Đạo diễn, NSND – GS Đình Quang: Người mình vốn cả nể...

Thứ Sáu, 08/03/2013, 10:10
"Nhân loại nói chung đều có bệnh cả nể. Và cả cái bệnh này nữa: hoặc là do hằn học cá nhân, hoặc là do không thích nhau trong đời thường nên hay mang cảm giác khó chịu với nhau ấy vào trong công việc. Không ít người Việt Nam ta cũng bị mắc hai căn bệnh đó. Phần thì dân tộc mình vốn thiên về cảm tình, phần khác thì điều kiện thực tế của mình cũng có những cái bó buộc nhất định nên không phải ta cứ nghĩ gì thì cũng nói ra ngay thành lời.", Đạo diễn, NSND - GS Đình Quang chia sẻ.

Tôi cũng không rõ là từ bao giờ nhưng đã nhiều năm nay cứ tới mồng 4 Tết là ngôi nhà không quá rộng nhưng rất xinh đẹp của NSND Doãn Hoàng Giang trên đường Âu Cơ lại trở thành nơi tập hợp của những người hoạt động sân khấu thân thiết đối với ông. Tôi chẳng dính dáng gì tới sân khấu cả nhưng cũng “đua đòi” theo bạn bè lên đó vì tôi biết, bao giờ ở đấy cũng sẽ có cơ hội gặp được những người hay mà mình cần thỉnh giáo. Trong số những người mà tôi ngưỡng mộ đó có đạo diễn, NSND Đình Quang, vị giáo sư đích thực của nền sân khấu Việt. 

Mồng 4 Tết Quý Tị, tới nhà anh Doãn Hoàng Giang, tôi lại có hạnh ngộ được cụng ly cùng GS Đình Quang và nghe những hồi ức hết sức sống động và hóm hỉnh của ông… Ở tuổi ngoại bát thập, GS Đình Quang vẫn tư duy rất mạch lạc và trẻ trung, đến mức tôi có cảm giác như ông còn có sức trẻ nhiều hơn cả tôi nữa… Tôi chợt nhớ tới một lần cách đây vài năm, giữa đêm, sau bữa tiệc nhẹ mừng kết thúc một hội diễn sân khấu hoành tráng, tôi đã đi xe máy đèo GS Đình Quang về nhà. Giữa đường, ông thủ thỉ nói: “Cậu có thấy mình “hư” không, già gần 80 tuổi thế này mà nửa đêm vẫn còn ở ngoài phố…”. Và tôi với ông đã cùng bật cười thích thú…

Hầu chuyện GS Đình Quang luôn là một cơ hội được khai sáng. Và những điều ông nói càng ngày càng trở nên sáng tỏ với chúng ta khi chúng ta trưởng thành hơn, từng trải hơn. Tôi từng có dịp thực hiện một cuộc trò chuyện khá lâu với GS Đình Quang về cả nghệ thuật lẫn đời sống thường nhật. Và hôm nay, đọc lại những ghi chép cũ, tôi ngộ ra thêm được không ít điều hay. Và vì thế, xin phép lại được chia sẻ cùng độc giả.

“Người Việt mình thường cảm tính”

- Hồng Thanh Quang: Có câu nói đùa thế này: lửa thử vàng, vàng thử phụ nữ, phụ nữ thử đàn ông... Tôi muốn nói thêm rằng, đối với một số văn nghệ sĩ ở nước ta, ngày thường có vẻ như “dĩ hòa vi quý” và hiền lành nhất mực, nếu muốn thử họ chỉ cần đưa ra một bản danh sách dự kiến những người sẽ được trao giải thưởng cao quý. Lúc ấy, ta sẽ biết ngay là ai nghĩ về ai như thế nào. Theo GS, nhận xét của tôi đúng hay sai?

- NSND Đình Quang: Nhân loại nói chung đều có bệnh cả nể. Và cả cái bệnh này nữa: hoặc là do hằn học cá nhân, hoặc là do không thích nhau trong đời thường nên hay mang cảm giác khó chịu với nhau ấy vào trong công việc. Không ít người Việt Nam ta cũng bị mắc hai căn bệnh đó. Phần thì dân tộc mình vốn thiên về cảm tình, phần khác thì điều kiện thực tế của mình cũng có những cái bó buộc nhất định nên không phải ta cứ nghĩ gì thì cũng nói ra ngay thành lời. Thật ra, được nói hết lòng mình là cách giải tỏa nhanh nhất và hay nhất mọi ấm ức với người, với đời... Chứ cứ tích lũy những thứ đó lâu ngày trong người thì không sớm hay muộn cũng sinh bệnh, cũng dẫn tới bùng nổ quan hệ... Tôi thấy ở một số nước châu Âu, trong hội nghị thì đập bàn chan chát, tranh luận với nhau kịch liệt, hết giờ làm việc lại khoác tay nhau ra quán bar cùng uống bia... Không thể nói là với những người như thế, công tư rành rẽ 100%, nhưng tốt nhất là đừng để cho cảm xúc cá nhân đè nặng lên các mối quan hệ công tác... Thêm vào đó, muốn con người sống thẳng thắn và cởi mở, thì xã hội cũng cần phải có những khế ước thích ứng...

- Tôi cũng hiểu rằng, đừng tưởng cứ là cây ngay thì không sợ chết đứng. Muốn có được nhiều cây ngay thì cần phải có vô số những điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Giống tốt mà vào đất cằn thì cũng khó mà phát triển được. Thế nhưng, là kẻ sĩ, là trí thức mà lúc nào cũng nói rằng sở dĩ tôi không làm được nhiều hơn những việc hay ho có ích cho đời, cho người là chỉ vì không có điều kiện tốt thì liệu có nên chăng? Có điều kiện tốt thì ai chẳng làm việc tốt được?!

- Đấy cũng chỉ là một nửa thôi. Anh  muốn người ta thẳng thắn, nhưng anh không có quy chế cho người ta thẳng thắn thì cũng khó đấy. Thí dụ, anh là chủ tịch Hội đồng chuyên môn xét một cái giải gì đó mà anh cũng được đề cử vào. Khi Hội đồng bàn đến trường hợp của anh mà anh cứ ngồi lì ở đó thì còn có mấy ai dám nhận xét thẳng thắn?! Người Việt Nam mình vốn cả nể lắm, bạn ơi! Nhưng không nói được đúng lòng mình thì cứ ấm ức và gặp dịp bột phát thì dễ bị quá lời...

- Khi chứng kiến những cuộc tranh luận mới đây xung quanh các giải thưởng lớn, tôi không hiểu sao lại nhớ tới một tình huống trong vở kịch “Vòng phấn Cápcazơ” của Bertolt Brecht mà GS từng dàn dựng ở Việt Nam hơn 30 năm trước đây. Đó là cảnh người mẹ thật và người mẹ hờ phải nắm lấy tay cậu bé để kéo, ai kéo mạnh thì người ấy sẽ được nhận con. Trong lúc bà mẹ hờ sẵn sàng tung hết sức ra để kéo, kể cả nếu làm như thế có thể cướp mạng sống của cậu bé, thì người mẹ thực đã chấp nhận thua mà không cần phải “thi kéo”, miễn là cậu bé không bị tổn hại gì... GS nghĩ thế nào về sự liên tưởng đó?

- Có thể tránh được mọi ì xèo không đáng có nếu ngay từ đầu chúng ta đưa ra được một quy chế rõ ràng và công bằng. Làm như hiện nay thì chúng ta mới giải quyết được phần ngọn chứ chưa phải là phần gốc của vấn đề...

Văn nghệ là mở lối đi mới

- Muốn nhìn được rõ gốc của vấn đề thì cần phải có lý luận, cần phải dày công tầm sư học đạo. Theo những gì tôi biết, GS đã từng du học ở CHDC Đức cũ và bảo vệ thành công luận án TS về kịch của Bertolt Brecht, người từng chủ trương hơn mọi sự trên đời rằng nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng trước hết phải đưa con người tới nhận thức và hành động chính trị tức thời?

- Trước khi sang Đức, tôi từng tốt nghiệp Đại học Sân khấu ở Bắc Kinh, từ năm 1954 tới 1959. Tại đó, tôi chủ yếu nghiên cứu về phương pháp biểu diễn của Stanislavsky. Tôi làm luận án TS ở CHDC Đức, từ năm 1968 tới cuối năm 1972.

- Stanislavsky và Brecht là hai thái cực nổi bật của sân khấu thế giới thế kỷ XX. Theo GS, ảnh hưởng của hai nhân vật này đối với sân khấu Việt Nam như thế nào?

- Sân khấu Việt Nam hiện nay về cơ bản trong diễn xuất cũng như trong đào tạo đều theo phương pháp Stanislavsky. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì như tôi đã nói, người Việt mình nặng về cảm tính. Ảnh hưởng của Stanislvasky đối vói sân khấu Việt Nam rất sâu sắc và xin phép được nói rằng, trong việc này tôi cũng có phần đóng góp. Năm 1961, cùng với một số anh em từng đi du học ở nước ngoài về, chúng tôi đã tham gia vào việc thành lập Trường Trung cấp Kịch nói với những học viên khóa I như các anh Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Thế Anh, Đoàn Dũng; các chị Nguyệt Ánh, Mỹ Dung... Phương pháp đào tạo diễn viên mà chúng tôi áp dụng lúc đó là phương pháp Stanislavsky. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khoa học, chính Brecht mới là người gần gụi với sân khấu nghệ thuật truyền thống của ta, như tuồng, chèo chẳng hạn. Có điều sân khấu truyền thống Việt Nam thì chủ trương khuyến giáo đạo đức, còn Brecht lại nêu ra mục tiêu “đánh” vào trí tuệ người xem...

- Theo tôi hiểu, khuyến giáo thực ra cũng là một cách tác động vào trí tuệ người xem, buộc người ta phải suy nghĩ và chấp nhận những điều hay lẽ phải.

- Khuyến giáo Việt Nam phát sinh từ “Văn dĩ tải đạo”. Đạo theo đúng nghĩa là con đường đi; văn nghệ  phải mở ra một con đường đi mới cho người ta hành xử. Vậy mà từ lâu đã có   nhiều người ở ta cứ hiểu rằng, đạo ở đây là đạo đức. Vua Tự Đức cũng từng có một câu nói rất dài để nhấn mạnh rằng, văn thơ tức là đạo đức. Bây giờ nhìn lại, có thể thấy sân khấu cổ truyền của ta “tải đạo” gì? Chủ yếu là trung quân ái quốc! Nhưng bây giờ còn quân đâu mà trung, còn đâu cái cảnh chúa sáng tôi hiền nữa! Nhìn từ góc độ khoa học, muốn tôi trung thì tôi phải xem vua như thế nào đã chứ. Vua già yếu và bất tài vô dụng thì tôi trung để làm gì?! Trong vở tuồng Sơn hậu có lớp bao nhiêu trung quân hy sinh thân mình cho ấu chúa. Nhưng ấu chúa lớn lên có thể thành vị vua sáng, nhưng cũng có thể lại trở thành hôn quân... Nói chung, cần phải nhìn mọi việc từ nhiều góc độ, cân nhắc thiệt hơn mới là thái độ khoa học. Khi người lãnh đạo nói thì cấp dưới cũng cần phải suy xét xem ông ấy nói đúng đến đâu để thi hành. Đạo đức bây giờ khác xưa, là một phạm trù có tính lịch sử. Thế nào gọi là đạo đức? Đạo đức chẳng qua là một cách ứng xử chuẩn xác nhất, đứng đắn nhất trong mối quan hệ giữa con người với con người. Một khi tiền đề lịch sử đã thay đổi thì cách hiểu của con người về đạo đức cũng thay đổi.  Ngày xưa thì “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, bây giờ lắm khi con cái đẩy bố mẹ vào thế đã rồi và phải ngồi theo ý chúng (cười)... Brecht là con đẻ của một dân tộc có nhiều triết gia nên tính duy lý của ông ấy rất cao. Khi tôi dựng một số kịch của Brecht trên sân khấu Việt Nam, lắm khi tôi cứ phải sửa sang lại một chút cho hợp với tâm lý người mình. Là đạo diễn, tôi không thể không tự hỏi: Ta dựng vở kịch này cho ai xem? Tôi phải là cái cầu nối giữa kịch bản với công chúng. Không thể cứ nhân danh chân lý, nhân danh tiến bộ hùng hục chạy theo đường riêng của mình, bất chấp công chúng và đến lúc quay đầu lại nhìn thì chẳng thấy ai chạy theo mình nữa.

Đạo diễn chỉ là... đạo diễn

- Có những đạo diễn cho rằng họ có toàn quyền xử lý kịch bản theo ý họ. Thậm chí có người còn tự tung tự tác đến độ tác giả kịch bản phải lên tiếng phản đối. Theo ông, chúng ta nên đứng về phía ai, đạo diễn hay tác giả kịch bản?

- Theo tôi, muốn nói ai đúng ai sai thì phải xét từng trường hợp cụ thể...

- Tức là, có lúc đạo diễn là nhân vật số 1 trong một vở kịch được dàn dựng, có lúc lại là tác giả kịch bản?

- Hiện nay, nhiều đạo diễn Việt Nam đang nhận thức một cách sai lầm khi trưng ra câu nói: thế kỷ XX là thế kỷ của đạo diễn!

- Câu nói đó đâu phải là của người Việt Nam, đó là câu nói của André Antoine, người từng làm Giám đốc Nhà hát Opera ở Paris từ năm 1906. Một “đệ tử” của nhà văn Pháp Émile Zola, rất thích chủ nghĩa tự nhiên...

- Đúng thế. Ông Antoine năm 1887 từng lập ra Nhà hát Tự do. Nhưng khi làm Giám đốc Nhà hát Opera, ông mới thấy rằng, không thể chỉ phản ánh sân khấu y chang đời thật. Thế là ông mới bắt tay vào dàn dựng các vở kịch của Shakespeare và của Molière trong một bối cảnh rực rỡ và sang trọng. Cũng từ Antoine ở Pháp đã bắt đầu hình thành nghề đạo diễn theo đúng nghĩa khoa học, tức là một nghề có lý luận, có kỹ thuật, có phương pháp sáng tạo rõ ràng, Lịch sử sân khấu từ Antoine trở về trước thì người ta có thể nhắc đến hàng trăm tên tác giả, nhưng không thể nhắc được tên một vị đạo diễn. Thuở đó không có đạo diễn chuyên nghiệp, mà chỉ có những người như kiểu thầy tuồng. Sau Antoine là hàng loạt những đạo diễn lừng danh, cho nên người ta nói thế kỷ XX là thế kỷ của đạo diễn là với cái ý như thế.

- Chứ không phải với ý là ở thế kỷ XX, các đạo diễn có quyền muốn “xử lý” kịch bản của người ta thế nào thì tùy?

- Muốn nói gì thì nói, theo đúng nghĩa của nó, đạo diễn là người sáng tạo thứ hai mà tác giả kịch bản là người sáng tạo thứ nhất. Ông đạo diễn không có kịch bản thì lấy gì mà dàn dựng?! Phải nghĩ theo thang bậc giá trị ấy thì đạo diễn mới tự biết mình nên hành xử thế nào cho chuẩn... Tất nhiên, sân khấu ở Việt Nam cũng có những đặc thù riêng.  Những người làm đạo diễn, một số đàn anh từng được đi tu nghiệp ở nước ngoài, số học ở trong nước cũng được đào tạo rất bài bản. Cho nên dù già hay trẻ thì các đạo diễn ở ta vẫn tự cho mình là những người có nghề, được học hành chính quy, có phương pháp luận đàng hoàng. Chứ còn các tác giả kịch bản thì lớp mở đã ít, mà loé ra thì cũng không nhiều; đa số người sáng tác kịch bản của mình là do năng khiếu bẩm sinh, do tự học. Thế cho nên khi ngồi lại với nhau dễ bị “vênh”...

Làm nhiều sẽ... đại khái

- Có một thực tế là, số lượng đạo diễn ở Việt Nam hoàn toàn không nhỏ. Nhưng thực tế thì chỉ một số tên tuổi có vẻ ăn khách cứ lặp đi lặp lại mãi! Theo GS, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

- Tại nhiều địa phương, khi đoàn kịch muốn xin kinh phí của ngành tài chính để dàn dựng vở thì bao giờ lãnh đạo cũng muốn “chắc ăn”:  nếu vở ấy đi hội diễn hay liên hoan mà về tay không thì năm sau khó mà xoay xở được tiền. Vậy nên các đoàn cứ đua nhau mời những đạo diễn “có bảng hiệu” cho nó yên tâm, chứ không mời các đạo diễn trẻ. Tình trạng này đã khiến cho một số đạo diễn ở bậc đàn anh đôi khi bị ngộ nhận, cứ khoe rằng một năm mình đã dựng ngần này ngần kia vở...

- Nghe mà phát hãi! Nghệ thuật ai “quý hồ đa”!

- Đúng thế! Nếu đó là một tác phẩm sâu sắc thì có tài thánh anh cũng không thể làm được ngần ấy vở trong một năm. Chạy show dựng mỗi vở trong dăm bữa nửa tháng thì chẳng qua là anh tự phôtôcopy các thủ pháp của mình, đưa từ vở này sang vở khác, bất chấp phong cách của tác giả kịch bản là gì. Ham làm nhiều thì tất yếu anh sẽ mắc phải cái bệnh đại khái.

- Thưa GS, phải chăng vì cách làm ấy nên sân khấu chúng ta, ngoại trừ một số trường hợp hy hữu, đã ngốn khá nhiều tiền đầu tư nhưng thực chất lại nghèo nàn về phong cách sáng tạo? Yếu tố tạo nên hào quang cho một số “siêu sao” đạo diễn thực là lại làm thấp đi tầm cao vốn có của sân khấu Việt Nam?

- Tôi hoàn toàn nhất trí với anh. Tình hình nhìn từ góc độ này là rất nguy hiểm. Cuộc sống bây giờ đang diễn ra với tiết tấu rất nhanh, rất phong phú. Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh con gái tôi ngồi trong ôtô giở máy di động ra gọi cho bạn, phía ngoài trời mưa to gió lớn. Tôi đã ngẩn người và cứ bần thần nghĩ, lạ thật, tiếng mưa ồn ã thế, khoảng cách xa xôi thế mà tiếng người từ đâu vang về cứ rõ mồn một! Bây giờ thì điện thoại di động đã trở thành vật dụng quá bình thường rồi, lại thay đổi mẫu mã liên tục, đến chóng cả mặt. Một đời sống sôi động như thế làm sao chịu được một anh đạo diễn một năm dựng ngần ấy vở? Anh còn thì giờ không để đọc, để nghiên cứu, để xem tác phẩm của người khác, để nạp thông tin?! Một khi anh không tự làm mới mình với cuộc sống xung quanh thì làm sao anh có thể làm mới được sân khấu!

- Dù muốn hay không, chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta đang bị bắt buộc vào WTO, không chỉ trong lĩnh vực buôn bán đâu mà cả trong đời sống văn hóa tinh thần. Chúng ta bắt buộc phải dấn thân vào cuộc cạnh tranh đa phương và nếu chúng ta không đổi mới, không tiến lên thì mặc nhiên chúng ta bị coi là tụt hậu. Thật buồn là trong ngành sân khấu Việt Nam, dường như đang có một số nhân vật đang “ngủ rất ngon” dưới vòng nguyệt quế cũ và cứ nghĩ mọi sự sẽ “nguyễn y vân” lâu dài nữa...

- Tôi thống nhất với anh ở điểm ấy, nhưng tôi vẫn phải nói một câu như thế này: người Việt Nam muốn tiến thì phải được tạo điều kiện mới tiến được. Đánh giá một cách công bằng, điều kiện dành cho sân khấu Việt Nam hiện nay quá khó khăn, là kém nhất so với các bộ môn nghệ thuật khác. Muốn tìm hiểu văn học thì có rất nhiều sách để đọc, chứ còn muốn biết những cái mới về kịch thì tôi có thấy sách nào đâu.

- Tôi nghe nói Nhà xuất bản Sân khấu đã cho ra đâu đó 100 cuốn sách sân khấu cơ mà?

- Đó là toàn in lại sách cũ... Để tiến lên trong sân khấu thì biết làm gì? Sách mới của thế giới không có mà đọc, vở mới của thế giới cũng ít được xem, còn làm thì với những kịch bản như thế thì tiến làm sao? Vậy nên trình độ của đạo diễn Việt Nam mới bất cập. Tuy thế, cũng phải hiểu giới sân khấu cũng có những nỗi khổ riêng. Người nào tâm huyết thì tự tìm tòi cách này cách kia mà trau dồi nghề nghiệp, học ngoại ngữ để đọc nguyên bản, vào Internet để tìm hiểu thông tin... Nói thật, mới ngày hôm kia tôi bước vào tuổi 80, lắm lúc ngồi một mình mấy tiếng đọc sách hoặc chơi máy tính, tôi cũng đã tự hỏi mình, không biết mình có cần đến những tri thức này không nhỉ? Và cần bao lâu nữa? Nói vậy, nhưng một khi mình có lòng tự trọng thì mình không thể dừng quá trình gia tăng hiểu biết của mình được. Nếu một tuần hay một tháng mà mình không đọc được thêm cuốn sách nào hay hay thì mình cảm thấy như bị thiếu thốn cái gì đó, khó chịu lắm.

Đồng khí mới tương cầu

- GS từng là một lãnh đạo rất cao cấp của Bộ VHTT. Xin phép được hỏi, khi còn đương chức, đã bao giờ GS thử cố gắng làm cách nào đó áp dụng những điều mình biết để cải thiện lại môi trường nghệ thuật nói chung và môi trường sân khấu nói riêng? Hay là GS đã thử rồi nhưng không được vì những lý do khách quan?

- Nói một cách thành thật thì tôi làm Thứ trưởng Bộ VHTT từ năm 1984 và rời nhiệm sở vào năm 1999, nhưng tôi thôi làm công tác quản lý từ năm 1993. Như thế tức là tôi làm Thứ trưởng 10 năm. 10 năm ấy có thể nói là nước ta đang xuống dốc về kinh tế và mãi đến năm 1986 mới bắt đầu công cuộc Đổi mới và phải mấy năm sau đó mới bắt đầu có hiệu quả. Giai đoạn đó phải nói là hết sức khó khăn, nhưng tôi có một niềm an ủi là Hội diễn sân khấu năm 1985 với những tác phẩm như Tôi và chúng ta, Mùa hè ở biển, Nhân danh công lý và Đỉnh cao mơ ước... đã thực sự thành công khi được mang vào diễn trên sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. Công chúng phương Nam đã bị chinh phục hoàn toàn bởi những vở diễn ấy vì họ thấy sân khấu miền Bắc thật sự là mẫu mực, nghiêm túc và sâu sắc... Nói thực, ý tưởng là một chuyện, còn cần phải có sự đồn vọng của xung quanh nữa, chứ làm nghệ thuật đâu chỉ mãi đơn ca mà thành... Dẫu sao tôi vẫn muốn nói một câu là, thời tôi làm thì tôi cảm thấy rất sung sướng, vì lúc đó anh em trong ngành sân khấu thái độ còn rất nghiêm túc, rất lương tâm chứ không phải...

- …Như bây giờ? Vậy là theo GS Đình Quang, nghệ sĩ sân khấu bây giờ không nghiêm túc, không có lương tâm khi hành nghề?

- Tôi không muốn nói nặng như thế. Nhưng theo tôi, bây giờ tinh thần yêu nghề của anh em hơi bị kém so với trước...

- Của tất cả mọi người, của một số đông hay chỉ là của một số ít?

- Của khá đông! Sở dĩ là hơi kém còn vì thế này, một khi nghề của tôi không được ưa chuộng như trước nữa thì tôi cũng khó mà yêu nghề như trước. Diễn mà nhìn xuống dưới thấy khán phòng chỉ lèo tèo người xem thì làm sao mà hứng khởi được?!

- Thế tại sao chúng ta đặt vấn đề như thế này: đã làm nghệ thuật thì phải làm ở mức mà tất cả phải đổ xô tới thưởng thức. Một khi ta không “ăn khách” thì lỗi trước hết là ở ta chứ không phải ở khán giả? Đồng thanh thì mới tương ứng, đồng khí thì mới tương cầu... Không nên như một cô gái kém nhan sắc muộn chồng thì đổ tại là vì trong làng có nhiều phụ nữ quá, chứ không bao giờ chịu nghĩ rằng mình muộn chồng chẳng qua chỉ vì mình kém xinh tươi...

- Thật ra tình hình này cũng có nhiều nguyên nhân. Sự vật bây giờ phức tạp lắm. Đan chéo, chồng lẫn lên nhau... Tôi nhớ, năm 1963, khi tôi dựng vở Giông tố, khán giả xếp hàng mua vé từ rạp Hồng Hà sang tận bên phố Hàng Nón... Lúc ấy, tôi có cảm giác như mình sắp phát khóc đến nơi vì tại sao công chúng lại yêu sân khấu đến thế! Bây giờ thì nghệ sĩ đuổi theo khán giả mà...

- Mà lắm khi khán giả vẫn hững hờ...

- Bây giờ, có vẻ như người ta coi trọng việc làm ra tiền nhiều hơn...

- Tôi vẫn nghĩ rằng, khi doanh nhân lên ngôi thì điều đó có thể là mừng cho nền kinh tế đất nước, nhưng chưa hẳn đã là một tin lành cho một nền văn hoá, nếu chúng ta không biết cân bằng mọi sự theo đúng một tỉ lệ hợp lẽ nào đấy...

- Cũng dễ hiểu thôi, đã có một thời chúng ta quá thiếu thốn về vật chất. Bây giờ ăn nên làm ra được một chút nên việc người ta hơi đổ xô vào mua sắm tiện nghi đời sống cho khá hơn cũng là có lý... Nhưng tôi vẫn tin rằng, giai đoạn chuyển tiếp này sẽ qua và mọi sự lại trở về trật tự vốn có và các giá trị văn hóa tinh thần lại được tôn vinh... Con người là một động vật có tính xã hội. Tôi có thể ngồi nhà, mặc may ô, tay ôm vợ mà xem DVD không mất tiền. Nhưng vì tôi là một động vật có tính xã hội nên tôi không thể ngồi lỳ mãi ở nhà mà tôi sẽ muốn ra rạp, giao lưu tiếp xúc với mọi người, với bạn bè... Mà người Việt Nam cũng hay thật đấy. Có lần, vợ tôi bảo với tôi thế này, anh ạ, bây giờ ra chỗ viếng đám tang, mới thấy nhộn nhạo và vui vẻ lắm...

- Lắm khi đám tang lại là nơi gặp gỡ duy nhất của những người bạn cũ, xa nhau lâu ngày và không có điều kiện thường xuyên giao tiếp với nhau...

- Đúng thế chứ, nhất là đối với mấy ông đã về hưu rồi. Họ chỉ có dịp gặp nhau khi cùng đến viếng một người bạn cũ mới qua đời. Lâu ngày mới gặp nhau nên chuyện trò cứ như là pháo rang. Tất nhiên, như thế cũng không phải lẽ lắm đối với đám hiếu, nhưng cuộc đời là thế, biết làm sao!..

Mẹo của nhà thơ Huy Cận

- Thưa GS, thực ra ở đời ai cũng muốn được xã hội tôn vinh, ai cũng muốn được những người xung quanh ca ngợi. Nhưng với cá nhân ông chẳng hạn, một nghệ sĩ - trí thức, điều gì quan trọng hơn: sự đánh giá của thiên hạ hay sự nhìn nhận thẳng thắn của cá nhân vào chính bản thân mình?

- Tôi muốn kể chuyện này. Bây giờ, mỗi lần xem tivi, khi nghe thấy người ta nói tới chứng khoán thì nói thực, tôi bảo là nhục thì quá nhưng rất bứt rứt vì mình chả hiểu chứng khoán là gì cả. Nhiều hôm đi chơi với bạn bè về, thấy mặt mũi tôi khó đăm đăm, vợ tôi bảo: Em tưởng anh đi chơi với bạn bè cho khuây khoả, sao về lại thế này? Hoá ra là hôm đó, thật vô phúc cho tôi, đi chơi gặp mấy người bạn làm khác ngạch của mình và họ nói toàn những chuyện mà tôi nghe như vịt nghe sấm. Tôi mới tự nghĩ, đầu mình đâu đến nỗi óc là đất thó, mà tại sao mình lại chả hiểu chút gì về những vấn đề ấy... Người tự trọng cảm thấy rất khó ở khi nhận ra những lỗ hổng trong tri thức của mình. Người tự trọng luôn muốn được đánh giá khách quan và vui sướng nhất là khi tự đối diện với mình, mình nhận ra rằng mình quả thực cũng không đến nỗi tệ!

- Sống được yên ổn với lương tâm của mình là niềm vui lớn nhất của người tự trọng.

- Cũng có những người không bao giờ biết tự đánh giá mình mà chỉ đánh giá mình thông qua những lời nhận xét hay thái độ của người khác đối với mình. Tôi có một người quen, anh này hay bảo tôi, ông cứ cậy ông tài nên ông coi thường tôi, anh em ở cơ quan tôi họ phục tôi lắm! Tôi mới hỏi: Làm cách nào mà ông bảo rằng anh em họ phục ông? Anh ấy đáp: Khi tôi đứng nói trên diễn đàn, nhìn xuống, tôi thấy mọi người ghi chép lia lịa và cứ gật gù suốt... Tôi mới cười phá lên và bảo: Thế là ông chưa gặp nhà thơ Huy Cận rồi!

- Chuyện về nhà thơ Huy Cận như thế nào ạ?

- Hồi cùng làm ở Bộ VHTT, trong cuộc họp nào tôi cũng thấy ông Huy Cận ngồi ghi chép rất chăm chỉ, thỉnh thoảnh lại còn ngẩng mặt lên nhìn diễn giả và gật gật đầu tỏ vẻ đồng tình. Tôi mới lấy làm lạ, ông Huy Cận là một nhà thơ tầm cỡ như thế, trí tuệ như thế, trong khi diễn giả lại toàn nói những điều chẳng mấy quan trọng, việc gì ông lại phải chép cẩn thận như vậy? Một bận, tôi mới tìm cớ để đi sát sau lưng nhà thơ và nhòm vào sổ: giời ạ, hoá ra là ông ấy ngồi làm thơ, mỗi khi phải suy nghĩ về ý tứ thì lại làm bộ như nhìn diễn giả... Khi tôi bảo, anh Huy Cận ơi, sao anh làm thơ trong hội nghị, thì ông ấy cười nói: Ối dào, thì “hắn” nói có gì mới đâu, 5 năm trước mình đã thấy “hắn” nói như thế, nghe làm gì, ghi làm gì?! Một số vị thủ trưởng hay bị ngộ nhận về mình nên cấp dưới cũng phải “ra chiêu” loè lại: mặc dù “sếp” nói cũng bình thường thôi, chẳng có gì mới nhưng nghe xong rồi vẫn lên cảm ơn “những chỉ đạo cực kỳ sâu sắc”(?!). Chúng ta thực ra rất hay loè nhau!

- Xin cảm ơn GS Đình Quang!

H.T.Q.
.
.