Đạo diễn Mai Lộc: Những trường đoạn hành động trong cuộc đời
- Đạo diễn Lê Quý Dương đưa thái hậu Dương Vân Nga lên sân khấu
- Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Người mê phim cổ trang
Ông đến với điện ảnh từ tình yêu thuần túy. Lớn lên ở Sài Gòn, được xem phim phương Tây, ông và các bạn ước mơ làm phim Việt. Nhưng Sài Gòn dạo đó, đầy lính Tây và Nhật. Ông chứng kiến cảnh một sỹ quan Nhật cầm kiếm chém lính Tây trong một tiệm rượu bên Khánh Hội chỉ vì tranh nhau một gái bán bar. Ông ghét Nhật. Nhưng có lần, ông buộc phải đụng đầu với Nhật. Đó là một hôm, ông đến tìm Khương Mễ, một bạn thân trong đoàn kịch ở quận 1.
Tình cờ, ông gặp một người Nhật, biết tiếng Việt, đang nói chuyện với một nhóm thanh niên ta ở góc phòng. Ông cũng tham gia. Nhân đó, ông hỏi: “Chừng nào người Nhật các ông về nước?”. Tay này đáp: “Chừng nào mặt trời mọc ở hướng Tây”. “Lâu quá!”, ông trả lời. Mọi người cười ầm. Hắn ta khẳng định: “Chúng tôi qua đây là đại phước cho Annam”. Mai Lộc lại tiếp luôn: “Đại phước đâu chưa thấy, trước mắt, kỹ nghệ làm lược ế, vì người Nhật trọc đầu”.
Một cảnh trong phim tài liệu “Trận Mộc Hóa” (1947). |
Không ngờ lời đùa vui làm cho tên Nhật nổi giận. Hắn đứng dậy, đấm thẳng vào Mai Lộc. Ông né sang bên làm hắn ngã chúi xuống bàn. Với bản năng tự vệ, hơn nữa, vì bị xúc phạm thân thể, Mai Lộc bèn đạp hắn lọt tuốt xuống cầu thang. Rồi ông vội chạy đến một khách sạn ẩn nấp, chờ tối mới dám về.
Bấy giờ, trong lòng chàng thanh niên Mai Lộc còn có sự mất mát lớn hơn. Đó là ước mơ được đi theo thiên tài Charlie Chaplin đã tắt ngấm. Nhìn những người làm phim Việt lớp trước như Đàm Quang Thiện, Asia Film, Antoine Giàu… đều thất bại. Lớp trẻ như Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn… tính dựa vào Nhật để làm nghệ thuật điện ảnh cho dân mình cũng không có tia hy vọng. Nhưng cũng chính trong thời gian này, phong trào thanh niên, sinh viên Sài Gòn lên cao. Những ngày 25-8 và mùng 2-9-1945 đã chỉ chàng thanh niên Mai Lộc một hướng đi mới. Ông tìm được con đường của mình. Và tìm được chính mình.
Ông giã từ Sài Gòn, ra chiến khu. Với chiếc máy ảnh, ông ghi lại những cảnh sinh hoạt và chiến đấu của những người Vệ Quốc đoàn Khu 8. Rồi ông triển lãm ảnh tại chiến trường Đồng Tháp Mười. Triển lãm này thu hút rất đông công chúng, sau đó bị trúng bom. Nhưng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Khu 8, đã nhìn thấy sức mạnh của nghệ thuật trong chiến tranh. Ông quyết định thành lập Bộ phận Điện ảnh và Nhiếp ảnh Khu 8. Đó là dịp 2-9-1947. Và Mai Lộc làm nhiệm vụ quay phim từ dạo ấy.
Trận quay phim đầu tiên của Mai Lộc là quay một trận đánh trên đường sắt. Ông dùng máy Kodak - 16 do Khương Mễ mua ở Sài Gòn, gửi ra. Một đơn vị của ta mai phục đoàn xe lửa của địch trên tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Chỗ phục kích cách ga Tân Hiệp chừng 600 mét. Bốt Tân Hiệp của địch cũng gần đó. Khoảng 8 giờ sáng, đoàn tàu sẽ qua. Bộ đội và Mai Lộc phải hành quân từ đêm, bí mật chiếm cứ vị trí. Đi phụ cho Mai Lộc có một trung đội trưởng. Cả đêm, họ không ngủ. Nhìn sao. Nghe gà gáy. Rạng sáng. Làng xóm hiện dần. Và còi xe lửa vẳng tới. Rung chuyển cả người Mai Lộc. Ông kể, tôi rất hồi hộp. Vì đây là lần quay phim đầu tiên. Vì đây cũng có lẽ là lần đầu quay phim cách mạng ở Nam Bộ.
Khi xe lửa tới, Mai Lộc chồm lên, rướn cao mình trên mô đất, chĩa máy quay phim về phía đoàn xe lửa đang rầm rầm lao tới và bấm máy. Một tiếng nổ kinh hồn như vỡ tung cả mặt đất. Đoàn xe lửa lật ngang. Tiếng súng địch phản kích nổ ran. Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn. Mai Lộc say sưa quay những thước phim đắt giá, đến lúc ưng ý ông sung sướng cho chiếc máy quay vào túi và gật đầu ra hiệu cho trung đội trưởng là đã quay tốt. Lệnh rút lui. Anh em men theo bờ đất lẫn trong rặng trâm bầu rút ra tuyến sau thì bất ngờ, một trái đại bác của địch nổ gần bên cạnh. Mai Lộc dính mảnh vào đùi, rớt xuống dòng mương cùng túi đồ nghề và máy quay phim. Bọn địch truy lùng. Nhanh như chớp, anh trung đội trưởng phải cõng Mai Lộc luồn lách qua những con đường quanh co và đến tối mới về đến viện quân y.
Về đến hậu cứ an toàn, ông ngao ngán thất vọng vì máy quay và phim đều bị thấm nước. Ông bảo, trận đánh thắng lợi, nhưng mình… thì thua. Không sao cả, với ông lúc ấy trong đầu bật lên ý chí: “Thua keo này, ta bày keo khác”. Cơ hội còn nhiều.
Ra viện, qua trận sau, ông lại ôm máy, đi quay trực tiếp các chiến sĩ Tiểu đoàn 307 huyền thoại đánh trận Mộc Hoá. Lần này ông quay bằng máy Paillard Bolex 16 ly. Đó là một đồn địch, kiểm soát cả vùng Tây Nam Đồng Tháp Mười. Theo lệ thường, sau khi chào cờ, bọn địch xông ra đường cái, truy lùng du kích. Nhưng hôm đó, chúng sa vào ổ phục của Tiểu đoàn 307. Mai Lộc chĩa máy quay phim về phía bộ đội ta đang xung phong trên đường.
Trận đánh khốc liệt đã diễn ra. Tên đồn trưởng Bertrand hoảng sợ, giơ tay hàng. Mặt hắn chảy đầm đìa máu, nhưng hắn không hay biết vì ngạc nhiên nghe thấy tiếng máy quay phim rè rè bên cạnh. Hắn không thể tưởng tượng đối phương ra trận còn có cả máy quay phim nữa. Kỳ lạ quá. Không những thế, Mai Lộc còn quay được cảnh một tên Pháp, không bị thương, nhưng lên cơn động kinh, co giật và nhiều trường đoạn đắt giá khác.
Ngay sau đó, bọn Pháp tăng quân chi viện. Bộ đội nằm phục tại chỗ, sẵn sàng đánh trả. Và, Mai Lộc luôn phải đứng để quan sát địch từ hướng nào. Trước mặt ông là mịt mùng lau sậy. Nếu là người chụp ảnh, ông chỉ cần nhô người lên trong tích tắc là có thể chụp được một pha xung phong. Nhưng với máy quay phim, ông phải đứng thẳng để bấm máy. Nhìn từ xa, bọn địch tạo thành một vệt dài như đàn trâu di chuyển. Vừa đi, bọn địch vừa vãi đạn như mưa dọc hai bên đường, la hét ầm ĩ.
Chi tiết này, không thể bỏ qua, dù chỉ tích tắc có thể bị phát hiện và trở thành mục tiêu nã đạn của chúng, Mai Lộc vẫn không thể bỏ qua cơ hội “làm nghề”. Người nóng ran, Mai Lộc xách máy, chạy vụt qua anh lính, đến nấp sau một thân cây. Vừa lúc ấy, một tiếng nổ thật lớn. Bọn Pháp giẫm mìn của ta. Ông bấm máy quay, rồi nhanh chóng chạy theo anh em bộ đội đang truy kích. Tiếng đạn xé rít bên tai. Khắp mặt đường mịt mù thuốc súng. Trận đánh ngớt. Ông tiếp tục quay cảnh bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm. Có thể nói, đây chính là những thước phim đã làm nên tên tuổi của Mai Lộc.
Bộ phim được dựng trong điều kiện cực khó khăn. Phòng tráng phim là ghe tam bản với mấy lọ hoá chất. Thùng quấn phim làm bằng thép không rỉ. Nước đá thì chèo ghe sang vùng địch để mua… Rồi bộ phim cũng hoàn thành. Được chiếu tại mặt trận là một sự kiện của điện ảnh tại chiến trường Nam Bộ thời ấy. Một hội trường lớn được dựng trên bờ kinh Dương Văn Dương. Hàng ngàn người đến xem. Không còn chỗ. Bà con tìm đủ cách vào xem. Sáng hôm sau, Mai Lộc chứng kiến, hội trường đêm qua chỉ còn hai mái. Vách, cửa xung quanh đều bị giật tung vì nỗi mê phim của đồng bào.
Năm 1951, ông được lệnh ra Bắc để xây dựng điện ảnh kháng chiến.
Năm 1963, ông lại nhận lệnh vào miền Nam để xây dựng điện ảnh Nam Bộ, thành lập Xưởng phim Giải phóng. Ông đã cùng những nghệ sĩ như Nguyễn Hiền, Cao Thành Nhơn, Vũ Sơn… đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho nghệ thuật thứ 7 còn non trẻ tại chiến trường gian lao mà anh dũng. Ông góp ý, nâng cao chất lượng những thước phim của các đồng nghiệp mà sau này có tên tuổi như Hồng Sến, An Như Sơn, Trần Nhu…; rồi đào tạo những nghệ sĩ trẻ như Lê Văn Duy, Lê Dũng…
Ngoài những công việc thiết thực và cấp bách này ông vẫn nuôi ý tưởng sáng tác. Ông muốn làm bộ phim chính luận về cuộc chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, trục chính là dòng Mekong. Ông bàn với cấp trên, đóng giả một Việt kiều từ Campuchia chạy loạn thời Lon Nol về nước. Ông muốn thâm nhập thực tế Sài Gòn để mua phim tư liệu điện ảnh mà đối phương quay về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ông Lưu Hữu Phước và ông Nguyễn Văn Linh đồng ý. Cuộc hành trình mạo hiểm bắt đầu. Đó là một buổi sáng đẹp trời đầu mùa thu năm 1971.
Ông ra Châu Đốc, đến Ty cảnh sát làm thẻ căn cước, mang tên mới là Lê Văn Ba, sinh tại Preyveng (Campuchia), làm nghề bán cá. Một Cục trưởng điện ảnh miền Nam đóng vai này không phải dễ. Ông phải học thuộc lòng tên và hình dạng các loại cá, sinh sống ở đâu, giá cả thế nào… để “nhập vai” chỉn chu. Rời trạm giao liên cuối cùng, trên chiếc xuồng máy, ông cập bến Tân Châu. Ghé bến xe Châu Đốc, mua vé đi Cần Thơ. Ngồi trên xe đò, một sơ hở khiến ông lo lắng. Người hành khách ngồi bên, nhắc ông lấy lại giờ đồng hồ. (Thời đó, giờ Sài Gòn chậm hơn giờ Hà Nội một tiếng). Ông giả đò bảo đồng hồ chết máy, giờ lấy lại. Toát cả mồ hôi.
Khi đến Long Xuyên, người khách đó xuống xe, ông vẫn còn hồi hộp. Mãi đến Cần Thơ, ông mới yên tâm. Khi gặp được cô giao liên, ngồi cùng xe, đưa ông từ Cần Thơ lên Sài Gòn, nói thật lúc ấy ông mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Thành phố sau 25 năm xa cách, giờ gặp lại. Sài Gòn thay đổi quá nhiều khiến ông thành người xa lạ. Ông tìm đến một nhà cơ sở cách mạng là gia đình ông Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Bấy giờ ông Thanh Nghị lại có người em ruột là Hoàng Trọng Miêu, một người hoạt động văn hoá ở Sài Gòn. Ông Mai Lộc trong vai một Việt kiều Campuchia muốn hùn vốn làm phim. Ông Miêu bố trí cho Mai Lộc gặp những nhà làm phim đang có tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ như đạo diễn Thân Trọng Kỳ, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc… Ông được đạo diễn này mời xem phim “Người tình không chân dung”. Bộ phim kể về một nữ phát thanh viên, đi tìm người tình là lính chiến. Tìm mãi. Nhưng khi tìm được, thì người lính đó bị thương, băng bó đầy mình, không thấy được chân dung. Ông còn gặp đạo diễn Đỗ Hiếu Đức, được xem phim “Vết thù trên lưng ngựa hoang” của Lê Hoàng Hoa, được dự những chương trình văn nghệ của sinh viên, đấu tranh chống văn hóa lai căng…
Rồi ông còn theo người thân đi thâm nhập miền Trung, ra Cam Ranh, Nha Trang… Ông gặp những sỹ quan Việt Nam Cộng hòa vừa bại trận trong chiến dịch Lam Sơn 719… Thực tế qua chuyến đi đã giúp ông rất nhiều trong việc tham mưu cho lãnh đạo có những quyết sách đúng đắn sau này.
Sau chuyến đi này, mùa thu năm 1974, ông được ra Hà Nội. Gặp lại vợ con sau 12 năm xa cách. Lúc đi, con trai ông mới lên 5. Giờ nó đã là một chàng trai 17 tuổi. Ông thầm cảm ơn người vợ, tần tảo thay chồng chăm con trên cả chặng đường dài đầy rẫy chông gai. Rồi đầu năm 1975, ông lại được cử vào Nam để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Những chuyến đi dọc đất nước thân yêu bắt đầu bằng những hành động quả cảm của một thanh niên yêu nước, yêu dân tộc. Và cuộc đời ông gắn với nhân dân, trưởng thành cùng những bước đường cách mạng. Đó là một cuộc đời hạnh phúc.