Đạo diễn Phan Đăng Di: Điện ảnh làm ta ảo tưởng về chính mình

Thứ Hai, 28/11/2011, 15:14
5 ngày trước khi thế giới sụp đổ, bạn sẽ làm gì? Câu hỏi này thật ra chẳng có gì mới. Chắc chắn mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau. Ở ngoài phố, có người bật cười, có người bảo, nó cũ quá và mông lung quá. Nhưng Phan Đăng Di thì phải trả lời câu hỏi này, trong dự án mới của anh, cùng với 4 đồng nghiệp khác đến từ các nền điện ảnh khác nhau của châu Á: Thái Lan, Sri Lanka, Indonesia, Bangladesh. Cùng với hai dự án phim khác đang thực hiện, nhà làm phim độc lập 35 tuổi nổi tiếng với phim truyện đầu tay “Bi, đừng sợ” vô cùng bận rộn. Nhưng áp lực thì không, vì anh luôn được làm những công việc mà mình yêu thích.

Phan Đăng Di phá lên cười, khi tôi hỏi, nếu thực sự có cái ngày mà thế giới sụp đổ, thì chính anh sẽ làm gì trong 5 ngày cuối cùng. Di không trả lời câu hỏi ấy. Anh nói về bộ phim mà anh đang ấp ủ trong đầu. “Khi được mời làm dự án này lúc đầu tôi cũng hơi buồn cười. Nghĩ mông lung, rồi tôi quyết định mình sẽ kể một câu chuyện gì đó dính dáng đến điện ảnh một chút. Dù cho thế giới có tàn tạ thế nào đi nữa thì tôi nghĩ con người ta vẫn không thôi ảo tưởng về chính mình. Và điện ảnh cũng là một ảo tưởng lớn đối với người nghệ sĩ. Tôi sẽ kể một câu chuyện liên quan đến một nữ diễn viên điện ảnh đã hết thời. Bà muốn mình thật đẹp trước khi chết. Một cô bé người Thái, vì quyến luyến một cái gì đó như là tính nữ của bà, mà đến giúp bà thư giãn, làm đẹp. Câu chuyện sẽ được kể ở vịnh Hạ Long, nơi mà tôi nghĩ có thể nhiều người sẽ muốn đến đó, trước khi chết”.

Tôi hỏi, với quyết định quay một bộ phim có tính quốc tế ở Hạ Long, anh định vote  cho Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thế giới mới chăng? Di nói không cần như thế thì Hạ Long cũng đã rất xứng đáng với danh hiệu này rồi.

Trò chuyện với Phan Đăng Di thấy anh là người ưa suy ngẫm. Bất cứ một vấn đề gì đó gợi ra, anh cũng muốn dẫn người nghe trôi về một cảm giác nào đó. Di làm ta có cảm giác anh không mạch lạc, vì anh không thích làm người kể chuyện lớp lang, trình tự. Anh thích xâu chuỗi mọi điều bằng những cảm nhận phía sau câu chữ, một cách tinh tế.

Điều này có thể thấy rất rõ trong ngôn ngữ điện ảnh của Di, mà nếu ai đã từng xem phim Bi, đừng sợ thì có thể cảm nhận. Bi, đừng sợ là bộ phim đã mang tên tuổi của đạo diễn trẻ Việt Nam Phan Đăng Di đến nhiều liên hoan phim nổi tiếng trên thế giới, như Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim quốc tế Vancouver, Liên hoan phim châu Á Hồng Kông, Liên hoan phim Quốc tế Stockholm… kèm với đó là rất nhiều giải thưởng.

Chỉ với Bi, đừng sợ, Phan Đăng Di là câu chuyện nổi bật trong đời sống điện ảnh Việt Nam mấy năm trở lại đây. Anh là đạo diễn trẻ được mời tham dự nhiều Liên hoan phim quốc tế nhất từ trước tới nay. Trước Bi, đừng sợ, Di từng là tác giả của hai phim ngắn là SenKhi ta hai mươi, là tác giả kịch bản phim Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Di nói, anh thường bắt đầu một bộ phim bằng một cảm giác nào đó.

Bi, đừng sợ là cảm giác về cái chết của con người, sau khi họ đã đi trọn một vòng quay cuộc đời, trải qua những quãng đường từ lúc thơ ấu đến khi trưởng thành và già cỗi, chứng kiến mọi buồn vui của kiếp người, chằng bíu trong tự do và bổn phận.

Ý tưởng làm phim này đến với Phan Đăng Di từ quán bia, khi anh có nhiều ngày tháng “tiêu xài” tuổi trẻ của mình trong những buổi nhậu nhẹt vô bổ, những câu chuyện tầm phào với bạn bè. Di nhìn những người đàn ông trong quán bia và ngẫm nghĩ về đời sống của họ, hành trình của họ từ khởi đầu đến kết thúc.

Thực sự mà nói con người ta có quá nhiều nỗi sợ và họ luôn muốn trốn khỏi nỗi sợ ấy, bằng nhiều cách khác nhau, mà uống bia cũng có thể là một cách. Nhưng, làm thế nào để họ có thể đối mặt với nỗi sợ, chấp nhận nỗi sợ như một phần tất yếu trong vòng quay cuộc đời? Bi, đừng sợ, cái tên phim không phải dành cho cậu bé Bi 6 tuổi - nhân vật chính, mà là câu nói dành cho người lớn, để trấn an họ. Để họ hiểu về hành trình cuộc sống của mình mà sẵn sàng với nó, sẵn sàng với những lạc thú hay khổ đau, vui sướng hay bất hạnh.

Một chút gì Phật giáo ở trong phim, có lẽ là kết quả của những tháng năm đắm chìm trong sách vở của Phan Đăng Di. Anh đọc nhiều, và ưa suy ngẫm. Di có thể nói hàng giờ về những cuốn sách văn học mà anh yêu thích. Tâm trạng đạo diễn của anh có gì đó rất gần với tâm trạng nhà văn. Để có một cảnh quay tốt, Di bao giờ cũng có nhiều option cho nó. Giống như nhà văn, trước khi viết anh ta định để cho nhân vật của mình đi hướng này, nhưng trên trang giấy, nhân vật của anh cuối cùng lại đòi đi một hướng khác.

Di nói: “Nhiều lúc tôi cũng làm cho diễn viên hoang mang. Có những cảnh quay trong Bi, đừng sợ, tôi mất cả tháng trời, quay đi quay lại. Là vì tôi luôn luôn cảm thấy có gì chưa ổn. Một khi tôi không tin thì tôi không thể nào làm xong một cảnh quay, hay vượt qua một cảnh quay”.

Không phải vì Di khó tính, mà vì anh cần xác tín cho niềm tin của mình trong mỗi thước phim. Đó là lý do để anh tiếp tục cho những bộ phim phía trước. “Tất cả những câu chuyện trên đời đều đã được kể cả rồi. Chúng ta đừng hy vọng là mình đang kể một câu chuyện mới. Vấn đề là chúng ta kể câu chuyện của mình như thế nào mà thôi. Cách kể chuyện là quan trọng bậc nhất. Một bộ phim hay nghĩa là người làm phim có cách kể chuyện hay. Tôi xem rất nhiều phim của thế giới. Càng xem nhiều thì càng thấy khó, và càng biết sợ. Thế giới họ đã làm rất giỏi mọi thứ liên quan đến điện ảnh rồi. Cho nên, thách thức lớn nhất của mỗi đạo diễn trẻ là phải đưa ra được cái gì đó của riêng mình”.

Và, để đưa ra cái gì đó của riêng mình, được khán giả và đồng nghiệp, không chỉ trong nước mà cả quốc tế thừa nhận, khó khăn vô cùng. Cách duy nhất là phải đào sâu chính mình, tận cùng chính mình. Phan Đăng Di nói, anh là người làm phim cho mình là như vậy. Làm phim, nghĩa là đuổi theo một điều gì đó mang dấu ấn cá nhân, phải quên đi chuyện khán giả nhiều hay ít. Nếu phim mình làm cho chính mình lại nhận được sự đồng cảm của khán giả, thì đó là sự cộng hưởng lý tưởng nhất.

Tuy vậy, việc làm phim với Phan Đăng Di, có nhiều lúc lại giống như việc “đuổi theo một con ma”. Vì ngoài ý tưởng của người đạo diễn, nó phụ thuộc vào diễn viên, vào điều kiện kỹ thuật, và nhiều yếu tố khác. Cho nên, người đạo diễn gần như không có tự do.

Đấy là chưa kể một nhà làm phim độc lập như anh lại còn phải lo tìm tài chính cho phim của mình. Để nhận được tiền tài trợ của một dự án nào đó, Di phải làm người ta tin về bộ phim anh sắp làm. Những ý tưởng phải được thuyết trình thấu đáo. Sau thành công của Bi, đừng sợ, con đường phía trước đã trở nên rộng mở với Phan Đăng Di. Đã có những lời mời gửi đến, và có nhiều lựa chọn cho anh hơn.

Đó thực sự là tín hiệu đáng mừng không chỉ cho Di, mà cho cả điện ảnh nước nhà. Di mong muốn, anh sẽ mang tới cho khán giả quốc tế một cảm nhận về cuộc sống Việt Nam qua những thước phim một cách có tình cảm. Ngoài ra, họ có thể cảm nhận một sự thật nào đó về con người. 

Những đạo diễn trẻ Việt Nam trong những năm qua thực sự đã tạo nên một diện mạo mới cho điện ảnh. Tuy nhiên, tiếng nói của điện ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế còn rất khiêm tốn. Câu chuyện phải làm gì để chinh phục khán giả quốc tế, để điện ảnh Việt Nam được biết tới nhiều hơn được Di cắt nghĩa: “Trước tiên tôi là khán giả độc tài nhất của mình. Còn khán giả, có cần thiết phải phân biệt trong nước hay ngoài nước? Một bộ phim hay không có biên giới về khán giả. Rất nhiều bộ phim của thế giới đã làm xúc động khán giả Việt Nam chúng ta. Tôi luôn nghĩ, một người làm phim Việt Nam cần biết chọn vấn đề và cách thể hiện thế nào đó, để thế giới họ có thể hiểu được mình, thì điện ảnh Việt Nam mới ra được thế giới”.

Là người có cơ hội được đến nhiều nền điện ảnh phát triển, khi nói về những hạn chế của đạo diễn trẻ, trong đó có mình, Phan Đăng Di chia sẻ: “Những người làm phim trẻ chúng tôi đang ở trong một giai đoạn rất chông chênh của điện ảnh Việt. Rất nhiều thứ để tạo ra một môi trường điện ảnh, một không gian điện ảnh, còn thiếu.

Nếu ở các nước phát triển, người đạo diễn trẻ không bị nhọc công vì bất cứ điều gì ngoài chuyên môn, bởi họ đã có sẵn một nền tảng vững chắc, cái gì cũng chuyên nghiệp, hoàn hảo. Còn ở ta, sự lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp, đồng bộ là câu chuyện của toàn xã hội, không riêng gì điện ảnh. Đạo diễn trẻ họ cũng phải mưu sinh.

Đến một lúc nào đó họ cũng phải quăng mình vào một sự lựa chọn an toàn. Và chạy theo thị hiếu khán giả, dễ dãi chẳng hạn, lâu dần sẽ trở thành lối mòn, muốn quay trở lại không được nữa. Không có cơ hội rèn nghề, nâng mình lên thì có thể cùn mòn, bị đào thải”. Điện ảnh là một ngành nghệ thuật, nhưng nó cần những thứ cụ thể, như đào tạo nhân lực, kiến thiết trường quay, bổ sung, nâng cao kỹ thuật...

Các đạo diễn giỏi ở các nước láng giềng cạnh ta, thực chất họ đã phải đến nhiều nước có nền điện ảnh tiên tiến để học nghề. Phan Đăng Di cho rằng, trong điều kiện hiện nay, những gì mà một số đạo diễn trẻ thế hệ anh làm được là rất tốt rồi, rất thông minh rồi. “Chúng ta không thể muốn có nhiều quả khi mà chúng ta không tưới cây. Khán giả của ta cũng đừng quá đáng, ở chỗ lúc nào cũng đòi hỏi phim hay mà không bao giờ muốn đầu tư cho đòi hỏi đó của mình. Rất nhiều gia đình bỏ tiền cho con đi du học nước ngoài, ở những ngành nghề như tài chính, ngân hàng, nhưng chẳng mấy ai muốn bỏ tiền cho con đi học điện ảnh. Có lẽ bởi họ thấy rằng cái mà họ nhận được từ sự đầu tư của mình nó mơ hồ quá chăng, nó không thể đong đếm được chăng?”.

Phan Đăng Di có lẽ sẽ làm nhiều người trong chúng ta giật mình, khi anh cho rằng, đang ngày càng ít đi những người ảo tưởng, biết sở hữu một ước mơ nào đó. Ngay cả trẻ con cũng đang cạn dần ước mơ. Chúng ta đang tự đánh mất đi một thế giới rất đẹp của mình, chỉ bởi chúng ta tỉnh táo và thực tế quá. Sẽ không có điện ảnh, và không có cả nghệ thuật, nếu chúng ta không còn mong muốn chạm tay vào ước mơ

Vũ Quỳnh Trang
.
.