuống Hải Phòng đưa cho mẹ. Và khi anh bị tai nạn, thật cảm động, được cả hai bà cùng đến thăm.

Kể chuyện này, anh nở nụ cười giòn tan. Nhưng trong ánh mắt anh, tôi nhìn thấy những giọt lệ sáng.

Đoàn Tuấn
.
.